Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Lý do Bắc Triều Tiên chú trọng vào bột mỳ

2023-03-29

ⓒ Getty Images Bank

Thực phẩm làm từ bột mì như bánh mì và bánh kẹo là một trong những loại thực phẩm mà người ăn kiêng khó từ bỏ nhất. Tại Bắc Triều Tiên, thức ăn từ bột mì được coi là minh chứng cho việc một gia đình có khá giả hay không. Theo Đài châu Á tự do (RFA) của Mỹ, vì giá bột mì nhập khẩu tăng cao tại miền Bắc, bánh mì và bánh bao làm từ bột mì đã trở thành biểu tượng của sự giàu có. Có thông tin Bắc Triều Tiên gần đây đã thay đổi văn hóa ăn uống từ gạo và ngô sang gạo và bột mì. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu lý do tại sao nước này đặc biệt chú trọng đến bột mì cùng tiến sĩ Jeong Eun-mee đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Tháng 12 năm ngoái, một triển lãm thực phẩm từ bột mì đã được tổ chức tại nhà hàng tiêu biểu của Bình Nhưỡng mang tên Pyongyang Myonok. Hơn 70 nhà hàng và nhà máy nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên đã tham gia sự kiện và giới thiệu 1.500 loại thực phẩm làm từ bột mì. Một đơn vị tham gia triển lãm cho biết đã mang đến khoảng 20 loại sản phẩm mà người dân có thể sử dụng làm lương thực chính đến triển lãm và đã rút ra được nhiều kinh nghiệm khi tranh tài cùng các đơn vị khác, đồng thời sẽ tổng hợp đánh giá và ý kiến của mọi người để tích cực phản ánh vào quá trình sản xuất trong tương lai. Được biết đây là lần đầu tiên miền Bắc tổ chức một triển lãm trưng bày tới 1.500 loại thực phẩm và sản phẩm chế biến chỉ sử dụng bột mì.

 

Tôi nghĩ có hai bối cảnh chính có thể được dùng để giải thích cho việc tổ chức triển lãm này. Đầu tiên là sự gia tăng của việc tiêu thụ bột mì trong chế độ ăn uống của người dân Bắc Triều Tiên. Khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, thức ăn chính của người dân đã chuyển từ gạo và ngô sang gạo và bột mì. Lý do thứ hai là việc miền Bắc phải tìm ra các giải pháp thay thế do tình trạng thiếu lương thực. Từ năm 2020, việc nhập khẩu nguyên liệu nông nghiệp cần thiết cho sản xuất lương thực tại nước này gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các lệnh cấm vận, phong tỏa biên giới và thiếu hụt ngoại tệ. Lượng nhập khẩu ngũ cốc cũng giảm. Mặt khác, do sản xuất ngũ cốc trong nước còn hạn chế nên triển lãm đã được tổ chức để thiết lập văn hóa ẩm thực sử dụng bột mì, vì đây là loại nguyên liệu có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau và rất được ưa chuộng.

 

Gần đây, các đài phát thanh và truyền hình của Bắc Triều Tiên cũng phát sóng các chương trình nấu ăn liên quan đến bột mì. Ví dụ, đầu bếp đoạt giải Đặc biệt tại triển lãm thực phẩm từ bột mì đã xuất hiện tại chương trình để giới thiệu cách làm bánh mì và kem tươi tại nhà mà không cần máy nướng bánh. Ngoài ra, phóng viên của chương trình đã ghé thăm khu thực phẩm của trung tâm thương mại và phỏng vấn một người nội trợ về việc cô ấy quan tâm đến thực phẩm từ bột mì nhưng không quen thuộc với công thức chế biến. Người nội trợ này cho biết đã thử làm mì udon theo công thức của chương trình nhưng không thành công nên hy vọng chương trình có thể giới thiệu cách làm món mì udon thật ngon. Chương trình đã giải quyết vấn đề này bằng cách giới thiệu công thức udon làm từ nước dùng gà. Chương trình này đã dành lời khen có cánh về sự tuyệt vời của món ăn khi kết hợp vị ngọt của thịt gà và vị dai của mì udon. Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh về các loại thực phẩm khác liên quan đến bột mì, hay giới thiệu các nhà máy sản xuất các thực phẩm đa dạng sử dụng gạo và bột mì.

