Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Các sản phẩm từ sữa tại Bắc Triều Tiên

2023-06-07

ⓒ Getty Images Bank

Hiện nay, có nhiều sản phẩm làm từ sữa động vật rất đa dạng, bao gồm sữa, sữa bột, bơ, kem, pho mát và sữa chua. Các siêu thị cũng có khu vực riêng cho các sản phẩm này với nhiều chủng loại khác nhau. Riêng sữa uống đã có các vị như vị dưa lưới, vị sô-cô-la, vị ngô. Các sản phẩm sữa mới cũng lần lượt được tung ra theo xu hướng của thị trường. Tương tự, Bắc Triều Tiên cũng đặt nhiều nỗ lực vào ngành công nghiệp sản xuất các mặt hàng làm từ sữa. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu các sản phẩm làm từ sữa ở Bắc Triều Tiên cùng ông Cho Chung-hee, Viện trưởng Viện nghiên cứu Good Farmers.

 

Ngày nay, các sản phẩm làm từ sữa thường xuất hiện trên truyền hình Bắc Triều Tiên. Trong một chương trình phát sóng của Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV), một phát thanh viên nữ cho biết sản phẩm từ sữa rất bổ dưỡng và tốt cho hấp thụ tiêu hóa. Do đó, đây là thực phẩm dinh dưỡng lý tưởng để kích thích sự phát triển của trẻ em ở mọi giai đoạn. Trước đây tại miền Bắc, sữa là một loại thực phẩm quý chỉ một số tầng lớp cao mới được sử dụng. Tuy nhiên vào năm 2022, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đưa tin tất cả các huyện, thành phố và tỉnh trong cả nước đều đạt được thành quả trong việc sản xuất các mặt hàng sữa để cung cấp cho trẻ em.

 

Trên thực tế, đảng Lao động Bắc Triều Tiên gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe trẻ em và chú trọng nhiều vào việc sản xuất sữa. Miền Bắc gặp khó khăn trong việc chăn nuôi gia súc ăn ngũ cốc như lợn và gà do không đủ ngũ cốc. Vì vậy, nước này đã thay đổi chính sách để tập trung vào các loài động vật ăn cỏ như dê, bò và thỏ, vốn là một chính sách có từ cuối những năm 1950. Với chính sách cung cấp sữa chất lượng tốt cho trẻ em của miền Bắc, sự quan tâm tới việc nuôi bò sữa cũng tăng lên. Ngoài ra, từ một nước vốn không tự sản xuất mà chỉ tiêu thụ sữa dê, nước này đã bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến sữa dê và sữa bò.

 

Ở Bắc Triều Tiên, các nhà máy và xí nghiệp cũng nuôi gia súc. Công ty này cũng đã xây dựng một cơ sở mới để sản xuất các thực phẩm giàu đạm và đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt. Các nhà máy và doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên phải tự chăn nuôi gia súc nhằm cải thiện dinh dưỡng cho người dân. Đặc biệt, số lượng người chăn nuôi bò sữa đã tăng lên nhanh chóng. Miền Bắc cũng nhấn mạnh nhu cầu chế biến sữa, một nguồn thực phẩm giàu calo. Xu hướng này bắt nguồn từ sự thay đổi trong chính sách chăm sóc trẻ em của nước này.

 

Trong một chương trình phát sóng, KCTV từng nhấn mạnh không có dự án cách mạng nào quan trọng hơn việc nuôi dạy con cái khỏe mạnh, đó là chính sách quan trọng nhất của đảng Lao động, của đất nước và là nguyện vọng cao cả nhất của người dân. Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động năm 2021, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã chỉ đạo phải cải thiện và củng cố chính sách chăm sóc trẻ em. Năm 2022, Hội đồng nhân dân tối cao nước này đã nhất trí thông qua Luật Chăm sóc trẻ em. Việc một quốc gia có một luật dành riêng cho trẻ em là một điều hiếm thấy trên thế giới. Đặc trưng của chính sách này tại miền Bắc là nhấn mạnh vào các sản phẩm từ sữa. Ông Kim yêu cầu dùng ngân sách quốc gia để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng, trong đó có sữa, cho trẻ em trên toàn quốc, cũng là một điều khoản được quy định trong Luật Chăm sóc trẻ em. Theo đó, Bắc Triều Tiên đã xây dựng hệ thống sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa.

