Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Tổng kết Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba

Tin nổi bật trong tuần2018-09-23

ⓒYONHAP News

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã ra “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng tháng 9”. Nhiều ý kiến đánh giá, hội nghị lần này không chỉ dừng lại ở việc cụ thể hóa Tuyên bố Bàn Môn Điếm trước đó, mà còn tạo được nền móng để xây dựng thể chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Nội dung chính của Tuyên bố chung Bình Nhưỡng

Lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã đạt được những bước tiến lớn hơn và cụ thể hơn trong vấn đề phi hạt nhân hóa, vấn đề nghị sự được quan tâm nhiều nhất. Mục 5 của Tuyên bố chung Bình Nhưỡng có nội dung “Hai miền Nam-Bắc đồng tình về việc phải đưa bán đảo Hàn Quốc trở thành một khu vực hòa bình, không có mối đe dọa hạt nhân và vũ khí hạt nhân, nhanh chóng đạt được tiến triển thực chất cần thiết để làm được điều này.” Đồng thời, việc Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rõ ràng về quyết tâm phi hạt nhân hóa cũng là một nội dung có ý nghĩa lớn. Có thể nói, việc lãnh đạo hai miền đưa vấn đề phi hạt nhân hóa trở thành một nội dung nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh và nhất trí về phương án thực hiện, là một thành quả rất lớn. Ngoài ra, một thành quả ý nghĩa khác là Bắc Triều Tiên cam kết sẽ phá dỡ vĩnh viễn bãi thử nghiệm động cơ tên lửa ở xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan) dưới sự giám sát của các nước liên quan. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã chấp nhận để cộng đồng quốc tế thanh sát hạt nhân, một vấn đề được cho là nan giải nhất trong quá trình phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, việc hai bên thông qua biên bản nhất trí ở lĩnh vực quân sự, với nội dung dừng các hành vi thù địch với đối phương, không bên nào sử dụng sức mạnh quân sự trong bất cứ tình huống nào, cũng là một trong những thành quả rất cụ thể của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Có thể nói, hai bên đã có một bước đi thiết thực đầu tiên, bỏ lại sự đối đầu và thù địch phía sau và hướng đến “một bán đảo Hàn Quốc không có chiến tranh”. Ngoài ra, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng cũng bao gồm các nội dung về dự án hợp tác, giao lưu liên Triều đa dạng ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.


Một số điều bất ngờ trong hội nghị

Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un hôm 20/9 đã cùng du ngoạn núi Baekdu (Bạch Đầu). Trước đó, ông Moon từng tỏ ý muốn đến thăm núi Baekdu. Thấy vậy, Chủ tịch Kim Jong-un đã bất ngờ đề xuất về chuyến du ngoạn này, và Tổng thống Moon đã không do dự đồng ý ngay. Chuyến thăm núi Baekdu được phân tích là nhằm thể hiện “thành ý” của Chủ tịch Kim Jong-un trong việc tiếp đãi Tổng thống miền Nam. Lời hứa sẽ thăm Seoul của ông Kim Jong-un cũng khiến dư luận hết sức quan tâm. Trong thời gian qua, vấn đề an ninh là lý do quan trọng nhất khiến chưa một nhà lãnh đạo tối cao nào của miền Bắc thăm miền Nam. Đặc biệt, trong dư luận Hàn Quốc có không ít ý kiến phản đối chuyến thăm miền Nam của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Vậy nhưng bất chấp điều này, Chủ tịch Kim Jong-un đã hứa sẽ thăm Seoul. Về phần mình, tại sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in đã cúi gập người một góc 90 độ để chào người dân miền Bắc đón mình tại sân bay. Hành động này của Tổng thống được cho là nhằm đến gần hơn với người dân Bắc Triều Tiên, những người vốn quen với thể chế một nhà lãnh đạo duy nhất. Ngoài ra, việc hai nhà lãnh đạo cùng ngồi trên một chiếc xe mui trần cũng là một lịch trình hết sức bất ngờ.

 

Phản ứng của cộng đồng quốc tế và triển vọng liên Triều

Sau khi lãnh đạo liên Triều công bố “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng”, các nước trên toàn thế giới đã đồng loạt cầu chúc hòa bình cho bán đảo Hàn Quốc và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và các nước như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, đều bày tỏ hoan nghênh kết quả hội nghị. Đặc biệt, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này đã thổi sức sống mới cho đối thoại Mỹ-Triều đang lâm vào bế tắc. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo dự kiến sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng miền Bắc Ri Yong-ho bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào tuần sau. Ngoài ra, ông Pompeo còn đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun với giới chức miền Bắc trong thời gian sớm nhất. Có nghĩa là hai bên sẽ song song tiến hành đàm phán ở cả cấp chuyên viên và cấp Bộ trưởng. Dư luận đang tiếp tục kỳ vọng động lực đối thoại mới này sẽ có thể dẫn tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Tin mới nhất