Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều

Tin nổi bật trong tuần2019-04-27

ⓒKBS News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/4 đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên, tập trung  thảo luận phương án tăng cường quan hệ hữu nghị Nga-Triều và phối hợp trong vấn đề phi hạt nhân hóa.


Hội nghị thượng đỉnh Vladivostok

Hội nghị cùng ngày được tổ chức tại Đại học Viễn Đông, trên đảo Russky, thành phố Vladivostok của Nga, kéo dài 5 tiếng, bao gồm các trình tự là cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo, hội nghị thượng đỉnh mở rộng và bữa tiệc chính thức. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Kim Jong-un thể hiện quyết tâm chia sẻ chiến lược và đối phó chung với Nga trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai. Đặc biệt, tại bữa tiệc sau hội nghị, nhà lãnh đạo miền Bắc khẳng định quan hệ Nga-Triều là mối quan hệ đồng minh được gây dựng bằng máu, thể hiện quyết tâm nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới, hơn cả quan hệ hữu nghị. Đáp lại, Tổng thống Putin khẳng định sẽ tích cực phát huy vai trò trong việc giải quyết một cách hòa bình vấn đề bán đảo Hàn Quốc. Tiếp đó, trong buổi họp báo sau hội nghị, Tổng thống Nga nói rằng Bắc Triều Tiên cần sự bảo đảm về an ninh và duy trì chính quyền. Do đó, trong Vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng, cộng đồng quốc tế cần thảo luận việc bảo đảm an ninh cho miền Bắc trên phương diện luật pháp quốc tế.


Bối cảnh và ý nghĩa

Cuộc hội đàm thượng đỉnh Nga-Triều lần này thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế, do đây là bước đi đối ngoại đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong-un kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Giới phân tích cho rằng Bắc Triều Tiên đang muốn kích động Trung Quốc, nước đang tỏ ra thờ ơ với việc hỗ trợ miền Bắc và lôi kéo Nga vào để xây dựng một “mặt trận chung” Nga-Trung-Triều, đối phó với khả năng quá trình đàm phán Mỹ-Triều có thể kéo dài. Với lập trường của Nga, đây là cơ hội để Mát-xcơ-va tích cực can thiệp vào sự thay đổi trên bán đảo Hàn Quốc, đẩy mạnh quyền phát ngôn trong khu vực. Với những lợi ích này, trong suốt hội nghị, lãnh đạo hai nước liên tục nhấn mạnh về mối quan hệ khăng khít Nga-Triều. Đặc biệt, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh về việc đảm bảo an toàn cho thể chế miền Bắc, và đề xuất khởi động cơ chế đàm phán 6 bên, một động thái phản bác lập trường của Mỹ, bởi Washington kết luận tiến trình đàm phán 6 bên trước đây đã thất bại nên đã quyết định theo đuổi đối thoại phi hạt nhân hóa trực tiếp với Bình Nhưỡng.


Giải pháp phi hạt nhân hóa trở nên phức tạp hơn

Theo đó, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ ngày một diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Mỹ sẽ khó chấp nhận việc bảo đảm thể chế cho miền Bắc và đối thoại đa phương theo hình thức đàm phán 6 bên. Chiến lược của Washington hiện nay là gây sức ép cấm vận để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ hạt nhân. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mát-xcơ-va trên vấn đề bán đảo Hàn Quốc có thể sẽ khiến mạng lưới cấm vận miền Bắc của cộng đồng quốc tế trở nên lỏng lẻo. Trên cương vị là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Nga dự kiến sẽ không bác bỏ nghị quyết của Liên hợp quốc, nhưng sẽ có thể hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên né tránh cấm vận bằng nhiều cách khác nhau. Trước đó, Chủ tịch Kim Jong-un trong bài phát biểu trước Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc đã đề ra thời hạn giải quyết vấn đề hạt nhân với Mỹ là “trong năm nay”. Về điều này, Mỹ đáp lại là sẽ không nóng vội. Tuy nhiên với việc Bình Nhưỡng đã lôi kéo được Mát-xcơ-va, trái bóng giờ đây lại một lần nữa được chuyền cho Washington. Theo đó, giới quan sát lo ngại giải pháp phi hạt nhân hóa miền Bắc có thể sẽ ngày một trở nên phức tạp hơn, khiến đàm phán Mỹ-Triều sẽ còn bế tắc kéo dài.

Tin mới nhất