 

Miền Bắc đã tích cực nhấn mạnh việc trồng lúa mì kể từ năm 2021. Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã chỉ thị đưa gạo và lúa mì trở thành các loại cây trồng chính trong bài phát biểu trước Chính phủ. Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đã thuật lại lời ông Kim khi chỉ ra các vấn đề trong phương pháp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp bằng cách thay đổi văn hóa ăn uống của người dân sang gạo trắng và các loại thực phẩm từ bột mì. Tháng 12 cùng năm, Chủ tịch Kim cũng đưa ra yêu cầu thay thế loại lương thực chính của người dân là gạo và ngô bằng gạo và bột mì tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động.

 

Hội nghị tháng 12/2021 đã thông qua những chính sách rất quan trọng về nông nghiệp, nông thôn, trong đó có việc thông qua Cương lĩnh Cách mạng nông thôn mới, một kế hoạch phát triển toàn diện nông nghiệp và nông thôn ở Bắc Triều Tiên trong thập kỷ tới. Đáng chú ý, miền Bắc đã chính thức chuyển đổi canh tác từ lúa và ngô truyền thống sang gạo và bột mì. Trước đó, tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 6 cùng năm, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đề cập đến tình hình lương thực khó khăn khi đó của Bắc Triều Tiên và chỉ thị đưa ra các biện pháp cơ bản để tăng sản lượng lương thực. Kết quả là Cương lĩnh Cách mạng nông thôn mới được thông qua vào cuối năm 2021. Đây là một kế hoạch phát triển toàn diện xuất phát từ nhận thức về vấn đề chỉ có thể tăng sản lượng lương thực liên tục và ổn định khi tiếp cận bài toán “tam nông” bao gồm nông dân, nông nghiệp và nông thôn một cách tổng thể và toàn diện.

 

Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã có nhiều nỗ lực để thực hiện mong ước “cơm có canh thịt” của người dân và đổi khẩu hiệu “mặc, ăn, ở” thành “ăn, mặc, ở” vì vấn đề ăn uống là quan trọng nhất. Vì vậy, việc trồng ngô được khuyến khích trên diện rộng, dẫn đến nạn chặt cây trên đồi để tạo ruộng bậc thang, gây ra sạt lở đất trong mùa mưa. Bên cạnh đó, ngô là cây trồng sử dụng nhiều phân bón, khiến đất bị axit hóa nghiêm trọng. Cố Chủ tịch Kim Jong-il thì chọn khoai tây làm lương thực chính, đưa ra những khẩu hiệu cho cuộc cách mạng trồng khoai tây và xây dựng một trang trại khoai tây đẳng cấp thế giới ở huyện Taehongdan, tỉnh Ryanggang, nhưng không thành công. Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề lương thực mà người tiền nhiệm không thể giải quyết bằng ngô và khoai nhờ gạo và bột mì.

 

Trên thực tế, nỗ lực dùng khoai tây làm lương thực chính của chính quyền cố Chủ tịch Kim Jong-il đã không thành công. Tuy nhiên, sự thật là ngô đã trở thành nguồn lương thực phổ biến thứ hai tại Bắc Triều Tiên trong nhiều thập kỷ và vấn đề axit hóa đất đã làm tăng thiệt hại do thiên tai và thời tiết bất thường. Vì vậy, về môi trường sinh thái nông nghiệp, chuyển sang trồng lúa mì thay vì trồng ngô là một lựa chọn hợp lý. Lúa mì có thể trồng cả tại ruộng và rẫy, cả vùng đồng bằng và vùng đồi núi, phù hợp với một đất nước thiếu đất nông nghiệp như Bắc Triều Tiên. Tỉnh Hwanghae của nước này cũng có thể trồng hai vụ lúa gạo và lúa mì. Tôi nghĩ những lợi thế này là nguyên nhân miền Bắc chọn lúa mì.

