Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều

Tin nổi bật trong tuần2020-06-20

ⓒYONHAP News

Phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 17/6 đã đồng loạt chỉ trích mạnh mẽ vụ việc Bắc Triều Tiên phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều ở Gaesung ngày 16/6, ra hàng loạt tuyên bố lên án gay gắt miền Nam, và để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện các bước đi quân sự.

 

Phản ứng của Chính phủ Hàn Quốc

Sáng 17/6, Bắc Triều Tiên ra tuyên bố dưới danh nghĩa Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, chỉ trích gay gắt nội dung bài phát biểu nhân kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000 của Tổng thống Moon Jae-in, gọi đây là những lời đường mật đáng ghê tởm hòng lẩn tránh trách nhiệm. Trong buổi họp báo thường kỳ cùng ngày, Cố vấn phụ trách đối thoại với người dân thuộc Phủ Tổng thống Yoon Do-han chỉ trích nội dung tuyên bố của bà Kim Yo-jong là hết sức thô lỗ, vô lý. Ông Yoon cảnh báo Seoul sẽ không nhẫn nhịn hơn nữa trước những ngôn từ, hành động không biết lý lẽ của miền Bắc. Có thể coi mức độ phản ứng của Phủ Tổng thống lần này là cứng rắn nhất trong nhiệm kỳ Chính phủ đương nhiệm. 10 phút sau buổi họp báo thường kỳ của Phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng ra tuyên bố cảnh cáo nếu Bắc Triều Tiên phá vỡ thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9/2018 và có hành động quân sự thực tế thì sẽ phải hứng chịu hậu quả. Bộ Thống nhất cũng lên tiếng về việc Bắc Triều Tiên tuyên bố tái triển khai quân đội tại khu công nghiệp liên Triều Gaesung và khu du lịch núi Geumgang. Cơ quan này quy kết đây là hành vi xâm hại rõ ràng tới quyền tài sản của người dân Hàn Quốc, đưa quan hệ hai miền Nam-Bắc quay lại thời điểm trước Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000. Bộ Thống nhất nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm, và hối thúc nước này dừng các hành động khiến tình hình xấu thêm.

 

Miền Bắc phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều

Trước đó, Bắc Triều Tiên đã liên tiếp bày tỏ bất mãn về quan hệ liên Triều, cảnh cáo sẽ đánh sập Văn phòng liên lạc liên Triều và cắt đứt quan hệ với miền Nam. Chiều 16/6, nước này đã biến lời đe dọa thành sự thật. Một điểm đáng chú ý là lần này, em gái Chủ tịch Kim Jong-un là người “đứng đầu chiến tuyến”. Nối tiếp những tuyên bố chỉ trích thẳng thừng nhắm vào Hàn Quốc, bà Kim Yo-jong còn cho biết đã được chính quyền nước này “ủy quyền ra lệnh cho quân đội hành động đối phó với kẻ thù”. Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên cảnh báo sẽ cử quân đội tới khu du lịch núi Geumgang, khu công nghiệp liên Triều Gaesung, tái bố trí quân đội tại các trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nối lại diễn tập quân sự ở khu vực biên giới, và rải truyền đơn sang miền Nam. Song song với đó, Đài truyền hình trung ương miền Bắc và báo Lao động đang tích cực đưa tin về toàn cảnh phá hủy Văn phòng liên lạc liên Triều, kích động tâm lý thù địch với miền Nam trong dân chúng. Tình hình hiện nay xuất phát từ vụ việc tổ chức dân sự người tị nạn miền Bắc tại Hàn Quốc rải truyền đơn chống phá sang nước này. Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ của Bình Nhưỡng. Các hành động vừa qua bắt nguồn sâu xa từ sự bất mãn của Bắc Triều Tiên do không đạt được tiến triển trong vấn đề gỡ bỏ lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế đối với nước này.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Văn phòng liên lạc liên Triều Gaesung được thành lập căn cứ theo Tuyên bố Bàn Môn Điếm do lãnh đạo thượng đỉnh hai miền Nam-Bắc ký kết ngày 27/4/2018, là một biểu tượng cho chính sách với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in. Do vậy, việc miền Bắc đánh sập Văn phòng này có thể coi là hành động phá vỡ Tuyên bố Bàn Môn Điếm. Rốt cuộc, tình hình báo đảo Hàn Quốc lại quay về tình trạng giống như thời điểm căng thẳng tột độ năm 2017. Chính sách với Bắc Triều Tiên của Tổng thống Moon Jae-in đang rơi vào khủng hoảng. Chính quyền Bình Nhưỡng hiện vẫn chưa phản ứng về đường lối đối phó cứng rắn của Seoul, cho thấy có vẻ nước này đang xem xét điều chỉnh lại mức độ các bước đi tiếp theo. Tổng thống Moon Jae-in một mặt tỏ lập trường cứng rắn, mặt khác vẫn nhấn mạnh sẽ không từ bỏ đường lối đối thoại với miền Bắc. Trong một diễn biến khác, Mỹ đã quyết định gia hạn thêm một năm các lệnh cấm vận với Bắc Triều Tiên. Nhiều ý kiến nội bộ nước này còn đang đề xuất gây sức ép quân sự với Bình Nhưỡng. Giới quan sát cho rằng cục diện khủng hoảng hiện nay sẽ còn kéo dài.

Tin mới nhất