Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Các căn hộ chung cư của Bắc Triều Tiên

2022-10-26

ⓒ YONHAP News

Bắc Triều Tiên đang thực hiện cam kết xây dựng 10.000 căn hộ mỗi năm, tổng 50.000 căn hộ cho đến năm 2025, sau khi công bố kế hoạch này tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 vào tháng 1/2021. Ở Bắc Triều Tiên, căn hộ chung cư được coi là loại hình nhà ở tiêu biểu. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về các căn hộ chung cư của nước này.

 

Bộ phim “Nhật ký nữ sinh” được Bắc Triều Tiên phát hành vào năm 2006 và được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) một năm sau đó. Trong bộ phim này, nhân vật chính Su-ryeon có ước mơ được chuyển vào một căn hộ chung cư và vì thế đã gặp phải mâu thuẫn với những người xung quanh. Tại Bắc Triều Tiên, được sống trong một căn hộ, đặc biệt là một căn hộ chung cư tốt, là mong muốn của mọi người dân.

 

Chung cư tại Bắc Triều Tiên tượng trưng cho cuộc sống đô thị, cụ thể hơn là cuộc sống tại Bình Nhưỡng. Khác với Hàn Quốc, nơi hầu hết các căn hộ chung cư đều có tên gọi theo thương hiệu, các căn hộ miền Bắc được đặt tên theo khu vực, chẳng hạn như phố Changjon hoặc khu vực Songhwa, Songsin. Ngoài ra cũng có những trường hợp được đặt tên theo đối tượng dân cư, như đường Nhà vũ trụ học hoặc chung cư Giảng viên Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Tuy tên theo khu vực được ưu tiên hơn, vẫn có trường hợp tên chung cư được đặt để nhấn mạnh loại hình nhà ở, ví dụ như khu vực nhà bậc thang bên sông Pothong. Nhưng theo một cách nào đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên đang dần dần đặt tên khu chung cư theo thương hiệu thay vì theo khu vực như trước.

 

Bắc Triều Tiên chia nhà chung cư làm 5 hạng, bao gồm căn hộ đặc biệt và các căn hộ từ số 4 đến số một. Các cán bộ cấp cao được ở tại các căn hộ đặc biệt, tầng lớp càng thấp sẽ ở căn hộ số càng thấp. Những người lao động bình thường sẽ được cấp căn hộ số một. Theo đó, các căn hộ của miền Bắc được Nhà nước xây và cung cấp cho người dân nên mang tính chính trị khá cao. Hiện tượng này càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền.

 

Trọng tâm trong chính sách của Bắc Triều Tiên là tìm ra một bước đột phá trong khoa học có thể vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, vì vậy mà thuật ngữ "nền chính trị khoa học" ra đời. Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, chính sách này càng được củng cố hơn nữa với các dự án xây dựng lấy khoa học và giáo dục làm tiêu điểm, trong đó có thể kể đến chung cư Giảng viên Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành, chung cư Giảng viên Đại học Công nghệ Kim Chaek, đường Nhà khoa học tương lai, đường Nhà vũ trụ học. Động thái này cho thấy cam kết mẫu mực của Nhà nước trong việc tích cực cải thiện các ưu đãi dành cho các nhà khoa học đời thứ hai và những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, đồng thời truyền tải rõ ràng và chính xác thông điệp tới người dân về các chính sách và tầm nhìn của chính quyền ông Kim Jong-un. Đặc biệt, khu vực nhà bậc thang bên sông Pothong bao gồm các căn hộ sang trọng là nơi ở của nhiều nhân vật trong lĩnh vực ngôn luận, chẳng hạn như phát thanh viên Ri Chun-hee và tổng biên tập của Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Vì vậy, có thể thấy tính chính trị của dự án với mục đích khẳng định rằng Nhà nước sẽ không bạc đãi những công dân trung thành.

 

Bắc Triều Tiên thực hiện chính sách xây dựng chung cư một cách toàn diện sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vì hầu hết các thành phố lớn, trong đó có Bình Nhưỡng, đã bị phá hủy và nhiều người mất nhà cửa. Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành tập trung vào việc cải tổ đô thị, đặc biệt là tạo nguồn cung ứng nhà ở hàng loạt. Vì vậy, các căn hộ bắt đầu được xây dựng với số lượng lớn, khởi điểm là dự án chung cư dành cho công nhân vào năm 1954. Trong những ngày đầu xây dựng chung cư, nhiệm vụ quan trọng của miền Bắc là phải đảm bảo sự hài hòa giữa các tòa nhà kiểu phương Tây và văn hóa cư trú truyền thống của người dân.