 

Cơ sở sản xuất sữa tiêu biểu của Bắc Triều Tiên nằm ở xã Kubin, huyện Kangdong của Bình Nhưỡng với các trang thiết bị được gửi đến từ Hàn Quốc. Nơi đây sản xuất các loại sữa chua và bơ. Gần đây, các đơn vị hoặc hợp tác xã chăn nuôi bò sữa đang tự xây dựng các cơ sở chế biến và sản xuất các sản phẩm từ sữa quy mô nhỏ theo chỉ thị từ chính quyền. Vì vậy, sản xuất đã đi đôi với chế biến.

 

Ngoài trang trại ở huyện Kangdong, một cơ sở sản xuất các mặt hàng sữa số lượng lớn với các trang thiết bị do tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc Good Neighbors cung cấp, các trang trại chăn nuôi ở các vùng khác của Bắc Triều Tiên cũng nỗ lực tăng sản lượng các mặt hàng sữa. Nhà máy Thực phẩm Thiếu nhi Bình Nhưỡng chuyên sản xuất thực phẩm trẻ em cũng đang nỗ lực cung cấp các sản phẩm sữa. Tỉnh Chagang của Bắc Triều Tiên cũng đang điều hành hàng trăm cơ sở sản xuất đồ uống sữa lên men, còn thành phố cảng Nampo đang thực hiện dự án xây dựng cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sữa.

 

Ở miền Bắc, sữa bột được đóng trong lon, hộp hoặc túi giấy, có ghi rõ thành phần dinh dưỡng. Nước này đã tung ra các sản phẩm sữa có chứa các loại trái cây như quýt, nho, dâu tây, đào và dưa lê. Bắc Triều Tiên cũng bắt đầu sản xuất sữa chua sau khi được Hội người Triều Tiên tại Nhật Bản (còn gọi là Jochongryeon) gửi các trang thiết bị sản xuất vào năm 1988. Nước này cũng đã sản xuất sữa chua với nhiều chủng loại đa dạng như sữa chua táo, táo tàu, đậu đỏ, collagen và vitamin. Năm 2022, tỉnh Kangwon của miền Bắc đã phát triển một quy trình sản xuất sữa chua mới. Các sản phẩm sữa của Bắc Triều Tiên tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa đạt đến mức có thể lưu thông trên thị trường.

 

Sản xuất sữa là lĩnh vực còn gặp nhiều hạn chế nhất trong ngành công nghiệp chăn nuôi của Bắc Triều Tiên. Lượng protein từ các sản phẩm sữa là một chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em và người già. Tuy nhiên, được uống sữa tươi ở miền Bắc không phải là một việc dễ dàng. Các trang trại sản xuất sữa chỉ cung cấp sữa cho các trung tâm chăm sóc trẻ em và trường mẫu giáo gần đó rồi chụp lại hình ảnh để tuyên truyền. Tôi nghĩ rằng phải một thời gian nữa thì sữa sản xuất trong nước mới có thể được đưa ra lưu thông trên thị trường.

 

Một quốc gia muốn sản xuất các sản phẩm từ sữa thì phải phát triển ngành chăn nuôi và đảm bảo đủ lượng ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, rất khó để bò có thể sản xuất đủ sữa nếu chỉ ăn cỏ. Chúng cũng cần được cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng như ngô, lúa mạch, bã mè và cám gạo một cách cân đối. Thật không may, Bắc Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhập khẩu ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi, đồng thời lại thiếu đồng cỏ và đất canh tác. Do những hạn chế này, việc chăn nuôi bò sữa không hề dễ dàng. Vì vậy, dê đã trở thành gia súc được miền Bắc để mắt tới.

