Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Truyện “Anh em nhà Heungbu” phiên bản Bắc Triều Tiên

2023-01-04

ⓒ Getty Images Bank

Bài hát “Heungbu và Nolbu” do nhà văn thiếu nhi Kang So-cheon viết lời và nhạc sĩ Na Eun-young phổ nhạc lấy cảm hứng từ câu truyện cổ tích kể về người em Heungbu tốt bụng đã chữa lành chân cho chú chim én, được én trả ơn và trở nên rất giàu có. Người anh Nolbu tham lam và xấu tính đã tự bẻ gãy chân én để chữa lành và cuối cùng bị mất hết tài sản. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất tìm hiểu xem “Anh em nhà Heungbu” được lưu truyền như thế nào ở hai miền Nam-Bắc.

 

“Anh em nhà Heungbu” là một câu chuyện trong lối hát kể chuyện Pansori của Hàn Quốc, sau đó được viết lại thành tiểu thuyết và được gọi là tiểu thuyết Pansori. Tác phẩm được lưu truyền dưới dạng một bản thảo viết tay và sau đó được xuất bản dưới dạng mộc bản, trong đó bản tiêu biểu nhất là nguyên bản được viết ở Seoul trong thời đại Joseon. Trong quá trình này, rất nhiều “tam sao thất bản” đã ra đời nhờ việc thêm bớt các tình tiết truyện.

 

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai miền Nam-Bắc trong cách lưu truyền “Anh em nhà Heungbu” có lẽ là sự tự do trong cách thể hiện tác phẩm. Ví dụ, các tác phẩm parody hài hước lấy nhân vật người anh Nolbu làm nhân vật chính chỉ có thể tồn tại ở Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên coi tiểu thuyết kinh điển là một tác phẩm cổ truyền của dân tộc. Trong quá trình khôi phục văn hóa truyền thống vào những năm 1950, Bắc Triều Tiên đã tiến hành diễn giải lại các tác phẩm truyền thống và kinh điển theo tư tưởng của thể chế xã hội chủ nghĩa. Miền Bắc bắt đầu một dự án lớn để nghiên cứu và tìm hiểu nội dung văn hóa truyền thống từ những năm 1980, sau đó biên soạn Tuyển tập Văn học cổ điển Bắc Triều Tiên từ năm 1983 cho đến nay. Đây là một dự án xuất bản lớn do Nhà nước Bắc Triều Tiên chỉ đạo. “Anh em nhà Heungbu” đã được xuất bản trong quyển thứ 43 của tuyển tập này vào năm 2005. Đây là một câu chuyện cũng được yêu thích ở Bắc Triều Tiên và được sử dụng làm nguồn cảm hứng cho nhiều thể loại đa dạng, chẳng hạn như truyện thiếu nhi, phim hoạt hình, múa rối, ca kịch, kịch xướng và kịch múa.

 

Các phiên bản của câu chuyện có thể ít nhiều có những điểm khác nhau, nhưng hầu hết đều bắt đầu bằng lời kể về hai anh em Heungbu và Nolbu, trong đó Nolbu là một người có lòng đố kỵ cao ngất trời. Con người ai cũng đều có “lục phủ ngũ tạng” nhưng Nolbu thì chắc có tới “thất phủ”, với lòng thứ 7 chính là lòng ganh ghét. Hắn ta giỏi rượu chè, chửi tục, chơi bời, đánh nhau, lại cực kỳ hung ác. Trong khi đó, người em Heungbu thì hoàn toàn ngược lại. Anh sống hòa thuận với hàng xóm và sẵn sàng giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sau khi bố mẹ qua đời, Nolbu đuổi em trai ra khỏi nhà và giành hết tài sản thừa kế. Trong mùa đông lạnh giá, Heungbu bị đuổi ra đường và phải dựng một túp lều cho gia đình mình. Căn lều bé đến mức nằm duỗi chân cũng khiến bàn chân bị lòi ra ngoài. Nằm ngủ quay ngang quay dọc sẽ lòi cả tay và mông ra khỏi lều. Vì gây vướng cho người khác nên người dân gọi gia đình Heungbu là “cái mông”. Vợ Heungbu ngạc nhiên khi nghe thấy điều đó và ngồi dậy khóc lớn, đến mức người dân xung quanh không thể ngủ được.

