Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hai năm sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng

Tin nổi bật trong tuần2020-09-26

ⓒYONHAP News

Hai năm sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng tháng 9/2018, tình hình quan hệ liên Triều cũng như đối thoại Mỹ-Triều đều trong tình trạng bế tắc. Trong bối cảnh này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong bài phát biểu qua video gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23/9 đã đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), mở đường cho phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Kỷ niệm hai năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng

Trong hai ngày 18-19/9/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tới thăm Bình Nhưỡng, hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un. Sự kiện này đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong quan hệ liên Triều. Tới cuối năm 2017, tình hình bán đảo Hàn Quốc vẫn trong tình trạng căng thẳng tột độ, có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sau sự kiện Bắc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc tháng 2/2018, bán đảo Hàn Quốc đột ngột chuyển sang bầu không khí đối thoại. Kết quả là hai miền tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4/2018, bầu không khí hòa bình tràn ngập trên bán đảo Hàn Quốc. Tiếp đó, hai bên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần hai cũng tại Bàn Môn Điếm vào ngày 26/5 cùng năm, cứu vãn kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore ngày 12/6, khi đó đang có nguy cơ phá sản. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng là một sự kiện mang tính lịch sử, tưởng như đã có thể trở thành bước ngoặt giúp ổn định quan hệ liên Triều bằng hòa bình.

 

Quá trình thực thi thỏa thuận và quan hệ liên Triều xấu đi

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tổng kết kết quả Hội nghị thượng đỉnh liên Triều gồm nhiều nội dung như giải tỏa nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc, các sáng kiến hợp tác kinh tế cụ thể, hợp tác ở lĩnh vực nhân đạo, văn hóa xã hội, và Chủ tịch Kim Jong-un thăm Seoul. Tuyên bố còn đề ra các phương án thực thi cụ thể nhằm đưa quan hệ liên Triều lên một giai đoạn mới.

Một tháng sau, hai miền tổ chức hội đàm cấp cao, nhất trí về các lịch trình hợp tác đường sắt, đường bộ, lâm nghiệp, y tế, thể thao như đồng tham gia Thế vận hội Tokyo 2020, giải quyết vấn đề các gia đình ly tán trong chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, hai bên tổ chức hội đàm cấp chuyên viên theo từng lĩnh vực, tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa đường sắt và đường bộ liên Triều. Điểm đáng chú ý nhất, cũng là hạng mục được thực hiện nhanh nhất, chính là thỏa thuận quân sự có nội dung giảm nhẹ căng thẳng quân sự giữa hai bên. Căn cứ thỏa thuận này, Seoul và Bình Nhưỡng đã dừng toàn bộ các hành vi thù địch ở ranh giới đình chiến, thí điểm rút trạm gác ở Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Tuy nhiên, đối thoại chính thức giữa hai bên nhằm thực thi Tuyên bố chung Bình Nhưỡng đã bị gián đoạn sau cuộc họp cuối cùng về hợp tác ở lĩnh vực thể thao tháng 12/2018. Sau đó, Bắc Triều Tiên chỉ theo đuổi đối thoại với Mỹ. Tháng 2/2019, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc không thỏa thuận, đẩy quan hệ liên Triều vào trạng thái đóng băng. Hai miền thậm chí không thể tổ chức hội đàm chữ thập đỏ liên Triều nhằm thảo luận sửa chữa Trung tâm đoàn tụ các gia đình ly tán ở núi Geumgang (miền Bắc) và phương án đoàn tụ qua video. Quan hệ Mỹ-Triều bế tắc, Bình Nhưỡng liên tiếp chỉ trích gay gắt Chính phủ và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khiến quan hệ liên Triều vẫn tiếp tục xấu đi tới thời điểm hiện tại.

 

Bài phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in tại Liên hợp quốc

Ngày 23/9, Tổng thống Moon Jae-in đã có bài phát biểu qua video gửi tới Đại hội đồng Liên hợp quốc, đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, thiết lập cơ chế hợp tác phòng dịch-y tế Đông Bắc Á. Ông Moon nhấn mạnh hòa bình bán đảo Hàn Quốc sẽ đảm bảo hòa bình cho khu vực Đông Bắc Á nói riêng, và đem lại những thay đổi tích cực cho trật tự thế giới nói chung. Tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc chính là bước khởi đầu cho mục tiêu này. Tuy nhiên, do Hàn Quốc từng đề cập tuyên bố chấm dứt chiến tranh là “bước đi tương ứng” nếu Bắc Triều Tiên thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa, nên phần lớn giới chuyên gia cho rằng việc này không hề khả thi trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sáng kiến về cơ chế hợp tác phòng dịch-y tế Đông Bắc Á, gồm cả hai miền Nam-Bắc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, đang được kỳ vọng có thể khơi thông bầu không khí đối thoại trên bán đảo Hàn Quốc.

Tin mới nhất