Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Chương trình giáo dục bắt buộc tại Bắc Triều Tiên

2023-03-01

ⓒ YONHAP News

Tại Hàn Quốc, năm học mới bắt đầu vào tháng 3 hàng năm. Năm nay, nhiều trường học đã có thể tổ chức lễ khai giảng trực tiếp sau hai năm phải tổ chức lễ khai giảng online do đại dịch COVID-19. Khác với Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên bắt đầu năm học mới vào tháng 4. Ngoài đặc điểm này, nền giáo dục của miền Bắc cũng có nhiều điểm khác biệt với Hàn Quốc. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về hệ thống giáo dục của Bắc Triều Tiên cùng tiến sĩ Kim Young-hee, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Quỹ hỗ trợ người tị nạn Bắc Triều Tiên (The Korea Hana Foundation).

 

Tương tự như Hàn Quốc, các trường học ở Bắc Triều Tiên cũng không thể tổ chức lễ khai giảng trực tiếp trong thời gian qua do đại dịch COVID-19. Tháng 4/2022, lần đầu tiên sau ba năm nghỉ dịch, các trường học ở miền Bắc đã tổ chức trực tiếp các buổi lễ này. Truyền thông địa phương đưa tin về việc các học sinh dâng hoa trước tượng cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và nhận được lời chúc mừng từ các thành viên gia đình.

 

Theo quy định chính thức thì người dân Bắc Triều Tiên không phải trả học phí. Đây là lý do nước này thường xuyên đề cập đến học phí ở các quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc, và tuyên truyền rằng người dân các nước tư bản khó có thể tiếp nhận giáo dục. Cho đến đầu những năm 1990, học sinh ở Bắc Triều Tiên không phải chi trả bất kỳ khoản tiền nào cho giáo dục. Tuy nhiên, khi nước này gặp phải khó khăn về kinh tế vào giữa những năm 1990, phụ huynh phải chịu nhiều gánh nặng tài chính về chuyện học hành của con em cho dù vẫn không phải đóng học phí, làm dấy lên nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là giáo dục miễn phí mà là giáo dục bắt buộc.

 

Ở Bắc Triều Tiên, nền giáo dục miễn phí bắt buộc đóng vai trò là công cụ chính để cho người dân thấy được sự ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, kể từ khi nền kinh tế miền Bắc suy thoái nghiêm trọng vào những năm 1990, tuy được miễn học phí, phụ huynh phải trả không chỉ tiền sách giáo khoa, đồ dùng học tập và đồng phục mà ngay cả chi phí vận hành trường học, bao gồm cả thiết bị giáo dục.

 

Những trẻ em Bắc Triều Tiên có hoàn cảnh khó khăn sẽ không có điều kiện đi học. Trong số những người tị nạn từ miền Bắc, có những người không biết cả bảng chữ cái tiếng Hàn Hangeul. Sau khi bán đảo Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Nhật Bản, Bắc Triều Tiên đã tổ chức một chiến dịch xóa mù chữ để giúp tất cả người dân có thể đọc và viết. Tuy nhiên, trong thời đại thế kỷ XXI, nước này vẫn xuất hiện những người mù chữ.

 

Bắc Triều Tiên áp dụng chương trình giáo dục tiểu học bắt buộc hệ 4 năm vào năm 1956. Hai năm sau, nước này áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc hệ 7 năm, gồm 4 năm tiểu học, hay còn gọi là bậc giáo dục nhân dân, và 3 năm trung học. Năm 1967, chương trình giáo dục bắt buộc mở rộng thành hệ 9 năm, bao gồm giáo dục tiểu học 4 năm và trung học 5 năm. Năm 1972, học sinh miền Bắc bắt đầu được học chương trình hệ 11 năm, bao gồm một năm mẫu giáo, 4 năm tiểu học và 6 năm trung học. Năm 2012, khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên đã thông qua “Cương lĩnh giáo dục bắt buộc hệ 12 năm”. Sau khi trải qua giai đoạn chuẩn bị, cương lĩnh này đã được đưa vào thực thi theo từng giai đoạn.

 

Một chương trình của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) cho biết “Cương lĩnh giáo dục bắt buộc hệ 12 năm” đã được phổ cập tại các trường từ năm học 2014; bao gồm một năm giáo dục mầm non, 5 năm giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học được chia thành ba năm trung học sơ cấp, tương đương trung học cơ sở, và ba năm trung học cao cấp, tương đương trung học phổ thông. Đây là lần đầu tiên sau 40 năm chế độ giáo dục bắt buộc tại Bắc Triều Tiên có sự thay đổi, từ đó định hình hệ thống giáo dục bao gồm mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

 

Nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng hệ thống giáo dục 12 năm, trong đó có Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Triều Tiên cũng áp dụng hệ thống giáo dục bắt buộc 12 năm nhằm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và phản ánh sự thay đổi của thời đại. Ngoài ra, nước này đang nỗ lực cải thiện trình độ học vấn của người dân bằng cách kéo dài thời gian giáo dục. Việc chia bậc giáo dục trung học thành trung học cơ sở và trung học phổ thông giống như hệ thống giáo dục của Trung Quốc cũng cho thấy ý định đào tạo nhân tài ở các trường trung học phổ thông của nước này.

