Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật

Tin nổi bật trong tuần2015-10-25
Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani đã có cuộc họp vào hôm 20/10 tại Seoul để thảo luận về tình hình an ninh bán đảo Hàn Quốc, trong đó có các động thái của Bắc Triều Tiên.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nói phương châm của Chính phủ Tokyo là hoạt động của Lực lượng phòng vệ nước này tại lãnh thổ một quốc gia khác, phải được sự đồng ý của quốc gia đó theo luật pháp quốc tế. Nhưng ông này lại tránh đề cập tới hoạt động của Lực lượng phòng vệ đối với Bắc Triều Tiên.



Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật

Trong hội đàm lần này, mối quan tâm lớn nhất của dư luận chính là gói luật an ninh Nhật Bản được Quốc hội nước này thông qua vào hôm 19/9 ảnh hưởng thế nào tới bán đảo Hàn Quốc.



Bộ trưởng Nakatani nói chủ trương của Tokyo là duy trì khuôn khổ cơ bản trong quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật” dựa trên Phương hướng hợp tác phòng thủ Mỹ-Nhật sửa đổi vào tháng 4 vừa qua và giữ vững nguyên tắc “chuyên phòng thủ” được quy định tại điều 9 Hiến pháp Hòa bình, có nghĩa là Tokyo chỉ được dùng vũ lực với mục đích phòng thủ.



Ông Nakatani nói các hoạt động của Tokyo sẽ phải đi theo phương hướng góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực Đông Bắc Á, trong đó bao gồm cả bán đảo Hàn Quốc.



Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng đã đề cập đến tính cần thiết của việc ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật và Hiệp định thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA). Tuy nhiên Seoul đã khước từ đề nghị này của Tokyo. Bộ trưởng Han Min-koo nói những hiệp định trên phải nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội và người dân Hàn Quốc trước và phụ thuộc vào nền tảng tin tưởng giữa hai bên.



Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và ảnh hưởng tới bán đảo Hàn Quốc.

Hai bên đã ra thông cáo báo chí chung sau hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Hàn-Nhật hôm 20/10. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố một văn kiện có ghi rõ về hoạt động của Lực lượng phòng vệ nước này với quốc gia khác kể từ sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua gói luật an ninh.



Trước tiên, hai bên đồng quan điểm rằng trong trường hợp nguy cấp nếu Lực lượng phòng vệ Nhật Bản muốn tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc thì Tokyo phải xin phép Seoul. Cả Nhật Bản và Mỹ đều đồng ý với lập trường nhất quán này của Chính phủ Hàn Quốc.



Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Bắc Triều Tiên. Hiến pháp Hàn Quốc ghi rõ miền Bắc thuộc lãnh thổ của Hàn Quốc nên nếu Tokyo muốn tiến vào Bắc Triều Tiên thì cũng phải có sự chấp thuận của Seoul.



Về điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản chỉ đề cập một cách mơ hồ rằng sẽ hợp tác với Hàn Quốc và Mỹ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc phân tích phát biểu này hàm ý Tokyo phải có được sự nhất trí với Seoul và Washington thì Lực lượng phòng vệ nước này mới có thể tiến vào Bình Nhưỡng.



Tuy nhiên một số chuyên gia lại chỉ trích đây là chỉ phân tích chủ quan của Bộ Quốc phòng. Bởi nếu Mỹ và Nhật Bản lấy lý do tác chiến chung giữa hai nước để yêu cầu quyết liệt về việc cho Lực lượng phòng vệ Nhật tiến vào Bắc Triều Tiên thì dù Chính phủ Hàn Quốc có phản đối vì ảnh hưởng tới lợi ích của mình nhưng sẽ có thể xảy ra tình huống bất đắc dĩ.



Hợp tác quân sự Hàn-Nhật

Mặc dù vướng phải vấn đề nhạy cảm là hoạt động của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên bán đảo Hàn Quốc, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng Seoul và Tokyo cần đẩy mạnh hợp tác quân sự song phương. Đó là bởi Nhật Bản thì mong muốn kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc, đối phó với uy hiếp hạt nhân Bắc Triều Tiên, còn đối với Hàn Quốc thì hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật là điều thiết yếu.



Chính bởi thế mà nhiều hoạt động giao lưu quân sự vẫn đang diễn ra bất chấp quan hệ giữa hai nước đang đóng băng. Nhiều nhân sự cấp cao của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nối tiếp nhau tới thăm Hàn Quốc, còn Seoul cũng đã cử tàu chiến tham dự lễ duyệt binh trên biển của hải quân Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu các vấn đề nhạy cảm như việc Nhật Bản theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc quân sự, hay về hoạt động của Lực lượng phòng vệ nước này trên bán đảo Hàn Quốc không được giải quyết một cách khôn khéo thì những giao lưu quân sự giữa hai nước sẽ chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Tin mới nhất