 

Cuộc sống nghèo khổ ngoài sức tưởng tượng của gia đình Heungbu được mô tả trong cả ấn bản được lưu truyền tại Hàn Quốc và phiên bản truyện tại Bắc Triều Tiên. Các thành viên nhà Heungbu ba ngày mới được ăn một bữa và sẽ liệt kê các món họ muốn ăn khi nói nhiều. Trong nguyên bản viết tại Seoul thời Joseon, các nhân vật nhắc tới các món ăn như mì trong món lẩu Yeolgujatang, hay còn gọi là lẩu Sinseollo, vốn là một món ăn cung đình. Ngoài ra còn có món thịt nướng Beonggeoji, cơm trắng với súp thịt chó, hay bánh gạo táo tàu. Thay vì các thực phẩm dành cho tầng lớp quý tộc, phiên bản của Bắc Triều Tiên chỉ đề cập đến các loại thực phẩm mà người dân thường ăn như bánh lúa mỳ, canh thịt chó, súp bí ngô và mỳ.

 

Một trong những tình tiết thú vị nhất của truyện có thể kể tới cảnh vợ Nolbu dùng muôi cơm đánh vào mặt Heungbu. Một ngày nọ, Heungbu không nỡ chứng kiến cảnh gia đình phải nhịn đói nên đã đến tìm anh trai nhưng lại bị đuổi đi. Vì vậy, anh đã xuống bếp để tìm chị dâu hi vọng được giúp đỡ.

 

Vì truyện lấy bối cảnh là thời kỳ “nam nữ thụ thụ bất thân” nên vợ Nolbu đã quát lên rằng sao Heungbu dám đi vào bếp và dùng muôi cơm đập vào má bên phải của anh. Phiên bản của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đều có cảnh này, nhưng tình tiết sau đó thì lại có chút khác biệt. Trong phiên bản Bắc Triều Tiên, Heungbu yêu cầu người chị dâu đánh anh thêm lần nữa nhưng không giải thích tại sao. Bị vợ của Nolbu đánh đập dã man, Heungbu cố kìm nước mắt và trở về nhà, cảm thấy phẫn uất với thế giới tàn khốc. Trong khi đó, ấn bản tại Hàn Quốc lại giải thích hành động này của Heungbu bằng một lý do thú vị. Sau khi bị chị dâu đánh mạnh vào má bằng muôi cơm, Heungbu đã nhặt luôn những hạt cơm bị dính lại và bỏ vào miệng, lại còn cảm ơn chị dâu đã cho cơm ăn. Anh thậm chí còn yêu cầu cô ta đánh anh thêm lần nữa vào má bên kia để anh có thêm một ít cơm mang về nhà cho các con ăn. Vợ Nolbu nghe vậy thì lại cho anh một đòn nữa nhưng không phải bằng muôi cơm mà là bằng que lửa. Heungbu đau đớn không nói nên lời, khóc lóc thảm thiết và trở về nhà. Khác với sự miêu tả hài hước nhưng bất lực trong ấn bản của Hàn Quốc, phiên bản của miền Bắc sử dụng tình tiết này để mô tả lòng phẫn nộ và oán giận thế gian của Heungbu.

 

Để nuôi con, Heungbu không quản ngại công việc gì, kể cả làm ruộng và thay mái nhà tranh hay quét dọn nhà cửa. Vợ của Heungbu cũng làm đủ thứ công việc lặt vặt, chẳng hạn như giã gạo, rửa bát thuê và đi hái lá rừng. Hai vợ chồng cố gắng làm việc nhưng hoàn cảnh ngày càng trở nên khó khăn. Heungbu thậm chí định chịu đòn thay cho phạm nhân để đổi lấy tiền, nhưng dự định này cũng phá sản vì triều đình có đợt ân xá.