 

Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng nước này đã cung cấp thêm nhiều tiện ích đa dạng để phù hợp với hệ thống giáo dục mới. Chẳng hạn, mỗi trường đã được trang bị sách giáo khoa mới và các trang thiết bị giáo dục mới nhất như máy chiếu và tivi. Trong nền giáo dục tại miền Bắc, các môn học giáo dục tư tưởng chính trị nhằm mục đích củng cố chế độ là không thể thiếu.

 

Tôi vẫn nhớ rất rõ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sinh ra khi nào và ở đâu, quá trình ông vượt sông Áp Lục để theo đuổi con đường Thiên lý giành lại độc lập cho Tổ quốc, phong trào thanh niên và các hoạt động chống Nhật mà ông ấy tham gia và những gì ông đã làm sau chiến tranh để xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa. Tôi có thể nhớ tất cả những điều này theo thứ tự thời gian. Tương tự như vậy, người Bắc Triều Tiên được dạy rằng con trai của ông Kim Nhật Thành là cố Chủ tịch Kim Jong-il đã được sinh ra trong mật dinh tại núi Baekdu (Bạch Đầu), cách ông Kim học đại học trong hoàn cảnh thời đó và những hoạt động của ông trong đảng Lao động. Người dân cũng được dạy về lịch sử cách mạng của bà Kim Jong-suk, người vợ đầu tiên của ông Kim Nhật Thành và mẹ của ông Kim Jong-il. Sinh ra ở thành phố Hoeryong, tỉnh Bắc Hamgyong, bà là một nữ chiến sĩ chống Nhật. Mọi thông tin về gia đình nhà lãnh đạo tối cao đều khắc sâu trong tâm trí người dân miền Bắc.

 

Sau khi hệ thống giáo dục bắt buộc hệ 12 năm bắt đầu được đưa vào thực hiện, Bắc Triều Tiên đã bổ sung thêm môn học về nhà lãnh đạo đương nhiệm Kim Jong-un. Tiếp nối các môn học về người tiền nhiệm, miền Bắc đã tạo ra một chủ đề mới về “Hoạt động cách mạng của nhà lãnh đạo kính yêu Kim Jong-un” nhằm làm sâu sắc thêm sự “thần tượng hóa” gia đình nhà họ Kim trong chương trình giảng dạy ở trường học. Điều đáng chú ý là hệ thống giáo dục 12 năm cũng củng cố thêm các kiến thức về thông tin cũng như khoa học kỹ thuật. Một chương trình phát sóng của miền Bắc vào ngày 30/1 cho biết nhằm giáo dục về công nghệ thông tin theo cách hiện đại, các trường học nước này được trang bị các phương tiện phù hợp để có thể cung cấp nhiều loại hình lớp học khác nhau như học từ xa và học trực tuyến. Bên cạnh đó, toán học và khoa học chiếm một phần đáng kể các lớp học ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Bắc Triều Tiên.

 

Tôi học trung học ở Bắc Triều Tiên vào những năm 1970. Vào thời điểm đó, các trường chọn những học sinh giỏi toán để thành lập lớp chuyên Toán. Tôi cũng từng là học sinh chuyên Toán. Giờ đây, học sinh phải dành nhiều thời gian cho môn Toán. Các trường trung học cơ sở dành 578 giờ dạy toán trong ba năm, còn các trường trung học phổ thông là 368 giờ. Dười thời Chủ tịch Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên cũng cử nhiều học sinh tham gia Olympic Toán quốc tế và đã đạt thành tích khá tốt với các huy chương vàng, bạc và đồng. Có vẻ như miền Bắc đặc biệt chú trọng đến giáo dục toán học vì đây là nền tảng cho công nghệ thông tin.

 

Một xu hướng giáo dục khác ở Bắc Triều Tiên là việc tăng cường đào tạo nhân tài. Trên thực tế, giáo dục năng khiếu đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Phim tài liệu Bắc Triều Tiên “Nhà lãnh đạo cùng trẻ em” đã thuật lại lời của cố lãnh đạo rằng chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa mới có thể là nơi đào tạo ra nhiều trẻ em có năng khiếu, vì vậy hãy nuôi dạy chúng cẩn thận. Từ năm 1959, khi miền Bắc ban hành Luật cải cách hệ thống giáo dục nhân dân, giáo dục năng khiếu chủ yếu tập trung đào tạo những học sinh có năng khiếu về nghệ thuật hoặc thể thao. Nước này đã sử dụng các trẻ em tài năng làm công cụ tuyên truyền nhằm thiết lập quyền lực độc tôn cho cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Từ những năm 1980, Bắc Triều Tiên bắt đầu đào tạo học sinh năng khiếu trên toàn diện. Sau khi củng cố vị trí quyền lực kế nghiệm, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã tăng cường giáo dục khoa học cơ bản và mở rộng phạm vi giáo dục nhân tài bao gồm thêm những học sinh có năng khiếu khoa học. Nuôi dạy các thần đồng về khoa học là một động thái nhằm mục đích cố gắng vượt qua khủng hoảng kinh tế của nước này. Trong những năm 1990, việc giáo dục nhân tài đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin.

