Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên

2022-03-23

ⓒ KBS

Tháng 1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Bắc Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngành nông nghiệp, đã được nâng cấp thành “Ủy ban Nông nghiệp”. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính đến năm ngoái, chỉ có 8 cơ quan quan trọng thuộc Nội các miền Bắc thuộc cấp “Ủy ban”, trong đó có thể kể tới Ủy ban Kế hoạch quốc gia, Ủy ban Khoa học kỹ thuật quốc gia, Ủy ban Giáo dục. Ngoài ra, các cơ quan chỉ đạo và quản lý 34 lĩnh vực khác như y tế, thương mại, ngoại giao, văn hóa, thì được phân loại theo cấp “Bộ”. Động thái nâng cấp Bộ Nông nghiệp thành Ủy ban Nông nghiệp của Bắc Triều Tiên được cho là nhằm dồn toàn lực vào lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết  vấn nạn lương thực đang trở nên nghiêm trọng tại nước này. Đây cũng là vấn đề được các cơ quan và tổ chức trong và ngoài nước chỉ ra từ lâu. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu cấp cao Kim Young-hoon đến từ Viện nghiên cứu kinh tế nông thôn Hàn Quốc. Đầu tiên là tình hình thiếu lương thực tại miền Bắc.

 

Do Bắc Triều Tiên chủ trương không công bố tình hình nội bộ nên các tổ chức quốc tế và Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) chỉ có thể ước tính tình hình. Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), miền Bắc sản xuất được 4,5 triệu đến 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm nhưng lại có nhu cầu lên tới 6 triệu tấn. Hàn Quốc có gấp đôi dân số và tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc hàng năm, bao gồm cả ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi. Như vậy, nếu dựa trên mức tiêu thụ của người dân Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ cần khoảng 10 triệu tấn ngũ cốc, cho thấy tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại nước này.

 

Trong báo cáo “Triển vọng canh tác và tình hình lương thực” quý I được công bố vào tháng 3 vừa qua, FAO phân loại Bắc Triều Tiên là "quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực" và đưa nước này vào danh sách 44 quốc gia cần viện trợ lương thực. Về tình trạng lương thực của miền Bắc, tổ chức này cũng chỉ ra rằng phần lớn dân số phải chịu khổ cực do chỉ được tiêu thụ lương thực số lượng thấp và không đa dạng. Đây cũng là năm thứ 16 liên tiếp kể từ năm 2007, FAO xếp Bắc Triều Tiên vào diện cần viện trợ lương thực.

 

Có thể thấy chỉ khoảng 50-60% người dân Bắc Triều Tiên được nhận bao cấp lương thực. 40% còn lại chỉ được chia lương thực chứ không thể gọi là bao cấp. Trước đây, một người dân miền Bắc được nhận trung bình khoảng 600g/ngày. Tuy nhiên, gần đây nước này đã hạ thấp mức này xuống 500g/người do khó khăn kinh tế. Mặc dù vậy, trước tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng, con số thực tế ước tính hiện tại chỉ ở mức 400g. Theo “Niên giám lương thực và nông nghiệp thế giới” được FAO khảo sát và phát hành hàng năm về tình trạng thiếu dinh dưỡng và cung cầu lương thực ở tất cả các nước thành viên, trong ba năm từ 2018 đến 2020, 42,4% dân số của Bắc Triều Tiên, tương đương 19,9 triệu người, bị suy dinh dưỡng. Nếu so với tỷ lệ suy dinh dưỡng của tất cả các quốc gia trên thế chỉ đạt trung bình 8,9%, con số của Bắc Triều Tiên là rất lớn.

 

Tình hình kinh tế của Bắc Triều Tiên gần đây ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do các lệnh trừng phạt toàn diện của cộng đồng quốc tế, thiên tai và chính sách đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19 của miền Bắc. Theo đó, nhiều ý kiến dự đoán rằng tình trạng thiếu lương thực ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ càng tồi tệ hơn do sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có thông tin sản lượng lương thực thực tế tại nước này không có thay đổi gì đáng kể.

 

Việc Liên hợp quốc thắt chặt các lệnh trừng phạt vào năm 2016 và đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 không cho thấy ảnh hưởng gì đáng kể đến sản lượng nông nghiệp, giá ngũ cốc và giá vật tư nông nghiệp tại Bắc Triều Tiên. Sản lượng nông nghiệp vẫn được duy trì, giá của hầu hết các loại lương thực và nông sản, ngoại trừ các mặt hàng phụ thuộc vào nhập khẩu, không tăng cao. Trong hai năm đầu tiên sau 2016 khi các biện pháp trừng phạt được siết chặt, sản lượng lương thực của miền Bắc giảm nhẹ, nhưng đến nay đã phục hồi. Tương tự, đầu năm 2020 khi nước này bắt đầu chính sách phong tỏa biên giới, sản lượng lương thực có giảm so với năm trước nhưng đến năm 2021 đã phục hồi trở lại. Do vậy, không thể kết luận rằng các lệnh trừng phạt và đại dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến tình hình lương thực và nông nghiệp của Bắc Triều Tiên trở nên khó khăn và gây ra khủng hoảng lương thực. Trong bối cảnh này, những viễn cảnh được dự đoán trước đó vẫn chưa xảy ra ngay mà có thể sẽ xuất hiện nếu tình hình này tiếp tục kéo dài.

 

Các lệnh trừng phạt về thương mại và chính sách đóng cửa biên giới không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra khủng hoảng lương thực tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ vừa qua, sản lượng lương thực của nước này đã giảm hoặc đình trệ trên mọi mặt.

 

Tình hình nông nghiệp và lương thực của Bắc Triều Tiên trở nên xấu đi không phải do các lệnh trừng phạt hay đại dịch COVID-19 mà là do nền nông nghiệp nước này vẫn duy trì mức năng suất thấp vì chế độ chia sản phẩm không hợp lý. Nguyên nhân tiếp theo là do miền Bắc không thể cung cấp các yếu tố cần thiết cho sản xuất nông nghiệp bởi tình trạng đình trệ của toàn bộ nền kinh tế. Cuối cùng, khác với Hàn Quốc, sản lượng nông nghiệp của Bắc Triều Tiên chịu ảnh hưởng lớn bởi các hiện tượng tự nhiên và biến đổi khí hậu do cơ sở hạ tầng không được bảo dưỡng tốt. Nếu nước này không tiến hành cải cách và cải thiện các vấn đề trên, tình trạng thiếu lương thực sẽ còn kéo dài trong tương lai.

 

Tình trạng thiếu lương thực của Bắc Triều Tiên bắt đầu trở nên trầm trọng vào giữa những năm 1990, thời điểm bắt đầu thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ”. Để khắc phục vấn đề lương thực, miền Bắc đã có nhiều nỗ lực thay đổi chính sách nông nghiệp, bao gồm đa dạng hóa sản xuất cây trồng, cung cấp hạt giống chất lượng cao, mở rộng trồng khoai tây, thúc đẩy chăn nuôi gia súc ăn cỏ và xây dựng đường dẫn dòng nước chảy tự nhiên quy mô lớn.

Tuy nhiên, tình hình lương thực của Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể khôi phục trở lại trạng thái trước thời kỳ “cuộc hành quan gian khổ”. Tháng 4/2012, ngay sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cam kết sẽ không để người dân phải “thắt lưng buộc bụng nữa", thể hiện ý chí mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề lương thực. Theo đó, ông Kim đề ra nhiều biện pháp cải cách và đổi mới như "hệ thống quản lý kinh tế mới kiểu Bắc Triều Tiên" và "phục hồi các khu rừng bị tàn phá." Đặc biệt, Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự kết hợp giữa nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Việc áp dụng trang trại thông minh sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là một ví dụ tiêu biểu.

 

Tuy việc sử dụng các phương pháp canh tác hiện đại và khoa học không phải điều gì mới, nhưng Bắc Triều Tiên đã cụ thể hóa các chính sách này theo thời gian. Ví dụ, đẩy mạnh sử dụng các biện pháp khoa học và canh tác để ứng phó với thời tiết thay đổi hoặc thiên tai, phát triển các công nghệ khoa học cần thiết cho việc canh tác trong nhà kính và thủy canh, hoặc kết hợp nông nghiệp với công nghệ thông tin và truyền thông. Ngoài ra, còn có trường hợp vận dụng khoa học kỹ thuật vào phân tích tình hình phân bổ đất nông nghiệp và canh tác nông sản hay dự báo thiên tai. Nhưng đây cũng chỉ là các biện pháp được miền Bắc liệt kê. Hình ảnh vệ tinh lại nói lên một thực tế khác. Dù một khoảng thời gian dài đã trôi qua kể từ khi Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đến việc canh tác trong nhà kính, các vùng đất nông nghiệp của nước này trên thực tế có rất ít nhà kính, hay thậm chí là không có. Miền Bắc không thể phổ biến trên toàn quốc phương pháp thô sơ nhất của canh tác khoa học là canh tác nhà kính, cho thấy nước này không có cơ sở, nền tảng, vốn và công nghệ cho canh tác khoa học.

 

Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong-un đã bất ngờ công khai tình trạng "thiếu lương thực", đồng thời nhấn mạnh rằng canh tác nông nghiệp hiệu quả là nhiệm vụ chiến đấu cần phải ưu tiên giải quyết. Về vấn đề này, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tối cao tổ chức vào tháng 9 cùng năm, ông Kim cho rằng ngành nông nghiệp cần "ứng phó với thiên tai và khí hậu bất thường", khuyến khích các địa phương phải có phương án tích cực.

 

Ứng phó với thiên tai và khí hậu bất thường là chính sách được nhắc đến đầu tiên nên đã gây được nhiều sự chú ý. Về mặt vĩ mô, chính sách nhắm đến vấn đề biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu gồm có chuyển đổi giống cây trồng, điều chỉnh thời kỳ gieo hạt, nghiên cứu các công nghệ và phương pháp canh tác tiên tiến. Về mặt vi mô, để ứng phó với các thảm họa thời tiết, Bắc Triều Tiên công bố các chính sách nông nghiệp nhằm thiết lập một hệ thống quản lý thủy lợi khoa học, cải thiện các công trình kết cấu liên quan và đường dẫn nước hồ chứa, hiện đại hóa các phương tiện quan trắc và dự báo thời tiết. Tuy nhiên, một lần nữa miền Bắc lại gặp phải tình trạng thiếu công nghệ, nhân lực và vốn. Do đó, nước này không thể áp dụng các chính sách chi tiết này cho khu vực nông thôn.

 

Tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã nhắc đến “vấn đề nông nghiệp” như một nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh cần giải quyết triệt để vấn đề lương thực trong 10 năm tới, đồng thời công bố "Cương lĩnh xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa mới”. Theo đó, truyền thông miền Bắc đã tập trung đưa tin về sự kiện này, đặc biệt là chính sách chuyển từ nền nông nghiệp chuyên trồng lúa gạo sang nền nông nghiệp mà người dân “ăn cơm trắng với thức ăn từ bột lúa mỳ”. Sau chính sách mở rộng canh tác ngô trong những năm 1960 và khoai tây trong những năm 1990, chính sách tập trung vào canh tác lúa mỳ lần này sẽ đem lại những thay đổi đáng kể đến tình hình sản xuất ngũ cốc cả nước.

 

Chính sách này làm cho tôi có chút ngạc nhiên, đặc biệt là khi Bắc Triều Tiên thậm chí còn có ý định tăng gấp đôi quy mô canh tác lúa mì và thay đổi chế độ ăn của người dân sang bột mì. Tuy nhiên, không thể khẳng định liệu việc canh tác lúa mỳ có thể đóng vai trò cải thiện tình hình lương thực như ngô và khoai tây hay không. Nguyên nhân là bởi lúa mì cần phải được gieo hạt vào mùa thu hoặc cuối mùa đông và thu hoạch vào đầu mùa hè. Vì vậy, trồng lúa mỳ đồng nghĩa với việc người dân sẽ chuyển sang chuyên canh hai vụ là một vụ lúa mỳ xen với một vụ lúa gạo hoặc ngô. Tuy nhiên, liệu miền Bắc có thể giải quyết vấn đề về năng lượng, máy móc nông nghiệp và nguồn lao động hay không vẫn là một dấu hỏi. Vậy nên, lúa mì không được trồng để thay thế hoàn toàn cho ngô, mà là để tận dụng khoảng thời gian đất trống. Tuy nhiên, do hiện nay Bắc Triều Tiên hầu như không nhập khẩu bột mì do giá thành quốc tế tăng quá cao, đây cũng có thể là một biện pháp ngắn hạn để thay thế việc nhập khẩu bột mì.

 

Vấn đề lương thực của Bắc Triều Tiên hiện đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Các chính sách nông nghiệp của miền Bắc được đưa ra vào đầu năm nay đều nhấn mạnh sự cần thiết phải phản ánh những thay đổi trong tiêu dùng của người dân và cải thiện các vấn đề về cơ cấu còn tồn tại. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết nạn thiếu lương thực đã tồn tại lâu nay. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng cần thực hiện các biện pháp cơ bản như mở cửa và giao lưu quốc tế.

 

Trước mắt, Bắc Triều Tiên là một quốc gia cần viện trợ lương thực với hơn 40% dân số bị suy dinh dưỡng. Hàn Quốc, vốn vẫn luôn sẵn sàng viện trợ cho miền Bắc, có thể cung cấp lương thực cho nước này trong một, hai năm để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt. Tiếp theo, Bắc Triều Tiên cần các yếu tố thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phân bón hóa học, để sản xuất nông nghiệp có thể tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, nếu miền Bắc thực hiện các chính sách mở cửa trong lĩnh vực kinh tế và nông nghiệp thì sẽ có thể giao lưu với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế, hơn thế nữa là còn có thể nhận được đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp.

 

Tình trạng thiếu lương thực của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong năm nay với triển vọng tương lai dài hạn vô cùng ảm đạm. Miền Bắc không thể giải quyết tình trạng thiếu lương thực dai dẳng chỉ bằng một, hai chính sách, mà cần có sự ưu tiên trong việc đổi mới và cải cách xã hội toàn diện.

Tin mới nhất