 

Trong ấn bản của Hàn Quốc, Heungbu và vợ chỉ than thở về hoàn cảnh khốn khổ của mình, còn trong phiên bản của Bắc Triều Tiên, vợ anh đã an ủi chồng mình và khích lệ anh làm việc chăm chỉ thì ngày tươi sáng sẽ đến. Tháng 8/1953, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, miền Bắc đã tiếp tục tổ chức các buổi biểu diễn xướng kịch. Từ đó, thể loại biểu diễn này đã trải qua nhiều thay đổi để kết hợp thêm các yếu tố tư tưởng. Năm 1955, kịch bản kịch xướng “Anh em nhà Heungbu” của tác giả Pak Te-won được phát hành, thể hiện chủ nghĩa hiện thực của xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn của gia đình Heungbu đã được mô tả chi tiết nhằm phơi bày tình trạng tham nhũng và những điều bất công của thời đại Joseon bằng cách cho thấy người dân cho dù có chăm chỉ làm việc như thế nào thì vẫn sẽ bị những kẻ có tiền và quyền lực bóc lột. Chẳng hạn, cho dù có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn thì Heungbu vẫn bị từ chối không cho vay gạo từ triều đình. Sau đó, một viên quan đã gợi ý để anh chịu đánh đòn thay cho tội phạm để nhận tiền. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn là người giàu có thể tránh bị trừng phạt ngay cả khi phạm tội, trong khi người nghèo phải vật lộn để thoát nghèo dù phải chịu đòn roi thay cho người khác.

 

Tuy đã làm việc chăm chỉ nhưng Heungbu vẫn không thể tìm được con đường thoát nghèo. Mặc dù vậy, anh đã gặp được cơ hội thay đổi cuộc đời. Vào mùa xuân, một con chim én làm tổ dưới mái hiên nhà Heungbu. Một ngày nọ, Heungbu nhìn thấy một con rắn bò vào tổ để ăn thịt những chú chim non và đã đuổi rắn đi. Tuy nhiên, một chú én con đã rơi xuống đất và bị gãy chân. Heungbu và vợ chăm sóc chú chim rất cẩn thận. Vào mùa thu, chú én bay về phương Nam trú đông an toàn. Mùa xuân tới, én trở lại và làm rơi một hạt giống trong sân nhà Heungbu. Anh gieo hạt giống và không lâu sau, cây cho ra những trái bầu khổng lồ. Khi bổ ra thì hai vợ chồng Heungbu thấy những quả bầu chứa đầy vàng bạc và châu báu.

 

Trong phiên bản Bắc Triều Tiên, vợ của Heungbu muốn nấu cơm và may quần áo mới sau khi tìm thấy kho báu, đồ gia dụng và vải tốt trong các quả bầu. Tuy nhiên, Heungbu đã thuyết phục vợ đừng trở nên tham lam như anh trai mình, thay vì vậy nên chia sẻ với mọi người. Trong khi Heungbu trong phiên bản Hàn Quốc nhảy múa vui sướng sau khi nhìn thấy kho báu trong quả bầu thì Heungbu trong phiên bản miền Bắc lại tỏ ra cảnh giác với vận may bất ngờ, cố gắng kiểm soát lòng tham và lên kế hoạch chia sẻ kho báu với những người xung quanh.

 

Cách Heungbu hành xử sau khi trở nên giàu có cũng có sự khác biệt trong hai phiên bản truyện. Sau khi trở nên giàu có, Heungbu nhớ đến những ngày tháng nghèo khó xưa kia và quyết định chia sẻ gạo, đồ trong nhà và vải vóc cho người nghèo.