 

Phim tài liệu “Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il, nhà yêu nước tuyệt thế” của Bắc Triều Tiên ca ngợi ông Kim Jong-il đã nắm bắt lợi thế hàng đầu nhờ các dự án đào tạo nhân tài máy tính và thực hiện các biện pháp khôn ngoan nhằm tuyển chọn nhân tài trên toàn quốc để nuôi dạy ngay từ khi còn nhỏ. Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của việc phát triển khoa học kỹ thuật và nhân tài trong lĩnh vực này kể từ khi lên nắm quyền. Trong Báo cáo tổng kết Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động lần thứ 7, Chủ tịch Kim khẳng định rằng yêu cầu và tiêu chuẩn đối với nhân tài ngày càng cao. Theo ông Kim, các trường đại học nên thiết lập hợp lý hệ thống học thuật để đúng với mục đích bồi dưỡng học thuật và tài năng theo thực tế, đồng thời liên tục phát triển hệ thống giáo dục để bồi dưỡng nhiều học giả đẳng cấp thế giới.

 

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên liên tục thực hiện việc giáo dục nhân tài. Ngay từ mẫu giáo, giáo viên đã phát hiện những đứa trẻ có năng khiếu về âm nhạc hoặc thể thao để giáo dục phù hợp ngay từ sớm. Miền Bắc cũng có các trung tâm dạy thêm về năng khiếu. Các trung tâm này còn được phát triển hơn dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Nước này cũng thường phát sóng các chương trình truyền hình về giáo dục nhân tài. Những đứa trẻ thông minh được giáo dục đặc biệt tại các trung tâm chăm sóc trẻ em hoặc trường mẫu giáo để sau này được đào tạo thành chuyên gia công nghệ thông tin. Nếu ngày xưa miền Bắc có thần đồng âm nhạc hay thể thao thì bây giờ đã xuất hiện thêm các thiên tài toán học hoặc thiên tài công nghệ thông tin.

 

Cùng với xu hướng này, “cơn sốt” giáo dục tư nhân đã càn quét Bắc Triều Tiên và việc học thêm bắt đầu nổi lên toàn diện. Theo một người tị nạn từ miền Bắc từng là giáo viên và gia sư riêng, nhiều giáo viên nước này cũng đi dạy thêm. Người này chia sẻ số tiền kiếm được khi dạy thêm cao hơn rất nhiều tiền lương của giáo viên. Chẳng hạn, lương tháng của một giáo viên là khoảng 5.000 won Bắc Triều Tiên (5,55 USD) nhưng lương dạy thêm cho một học sinh lại có thể lên tới 220.000 won Bắc Triều Tiên (244,4 USD). Miền Bắc đã thành lập các trường năng khiếu về khoa học, ngoại ngữ và nghệ thuật, dẫn đến sự bùng nổ trong việc học thêm để vào đại học và các trường năng khiếu.

 

Đi kèm với sự bùng nổ của giáo dục tư chính là sự thoái trào của giáo dục công. Thời của tôi, mẹ tôi không bao giờ phải nhắc nhở tôi học bài vì đã có các giáo viên. Mỗi một bậc học, học sinh chỉ có duy nhất một giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy, các giáo viên này hiểu rất rõ học sinh của mình và dễ dàng giúp các em tiến lên các bậc học cao hơn dựa trên khả năng và năng khiếu. Tuy nhiên, bây giờ tình hình đã thay đổi. Học sinh phải đạt điểm cao hơn các bạn khác để vào được các trường đại học tốt hơn, còn giáo viên cũng phải kiếm tiền trang trải. Cả cung và cầu đều tăng đã thúc đẩy “cơn sốt” giáo dục tư nhân.

 

Đã 10 năm kể từ khi hệ thống giáo dục bắt buộc 12 năm bắt đầu được thực hiện ở Bắc Triều Tiên. Nước này tuyên truyền rằng khả năng học tập của học sinh đã được cải thiện rất nhiều so với trước đó. Một trưởng khoa tại Trường tiểu học Tương lai Bình Nhưỡng cho biết các học sinh học theo chương trình hệ 12 năm thông minh và sáng tạo hơn những học sinh nhập học trước khi hệ thống này được đưa vào thực hiện. Truyền thông Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đây chính là thành quả của chương trình giáo dục mới dưới thời ông Kim Jong-un. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu nước này có đạt được mục tiêu phát triển quốc gia bằng cách đào tạo nguồn nhân lực thông qua cải cách môi trường giáo dục và các nội dung liên quan hay không.

Tin mới nhất