Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Quốc hội Mỹ điều trần về Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi của Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2021-04-24

ⓒYONHAP News

Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, một ủy ban có sự tham gia đông đảo của các nghị sĩ hai đảng lớn thuộc Quốc hội Mỹ, ngày 15/4 (giờ địa phương) đã mở phiên điều trần về Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi của Hàn Quốc.

 

Lập trường của chính giới Mỹ

Luật phát triển quan hệ liên Triều của Hàn Quốc được thực thi từ ngày 30/3, với nội dung cấm các hành vi phát loa phóng thanh hoặc rải truyền đơn sang Bắc Triều Tiên ở gần ranh giới quân sự liên Triều, nhằm bảo vệ tính mạng, sự an toàn của người dân khu vực biên giới. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tù tối đa ba năm hoặc 30 triệu won (26.800 USD) tiền phạt.

 

Kể từ sau khi Quốc hội Hàn Quốc thông qua Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi vào tháng 12 năm ngoái, nội bộ chính giới Mỹ đã nêu ra nhiều ý kiến chỉ trích rằng nội dung sửa đổi xâm hại quyền tự do ngôn luận. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos là Hạ nghị sĩ Chris Smith (đảng Cộng hòa) đã xúc tiến tổ chức phiên điều trần này. Việc một ủy ban thuộc Quốc hội Mỹ mở phiên điều trần thảo luận về vấn đề nhân quyền tại Hàn Quốc là điều cực kỳ hiếm thấy. Trong suốt phiên điều trần, có một số ý kiến đồng tình với mục đích sửa đổi Luật phát triển quan hệ liên Triều của Hàn Quốc, nhưng phần lớn ý kiến còn lại lên án nội dung sửa đổi. Đặc biệt, đồng Chủ tịch Ủy ban, nghị sĩ James McGovern (đảng Cộng hòa) đã trình bày về lập trường của các tổ chức nhân quyền, cho rằng nội dung sửa đổi đã xâm hại tới quyền tự do ngôn luận. Cá nhân ông hy vọng rằng Quốc hội Hàn Quốc sẽ sửa đổi lại luật này. Mặt khác, nghị sĩ Smith còn chỉ trích Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã đi quá giới hạn về quyền lực, thông qua một dự luật cản trở quyền tự do ngôn luận, gây phiền nhiễu cho các tổ chức dân sự hoạt động liên quan tới Bắc Triều Tiên.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Phiên điều trần lần này là “lát cắt” thể hiện rõ đường lối của Mỹ dưới nhiệm kỳ Chính phủ Tổng thống Joe Biden. Chính phủ Biden rất coi trọng hai vấn đề nhân quyền và môi trường, hoàn toàn khác với người tiền nhiệm Donald Trump đặt lợi ích kinh tế cao hơn nhân quyền. Bản thân việc Quốc hội Mỹ tổ chức riêng một phiên điều trần thảo luận về Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi của Hàn Quốc đã thể hiện rõ làn sóng phản đối tại Mỹ. Mặc dù Chính phủ Seoul đã tích cực giải thích rằng việc cấm hành vi rải truyền đơn là biện pháp bất khả kháng nhằm bảo vệ tính mạng người dân tại khu vực biên giới trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc đang bị chia cắt, nhưng Mỹ vẫn coi luật sửa đổi đã xâm hại quyền tự do ngôn luận, cản trở người dân miền Bắc được tiếp cận thông tin bên ngoài.

 

Trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/4 đưa ra lập trường rằng Washington tin tưởng một quốc gia dân chủ có bộ máy tư pháp độc lập và vững mạnh như Hàn Quốc sẽ có đủ công cụ để tái xem xét lại luật này.

 

Dư luận Hàn Quốc

Dư luận Hàn Quốc có nhiều ý kiến đối lập. Một số ý kiến phản đối Luật phát triển quan hệ liên Triều sửa đổi, cho rằng việc cấm rải truyền đơn sang miền Bắc là xâm hại quyền tự do ngôn luận, nhân quyền, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã tạo ra một điều luật nhằm “đàn áp” các tổ chức dân sự, dò xét Bắc Triều Tiên. Ngược lại, một số ý kiến lại tán thành việc cấm rải truyền đơn sang miền Bắc bởi việc rải truyền đơn đã vượt khỏi mục đích ban đầu, trở thành một hành động đầy khiêu khích với Bắc Triều Tiên. Các tổ chức dân sự thường sử dụng bóng bay cỡ lớn để chứa truyền đơn, thả sang miền Bắc, trong quá trình này dẫn tới xung đột với người dân sống tại khu vực biên giới. Hơn nữa, từng xảy ra trường hợp Bắc Triều Tiên nổ súng bắn vào bóng bay, đe dọa tới sự an toàn. Một điểm đáng chú ý là lần này, chính giới Mỹ còn nêu ra nghi vấn về chủ nghĩa dân chủ tại Hàn Quốc. Do vậy, Luật phát triển quan hệ liên Triều đang phải đối mặt với nhiều sức ép sửa đổi quyết liệt cả ở trong và ngoài nước.

Tin mới nhất