Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Quá trình thay đổi của bài phát biểu mừng năm mới tại Bắc Triều Tiên

2023-01-11

ⓒ Getty Images Bank

Vào khoảnh khắc giao thừa lúc 0 giờ ngày 1/1/2023, tiếng chuông đã điểm tại tháp chuông Bosingak (Phổ Tín Các) ở thủ đô Seoul, báo hiệu năm mới đã đến. Tương tự như Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng tổ chức nhiều lễ đón năm mới, trong đó có buổi biểu diễn mừng năm mới tại Sân vận động 1/5 ở Bình Nhưỡng với sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Trong sự kiện này, thay cho bài phát biểu mừng năm mới vốn đã bị giản lược từ năm 2020, ông Kim đã có một bài báo cáo về kết quả của Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào cuối năm 2022. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất tìm hiểu về quá trình thay đổi về bài phát biểu mừng năm mới của các nhà lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên.

 

Bài phát biểu mừng năm mới của Bắc Triều Tiên là phần trình bày của nhà lãnh đạo tối cao của nước này về phương hướng năm mới, được coi là một loại mệnh lệnh tới người dân. Vì vậy, truyền thông miền Bắc đã đưa tin về một đại hội quần chúng quy mô lớn vào đầu tháng một để cổ vũ việc thực hiện hướng đi trong bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo. Tại sự kiện này, những người tham gia sẽ cùng hô vang khẩu hiệu cùng quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được đề ra trong bài phát biểu đầu năm. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đồng thời giới thiệu về nhiều “cuộc tụ họp để học tập” giúp người dân nắm bắt và hiểu rõ về nội dung bài phát biểu năm mới.

 

Ngày 10/12 vừa qua, Đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên (KCTV) đưa tin những người lao động trong ngành sản xuất máy móc đang cùng thực hiện làn sóng học tập làm theo bài phát biểu mừng năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un. Trong trường hợp bài phát biểu năm mới được thay bằng bản báo cáo về Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng, chính quyền miền Bắc đã tiến hành các hoạt động để khuyến khích người dân thực hiện các nhiệm vụ được đưa ra. Và năm nay cũng thế, truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin một đại hội nhằm thúc đẩy việc thi hành nghị quyết của Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng đã được tổ chức tại Sân vận động 1/5 ở Bình Nhưỡng với sự tham gia của 100.000 người lao động và học sinh, thanh thiếu niên. Truyền thông nước này cũng cho biết bài báo cáo của Tổng bí thư tại Hội nghị toàn thể đã được truyền đến các chính quyền đảng ở các cấp trung ương, địa phương và “sự hăng hái học tập đang tăng lên”, cho thấy bài báo cáo về Hội nghị toàn thể lần này được người dân miền Bắc học tập như kiến thức ở sách giáo khoa.

 

Nhìn chung, các nhà lãnh đạo của mỗi quốc gia đều gửi lời chúc mừng vào dịp năm mới, nhưng cách người dân mỗi nước nhìn nhận bài phát biểu này rất khác nhau. Thật không ngoa khi nói Bắc Triều Tiên là quốc gia duy nhất nơi người dân phải ghi nhớ và học tập về bài phát biểu mừng năm mới của nhà lãnh đạo.

 

Trong bài phát biểu đầu năm 1994, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành kêu gọi người dân đấu tranh mạnh mẽ để xây dựng một xã hội chủ nghĩa vì sự thống nhất hòa bình độc lập của đất nước. Bài phát biểu mừng năm mới đầu tiên của miền Bắc là vào vào ngày 1/1/1946 được cố Chủ tịch Kim phát biểu với tiêu đề "Lời kêu gọi toàn dân nhân dịp năm mới".