 

Bắc Triều Tiên có số lượng bò sữa còn hạn chế nên đã nuôi dê để bổ sung. Tuy dê có thể cung cấp cả sữa và thịt nhưng lại chỉ cho sản lượng nhỏ so với bò sữa, lại có xu hướng ăn cả rễ cỏ nên có thể phá đồng cỏ. Vì vậy, dê không phải là đối tượng chính trong sản xuất sữa ở miền Bắc mà chỉ là phương án bổ sung khi lượng bò thiếu hụt.

 

So với bò, một con dê sản xuất ít hơn từ 20-25 lít sữa mỗi ngày. Tuy nhiên, dê có thể lớn tốt chỉ nhờ ăn cỏ và có khả năng kháng bệnh. Vì lý do này, Bắc Triều Tiên đã khuyến khích nuôi dê và tăng cường sản xuất các sản phẩm sữa dê kể từ khi ban hành Luật Chăm sóc trẻ em, trong đó đảm bảo cung cấp miễn phí thực phẩm dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc trẻ em. Mặt hàng sữa dê được giới thiệu là sản phẩm được trẻ em yêu thích. Trên thực tế, sữa đậu nành lại là một sản phẩm được Bắc Triều Tiên cung cấp cho trẻ em sớm hơn và tích cực hơn so với các sản phẩm từ sữa dê.

 

Bắc Triều Tiên có lịch sử cung cấp sữa đậu nành từ lâu. Đầu những năm 1980, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm cung cấp sữa đậu nành cho các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường mẫu giáo và trường tiểu học. Sau đó, dự án này lan rộng khắp cả nước, mỗi thành phố và đều xây dựng các cơ sở cung cấp sữa đậu nành. Chính sách đã được nhấn mạnh hơn và đến nay, cả học sinh trung học cơ sở cũng được uống một cốc sữa đậu nành mỗi ngày. Miền Bắc đã hệ thống hóa việc cung cấp sữa đậu nành hàng ngày và sẵn sàng nhập khẩu đậu nành nếu cần thiết.

 

Bắc Triều Tiên gọi sữa đậu nành là loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe trẻ em và đã bỏ nhiều công sức vào việc cung cấp sản phẩm này. Miền Bắc thậm chí vẫn tiếp tục cung cấp sữa đậu nành ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” vào những năm 1990. Thời gian uống sữa đậu nành được đưa vào lịch trình hàng ngày của các trung tâm chăm sóc trẻ em, trường mẫu giáo và trường học. Những đơn vị này còn có các phòng và trung tâm cung cấp sữa đậu nành riêng. Ngay cả xe của cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il (1941-2011) cũng phải nhường xe chở sữa đậu nành nên những xe này được gọi là “xe vua”. Ngày nay, Bắc Triều Tiên cho thêm hương vị trái cây vào sữa đậu nành để phù hợp với khẩu vị của trẻ em. Nước này thực hiện chính sách nhấn mạnh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em, từ các sản phẩm sữa mới, sữa dê cho đến sữa đậu nành.

 

Sức khỏe của trẻ em chính là tương lai của đất nước. Trẻ em khỏe mạnh thì một quốc gia mới có thể khỏe mạnh. Trên thực tế, trẻ em sinh ra sau giai đoạn “cuộc hành quân gian khổ" đều yếu ớt và thậm chí tử vong vì thiếu đạm và không thể phát triển, dễ mắc bệnh. Sữa là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này.

 

Suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Bắc Triều Tiên. Theo Ước tính về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em năm 2021 do Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng công bố, khoảng 310.000 trẻ em miền Bắc dưới 5 tuổi đang bị chậm phát triển do suy dinh dưỡng. Trong tình hình đó, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước, đã trở thành nhiệm vụ quốc gia của miền Bắc. Bắc Triều Tiên nhấn mạnh chính sách chăm sóc trẻ em, gọi đây là vấn đề quan trọng hàng đầu và là mong muốn ấp ủ từ lâu của đảng và Nhà nước. Việc miền Bắc đang tập trung vào các sản phẩm từ sữa là một thay đổi tích cực nhằm cải thiện dinh dưỡng của trẻ em.

Tin mới nhất