 

Mặt khác, người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu có nhu cầu đa dạng hóa khẩu phần từ giữa những năm 1990, khi họ được tiếp xúc với các loại thực phẩm đa dạng tại chợ tư nhân. Đặc biệt là gần đây, nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền và bánh kẹo đã được sản xuất tại nước này. Các cửa hàng thực phẩm lớn mà người dân Bình Nhưỡng thường xuyên lui tới cũng có nhiều loại sản phẩm làm từ bột mì. Ngoài ra, một video YouTube do miền Bắc sản xuất để tuyên truyền cũng giới thiệu nhiều loại thực phẩm chế biến từ bột mì như mì ăn liền. Kênh YouTube “Điểm nhìn Bắc Triều Tiên” (North Korea View) cho biết mì ăn liền là loại thực phẩm được những người đi làm ưa chuộng nhất, đồng thời miêu tả món mì này có vị giống kimchi và nước dùng thanh mát. Sự thay đổi trong xu hướng tiêu thụ thực phẩm của người dân cũng đã ảnh hưởng đến chính sách nông nghiệp của Bắc Triều Tiên.

 

Phương pháp nhất quán để mang lại tính chính đáng cho hầu hết các chính sách mà chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un theo đuổi chính là việc biện hộ rằng các chính sách này nhằm cải thiện cuộc sống của người dân và thực hiện “chủ nghĩa người dân là trên hết”. Sự thay đổi chính sách nhằm tăng diện tích trồng lúa mì cũng đã làm thay đổi văn hóa ăn uống của người dân, vì vậy ông Kim Jong-un đã có chiến lược giành được sự ủng hộ của người dân bằng cách thể hiện quyết tâm mạnh dạn ngừng chính sách trồng ngô của người tiền nhiệm là cố Chủ tịch Kim Jong-il để chuyển sang trồng lúa mì. Trên thực tế, tầng lớp trung lưu đến thượng lưu của Bắc Triều Tiên bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa ngoại nhập, cộng với việc thu nhập tăng nên văn hóa ăn uống bên ngoài đã hình thành từ khá lâu và họ đã tiêu thụ rất nhiều món ăn từ bột mì như bánh mì, bánh pizza, mì Ý và mì nước. Điều này cũng được phản ánh trong chính sách nông nghiệp của miền Bắc.

 

Năm 2022 là năm đầu tiên Cương lĩnh Cách mạng nông thôn mới của Bắc Triều Tiên được đưa vào thực hiện một cách toàn diện. Truyền thông miền Bắc nhấn mạnh sự cần thiết phải trồng nhiều lúa gạo cùng lúa mì. Trong một chương trình phát sóng, KCTV nhấn mạnh Bắc Triều Tiên cần lập kế hoạch cho một dự án nhằm đảm bảo diện tích canh tác cần thiết để đáp ứng nhu cầu gạo và lúa mì, đồng thời tăng đáng kể năng lực chế biến lúa mì. Nước này cũng có các bài báo về các hợp tác xã đang tăng diện tích trồng lúa mì. Trả lời phỏng vấn, một kỹ sư nông nghiệp của Hợp tác xã huyện Chaeryong (tỉnh Hwanghae) cho biết ban công tác đã tăng diện tích trồng lúa mì lên gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước. Miền Bắc cũng nhấn mạnh rằng so với ngô, lúa mì có thể trồng được hai vụ. Bằng cách này, Bắc Triều Tiên được cho là đang chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngũ cốc từ gạo và ngô sang gạo và lúa mì.