 

Vào thời khắc giao thừa ngày 31/12/1945, tiếng Chuông Bình Nhưỡng vang lên tại Cổng Daedongmun ở Bình Nhưỡng. Đây là chiếc chuông được làm vào cuối triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) và không hề được sử dụng vào thời kỳ thực dân Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Một ngày sau khi tiếng chuông vang lên với ý nghĩa đánh dấu việc đất nước đã được giải phóng, tức ngày 1/1/1946, truyền thống phát biểu mừng năm mới của Bắc Triều Tiên được bắt đầu với bài phát biểu có tựa đề "Lời kêu gọi toàn dân" của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Sau khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) nổ ra, từ năm 1952-1955, cố Chủ tịch Kim chỉ gửi lời chúc mừng năm mới và cố Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Kim Tu-bong mới là người phát biểu bài mừng năm mới. Từ năm 1956-1970, trong quá trình cố Chủ tịch Kim thanh trừng các đối thủ chính trị và tranh giành quyền lực, các bài diễn thuyết, lời chúc mừng và bài phát biểu năm mới đôi khi được dùng xen kẽ hoặc bị lược bỏ. Đến ngày 1/1/1971, bài phát biểu mừng năm mới đã chính thức trở thành một thông lệ hàng năm của miền Bắc khi xuất hiện trên trang nhất của báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên.

 

Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng đưa tin về buổi biểu diễn tại cung thiếu nhi Mangyongdae vào ngày đầu năm mới. Buổi biểu diễn được thực hiện dưới khẩu hiệu “Cùng chuẩn bị sẵn sàng vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tiếp nối "Gia đình tôi 12 tháng" vào năm 2022, sự kiện năm nay được tổ chức với tựa đề "Đưa cao tiếng hát hạnh phúc". Truyền thống để trẻ em biểu diễn mừng năm mới tại Bắc Triều Tiên bắt đầu từ thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Năm 1956, "Buổi lễ mừng năm mới của học sinh và thanh thiếu niên" được tổ chức tại rạp chiếu phim Daedongmun ở Bình Nhưỡng. Một năm sau đó, Cố Chủ tịch Kim đã tham gia "Buổi lễ mừng năm mới của trẻ em" và chụp ảnh tại sự kiện này.

 

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, trang nhất của báo Lao động vào ngày 1/1 đăng một bức ảnh chân dung trang trọng với biểu cảm nghiêm túc của ông Kim cùng nội dung bài phát biểu mừng năm mới. Tuy nhiên, tại trang tiếp theo lại là hình ảnh cố Chủ tịch Kim cười rất tươi và nhân từ, nắm tay, ôm và nhận hoa từ trẻ em, tạo nên hình tượng một người cha, người ông vui vẻ chào đón con cháu mình. Bức ảnh này nhằm truyền tải những cảm xúc tích cực và tình cảm nhẹ nhàng thay vì những phán đoán mang tính lý trí và logic, tạo nên cảm giác quen thuộc và thân thiện với cố lãnh đạo, để người dân xem ông như một bậc cha mẹ đáng tin cậy. Nụ cười rạng rỡ và nét mặt vui vẻ của những đứa trẻ khiến người đọc có cái nhìn thiện cảm với cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và tán thành một cách tích cực sự thống trị tuyệt đối của người mà họ coi như vị cha già dân tộc.

 

Sau khi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, truyền thống nhà lãnh đạo phát biểu mừng năm mới ở Bắc Triều Tiên biến mất. Người kế vị là cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il đã xuất bản “Bài xã luận chung về năm mới” vào ngày 1/1 hàng năm trên ba phương tiện truyền thông cùng lúc là báo Lao động, Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên và Mặt trận thanh niên. Thông điệp năm mới này đăng lại nội dung bài xã luận được phát thanh viên đọc trên sóng truyền hình. KCTV từng kêu gọi người dân một lần nữa thúc đẩy ngành công nghiệp nhẹ để tạo ra bước chuyển mình mang tính quyết định trong việc cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng một quốc gia hùng mạnh.

 

Việc cố Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời vào năm 1994 đã tạo ra bầu không khí trang nghiêm và buồn bã trên toàn quốc, khiến người dân Bắc Triều Tiên khó có thể nghĩ đến việc chúc mừng vào năm mới. Trong ba năm từ 1995-1997, báo Lao động đăng tải bức ảnh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tươi cười rạng rỡ và khẩu hiệu "Lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành ở bên chúng ta". Đây là thời điểm, cụm từ "lễ mừng năm mới" thực tế còn không được sử dụng. Trong thời gian ba năm, miền Bắc chỉ đăng bài xã luận chung. Người kế vị Kim Jong-il sẽ phải chịu áp lực lớn nếu ngay lập tức học theo phương pháp phát biểu bằng giọng thật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành sau khi quốc tang kết thúc. Vì vậy, bài xã luận chung đã trở thành thông lệ thay cho bài phát biểu năm mới dưới thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Từ năm 1998, việc ông Kim Jong-il đến xem buổi biểu diễn mừng năm mới của Đoàn độc tấu Quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên đã trở thành một sự kiện mừng năm mới. Ngoại trừ một vài năm, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã coi trọng và đến xem buổi biểu diễn này cho đến khi qua đời. Tiếng hát đồng ca của các nam binh sĩ đã tạo nên bầu không khí hào hùng, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện đường lối chính trị ưu tiên quân sự và nền “chính trị âm nhạc” của ông Kim Jong-il.