 

Do dự án tái xây dựng Bình Nhưỡng được các nước Đông Âu thực hiện nên hệ thống sưởi cũng được xây dựng theo phương pháp tản nhiệt chứ không phải phương pháp sưởi ấm lắp đặt dưới sàn nhà (ondol) truyền thống của dân tộc Hàn. Vì sàn nhà lạnh nên cư dân phải đi giày vào nhà. Vì những điều này không phù hợp với cách sống của người dân, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhấn mạnh việc lắp đặt hệ thống sưởi ondol cho các căn hộ. Ban đầu, sàn căn hộ được làm ấm nhờ lửa đốt tại nhà bếp. Ngày nay, căn hộ miền Bắc sử dụng hệ thống sưởi sàn bằng nước nóng. Một đặc điểm khác của văn hóa dân tộc Hàn là một nhà thường có nhiều bát đĩa vì mỗi món cơm, canh, món ăn phụ đều được để bằng bát đĩa riêng. Vì vậy, căn hộ cũng cần có tủ bếp lớn và nhiều bếp nấu. Một chính sách quan trọng trong lĩnh vực xây dựng của Bắc Triều Tiên chính là phải giữ gìn tính dân tộc cho các căn hộ bằng cách khắc phục từng vấn đề nêu trên.

 

Trong bối cảnh toàn bộ đất nước vừa bị tàn phá bởi chiến tranh, việc xây thêm nơi ở cho người dân trong một thời gian ngắn đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bắc Triều Tiên. Giải pháp của nước này vào thời điểm đó chính là nhà lắp ghép. Truyền thông Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh đến cụm từ "tốc độ Bình Nhưỡng" khi đưa tin nước này có thể lắp ghép một ngôi nhà trong 14 phút.

 

Việc đảm bảo tốc độ đã trở thành một nhiệm vụ tối quan trọng trong bối cảnh Bắc Triều Tiên phải tạo ra một không gian nơi nhiều người có thể sinh sống. Làm bê tông là một công đoạn tiêu tốn nhiều thời gian, tuy nhiên nếu dùng cần trục ghép các bức tường hoặc sàn đã được làm sẵn tại nhà máy thì sẽ có thể rút ngắn đáng kể thời gian. Để cung cấp nhà ở cho người dân trong thời gian ngắn, miền Bắc đã tích cực áp dụng phương pháp này bằng cách tiêu chuẩn hóa và sử dụng các kỹ sư lành nghề nhất. Tuy Bắc Triều Tiên tuyên truyền rằng nước này có thể lắp ghép một căn nhà trong vòng 14 phút, trên thực tế cần nhiều thời gian hơn thế. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị thi công là đảm bảo “tốc độ Bình Nhưỡng”, vì vậy các đơn vị này đều ngầm cạnh tranh với nhau để tạo ra thành quả kiểu mẫu.

 

Bước vào những năm 1970, khi cố Chủ tịch Kim Jong-il bắt đầu quy trình kế vị một cách toàn diện, các căn hộ của Bắc Triều Tiên cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Truyền thông miền Bắc cũng nhấn mạnh thập niên 70 là “kỷ nguyên thịnh vượng phát đạt toàn quốc”. Nếu Bắc Triều Tiên tập trung vào tốc độ xây dựng căn hộ từ những năm 1950 cho đến những năm 1970 thì vào những năm 1980, nước này đã bắt đầu chú trọng vào chiều cao và quy mô của công trình, còn tốc độ đã trở thành một yêu cầu cơ bản. Đây là thời điểm những tòa chung cư cao tầng hoa lệ mọc lên tại miền Bắc, trong đó có thể kể đến đường Changgwang. Con đường này còn được mệnh danh là “Myeong-dong của Bình Nhưỡng” hoàn công giai đoạn một năm 1980 và giai đoạn hai năm 1985. Đây là một khu chung cư phức hợp thương mại và dân cư với trung tâm mua sắm ở tầng 1 và tầng 2, có độ cao khoảng 30-40 tầng.

 

Đường Changgwang trước đây được gọi là đường Yunhwansun, vốn chỉ có các tòa nhà chung cư cao hai, ba tầng. Tuy nhiên, khu vực này đã được tái phát triển thành một khu chung cư gồm 17.000 căn hộ. Vào những năm 1980, nước này bắt đầu thực hiện các dự án quy mô lớn với các tòa nhà ngày càng cao và tiện nghi hơn. Khởi điểm là dự án xây dựng khu chung cư tại đường Changgwang.

 

So với các chung cư trước đó ở Bắc Triều Tiên, các căn hộ trên đường Changgwang đã có sự thay đổi đáng kể, nhưng cũng không quá khác biệt các chung cư thẳng tắp thường thấy. Công trình áp dụng đúng nhất lý thuyết kiến trúc của cố Chủ tịch Kim Jong-il trên thực tế là phố Quang Phục ở cửa ngõ phía Tây Nam Bình Nhưỡng. Là nơi ở của những người tham dự Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 1989, những căn hộ nơi đây có vẻ ngoài vô cùng khác biệt so với các căn hộ trước đó.

