Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran và tác động tới Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2015-07-19
Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran và tác động tới Bắc Triều Tiên

Nhóm P5+1 (bao gồm năm nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) đã ký kết thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran vào hôm 14/7 tại Vienna (Áo), kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 13 năm qua.

Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ hoan nghênh việc các cường quốc đã đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Tehran, đồng thời hy vọng rằng vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng có thể đạt được bước tiến ý nghĩa thông qua đàm phán với các nước liên quan tương tự như Iran.

Bình luận của Chính phủ Hàn Quốc
Trong tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ hoan nghênh kết quả của đàm phán hạt nhân Iran hôm 14/7. Bản tuyên bố có nội dung rằng do Iran đã thực hiện đúng các điều chỉnh như nội dung thảo luận nên mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình phát triển hạt nhân của nước này đã được giải tỏa. Seoul kỳ vọng rằng kết quả này sẽ góp phần ổn định hòa bình khu vực, tăng cường phi hạt nhân hóa trên toàn thế giới.

Nội dung bản tuyên bố còn nhấn mạnh rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ trong phạm vi có thể để thực thi thỏa thuận đạt được lần này, đồng thời tích cực sát cánh với nỗ lực phi hạt nhân hóa của cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các hoạt động của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Qua đây, Seoul cũng hối thúc Bình Nhưỡng nhanh chóng đi theo con đường phi hạt nhân hóa dựa trên nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Tuyên bố chung 19/9/2005 đạt được trong đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Hoàn tất thỏa thuận hạt nhân Iran
Trưởng đoàn đàm phán của sáu cường quốc đã mở cuộc họp báo tại Vienna (Áo) vào hôm 14/7 để công bố về việc đã hoàn tất thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran. Theo đó, mối đe dọa hạt nhân Iran từng bị thổi bùng lên từ 13 năm trước đã được khép lại thông qua đàm phán ngoại giao. Vào tháng 8 năm 2002, một tổ chức phản đối Chính phủ Iran đã hé lộ thông tin về sự tồn tại của các cơ sở làm giàu uranium bí mật của Tehran.

Trọng tâm trong đàm phán hạt nhân Iran là việc thanh sát các hoạt động và cơ sở hạt nhân của nước này. Kết quả thỏa thuận đạt được là IAEA sẽ có thể tiếp cận tất cả các cơ sở hạt nhân bị nghi vấn, trong đó có cả các cơ sở quân sự với sự nhất trí từ sáu cường quốc trung gian.

Đồng thời, thỏa thuận cũng nêu rõ Iran chỉ được phép nghiên cứu, phát triển công nghệ hạt nhân tập trung vào máy ly tâm kiểu mới tại cơ sở hạt nhân Natanz và bị cấm làm giàu uranium, nghiên cứu, lưu trữ các hóa chất hạt nhân tại cơ sở hạt nhân Fordo mà nước này từng giữ bí mật trước đây. Nồng độ làm giàu uranium bị hạn chế ở mức dưới 3,67% và quy mô dưới 300kg.

Ý nghĩa và ảnh hưởng tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên
Như vậy, Iran đã chọn con đường từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân để phục hồi nền kinh tế. Theo đó hiện trên thế giới chỉ còn lại vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Mỹ đã từng quy ba nước là Cuba, Iran và Bắc Triều Tiên vào danh sách “các nước thù địch”. Nhưng vừa qua chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau 54 năm, còn đàm phán hạt nhân Iran đã chấm dứt.

Có ý kiến nghi ngờ liệu Iran có thực thi triệt để các nội dung đã thảo luận hay không trước sự phản đối quyết liệt của phe bảo thủ trong nội bộ nước Mỹ và từ phía Israel. Tuy nhiên, nếu xét tới lập trường của Washington về tính cấp thiết phải hồi sinh nền kinh tế Iran thì có thể thấy triển vọng của vấn đề hạt nhân Tehran là khá tích cực.

Điều này có thể sẽ tác động tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Trước hết, giờ đây Mỹ đã có thể chuyển hướng quan tâm sang vấn đề hạt nhân miền Bắc. Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ nắm bắt xu thế và tấm gương từ Iran để lựa chọn một hướng đi mới.

Tất nhiên, tình hình của Bình Nhưỡng và Tehran là hoàn toàn khác nhau. Quá trình phát triển hạt nhân của Iran vẫn chưa đạt tới giai đoạn sản xuất được vũ khí hạt nhân, nhưng Bắc Triều Tiên thì đã tuyên bố là nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, trong khi lệnh cấm vận kinh tế tác động nghiêm trọng tới Iran, một quốc gia sản xuất dầu mỏ, thì ảnh hưởng tới Bắc Triều Tiên lại không lớn bằng. Thêm vào đó, Bắc Triều Tiên còn bất ngờ phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, lén lút triển khai phát triển hạt nhân, làm mất đi niềm tin của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có phân tích rằng, Iran sẽ trở thành một hình mẫu về kết quả của việc cộng đồng quốc tế cùng chung sức, vừa cấm vận kinh tế vừa đối thoại. Điều này có thể tác động tích cực đến quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, việc tiếp tục cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài và thi hành chính sách thù địch với Mỹ sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho Bắc Triều Tiên. Do đó, con đường khả quan nhất cho nước này chính là tiếp nối Iran, thỏa hiệp với cộng đồng quốc tế để thu về lợi ích cho quốc gia mình.

Tin mới nhất