 

Tuy không có số liệu thống kê cụ thể về diện tích trồng lúa mì của Bắc Triều Tiên, vào cuối năm ngoái, Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc đã công bố ước tính về số liệu thống kê sản xuất ngũ cốc của miền Bắc. Trong đó, tổng sản lượng giảm 180.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ có sản lượng lúa mì và lúa mạch tăng khoảng 20.000 tấn, tương đương 12,5%. Dựa trên con số này, có thể thấy diện tích trồng lúa mì tại miền Bắc đã tăng lên. Lúa gạo và lúa mì đã được trồng hai vụ tại tỉnh Nam Hwanghae vào năm ngoái, nhưng dường như không đạt được thành tựu lớn do không có đủ biện pháp đối phó với hạn hán và giá rét mùa xuân. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bắc Triều Tiên đã coi thiên tai do thời tiết bất thường là chuyện khó tránh khỏi và quyết liệt ban hành các chủ trương, đồng thời triển khai chuẩn bị đầy đủ nên dự kiến sản lượng và diện tích gieo trồng lúa mì năm nay sẽ tăng đáng kể so với năm ngoái.

 

Từ ngày 26/2 đến ngày 1/3, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng để tập trung vào các vấn đề nông nghiệp. Hội nghị được tổ chức nhằm xem xét các vấn đề xuất hiện trong năm đầu tiên thực hiện Cương lĩnh Cách mạng nông thôn mới và đưa ra các biện pháp khắc phục. Tại sự kiện, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh về cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Một chương trình phát sóng của miền Bắc thuật lại lời ông Kim cho biết mục đích cơ bản của Hội nghị toàn thể lần này là tìm ra một nền tảng ổn định và bền vững cho phát triển nông nghiệp bằng cách nhìn lại hiệu quả mục tiêu sản xuất ngũ cốc năm nay và cách mạng hóa sản xuất nông nghiệp trong những năm tới. Việc một Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng được tổ chức chỉ sau hai tháng kể từ Hội nghị cuối năm ngoái, với nghị sự chính chỉ bao gồm các vấn đề nông nghiệp, là một sự kiện chưa từng thấy trước đây tại nước này.

 

Lúa mì phát triển mạnh vào mùa xuân, cũng là thời điểm Bắc Triều Tiên có khí hậu khô hạn và lạnh giá. Đặc biệt là năm ngoái, vấn đề cung cấp nước cho nông nghiệp không kịp thời do hạn hán đã có tác động quyết định đến việc giảm sản lượng. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên tại Hội nghị toàn thể năm nay là cải thiện hệ thống thủy lợi. Trên thực tế, các dự án xây dựng nhà ở quy mô lớn đang được tiến hành trên toàn quốc, đặc biệt là ở Bình Nhưỡng, sẽ gây khó khăn cho việc cung cấp thiết bị xây dựng hạng nặng hoặc vật liệu để duy trì hệ thống thủy lợi. Vì vậy, các khu vực nông nghiệp phải sử dụng nước ngầm từ các giếng đã dùng trong quá khứ hoặc đã ngưng sử dụng, hoặc phải khôi phục các hệ thống thủy lợi đào sâu vào lòng đất để lấy nước. Tình trạng này cũng thường xuyên được báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động, đưa tin. Ngoài ra, nhiệm vụ cấp bách đối với miền Bắc là nâng cao trình độ máy móc nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để nước này tập trung vào nông nghiệp vì ưu tiên của ngành công nghiệp máy móc là các thiết bị quân sự và sản xuất. Do đó, dự kiến nguồn cung cấp máy móc nông nghiệp cho các trung tâm nông nghiệp, chẳng hạn như tỉnh Hwanghae, sẽ bị hạn chế.

 

Có phân tích Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vừa qua của Bắc Triều Tiên không đưa ra được biện pháp đặc biệt nào để tăng sản lượng. Tuy nhiên, có thể thấy miền Bắc sẽ tiếp tục tập trung vào trồng lúa mì. Hy vọng rằng mọi người dân Bắc Triều Tiên đều sẽ sớm được thưởng thức nhiều loại thực phẩm đa dạng làm từ bột mì.

Tin mới nhất