Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Âm nhạc truyền thống của Bắc Triều Tiên

2022-03-09

ⓒ KBS

Tại Hàn Quốc, nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống trẻ đã thử sức với các thể loại nhạc đa dạng và kết hợp nhạc truyền thống với các phong cách khác nhau, như kết hợp lối hát kể chuyện Pansori và nhạc pop, biểu diễn cùng nhóm nhảy, kết hợp nhạc dân ca với rap, Hip-hop và Jazz, để truyền tải vẻ đẹp và sự hấp dẫn của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tới người nghe. Có thể nói, đây là nỗ lực nhằm giữ gìn truyền thống âm nhạc của đất nước nhưng vẫn bắt kịp với thời đại. Vậy Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển nền âm nhạc truyền thống như thế nào? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về âm nhạc truyền thống của miền Bắc. Đầu tiên là sự khác biệt trong cách hai miền Nam-Bắc nhìn nhận về âm nhạc truyền thống sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

 

Tương tự việc hai miền Nam-Bắc có cách gọi khác nhau đối với món ăn và trang phục truyền thống, người Hàn Quốc gọi âm nhạc truyền thống là Gukak (quốc nhạc), trong khi người dân Bắc Triều Tiên gọi là âm nhạc dân tộc. Trong nội bộ miền Bắc, đây cũng là một thuật ngữ để chỉ âm nhạc cách mạng, cũng là thể loại âm nhạc hiện đại đại diện cho nước này, khác với khái niệm âm nhạc dưới thời Joseon (thế kỷ XIV-XIX). Người có quan điểm nghiêm khắc hơn cho rằng miền Bắc đã nhồi nhét thêm ý nghĩa cho âm nhạc truyền thống. Dưới góc nhìn lịch sử, cách gọi âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc nhằm mục đích nhấn mạnh khía cạnh truyền thống để bảo tồn và duy trì hình ảnh lối sống của thời đại trước. Ngược lại, phương thức kế thừa truyền thống của Bắc Triều Tiên chú trọng vào khía cạnh ngày nay, cụ thể là chọn lọc và kế thừa những cái hay, cái tốt mà thế hệ ngày nay có thể tham khảo. Vậy nên tại miền Bắc, âm nhạc truyền thống và truyền thống âm nhạc là hai khái niệm có sự khác biệt nhất định. Cách hai miền Nam-Bắc nhận định về truyền thống cũng khác nhau. Hàn Quốc phát triển quốc nhạc bằng nhiều hình thức đa dạng, cụ thể là mở rộng phạm vi và kết hợp với các thể loại khác nhưng vẫn làm nổi bật đặc trưng âm nhạc dân tộc. Còn Bắc Triều Tiên lại không có xu hướng này.

 

Trong khi Hàn Quốc coi trọng việc kế thừa và bảo tồn truyền thống, thì Bắc Triều Tiên lại sử dụng âm nhạc truyền thống với tên gọi âm nhạc dân tộc để tuyên truyền cho chế độ. Vì vậy, có thể nói âm nhạc dân tộc của miền Bắc là một phiên bản âm nhạc truyền thống bị giới hạn trong phạm trù xã hội chủ nghĩa.

 

Âm nhạc truyền thống bán đảo Hàn Quốc rất đa dạng về thể loại, bao gồm nhã nhạc cung đình, nhạc Phật giáo, nhạc cúng tế, nhạc dân ca, nhạc nông dân, và nhiều thể loại nhạc khác. Hai miền Nam-Bắc có quan điểm khác nhau về việc chọn ra thể loại âm nhạc vừa phản ánh đúng tình cảm dân tộc vừa là truyền thống phù hợp với thời đại nhất. Bắc Triều Tiên nhấn mạnh các thể loại âm nhạc được người dân yêu thích như dân ca và nhạc nông dân, đồng thời đánh giá các thể loại âm nhạc tôn giáo như Seungmu (tăng vũ) hay Jongmyojeryeak (nhạc tế lễ Tông Miếu) là các loại nhạc dành cho giới quý tộc và không có lợi cho văn hóa tư tưởng lành mạnh của người dân. Bên cạnh đó, thể loại hát kể chuyện Pansori cũng không được chú trọng do bị cho là không phù hợp với tình cảm của người dân và làm xấu đi giọng nói xinh đẹp của người phụ nữ. Do đó, có thể nói văn hóa truyền thống của Bắc Triều Tiên bị bó buộc trong khuôn khổ văn hóa dân tộc xã hội chủ nghĩa, hay còn gọi là “Juche” (Chủ thể).

