Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ Nhật Bản tìm biện pháp khôi phục lại “quyền tự vệ tập thể” trong Hiến pháp

Tin nổi bật trong tuần2013-08-18
Chính phủ Nhật Bản tìm biện pháp khôi phục lại “quyền tự vệ tập thể” trong Hiến pháp

Chính phủ Nhật Bản đã chính thức cho biết lập trường xúc tiến giải nghĩa lại nội dung trong Hiến pháp để khôi phục và thực hiện “quyền tự vệ tập thể”. Hôm 13/8 trong thư trả lời các câu hỏi được nghị sĩ đảng Dân chủ Nhật Bản Kiyomi Tsujimoto đưa ra trước đó, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn xem xét lại vấn đề giải nghĩa Hiến pháp liên quan đến “quyền tự vệ tập thể” dựa trên kết quả cuộc họp Hội đồng chuyên gia về vấn đề này.

Giải nghĩa lại
Hội đồng chuyên gia được nói đến ở đây là cơ chế có nhiệm vụ xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo an ninh do ông Shinzo Abe thiết lập. Hội đồng sẽ hoàn thành báo cáo vào mùa thu năm nay, xem xét phương án thực hiện “quyền tự vệ tập thể” không hạn chế tình huống đặc biệt và các quốc gia liên quan. “Quyền tự vệ tập thể” là quyền của một quốc gia có thể phản công lại trước những đòn tấn công nhắm tới các nước đồng mình dù nước mình không chịu công kích. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2006 đến năm 2007, Hội đồng này đã đưa ra báo cáo về bốn trường hợp cần thiết phải thực hiện “quyền tự vệ tập thể” là đánh chặn tên lửa đạn đạo bắn về phía Mỹ, bảo vệ chiến hạm của Mỹ ngoài biển khơi, bảo vệ quân đội của các nước khác đang cùng hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hỗ trợ hậu phương cho quân đội nước khác trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nói một cách khác, Hội đồng nêu rõ cần phải giải nghĩa lại “quyền tự vệ tập thể” trong Hiến pháp đối với bốn trường hợp trên. Tuy nhiên, báo cáo lần này dự kiến không chỉ dừng lại ở bốn trường hợp trên mà còn thực hiện “quyền tự vệ tập thể” trong bất kỳ trường hợp nào, nghĩa là xóa bỏ hạn chế đối với “quyền tự vệ tập thể”. Dự kiến, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chính thức tuyên bố giải nghĩa lại Hiến pháp liên quan đến “quyền tự vệ tập thể” trong năm 2013 trên cơ sở nội dung báo cáo của hội đồng chuyên gia.

Lo ngại và triển vọng
Giải nghĩa lại nội dung Hiến pháp là vấn đề rất quan trọng đối với các nước láng giềng của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế vì nó liên quan trực tiếp đến Điều 9, điều khoản trọng tâm của Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản quy định nước này từ bỏ chiến tranh, không sở hữu hay duy trì lực lượng quân đội cũng như không tham chiến. Nội các của ông Abe đưa ra lý do xúc tiến việc khôi phục lại “quyền tự vệ tập thể” là để đảm bảo an toàn cho Nhật Bản, đồng thời phục vụ và đóng góp cho hòa bình, ổn định của đồng minh Mỹ-Nhật cũng như khu vực dựa trên những thay đổi về môi trường an ninh trong cộng đồng quốc tế. Vấn đề ở đây là việc thực hiện “quyền tự vệ tập thể” là vì ai, vì cái gì, tại sao cần thực hiện quyền này lại không rõ ràng. Thủ tướng Abe đang lái dư luận theo hướng “quyền tự vệ tập thể” rất cần cho việc phòng thủ của Nhật Bản, nhưng có nhận định cho rằng nếu vì sự an toàn và phòng vệ cho Nhật Bản thì chỉ cần đến quyền tự vệ riêng và Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật là đủ. Do đó, người ta nghi ngờ đây là ý đồ nhằm biến Nhật Bản trở thành một quốc gia quân sự hùng mạnh. Nói một cách khác, nếu có thể thực hiện “quyền tự vệ tập thể”, từ một nước không được phép tham gia chiến tranh, Nhật Bản sẽ trở thành một nước có thể tham gia bất kỳ cuộc chiến nào. Kết quả là quốc gia này sẽ dần trở thành một cường quốc quân sự. Vấn đề lớn nhất là việc Chính phủ Nhật Bản đơn phương xúc tiến “quyền tự vệ tập thể” mà không thông qua kênh ngoại giao giữa nước này với Hàn Quốc và Trung Quốc một cách bình thường. Nhân tố này ngày càng làm xấu đi quan hệ giữa Tokyo với Seoul và Bắc Kinh vốn đang nguội lạnh do các vấn đề về lịch sử quá khứ và chủ quyền lãnh thổ. Việc làm của Chính phủ Nhật Bản có thể tác động đến Trung Quốc và gây nên cuộc cạnh tranh quân sự tại khu vực Đông Bắc Á. Điều này có thể sẽ khiến cho tình hình an ninh của Nhật Bản sẽ ngày càng trở nên bất ổn.

Tin mới nhất