Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Chính sách cho người cao tuổi của Bắc Triều Tiên

2022-09-28

ⓒ KBS

Quý vị và các bạn đang nghe bài hát “Hãy đi cùng năm tháng” với sự trình bày của những người cao tuổi Bắc Triều Tiên. Bài hát kể lại niềm hạnh phúc mà những người lớn tuổi có được nhờ đảng Lao động miền Bắc. Theo báo cáo "Triển vọng dân số thế giới năm 2022" do Liên hợp quốc công bố, tổng tỷ suất sinh (dự đoán số trẻ bình quân một phụ nữ sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ) của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ giảm và dân số sẽ già hóa nghiêm trọng. Theo báo cáo, dân số nước này sẽ đạt đỉnh vào năm 2033, sau đó giảm dần xuống hơn 25,5 triệu người vào năm 2100, ít hơn 5 triệu người so với hiện nay. Nhân dịp Ngày quốc tế người cao tuổi 1/10 do Liên hợp quốc chỉ định đang tới gần, hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chính sách cho người cao tuổi của Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu Park Young-ja đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Thông thường, một quốc gia sẽ được coi là xã hội “già hóa” nếu người ngoài 65 tuổi chiếm hơn 7% tổng dân số, nếu tỷ lệ này trên 14% là xã hội “dân số già”, trên 20% gọi là xã hội “dân số siêu già”. Năm 2018, Hàn Quốc bước vào thời kỳ dân số già với tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 14,4%. Cùng năm, tỷ lệ dân số già của Bắc Triều Tiên xấp xỉ 10%, đưa nước này tiến vào con đường “già hóa dân số”. Bắt kịp xu hướng này, miền Bắc đã ban hành Luật bảo vệ người cao tuổi vào năm 2007 nhằm hỗ trợ sức khỏe và cuộc sống cho người già, bắt tay vào lập các đối sách hỗ trợ tầng lớp này.

 

Có hai lý do chính để Bắc Triều Tiên cho ra đời Luật bảo vệ người cao tuổi vào năm 2007. Thứ nhất là hệ thống bảo vệ người cao tuổi của miền Bắc đã xuống cấp do người dân nước này di chuyển nhiều hơn vì sự phát triển của chợ. Theo quy định pháp luật, phụ nữ đã kết hôn và người già là hai đối tượng duy nhất được phép hoạt động tại chợ tư nhân, nên khi hoạt động của nhóm đối tượng này phát triển, việc quản lý sẽ trở nên khó khăn hơn. Thứ hai là hệ thống bao cấp của Bắc Triều Tiên nay chỉ còn hữu danh vô thực nên không hề có bao cấp lương thực cho người cao tuổi. Điều quan trọng nhất là vấn đề đảm bảo phúc lợi cho người già được coi là trách nhiệm của toàn xã hội vì đây là tầng lớp lão thành cách mạng.

 

Điều 23 Chương 3 Luật bảo vệ người cao tuổi của Bắc Triều Tiên quy định các cơ quan bảo vệ người cao tuổi trung ương, các cơ quan xuất bản và truyền thông cùng chính quyền các địa phương phải đăng ký cho những người sống thọ trên 100 tuổi giới thiệu kinh nghiệm sống và cung cấp các phúc lợi xã hội riêng cho những người 90 tuổi trở lên.

 

Những người sống thọ được coi là niềm tự hào của quốc gia nên mang tính chất là công cụ tuyên truyền tại Bắc Triều Tiên. Bởi những người chăm sóc sức khỏe tốt mới có thể sống đến 90 tuổi, tức là họ được nhận phúc lợi xứng đáng từ Nhà nước. Những người này được đăng ký để tuyên truyền và chứng minh sự ưu việt của miền Bắc.

 

Ngoài ra, Luật lao động xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên cũng quy định người cao tuổi và người tàn tật không có năng lực lao động và không có ai trông nom sẽ được chăm sóc miễn phí tại các viện dưỡng lão và viện dưỡng sinh. Trong đó, Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng nằm dọc theo sông Daedong (Đại Đồng) ở Bình Nhưỡng được coi là cơ sở phúc lợi dành cho người cao tuổi hàng đầu tại miền Bắc. Một người cao tuổi sống tại Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng đã gọi nơi này là "Cung điện của người cao tuổi". Viện dưỡng lão này được xây dựng theo lối nhà truyền thống Hanok của dân tộc Hàn, với nhiều cơ sở văn hóa và phúc lợi đa dạng như rạp chiếu phim và phòng giải trí. Tại đây, các cụ già được bác sĩ thường trú khám chữa bệnh miễn phí, có thể thoải mái vận động, xem phim, ra vườn trồng rau. Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng người già tại đây rất hài lòng khi có thể tận hưởng nhiều thú vui như ca hát và nhảy múa.