 

Vì hai miền Nam-Bắc có cách phát triển âm nhạc truyền thống khác nhau nên cũng có sự khác biệt lớn trong việc cải tiến và cấu tạo lại nhạc cụ. Bắc Triều Tiên bắt đầu dự án cải tiến nhạc cụ dân tộc vào giữa những năm 1950, ngay sau chiến tranh Triều Tiên, bằng cách cải tiến các nhạc cụ truyền thống hiện có hoặc khôi phục các nhạc cụ xưa chỉ tồn tại trong văn học sau đó tiếp tục cải tiến chúng. Mục đích của việc này là để các nhạc cụ truyền thống có thể kết hợp với nhạc cụ phương Tây nhằm biểu diễn âm nhạc hiện đại.

 

Dự án cải tiến nhạc cụ của Bắc Triều Tiên có mục đích là để các nhạc cụ truyền thống có thể tấu âm nhạc hiện đại, như việc chia đàn nhị Haegeum thành loại nhỏ, trung bình và lớn, thêm lỗ ở các nhạc cụ hơi, thay đổi tông, thêm dây cho nhạc cụ dây, dùng cây vĩ của đàn violin để kéo đàn nhị nhằm tạo ra những âm thanh đa dạng hơn. Ngoài ra, còn có đàn Okryuguem được cải tiến từ đàn hạc nhỏ không hầu Wagonghu với công dụng tương tự đàn Eoeungeum và đàn hạc của phương Tây. Theo đó, Bắc Triều Tiên không ngừng thực hiện chính sách tạo ra các loại nhạc cụ mới theo từng thời kỳ nhằm tiếp nối truyền thống trong bối cảnh văn hóa nghệ thuật thay đổi và phát triển theo thời đại.

 

Dàn nhạc dân tộc của Bắc Triều Tiên bao gồm các nhạc cụ như 4 loại đàn nhị Haegeum (nhỏ, trung bình, lớn, cực lớn), đàn Okryugeum, đàn Anggeum, đàn tranh 12 dây Gayageum, sáo trúc ngang lớn Daegeum tông cao và tông trung bình, sáo trúc ngắn Danso tông cao, sáo trúc dọc Piri loại lớn và trống phong yêu Janggu. Trong đó, sau khi được cải tiến, Gayageum đã trở thành nhạc cụ dây tiêu biểu của miền Bắc. Sau khi được cải tiến thành công, các nhạc cụ dân tộc được biểu diễn chung với nhạc cụ phương Tây, tạo nên các dàn nhạc kết hợp.

 

Dàn nhạc kết hợp được chia làm hai loại là dàn nhạc kết hợp từng phần và dàn nhạc kết hợp toàn diện. Các nhạc cụ truyền thống được Bắc Triều Tiên cải tiến có nhiều âm vực tương tự với nhạc cụ trong âm nhạc hiện đại. Điều này được phản ánh trong việc hệ thống hóa cách tổ chức dàn nhạc kết hợp, trong đó các nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây được bố trí theo tỷ lệ 1:1, chẳng hạn 10 đàn violin, 10 đàn nhị Haegeum nhỏ, 10 nhạc cụ hơi. Tuy có thể có một số khác biệt trong tỷ lệ tùy thuộc vào từng bộ phận, có thể nói dàn nhạc kết hợp của miền Bắc có thể biểu diễn âm nhạc hiện đại nhưng vẫn mang đặc trưng riêng của nước này.

                   

Không chỉ cải tiến nhạc cụ, Bắc Triều Tiên còn thay đổi cách hát truyền thống, chia thành lối hát dân gian cho các bài dân ca và lối hát phương Tây. Phương thức hát tươi sáng, mềm mại, dịu dàng mà người Hàn Quốc quen thuộc đã được miền Bắc phát triển thành lối hát dân gian mang sắc thái hiện đại với tên gọi khác là lối hát Juche (Chủ thể).

 

Nghệ thuật, chẳng hạn như lối hát kể chuyện Pansori hay đàn tranh 12 dây Gayageum, không phải của riêng ai, mà là kỹ thuật được sáng tạo và truyền qua nhiều đời. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đang tiến hành hệ thống hóa nghệ thuật bằng cách đưa ra các quy định và chương trình giáo dục theo tiêu chuẩn Nhà nước. Chẳng hạn, trong các thể loại nhạc dân gian như nhạc dân gian thi đấu, nhạc dân gian kể chuyện, Nhà nước cho rằng nhạc dân gian kể chuyện là phù hợp với tình cảm của người dân, sau đó tiến hành đặt ra tiêu chuẩn cho thể loại này bằng cách cải tiến các nhạc cụ và lối hát sao cho phù hợp với âm nhạc hiện đại. Vì vậy, chính sách tiêu chuẩn hóa có thể được coi là một trong những lợi thế và cũng là bất lợi của văn hóa Bắc Triều Tiên. Đây là lý do tại sao phong cách hát của người dân miền Bắc có sự pha trộn giữa kỹ thuật thanh nhạc và dân ca. Phong cách này còn được gọi là “lối hát Chủ thể”, được Bắc Triều Tiên quảng bá là phù hợp nhất với thể chế mới của dân tộc.

