Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Quan hệ Mỹ-Triều, liên Triều đứng trước thử thách mới

Tin nổi bật trong tuần2021-05-08

ⓒYONHAP News

Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã công bố đường lối chính sách mới với Bắc Triều Tiên. Miền Bắc đã phản đối quyết liệt, đồng thời chỉ trích gay gắt với cả Hàn Quốc, đẩy quan hệ Mỹ-Triều và liên Triều đứng trước những thử thách mới.

 

Đường lối chính sách mới với Bắc Triều Tiên của Mỹ

Sau 100 ngày nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố đường lối chính sách với Bắc Triều Tiên. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 30/4 cho biết Washington đã hoàn tất quá trình xem xét chính sách với Bình Nhưỡng theo hướng “tiếp cận từng bước”, tìm kiếm giải pháp ngoại giao với mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách toàn diện bán đảo Hàn Quốc. Bà Psaki nhấn mạnh Washington sẽ không theo đuổi thỏa thuận lớn như thời cựu Tổng thống Donald Trump, hay chính sách “kiên nhẫn chiến lược” như thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, bà cũng không tiết lộ rõ các phương pháp tiếp cận cụ thể của Chính phủ mới. Chính sách “kiên nhẫn chiến lược” thời cựu Tổng thống Obama bị chỉ trích là đã vô tình tạo điều kiện cho Bình Nhưỡng nâng cao đáng kể năng lực hạt nhân và tên lửa. Trong khi đó, chính sách đàm phán “Top-Down”, từ trên xuống (từ cấp thượng đỉnh tới cấp chuyên viên) của cựu Tổng thống Trump lại bị chỉ trích là một “show diễn ồn ào” nhưng không mang lại kết quả nào. Như vậy, có thể tóm tắt đường lối chính sách mới với Bình Nhưỡng của Chính phủ Biden đó là: giữ nguyên mục tiêu phi hạt nhân hóa một cách toàn diện bán đảo Hàn Quốc, hướng giải quyết vấn đề là qua con đường ngoại giao, và trong quá trình đó, Washington sẽ tuần tự triển khai những đàm phán từ cấp chuyên viên đến những thỏa thuận lớn hơn với Bình Nhưỡng

 

Phản ứng của Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên đã có phản ứng hết sức gay gắt. Chính sách mới của Mỹ với miền Bắc không có đề xuất tích cực nào. Thậm chí, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Biden còn nhấn mạnh về “ngoại giao và răn đe cứng rắn” với Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách liên tiếp nhắc tới vấn đề nhân quyền miền Bắc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price chỉ trích Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia đàn áp, toàn trị nhất thế giới. Đặc biệt, ông Price còn lên án mạnh mẽ việc chính quyền miền Bắc ra lệnh bắn chết người xâm nhập bất hợp pháp ở khu vực biên giới Trung-Triều nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Về điều này, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn, chỉ trích Mỹ đã có động thái khiêu khích chính trị nghiêm trọng, động chạm tới “sự tôn nghiêm tối cao” của nước này khi phê phán biện pháp phòng dịch của miền Bắc là “xâm hại nhân quyền”. Về bài phát biểu của Tổng thống Biden trước Quốc hội, nước này cũng ra tiếp tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Vụ trưởng Vụ các vấn đề với Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Kwon Jong-gun, cảnh báo sẽ đáp trả bằng những biện pháp “tương xứng”, khiến Mỹ phải đối mặt với tình hình rất nghiêm trọng.

 

Triển vọng quan hệ liên Triều, Mỹ-Triều

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn ra tiếp tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động, chỉ trích Chính phủ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức dân sự miền Nam rải truyền đơn sang nước này, cảnh cáo sẽ xem xét hành động đáp trả “tương xứng”. Việc Bắc Triều Tiên ra một loạt tuyên bố với lời lẽ gay gắt nhắm vào Mỹ và Hàn Quốc cho thấy tình hình bán đảo Hàn Quốc sẽ khó đạt được tiến triển tích cực trong thời gian tới. Mặc dù có vẻ như miền Bắc sẽ không có động thái khiêu khích nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng có thể nước này sẽ dần đẩy cao những căng thẳng vốn có lên. Trước tiên, Bình Nhưỡng có thể sẽ sử dụng quan hệ liên Triều làm đòn bẩy trong đối thoại Mỹ-Triều. Vấn đề đặt ra lúc này là phương pháp cụ thể trong chính sách với miền Bắc của Mỹ. Dư luận đang đổ dồn sự quan tâm tới Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 21/5 tới đây. Phản ứng gay gắt vừa rồi của miền Bắc được cho là nước cờ đầu tiên cân nhắc tới lịch trình này.

Tin mới nhất