 

Một người cao tuổi trong Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng chia sẻ bản thân như trẻ ra 10 tuổi nhờ thường xuyên nhảy múa. Một cụ già khác thì bày tỏ niềm vui khi được dùng chăn đệm và áo đẹp, được ăn các loại hoa quả từ phương Nam và uống thuốc bổ quý. Tuy nhiên theo những người đào tẩu Bắc Triều Tiên, nước này không có nhiều viện dưỡng lão và các cơ sở này hoạt động cũng không hiệu quả. Có người cho biết viện dưỡng lão chỉ là nơi dành cho những người gần đất xa trời. Một người đào tẩu khác lại chỉ trích đây chỉ là một màn kịch để tuyên truyền.

 

Về cơ bản, tại Bắc Triều Tiên, các cơ sở và trung tâm chăm sóc trẻ em như nhà trẻ chiếm tỷ trọng lớn còn viện dưỡng lão thì không được hỗ trợ nhiều. Các công tác hỗ trợ tầng lớp yếu thế trong xã hội được xếp theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ miền Bắc và các tổ chức hỗ trợ quân nhân, thứ hai là các cơ quan quản lý đường xá hoặc làng mạc, thứ ba là các nhà trẻ, trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão. Trong đó, các trại trẻ mồ côi vẫn được ưu tiên hơn, còn viện dưỡng lão chỉ được ưu tiên sau cùng nên được coi là nơi ở tập thể cho người già không có con cái hay người thân chăm sóc.

 

Có thông tin cho biết mỗi thành phố lớn của Bắc Triều Tiên như Bình Nhưỡng, Gaesung, Nampo (tỉnh Nam Pyongan) đều có một, hai viện dưỡng lão quy mô lớn. Trong số đó, Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng được coi là một trường hợp đặc biệt, là ví dụ tiêu biểu cho chính sách phúc lợi xã hội của nước này dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Trong một cuộc phỏng vấn, một người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng đã thể hiện sự kinh ngạc và cảm kích khi được vào sống tại cơ sở này. Một người khác còn cho rằng người già sẽ không được ăn thậm chí là một bát cơm nếu sống tại một đất nước tư bản như Hàn Quốc. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng là món quà ân tình của “đồng chí Kim Jong-un kính yêu” dành tặng cho “những người cao tuổi, cũng là những bậc lão thành cách mạng và tiền bối đáng kính".

 

Bình Nhưỡng là thành phố kiểu mẫu biểu tượng của Bắc Triều Tiên. Ở đây có những đơn vị kiểu mẫu của từng cơ quan để xây dựng một đất nước đáng sống và một xã hội vì người dân mà cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ấp ủ. Tuy nhiên, lý tưởng vẫn xa rời thực tế một khoảng cách đáng kể, đặc biệt là với Viện dưỡng lão Bình Nhưỡng, nơi nhận được hỗ trợ thường xuyên của Chính phủ trung ương để thực hiện các dự án cho những người cao tuổi có công với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa kiểu miền Bắc hoặc có tác dụng tuyên truyền. Khác với cha mình là cố Chủ tịch Kim Jong-il, từ khóa quan trọng trong chính sách thống trị của Chủ tịch Kim Jong-un chính là “nhân dân” và “đại chúng”. Nhà nước miền Bắc khẳng định sẽ tích cực đóng vai trò bảo vệ và chăm lo cho nhân dân. Theo đó, nước này cần lập ra các đơn vị kiểu mẫu để thực hiện lời hứa tạo nên một xã hội vì người dân.

 

Sau một cuộc thi cho các cựu chiến binh được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào tháng 7 vừa qua, truyền thông Bắc Triều Tiên đã tập trung đưa tin về việc Chủ tịch Kim Jong-un nắm tay và chăm sóc các cựu chiến binh. Truyền thông nước này cũng giới thiệu cảnh các cựu chiến binh đến tắm suối nước nóng và sử dụng các phương tiện giải trí tại khu nghỉ dưỡng văn hóa suối nước nóng Yangdok, tỉnh Nam Pyongan. Một cựu chiến binh tham gia sự kiện đã thể hiện sự biết ơn ân đức của Chủ tịch Kim.