 

Bắc Triều Tiên coi dân ca là gốc rễ của nền âm nhạc quốc gia, nên bài xích các thể loại âm nhạc dành cho vua chúa quý tộc và đưa ra triết lý về dân ca, thể loại âm nhạc cho người dân thường. Quan điểm nghệ thuật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành là "nghệ thuật được tạo ra trong lao động, nghệ thuật chân chính dành cho người dân phải phản ánh đúng cuộc sống sinh hoạt đầy ý nghĩa của họ". Theo đó, miền Bắc đã thay đổi lời bài hát sao cho phù hợp với hệ thống xã hội chủ nghĩa và thực hiện một dự án quy mô lớn để sưu tầm và tái hiện lại các bài dân ca.

 

Tương tự việc Hàn Quốc tổ chức sưu tầm, quảng bá và hiện đại hóa các bài dân ca và truyền thống trên cả nước, Bắc Triều Tiên cũng đang thúc đẩy dự án sưu tầm dân ca trên diện rộng. Nước này đã cho ra mắt “Tuyển tập 1.000 bài hát dân ca Triều Tiên”, một số bài trong đó đã được hiện đại hóa và được thể hiện lại bởi các ca sĩ thế hệ mới, tiêu biểu là ca sĩ hát nhạc dân ca Wang Su-bok. Các bài hát dân gian xưa được hiện đại hóa trong cách hát và ca từ để phù hợp với con người ngày nay. Dân ca của miền Bắc thường có lời một kể về công việc cày bừa của người dân, lời hai là ca ngợi ân đức của lãnh tụ và Nhà nước xã hội chủ nghĩa, cho thấy nguyên tắc cơ bản của văn hóa nghệ thuật Bắc Triều Tiên là phải lồng ghép các ca từ với ý nghĩa hiện đại trong các bài dân ca truyền thống.

 

Pansori là nghệ thuật biểu diễn truyền thống của bán đảo Hàn Quốc, trong đó, một Sorikkun (người hát) sẽ kể một trường chuyện, kết hợp giữa Chang (âm thanh), Aniri (lời nói) và Neoreumsae (chuyển động cơ thể) theo nhịp trống Buk. Pansori được coi là thể loại âm nhạc truyền thống tiêu biểu của dân tộc Hàn và được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, ở Bắc Triều Tiên, loại hình nghệ thuật này bị bài trừ và không được phổ biến vì bị coi là thể loại âm nhạc thể hiện tình cảm của tầng lớp quý tộc và thống trị.

 

Pansori cho thấy tinh thần của người dân ngay ở trong tên gọi, vì tuy không phải là một từ chính thức, “Pan” vẫn là một âm thanh tiêu biểu xuất hiện nhiều trong cuộc sống đầy thô ráp nhưng sống động. Tuy nhiên, khi các nghệ sĩ Pansori chuyên nghiệp xuất hiện, môn nghệ thuật này dần trở thành văn hóa của tầng lớp thượng lưu. Theo đó, Pansori đã tham khảo thêm các nội dung trong văn học Trung Quốc mà tầng lớp quý tộc yêu thích. Có hai lý do để Pansori không được các nhà lãnh đạo miền Bắc quan tâm. Thứ nhất, thể loại này không ghi lại được cuộc sống sinh hoạt sinh động của người dân tốt như dân ca. Thứ hai, đây là một thể loại khó hát và cần phải luyện tập để có chất giọng khàn, vốn không phù hợp để thể hiện một tương lai tươi sáng và lạc quan mà Bắc Triều Tiên theo đuổi. Trong bối cảnh Nhà nước không có chính sách bảo tồn, việc Pansori bị mai một tại Bắc Triều Tiên là điều không thể tránh khỏi.