 

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un trở thành người kế vị sau khi cha là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011. Vì vậy, ông Kim Jong-un đón cái Tết đầu tiên trên cương vị này vào năm 2012. Báo Lao động vào ngày 1/1/2012 đã dùng toàn bộ trang nhất để đăng dòng chữ "Sức mạnh của Bắc Triều Tiên" và đăng bài xã luận chung của ông Kim vào trang tiếp theo. Một năm sau đó, ngày 1/1/2013, ông Kim Jong-un đã có một bài phát biểu mừng năm mới, nối lại truyền thống này lần đầu tiên sau 19 năm. Chủ tịch Kim Jong-un đã đích thân đọc bài phát biểu mừng năm mới này, trong đó có đoạn kêu gọi người dân chào đón năm mới 2013 với nhiều khát vọng và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

 

Hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un đọc bài phát biểu chúc mừng năm mới được phát sóng trên KCTV đã mang lại niềm vinh quang và hoài niệm một thời quá khứ của những người trung tuổi nhớ về thời đại Kim Nhật Thành. Ông Kim Jong-un mới ra mắt chính trường trong một thời gian rất ngắn nhưng đã có thể làm nổi bật sự hiện diện của mình bằng cách mượn hình ảnh của ông nội để xây dựng hình tượng mạnh mẽ và lấp đi hình ảnh một nhà lãnh đạo tuổi đời còn trẻ có thể gây mất lòng tin trong dân chúng. Kể từ năm 2013, cách thức mừng năm mới của miền Bắc cũng đã thay đổi đáng kể với các buổi biểu diễn phá cách. Đêm ngày 31/12 bắt đầu với buổi biểu diễn của Ban nhạc Moranbong, đến 0 giờ ngày 1/1, tiếng chuông giao thừa vang lên, tạo ra một không khí lễ hội trong một ngày đầu năm mới rực rỡ, đầy màu sắc và thú vị cùng nhà lãnh đạo mới. Sự kiện đón năm mới này đã đẩy cao sự hào hứng và xuyến xao bồi hồi trên toàn quốc, tạo ra một bầu không khí hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm là cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 

Các bài phát biểu mừng năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un về sau được đánh giá là đã xây dựng phong cách của riêng ông thay vì chỉ bắt chước ông nội Kim Nhật Thành như trước đó. Trong đó sự thay đổi rõ ràng nhất là bài phát biểu mừng năm mới vào năm 2017.

 

Trong bài phát biểu mừng năm mới 2017, Chủ tịch Kim Jong-un đã đề cập đến sự thành công của vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên, thử nghiệm các vũ khí tấn công khác nhau, thử nghiệm vụ nổ đầu đạn hạt nhân và dự án chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trong bài phát biểu này, tần suất đề cập đến những người tiền nhiệm đã giảm đáng kể và những từ liên quan đến các vụ thử hạt nhân như đạn nhiệt hạch, đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã xuất hiện. Tuy nhiên, nội dung bất thường nhất chính là nhận xét tự trách bản thân của ông Kim, một điều hiếm gặp ở một nhà lãnh đạo miền Bắc. Bài phát biểu mừng năm mới dưới thời Chủ tịch Kim đã có nhiều thay đổi không chỉ về nội dung mà còn về hình thức.