 

Gạo, tiền và lụa trong quả bầu đều là những thứ Heungbu từng ước ao. Anh đã đạt được những thứ mà người dân Bắc Triều Tiên ao ước, đó là được ăn cơm trắng với canh có thịt, sống trong một ngôi nhà sang trọng và mặc quần áo đẹp. Thế nhưng Heungbu sẵn sàng chia sẻ tất cả những thứ đó với người khác. Điều này tượng trưng cho sự chia đều của cải trong xã hội chủ nghĩa. Khác với Nolbu chỉ biết giữ toàn bộ tài sản cho riêng mình, Heungbu là đại diện cho một xã hội chủ nghĩa lý tưởng, nơi cộng đồng chia sẻ mọi thứ và tất cả cùng nhau sống một cuộc sống ấm no.

 

Nghe được tin Heungbu trở nên giàu có, Nolbu xanh mặt vì ghen tị. Hắn ta cố tình làm gãy chân một chú én rồi chữa cho nó. Năm sau, én trở lại và cũng mang cho hắn một hạt bầu. Nghĩ rằng bản thân cũng sắp trở nên giàu có, Nolbu nhanh chóng gieo trồng và bổ trái bầu ra. Từ quả bầu tuôn ra tất cả những thứ xấu xa khiến cho Nolbu mất hết của cải. Trong phiên bản Hàn Quốc, Heungbu đã an ủi người anh trai giờ đây không còn một xu dính túi. Nolbu cũng ăn năn về những việc làm sai trái trong quá khứ của mình, hai anh em hòa giải và sống với nhau hạnh phúc mãi mãi. Tuy nhiên, phiên bản Bắc Triều Tiên có một kết thúc khác.

 

Trong phiên bản Bắc Triều Tiên, người em Heungbu tốt bụng đã gửi gạo, tiền và xây một ngôi nhà mới cho anh trai, tuy nhiên lại không có chi tiết cho thấy sự thay đổi của Nolbu. Mặc dù đã trở nên giàu có, Heungbu vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ, tìm thấy niềm vui trong việc giáo dục tốt con cái và sống một cuộc sống hạnh phúc. Phiên bản miền Bắc không có tình tiết hai anh em hòa giải và sống hòa thuận với nhau. Tại Bắc Triều Tiên, “Anh em nhà Heungbu” được coi là một cuốn tiểu thuyết trào phúng về người em Heungbu là nông dân nghèo nhưng siêng năng và trung thực, và người anh Nolbu tham lam và keo kiệt thuộc tầng lớp địa chủ vào thời đại Joseon thế kỷ XVIII, thời kỳ còn tồn tại khoảng cách lớn giữa tầng lớp giàu và nghèo. Trong khi Heungbu tượng trưng cho người dân lao động thì Nolbu tượng trưng cho tầng lớp tư bản vô nhân đạo, vô đạo đức. Không chỉ là anh em, họ đại diện cho những người bóc lột và bị bóc lột. Khác với ấn bản của Hàn Quốc, trong đó hai anh em cuối cùng đã hòa giải, phiên bản của Bắc Triều Tiên tập trung vào xung đột giai cấp cay đắng và thù địch đến mức không thể giải quyết nhờ tình anh em. Heungbu chỉ chia sẻ của cải với những người thuộc cùng tầng lớp, chẳng hạn như nông dân và công nhân, và không bao giờ hòa giải với giai cấp địa chủ.

 

Văn học là một lăng kính phản ánh thời đại và xã hội. Các yếu tố tư tưởng trong phiên bản “Anh em nhà Heungbu” của Bắc Triều Tiên có những điểm khác biệt so với ấn bản tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, cả hai phiên bản đều có điểm chung là bài học nhân quả, ác giả ác báo. Năm mới 2023 đã tới, xin chúc các thính giả có được sức khỏe dồi dào và tài lộc như nhân vật Heungbu.

Tin mới nhất