Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bắt đầu khảo sát chung đường sắ

Tin nổi bật trong tuần2018-12-02

ⓒKBS News

Tàu hỏa của Hàn Quốc ngày 30/11 đã xuất phát từ ga Seoul đi Bắc Triều Tiên, bắt đầu công tác khảo sát chung đường sắt liên Triều đoạn tại miền Bắc. Đây là bước khởi đầu để hai miền tiến hành dự án kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt Nam-Bắc. Công tác khảo sát dự kiến sẽ diễn ra trong 18 ngày, với tổng quãng đường di chuyển khoảng 2.600 km.

 

Khảo sát chung đường sắt liên Triều

Đối tượng khảo sát chung lần này là tuyến đường sắt Gyeongui và tuyến đường sắt dọc biển Đông. Tuyến đường sắt Gyeongui là tuyến đường sắt nối từ Seoul, đi qua thành phố Gaesung và thủ đô Bình Nhưỡng, tới thành phố Sinuiju của miền Bắc. Tuyến đường này được nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc. Tuyến đường sắt dọc biển Đông là tuyến đường sắt men theo bờ biển phía Đông bán đảo Hàn Quốc, hướng lên phía Bắc, nối với tuyến đường sắt xuyên Xi-bê-ri của Nga. Nếu được kết nối, tuyến đường sắt này sẽ có thể đi dọc từ Busan, thành phố phía Nam Hàn Quốc, cho tới tận châu Âu. Nhóm khảo sát chung liên Triều sẽ tiến hành khảo sát hạ tầng hai tuyến đường sắt trên ở khu vực phía Đông và phía Tây của Bắc Triều Tiên. Trước tiên, đoàn sẽ khảo sát tuyến đường sắt Gyeongui trước, rồi sau đó đi thẳng từ Bình Nhưỡng, di chuyển theo tuyến đường sắt dọc biển Đông để khảo sát tiếp.

 

Vào lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 30/11, tàu hỏa của Hàn Quốc đã xuất phát từ ga Seoul. Tàu gồm đầu kéo xe lửa chạy bằng diesel và 6 toa tàu, có bố trí không gian làm việc cho nhóm khảo sát, cùng nhà ăn, giường ngủ, nước uống, xăng dầu và các thiết bị cần thiết cho công tác khảo sát. Sau khi xuất phát từ ga Seoul, tàu đi qua ga Dorasan (thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi), rồi tới ga Panmun của miền Bắc. Tới đây, đầu máy xe lửa của miền Nam quay trở về, còn các toa tàu được bàn giao cho đầu kéo xe lửa của phía miền Bắc và công tác khảo sát chính thức bắt đầu. Đoàn sẽ khảo sát đoạn đường sắt dài 400 km của tuyến đường sắt Gyeongui tới hết ngày 5/12. Sau đó, các toa tàu sẽ quay lại thủ đô Bình Nhưỡng để di chuyển tiếp về phía Đông, khảo sát đoạn đường dài 800 km của tuyến đường sắt dọc biển Đông từ ngày 8/12 tới ngày 17/12.

 

Qua trình xúc tiến

Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ nhất diễn ra vào tháng 4 năm nay, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí về việc kết nối tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều. Theo đó, hai bên quyết định tiến hành khảo sát chung vào tháng 8, nhưng kế hoạch này không thành do Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc đã không phê chuẩn kế hoạch đưa tàu hỏa của miền Nam vượt qua ranh giới quân sự liên Triều. Đó là bởi lo ngại việc đưa trang thiết bị, xăng dầu vào miền Bắc có thể vi phạm chế tài cấm vận Bắc Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực giải thích về tính cần thiết của công tác khảo sát chung và đề nghị Liên hợp quốc miễn cấm vận trong trường hợp này. Tới Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng hồi tháng 9 vừa qua, hai bên đã tiến thêm một bước nữa, nhất trí sẽ tổ chức lễ khởi công kết nối tuyến đường sắt Nam-Bắc trong năm nay. Trong cuộc hội đàm cấp cao thảo luận về việc thực thi “Tuyên bố chung Bình Nhưỡng” ngày 19/9, hai bên nhất trí tiến hành tổ chức lễ khởi công từ cuối tháng 11 tới đầu tháng 12, nhằm kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều. Tuy nhiên, công tác khảo sát chung liên tục bị trì hoãn do vướng phải lệnh cấm vận. Tới ngày 20/11, “Nhóm công tác Hàn-Mỹ” họp lần đầu tại Washington (Mỹ), Hàn Quốc đã thuyết phục được Mỹ thành công và Washington bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc kết nối đường sắt, đường bộ liên Triều. Tiếp đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc quyết định miễn cấm vận, và công tác khảo sát chung cuối cùng đã có thể được thực hiện.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Việc kết nối tuyến đường sắt liên Triều mang tính chất hoàn thiện mạng lưới đường sắt dọc bán đảo Hàn Quốc và tuyến đường sắt xuyên lục địa Á-Âu. Do đó, dự án này có thể mang lại hiệu quả kinh tế hết sức to lớn. Ngoài lợi ích kinh tế, dự án còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là ý nghĩa biểu tượng thực chất, đóng góp vào hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, việc kết nối đường sắt liên Triều sẽ có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đang “giậm chân tại chỗ” như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới, để giải quyết vấn đề cấm vận, nếu muốn chính thức triển khai kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều.

Tin mới nhất