Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kết quả chuyến thăm Bắc Triều Tiên của đoàn đặc phái viên Hàn Quốc

Tin nổi bật trong tuần2018-09-09

ⓒ YONHAP News

Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong, người dẫn đầu đoàn đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Bắc Triều Tiên, hôm 6/9 công bố Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sẽ diễn ra từ ngày 18/9 đến ngày 20/9 tại Bình Nhưỡng. Ông Chung cho biết đoàn đặc phái viên đã thảo luận với phía miền Bắc về vấn đề phát triển quan hệ liên Triều, phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.


Thành quả chuyến thăm miền Bắc

Đoàn đặc phái viên của Tổng thống Moon do ông Chung Eui-yong dẫn đầu hôm 5/9 đã tới thăm Bình Nhưỡng, lưu lại miền Bắc 11 tiếng 40 phút rồi sau đó trở về ngay trong ngày. Đoàn đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un, thảo luận sâu rộng về các vấn đề nổi cộm trong quan hệ liên Triều với các quan chức cấp cao miền Bắc. Hai bên đã đạt được bốn hạng mục nhất trí lớn. Thứ nhất, hai miền nhất trí về lịch trình Hội nghị thượng đỉnh, quyết định tổ chức cuộc họp chuyên viên cấp cao vào đầu tuần tới tại Bàn Môn Điếm để thảo luận về vấn đề nghi thức, đảm bảo an ninh, truyền thông và báo chí, nhằm chuẩn bị cho hội nghị. Về chủ đề nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh, hai bên nhất trí sẽ thảo luận về việc rà soát tình hình thực thi tuyên bố Bàn Môn Điếm và phương hướng xúc tiến trong thời gian tới, phương hướng phi hạt nhân hóa, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, Chủ tịch Chung Eui-yong cho biết tại cuộc gặp, ông Kim Jong-un đã tái khẳng định về quyết tâm phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc một cách toàn diện. Để làm được điều này, Bình Nhưỡng sẽ thảo luận chặt chẽ với cả Seoul và Washington. Về quan hệ liên Triều, hai bên sẽ tiếp tục đối thoại để giảm nhẹ căng thẳng quân sự, đồng thời nhất trí về phương án cụ thể để phòng ngừa xung đột quân sự, xây dựng niềm tin song phương nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Hai bên cũng nhất trí mở cửa Văn phòng liên lạc liên Triều trước khi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh.


Quyết tâm phi hạt nhân hóa của miền Bắc

Tại cuộc gặp với đoàn đặc phái viên miền Nam, Chủ tịch Kim Jong-un thể hiện quyết tâm vững vàng trong việc phi hạt nhân hóa, và sự tin tưởng với Tổng thống Mỹ, hy vọng có thể đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trong nhiệm kỳ đương nhiệm của ông Trump. Tiếp đó, ông Kim nhấn mạnh việc Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên không hề liên quan tới vấn đề Mỹ rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo miền Bắc hy vọng Mỹ cùng cộng đồng quốc tế chấp nhận thành ý của nước này về các biện pháp phi hạt nhân hóa đã thực hiện, như phá dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân xã Punggye (huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong). Cùng với đó, ông Kim cam kết sẽ tiếp tục có các bước đi phi hạt nhân hóa tích cực hơn nữa nếu Mỹ có biện pháp tương xứng.


Ý nghĩa và triển vọng

Chuyến thăm của đoàn đặc phái viên Hàn Quốc được diễn ra trong thời điểm tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đang gặp nhiều trở ngại. Dư luận kỳ vọng chuyến thăm này có thể tạo ra chuyển biến mới trong cục diện hiện nay.


Trước tiên, hai bên đã đạt được nhất trí về lịch trình và chủ đề nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh, coi như đã xây dựng được bước đệm đầu tiên. Hiện tại, đối thoại Mỹ-Triều đang bị gián đoạn do Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước, trong khi Washington hối thúc Bình Nhưỡng phải thực thi tiếp các biện pháp phi hạt nhân hóa tích cực hơn. Nguyên nhân của sự đình trệ này là do hai bên vẫn chưa xây dựng được niềm tin lẫn nhau. Trước chuyến thăm này, một số ý kiến đã phỏng đoán rằng dù không có bước đi phi hạt nhân hóa trên thực tế nhưng chỉ cần Bắc Triều Tiên cam kết và đưa ra bảng tiến độ phi hạt nhân hóa cụ thể thì Mỹ có thể sẽ chấp thuận về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Do vậy, vai trò trung gian của Tổng thống Moon Jae-in đang ngày càng được kỳ vọng hơn. Theo đó, có thể trước Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các nước liên quan sẽ tích cực tìm ra điểm chung trong lập trường về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất