Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Nền nông nghiệp của Bắc Triều Tiên

2022-03-16

ⓒ Getty Images Bank

Tương tự năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un năm nay đã không phát biểu chúc mừng năm mới mà công bố nội dung của Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động được tổ chức trong năm 2021 trên báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động nước này. Trong đó, ông Kim đặc biệt chọn "các vấn đề nông thôn" làm chương trình nghị sự độc lập và nhấn mạnh nhiệm vụ tăng sản xuất nông nghiệp và cải thiện môi trường nông thôn là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, truyền thông miền Bắc cũng đang tập trung đưa tin về lĩnh vực nông nghiệp. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về nền nông nghiệp của Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hoon đến từ Viện nghiên cứu kinh tế nông thôn Hàn Quốc. Đầu tiên là ý nghĩa của nông nghiệp tại miền Bắc.

 

Nền nông nghiệp của Bắc Triều Tiên có vai trò sản xuất lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân, tích lũy và cung cấp vốn cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế giai đoạn đầu, đồng thời là nền tảng để hoàn thiện nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Năm 1998, thời điểm giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” sắp kết thúc, các vùng nông thôn của miền Bắc còn rất lạc hậu, đạt sản lượng thấp và ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn. Vào những năm 2000, tuy hai miền Nam-Bắc đã bắt đầu hợp tác nông nghiệp nhưng môi trường nông thôn tại Bắc Triều Tiên nói chung vẫn rất kém, công trình thủy lợi nghèo nàn, đất cằn cỗi, các phương tiện, thiết bị và vật liệu cũng rất thiếu thốn. Về mặt tổng thể, việc miền Bắc có năng suất nông nghiệp thấp và khó có thể kỳ vọng nhiều vào lĩnh vực này là không thể tránh khỏi.

 

Do có quy mô đất nông nghiệp, môi trường tự nhiên và văn hóa sinh hoạt tương tự nhau, hai miền Nam-Bắc khó tránh khỏi có sự tương đồng về môi trường nông nghiệp. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn có sự khác biệt đáng kể trong năng suất do có phương pháp canh tác và cơ sở hạ tầng nông nghiệp khác nhau.

 

Do bán đảo Hàn Quốc có diện tích khiêm tốn nên hai miền Nam-Bắc có quy mô đất nông nghiệp giống nhau, khoảng 1,9 triệu hecta. Ngoài ra, tuy hai nước có lãnh thổ trải dài nhưng khí hậu và điều kiện tự nhiên khá tương đồng, nên trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô, đậu tương, khoai, và các loại rau giống nhau. Tuy nhiên, hai miền Nam-Bắc có tỷ lệ các loại ruộng khác nhau. Bắc Triều Tiên có nhiều vùng núi nên chủ yếu là nương rẫy, còn ở Hàn Quốc có nhiều vùng đồng bằng nên chủ yếu là ruộng. Bên cạnh đó, hai nước còn có sự khác biệt trong tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp. Với mục tiêu tự cung tự cấp, Bắc Triều Tiên tối đa hóa tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp để đạt được sản lượng nội địa cao. Ngược lại, Hàn Quốc có thể nhập khẩu các thực phẩm còn thiếu, nên không cần sản xuất các sản phẩm nông nghiệp kém hiệu quả, do đó có tỷ lệ đất hưu canh cao hơn. Mặc khác, do nguyên liệu đầu vào và cơ sở vật chất còn nghèo nàn, cộng thêm nạn phá rừng, miền Bắc có năng xuất nông nghiệp, bao gồm cả ngũ cốc và rau, chỉ bằng khoảng hai phần ba so với Hàn Quốc.

 

Điểm khác biệt lớn nhất trong nền nông nghiệp ở hai miền Nam-Bắc là Hàn Quốc tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo quy mô hộ gia đình và doanh nghiệp, trong khi Bắc Triều Tiên áp dụng hệ thống nông trường tập thể. Miền Bắc thực hiện cải cách ruộng đất vào năm 1946, ngay sau khi giải phóng, và thông qua chính sách tập thể hóa nông nghiệp tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 8/1953. Đến nay, đất nông nghiệp nước này có tới 90% là thuộc các nông trường tập thể và 10% thuộc nông trường quốc doanh. Với việc thống nhất đất đai và phương tiện canh tác để nông dân cùng nhau sản xuất, nông trường tập thể có thể được coi là nền tảng của ngành nông nghiệp Bắc Triều Tiên.

 

Cải cách ruộng đất của Bắc Triều Tiên là quá trình nước này tịch thu đất đai của các đại địa chủ rồi phân phát cho nông dân và người lao động. Ngay sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Bình Nhưỡng liền tiến hành chính sách tập thể hóa nông nghiệp bằng cách tập hợp các tiểu nông để thành lập nông trường tập thể cho mỗi xã. Chỉ trong vòng 5 năm từ 1953 đến 1958, chính sách đã được hoàn thành trên cả nước, giải tán hoàn toàn hình thức nông nghiệp theo hộ gia đình. Một số ruộng đất còn lại được quốc hữu hóa thành nông trường quốc doanh. Một nông trường tập thể có diện tích bình quân khoảng 500 hecta tùy theo đất đồng bằng hay đất vùng núi, với quy mô khoảng 300-500 nông dân.

 

Không chỉ là một đơn vị sản xuất nông nghiệp, nông trường tập thể còn là không gian sinh hoạt và cơ quan hành chính được sở hữu và vận hành chung bởi người dân một xã. Theo đó, hệ thống tổ chức hợp tác nông nghiệp của Bắc Triều Tiên có thể được chia thành cơ quan sản xuất và cơ quan quản lý.

 

Cơ quan sản xuất trong một nông trường tập thể bao gồm các ban sản xuất theo đơn vị mỗi xã. Theo đó, mỗi nông trường tập thể có nhiều thì 10 ban, ít thì ba đến bốn ban sản xuất được chuyên môn hóa, chẳng hạn như ban nông sản, ban rau xanh, ban chăn nuôi, ban kỹ thuật. Mỗi ban sản xuất lại bao gồm các tổ sản xuất, cũng là đơn vị cơ sở để sản xuất và phân phối. Vào đầu những năm 1990, mỗi tổ sản xuất có khoảng 20 người, nhưng hiện nay đã giảm đi nhiều. Cơ quan quản lý chịu trách nhiệm cho các công việc hành chính, chỉ đạo và lên kế hoạch cho các hoạt động của nông trường tập thể, bao gồm nhân viên, đại biểu, Chủ tịch và chỉ đạo kỹ thuật. Vì nông trường tập thể cũng là một cộng đồng, nên cũng có các cơ sở văn hóa và đời sống như trường học, nhà trẻ, trung tâm y tế và nhà văn hóa.

 

Hệ thống quản lý nông nghiệp của Bắc Triều Tiên gồm có Ủy ban nông nghiệp trực thuộc Chính phủ, dưới đó là Ủy ban kế toán nông thôn và Ủy ban quản lý nông trường tập thể theo huyện. Trong số đó, Ủy ban quản lý nông trường tập thể theo huyện đóng vai trò chủ chốt trong việc quản lý các nông trường tập thể trong huyện, là cơ quan thu phí sử dụng đất nông trường cho Nhà nước và phụ trách đưa ra kế hoạch sản xuất cho các nông trường.

 

Nhà nước Bắc Triều Tiên và các nông trường tập thể thiết lập một mối quan hệ trao đổi. Trong đó, Nhà nước cung cấp các yếu tố cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, như phân bón, thuốc trừ sâu, năng lượng, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, còn nông trường tập thể sẽ bán lại nông sản cho Nhà nước theo giá quy định. Vì vậy, thay vì cung cấp phương tiện sản xuất cho từng người dân, Nhà nước sẽ phân phối các sản phẩm nông nghiệp mua được từ các nông trường này. Trước đây, Chính phủ sẽ gửi xuống các nông trường tập thể một bản kế hoạch chung, các nông trường sẽ chỉnh sửa lại sao cho phù hợp, tạo nên một bản kế hoạch sản xuất hoặc kế hoạch phân phối để gửi lại về trung ương, đảm bảo vẫn nằm trong khuôn khổ kế hoạch quốc gia.

 

Kể từ khi thành lập các nông trường tập thể, Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm nhiều phương pháp chỉ đạo đa dạng, trong đó tiêu biểu là Luật Nông nghiêp Juche (chủ thể) và Phương pháp xã Cheongsan. Phương pháp xã Cheongsan bắt nguồn từ chỉ thị của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành trong chuyến chỉ đạo thực địa tại hợp tác xã Cheongsan, có nội dung như “Cơ quan cấp trên phải giúp đỡ cấp dưới, cấp trên phải giúp đỡ cấp dưới và thường xuyên xuống địa phương để tìm hiểu sâu sát tình hình nhằm tìm được đúng phương pháp giải quyết vấn đề". Bên cạnh đó, Luật Nông nghiệp chủ thể đã được ban hành vào đầu những năm 1970, trong quá trình miền Bắc tìm kiếm những phương pháp mới để tăng sản lượng nông nghiệp và khắc phục các điều kiện về khí hậu.

 

Luật Nông nghiệp chủ thể cũng có thể được coi là một hệ tư tưởng chỉ đạo lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong ngành nông nghiệp Bắc Triều Tiên. Luật này được ban hành dựa theo chỉ thị trực tiếp của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đối với tất cả các quy trình canh tác, bao gồm quản lý đất canh tác, bố trí giống, gieo hạt và bảo quản khay gỗ trong chuyến chỉ đạo thực địa các hợp tác xã năm 1973 của ông. Chủ trương của luật này là ngành nông nghiệp phải áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo tồn tài nguyên và sản xuất bằng các phương pháp thâm canh. Tuy nhiên, Luật Nông nghiệp chủ thể cũng tồn tại nhiều hạn chế, như còn mang tính giáo điều và không linh động với các vấn đề chẳng hạn như biến động thời tiết.

 

Cùng với sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên khắp thế giới vào những năm 1990, xã hội Bắc Triều Tiên, đặc biệt là nền nông nghiệp, đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Do gặp khó khăn trong việc nhập khẩu phân bón hóa học, năng lượng, máy móc, túi nhựa và lốp xe cần thiết cho sản xuất, sản lượng nông nghiệp giảm mạnh, gây thiệt hại đáng kể cho khả năng sản xuất, làm gián đoạn hệ thống bao cấp lương thực và phát sinh nạn đói quy mô lớn, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”. Trước các ý kiến kêu gọi thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp để vượt qua khủng hoảng, “chế độ giao khoán theo tổ” đã được sửa đổi thành “chế độ quản lý theo tổ”.

 

Theo chế độ giao khoán theo tổ được áp dụng từ năm 1966, một tổ sản xuất nếu vượt chỉ tiêu sản lượng thì sẽ được thưởng dựa trên giá của lượng sản phẩm thừa. Tuy nhiên, tiền thưởng không được bao nhiêu do phải dựa theo giá quy định của Nhà nước, nên không có hiệu quả khuyến khích sản xuất. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và lương thực năm 1996, Bắc Triều Tiên đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp cải cách bằng cách thưởng cho các tổ sản xuất vượt chỉ tiêu bằng hiện vật. Phần thưởng đã trở thành động lực thúc đẩy người dân làm việc chăm chỉ và nâng cao sản lượng toàn quốc. Từ đó, “chế độ quản lý theo tổ” ra đời. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy sản lượng lương thực hoặc sản xuất nông nghiệp của miền Bắc tăng mạnh sau đó, có nghĩa là chế độ này đã không được thực hiện hoặc đã thất bại. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một chế độ mang tính đổi mới.

 

Tuy chế độ quản lý theo tổ đã được áp dụng vào năm 1996, sản lượng nông nghiệp của Bắc Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu tăng lên. Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đã đề xuất nhiều chính sách đa dạng, như trao quyền tự chủ cho các nông trường tập thể vượt chỉ tiêu thu mua quốc gia. Một trong những chính sách tiêu biểu của ông Kim là "chế độ chia ruộng để quản lý".

 

Tại Bắc Triều Tiên, khái niệm "chế độ chia ruộng để quản lý" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002, sau đó xuất hiện trở lại vào năm 2012. Vẫn chưa có tài liệu định nghĩa chính xác chế độ này. Có người cho rằng đây là chế độ chia ruộng cho từng hộ gia đình thay vì cho các thành viên của nông trường, vì thế nên trách nhiệm của từng người trở nên lớn hơn so với trước đây. Trên lý thuyết, nếu một cá nhân được canh tác và quyết định 100% sản phẩm theo ý muốn, năng suất nông nghiệp của miền Bắc phải tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, sản xuất lương thực và năng suất nông nghiệp của nước này vẫn không có sự thay đổi rõ ràng kể từ năm 2012. Tôi nghĩ rằng hoặc là do chế độ này không được áp dụng ở các vùng nông thôn, hoặc chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa của nó ngay từ đầu.

 

Tuy đã có nhiều nỗ lực cải cách để tăng sản lượng, Bắc Triều Tiên vẫn chưa đạt được tăng trưởng đột phá nào ngoài các biến động nhẹ trong sản xuất nông nghiệp. Dù hiện nay miền Bắc đặt phát triển nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế quốc gia, các chuyên gia cho rằng các chính sách cải cách của nước này không mang lại hiệu quả đáng chú ý.

 

Vấn đề đầu tiên của các biện pháp cải cách chính là sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian dài. Nếu cho người dân giữ nhiều sản phẩm hơn thì tỷ lệ thu mua của Chính phủ sẽ bị giảm, dẫn đến không thể cung cấp cho người dân. Để Nhà nước không bị sụp đổ vì lý do này, Bắc Triều Tiên đã liên tục thực hiện các biện pháp cải cách nhằm giảm bớt các áp lực xã hội, nhưng lại gặp phải thất bại. Ngoài ra, do kinh tế đình trệ, Nhà nước cũng không thể cung cấp đầy đủ các yếu tố cần thiết cho sản xuất, như túi ni lông, thuốc trừ sâu và năng lượng. Trong tình trạng thiếu phân bón, thiên tai và công trình thủy lợi nghèo nàn, người dân có làm việc chăm chỉ đi chăng nữa thì các biện pháp cải cách cũng không tránh khỏi lâm vào ngõ cụt. Có thể nói, dù nỗ lực nhưng rõ ràng miền Bắc vẫn đang gặp phải nhiều hạn chế.

 

Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 12 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã đưa ra Cương lĩnh nông thôn mới và tuyên bố sẽ giải quyết hoàn toàn vấn đề thiếu lương thực trong vòng 10 năm tới. Điều này đã nói lên nạn thiếu lương thực trầm trọng tại nước này. Trong số phát sóng tiếp theo của “Vì một bán đảo thống nhất”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề lương thực của miền Bắc.

Tin mới nhất