 

Thay cho Pansori, Bắc Triều Tiên tổ chức nhiều buổi biểu diễn Gageuk (ca kịch), một thể loại nghệ thuật đặc biệt của miền Bắc tương tự opera, tuy vẫn có sự khác biệt về cấu tạo và nội dung. Sau giải phóng, các tác phẩm Changgeuk (Xướng kịch) hoặc Gageuk đã được dựng lại theo phong cách biểu diễn và âm nhạc hiện đại, từ đó thể loại mới mang tên ca kịch cách mạng ra đời, kết hợp âm nhạc, vũ đạo và diễn kịch theo chủ đề đấu tranh chống thực dân Nhật Bản và đấu tranh giai cấp. Loại hình này bắt nguồn từ vở “Biển máu”, lấy bối cảnh cuối những năm 1920 đến đầu những năm 1930, nhấn mạnh tính tất yếu của cuộc cách mạng qua nỗi đau mà chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản gây ra cho nhân vật người mẹ Eul-nam, và được dựng thành ca kịch vào năm 1971 dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il. Vào thời điểm đó, tác phẩm có tên gọi "Ca kịch cách mạng Biển máu", tạo ra một phong cách biểu diễn mới cùng tên. Ca kịch cách mạng được biểu diễn với mục đích khai sáng tư tưởng, tuyên truyền và kích động nên nhấn mạnh vào quy mô và sân khấu hơn là tính nghệ thuật, vì vậy thường có hơn 200 diễn viên xuất hiện, bao gồm cả tiết mục hát và nhảy dân vũ.

 

Sau khi Bắc Triều Tiên thành lập chính quyền, các tác phẩm của Liên Xô đã trở thành trung tâm của nền văn hóa nghệ thuật miền Bắc. Tuy nhiên, sau đó nước này xây dựng lý thuyết “Chủ thể” của riêng mình, dẫn đến xung đột với Liên Xô và tạo nên một hệ thống xã hội chủ nghĩa mới. Vì vậy, miền Bắc muốn tạo ra một thể loại văn hóa nghệ thuật riêng để thoát khỏi cái bóng của Liên Xô và thể hiện cho các nước khác thấy lịch sử văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa tuyệt vời của mình. Kết quả là “Biển máu” ra đời, trở thành tác phẩm ca kịch khuôn mẫu cho các tác phẩm sau này, từ âm nhạc, vũ đạo, kịch bản đến tất cả các phân cảnh đều phải dựa theo “Biển máu”. Thể loại “Ca kịch cách mạng Biển máu” cũng được hoàn thiện. Chẳng hạn, khác với opera chỉ có nghệ sĩ đứng trên sân khấu để hát, ca kịch miền Bắc có một dàn hợp xướng mang tên Bangchang đứng hai bên cánh gà để hát cùng nhân vật hoặc xuất hiện khi hát điệp khúc. Thông thường, bối cảnh sân khấu kịch sẽ được thay đổi khi màn sân khấu hạ xuống, nhưng trong ca kịch, nhiều sân khấu sẽ được chuẩn bị trước, nên khi một sân khấu hạ màn, bối cảnh sân khấu tiếp theo sẽ lập tức xuất hiện.

 

Sau khi thể loại “Ca kịch cách mạng Biển máu” ra đời, các tác phẩm văn học cổ điển cũng bắt đầu được dựng thành kịch theo hình thức tương tự với tên gọi ca kịch dân tộc. Vở Chunhyangjeon (Truyện Xuân Hương), được sản xuất và biểu diễn lần đầu tại Nhà hát nghệ thuật Mansudae vào tháng 12/1988 dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il, được coi là tác phẩm ca kịch dân tộc tiêu biểu của Bắc Triều Tiên.

 

Khác với Hàn Quốc, nơi khai thác các chủ đề về sức mạnh của quyền lực và tình yêu nam nữ trong tác phẩm “Truyện Xuân Hương”, Bắc Triều Tiên tập trung vào mối quan hệ giai cấp, phê phán rằng chính sự khác biệt trong giai cấp đã ngăn cản hai nhân vật chính đến với nhau, từ đó làm nổi bật lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Kết quả là tất cả các vấn đề được cho là bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa quý tộc và dân thường, giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột. Đồng thời, tác phẩm có sự xuất hiện của một nhân vật thú vị là anh người hầu Bangja, một người có đạo đức và khỏe mạnh, có ý thức tiến bộ và mang mầm mống của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, gia đình của Lee Mong-ryong được được mô tả rất tồi tệ. Tôi nghĩ đây có thể được xem là điểm khác biệt cơ bản và nền tảng trong tác phẩm kịch của hai miền Nam-Bắc.

 

Trong 70 năm chia cắt, Bắc Triều Tiên đã kế thừa âm nhạc truyền thống theo một cách hoàn toàn khác với Hàn Quốc, tới mức nền âm nhạc hai nước trở nên xa lạ dù chung một gốc rễ. Tuy việc phát triển âm nhạc truyền thống sao cho phù hợp với thời đại là cần thiết, nhưng chúng ta không được quên rằng bảo tồn và kế thừa cũng là nhiệm vụ quan trọng để đưa nền văn hóa đi lên.

Tin mới nhất