 

Trên danh nghĩa đi theo đường lối chủ nghĩa xã hội, Bắc Triều Tiên cam kết cung cấp lương hưu và thực phẩm hàng tháng cho người về hưu. Luật lao động xã hội chủ nghĩa của nước này cũng quy định nam giới đủ 60 tuổi và nữ giới đủ 55 tuổi thực hiện đủ thời gian làm việc nhất định sẽ được nhận lương hưu. Tuy nhiên, theo những người đào tẩu từ miền Bắc, những phúc lợi này chỉ tồn tại về mặt pháp lý. Một người đào tẩu Bắc Triều Tiên trả lời phỏng vấn cho biết nước này không đủ ngân sách để phát lương hưu cho người dân, trong khi đó người già cũng không thể làm việc tại chợ vì thiếu đồ ăn và vốn liếng. Theo kết quả khảo sát về cách người cao tuổi miền Bắc duy trì cuộc sống trong báo cáo "Những thay đổi trong xã hội Bắc Triều Tiên 2018" do Viện nghiên cứu thống nhất và hòa bình thuộc Đại học quốc gia Seoul công bố, 55,2% người được hỏi cho biết họ dựa vào sự hỗ trợ của gia đình và 31% trả lời đang "kiếm tiền tại chợ". Chỉ có 3,4% người tham gia khảo sát cho biết là sống nhờ lương hưu và bao cấp gạo từ Nhà nước.

 

Chế độ lương hưu cho tầng lớp cao tuổi được quy định trong pháp luật Bắc Triều Tiên, nhưng số người thực sự được nhận lương hưu không nhiều và nếu có thì cũng chỉ là một số tiền ít ỏi. Cụ thể, mức lương chính thức một tháng của người lao động miền Bắc chỉ khoảng 3.000 won Bắc Triều Tiên (0,6 USD), không đủ để mua 1 kg gạo. Thế nhưng khoản lương hưu cho người già lại chỉ khoảng vài trăm won Bắc Triều Tiên. Tuy mức lương có thể thay đổi đôi chút tùy thuộc vào mức độ đóng góp cho đất nước và công việc nhưng nhìn chung vẫn được coi là vô nghĩa. Nhiều người đào tẩu từ miền Bắc thậm chí còn không biết nước này có chế độ lương hưu cho dù điều này được quy định trong pháp luật.

 

Ở Bắc Triều Tiên, thuật ngữ “nojebi” được sử dụng một cách công khai. Thuật ngữ này là sự kết hợp của từ “kkotjebi”, chỉ những người vô gia cư đi lang thang và ăn xin hoặc trộm cắp, và từ “noin” (người già), cho thấy cuộc sống của người cao tuổi tại miền Bắc đã trở nên khó khăn đến mức trở thành một vấn đề xã hội. Một người đào tẩu từ Bắc Triều Tiên vào năm 2018 tiết lộ con cái tại nước này thậm chí còn ẩn ý cho bố mẹ già tự kết liễu cuộc đời vì cuộc sống khó khăn do không có bao cấp và phải kiếm tiền tại chợ. Bắc Triều Tiên sẽ sớm bước qua giai đoạn xã hội “già hóa” để tiến vào giai đoạn xã hội “dân số già”. Tình trạng già hóa dân số đang tác động lớn đến toàn xã hội miền Bắc.

 

Vấn đề già hóa dân số đã xuất hiện tại Bắc Triều Tiên nhưng vì tuổi thọ người dân thấp nên ít nghiêm trọng hơn khi xét trên toàn xã hội. Nước này sẽ đối mặt với tình trạng già hóa dân số sau năm 2025. Quân đội nước này chủ yếu là tầng lớp trẻ, ngoài 1 triệu lính chính quy còn có một lực lượng lao động lớn làm việc trong ngành công nghiệp quân sự, tổng cộng khoảng 2,5 triệu người, chiếm 10% dân số. Nếu tình trạng già hóa dân số diễn ra, Bắc Triều Tiên sẽ khó có thể huy động lực lượng này. Theo đó, việc duy trì lực lượng quân sự và khả năng phòng thủ vốn có trong bối cảnh thay đổi cấu trúc dân số là điều bất khả thi, nên miền Bắc cần nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội theo hướng sử dụng các chiến lược tiên tiến và đầu tư nhiều vào các dự án hỗ trợ kinh tế.

 

Già hóa dân số là một vấn đề toàn cầu. Với tốc độ phát triển kinh tế và những tiến bộ của y học, tuổi thọ của con người ngày càng được kéo dài, trong khi tổng tỷ suất sinh lại giảm. Vì vậy mỗi quốc gia trên thế giới đều đang cân nhắc đến phương án chuẩn bị cho quá trình già hóa dân số. Chúng ta hãy cùng chờ xem Bắc Triều Tiên, vốn tuyên truyền “tuổi xế chiều cũng có thể trở thành thanh xuân nhờ ân đức quốc gia", sẽ đối phó thế nào với tình trạng già hóa dân số.

Tin mới nhất