 

Các khu liên hợp thể thao phục vụ cho Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 đã được xây dựng tại làng Angol, Bình Nhưỡng. Tại một khu vực ít dân cư, một dự án chung cư quy mô lớn đã được thực hiện để làm chỗ ở cho những người tham gia sự kiện với mục tiêu thể hiện diện mạo của Bình Nhưỡng sao cho tương xứng với một Seoul phát triển mà Hàn Quốc giới thiệu với thế giới thông qua Thế vận hội Olympic Seoul 1988. Các khu chung cư được xây dựng với nhiều hình dạng khác nhau, như hình tròn, hình bán nguyệt, hình cong, cùng số tầng đa dạng từ 8-42 tầng. Dự án này khác với các công trình khác vì có mục đích thể hiện uy lực của chế độ xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên với người dân trên toàn thế giới.

 

Lĩnh vực xây dựng căn hộ của Bắc Triều Tiên lại một lần nữa có một bước ngoặt lớn khi Chủ tịch Kim Jong-un nhậm chức vào năm 2012. Miền Bắc xây dựng một khu chung cư cao 45 tầng tại khu vực Mansudae, Bình Nhưỡng vào tháng 6/2012, đường Nhà vũ trụ học và chung cư Giảng viên Đại học tổng hợp Kim Nhật Thành vào năm 2013, khu chung cư Nhà thiên văn học và chung cư Giảng viên Đại học Công nghệ Kim Chaek vào năm 2014, đường Nhà khoa học tương lai (2015), đường Ryomyong (2017), khu nhà bậc thang bên sông Pothong và đường Songhwa (2022). Kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, gần như hàng năm đều có chung cư được xây theo phương thức mới tại các khu vực mới, cho thấy loại hình nhà ở này đã trở thành một biểu tượng chính trị của thời đại ông Kim.

 

Mục đích của Chủ tịch Kim Jong-un chính là nhấn mạnh vào chính sách đối ngoại của Bắc Triều Tiên để thể hiện rằng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vẫn tiếp tục trong nhiều thế hệ. Cụ thể, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cuộc chiến chống đế quốc Nhật Bản, cố Chủ tịch Kim Jong-il bảo vệ chủ nghĩa xã hội bằng “nền chính trị ưu tiên quân sự”, còn Chủ tịch Kim Jong-un thì đang xây dựng các đô thị xã hội chủ nghĩa để đối đầu với đế quốc Mỹ. Miền Bắc muốn cho thấy rằng nước này đang xây dựng một thánh điện xã hội chủ nghĩa, một nơi lý tưởng cho người dân sinh sống mà không cần để ý đến bất cứ thế lực nào, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Trong nội bộ, Bắc Triều Tiên đang cố gắng vực dậy nền kinh tế bằng cách thúc đẩy kinh tế thông qua xây dựng.

 

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, những tòa nhà chọc trời xuất hiện và mang lại sự khác biệt lớn đến mức có thể thay đổi đường chân trời của Bình Nhưỡng. Những tòa nhà này thậm chí còn được so sánh với quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ) với tên gọi “Manhattan của Bình Nhưỡng”, hay khu Pyonghattan. Tháng 4 vừa qua, một chung cư cao 80 tầng đã được xây dựng trên đường Songhwa. Phóng viên của trang web tuyên truyền Bắc Triều Tiên mang tên "Meari" (Tiếng vọng) trong khi đi thử thang máy tại nơi này thậm chí còn nhấn mạnh rằng phẩm giá của người dân miền Bắc đã được nâng cao, tương xứng với độ cao của các tòa nhà cao tầng.

 

Tuy nhiên, người dân Bắc Triều Tiên không thích nhà cao tầng vì tình trạng thiếu điện. Trên thực tế, theo những người đào tẩu miền Bắc từng sống ở Bình Nhưỡng, cuộc sống tại các tòa nhà chọc trời gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả Bình Nhưỡng cũng có lịch cung cấp điện cố định.

 

Bắc Triều Tiên luôn trong tình trạng thiếu điện. Một chung cư mới xây cần phải có nguồn điện để cung cấp cho người dân. Nhiệt điện có thể chạy cả bốn mùa nhưng thủy điện lại gặp hạn chế vào mùa đông, phải dùng điện mặt trời để thay thế. Tuy nhiên, nguồn điện này không đủ để vận hành một căn hộ chung cư. Việc xây dựng căn hộ không quan trọng bằng việc đảm bảo nguồn điện để vận hành chung cư đó. Tại các tòa nhà cao tầng, thang máy cần phải được vận hành liên tục, thế nhưng lại có trường hợp người dân phải leo thang bộ vì bỏ lỡ thời gian cung cấp điện. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao cư dân miền Bắc không thích ở tầng cao.

 

Tại Bắc Triều Tiên, căn hộ chung cư không chỉ là một không gian sống mà còn là biểu tượng của khát vọng, địa vị và là cái giá của lòng trung thành. Chúng ta hãy cùng chờ xem liệu kế hoạch xây dựng 50.000 căn hộ ở Bình Nhưỡng cho đến năm 2025 của chính quyền miền Bắc có giữ đúng tiến độ và làm hài lòng người dân hay không.

Tin mới nhất