 

Bắt đầu từ năm 2013, Chủ tịch Kim Jong-un đã thực hiện bài phát biểu mừng năm mới trong trang phục nhân dân (loại quần áo kaki của lãnh đạo Bắc Triều Tiên). Từ năm 2014 đến 2016, hình ảnh ông Kim chỉ xuất hiện trong phần đầu gửi lời chào, còn trong suốt bài đọc trên màn hình chỉ chiếu hình ảnh của trụ sở đảng Lao động. Đến năm 2017 và 2018 thì Chủ tịch Kim chuyển sang mặc âu phục và thắt cà vạt. Năm 2019, miền Bắc lại chiếu cảnh Chủ tịch Kim Jong-un ngồi trên ghế sofa trong văn phòng của trụ sở đảng Lao động để đọc bài phát biểu và thậm chí còn phát sóng cảnh ông Kim di chuyển vào phòng làm việc. Đây đều là những nội dung hoàn toàn khác so với các bài phát biểu mừng năm mới trước đó. Ông Kim Jong-un đã phục hồi lại việc phát biểu dùng giọng thật, vốn là một nghi thức chính trị từ những ngày đầu lập quốc, và mặc trang phục nhân dân với ý nghĩa kế thừa tiền nhân. Việc Chủ tịch Kim chuyển qua mặc loại trang phục phổ biến của nam giới là âu phục và cà vạt cho thấy dụng ý quảng bá hình ảnh là một nhà lãnh đạo quốc gia bình thường như bao nước khác tới thế giới bên ngoài. Bản thân việc ngồi trong văn phòng để phát biểu đã là một hình thức phá cách. Những nỗ lực mới này thể hiện ông Kim là nhà lãnh đạo của một quốc gia hoàn toàn bình thường, cho thấy sự hiện diện của Bắc Triều Tiên trên trường quốc tế, phá vỡ hình tượng quốc gia khép kín với thế giới.

 

Đặc điểm có nhiều thay đổi nhất trong năm mới kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền chính là tiết mục diễn đón năm mới. Truyền thông Bắc Triều Tiên đưa tin buổi biểu diễn mừng năm mới năm nay cũng được tổ chức rất hoành tráng và được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt, sự kiện đón năm mới dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un có đặc điểm là được tổ chức dưới hình thức lễ hội.

 

Bắc Triều Tiên bắt đầu năm mới bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ như muốn thể hiện nước này chính là một quốc gia văn minh xã hội chủ nghĩa. Kể từ năm 2019, hàng trăm máy bay không người lái đã được sử dụng để tạo ra những hình ảnh ngoạn mục trên bầu trời đêm. Phong cách mừng năm mới dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un có những đặc điểm riêng, như biểu diễn mừng năm mới, đếm ngược đón năm mới, sự kiện đánh 12 tiếng chuông giao thừa, bắn pháo hoa và trình diễn máy bay không người lái. Đặc biệt, nhiều người dân sẽ tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành để chào đón năm mới như một lễ hội và chụp ảnh bằng điện thoại thông minh. Quá trình chào đón năm mới trong tiếng hò reo được truyền hình trực tiếp trên TV, cho thấy miền Bắc sử dụng phương tiện truyền thông để biến ngày đầu năm mới thành một sự kiện lớn. Khác với trước đây, khi sự kiện được tổ chức trong nhà, giới hạn người tham gia và chỉ chiếu video đã ghi hình trước vào ngày đầu năm mới, buổi biểu diễn mừng năm mới dưới thời ông Kim Jong-un được tổ chức ngoài trời để ai đến Quảng trường Kim Nhật Thành cũng có thể tham gia. Người ngồi xem đều có thái độ trật tự, hân hoan đón chào năm mới, vỗ tay và quay lại màn biểu diễn bằng camera điện thoại thông minh tại quảng trường. Có thể nói sự khác biệt này đã làm mới phong cách đón năm mới dưới thời ông Kim.

 

Từ khi lên nắm quyền vào năm 2013 đến 2019, hàng năm Chủ tịch Kim Jong-un đều đọc bài phát biểu mừng năm mới. Tuy nhiên, năm 2020, 2022 và năm nay, bài phát biểu này đã được thay bằng bài báo cáo kết quả Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động. Riêng năm 2021, ông Kim chỉ đưa ra một thiệp chúc Tết viết tay được công bố trên báo Lao động. Các chuyên gia giải thích sự thay đổi này là một động thái thể hiện sự trở lại của chế độ thống trị lấy đảng làm trung tâm của miền Bắc. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu bài phát biểu mừng năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un tới đây có được thực hiện theo cách này hay không.

Tin mới nhất