Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tuyên bố chung Hàn-Mỹ về Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2015-10-25
Tuyên bố chung Hàn-Mỹ về Bắc Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16/10 (theo giờ địa phương) đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington. Hai nhà lãnh đạo đã thông qua "Tuyên bố chung Hàn-Mỹ về Bắc Triều Tiên năm 2015".

Qua tuyên bố này, lãnh đạo hai nước một lần nữa khẳng định lập trường rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc là một bài toán vô cùng cấp thiết và bày tỏ quyết tâm vững chắc của Seoul và Washington.

Vấn đề hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng
Tuyên bố chung Hàn-Mỹ có nội dung Hàn Quốc và Mỹ không thừa nhận Bắc Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân, không có chính sách đối địch với Bình Nhưỡng và nếu nước này giải trừ hạt nhân và tên lửa thì một tương lai tương sáng đang sẵn sàng phía trước.

Tiếp đó, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh vấn đề hạt nhân miền Bắc mang tính cấp thiết tột bậc và ý chí vững chắc của Seoul và Washington trong giải quyết vấn đề này.

Tổng thống Park và Tổng thống Obama cho rằng việc Bắc Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo là vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc, cảnh cáo nếu nước này phóng tên lửa đạn đạo hoặc thử nghiệm hạt nhân thì sẽ phải chịu trừng phạt từ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định việc Bắc Triều Tiên phải tiến hành giải trừ hạt nhân một cách toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Tuyên bố chung Hàn-Mỹ cũng chỉ trích chính sách phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế của Bắc Triều Tiên, nhấn mạnh rằng nước này sẽ không thể làm vậy lâu dài được. Việc tuyên bố chung khẳng định không giữ các chính sách thù địch đối với miền Bắc vừa nhằm phủ nhận danh nghĩa theo đuổi hạt nhân của Bình Nhưỡng, vừa để ngỏ khả năng Seoul và Washington có thể đối thoại với nước này.

Tuyên bố còn nói rằng Hàn Quốc và Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với các nước để đưa Bắc Triều Tiên trở lại đối thoại một cách tin cậy và có ý nghĩa.

Tuyên bố cũng nêu rõ Seoul và Wasington đã chuẩn bị sẵn sàng để mở ra một tương lai tương sáng cho Bắc Triều Tiên và sẽ tích cực hỗ trợ nước này giải trừ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ và vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên
Vấn đề thống nhất bán đảo Hàn Quốc đã được nâng tầm, trở thành một nghị sự quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ và qua đây lãnh đạo hai nước đã chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho việc thống nhất hai miền Nam-Bắc.

Trong tuyên bố chung, Mỹ bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn trong Sáng kiến thống nhất hòa bình, hay còn gọi là “Tuyên bố Dresden”, được Tổng thống Park Geun-hye đưa ra sau khi bà được trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden (Đức) trao bằng Tiến sỹ luật danh dự ngày 28/3 năm nay. Hai nước Hàn-Mỹ tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác chiến lược cấp cao song phương nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình và thống nhất bán đảo Hàn Quốc.

Tuyên bố chung cũng cam kết Seoul và Washington sẽ nỗ lực để cải thiện tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, nâng cao đời sống người dân nước này.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Hàn Quốc và Mỹ thông qua một tuyên bố chỉ về vấn đề Bắc Triều Tiên và hạt nhân của nước này. Về điều này, cố vấn ngoại giao và an ninh Phủ Tổng thống Hàn Quốc Ju Chul-ki đã khẳng định thêm ý nghĩa của tuyên bố chung khi cho rằng văn kiện này đã cho thấy Seoul và Washington rất coi trọng các vấn đề Bắc Triều Tiên, trong đó có vấn đề hạt nhân về phương diện chính sách.

Đàm phán hạt nhân sáu bên nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên đã không hề có động tĩnh gì kể từ cuối năm 2008 cho tới nay. Trong khi đó, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama không còn kéo dài bao lâu nữa, nên có ý kiến phân tích rằng có thể vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng sẽ bị đẩy sang đời Tổng thống Mỹ tiếp theo. Tuy nhiên, Tuyên bố chung Hàn-Mỹ vừa qua khẳng định về “tính cấp thiết tột bậc” và “quyết tâm mạnh mẽ” của hai nước đã dập tắt những nghi ngờ trên.

Gần đây quan hệ Trung-Triều đang cho thấy một số dấu hiệu hồi phục nhất định, khiến có nhận định tích cực cho rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ kiềm chế khiêu khích. Trong tình hình đó, Seoul và Washington thông qua tuyên bố chung có nội dung sẽ giải quyết một cách tích cực vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, có ý kiến chỉ ra rằng hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ vừa qua vẫn chưa đưa ra được đối sách cụ thể để kéo Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đối thoại. Do đó, liệu đối thoại về hạt nhân Bình Nhưỡng có được nối lại hay không sẽ còn phụ thuộc vào tiến triển quan hệ liên Triều và phương hướng quan hệ ba nước Đông Á Hàn-Trung-Nhật.

Tin mới nhất