Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Chính sách lâm nghiệp được thể hiện trong văn học Bắc Triều Tiên

2022-04-06

ⓒ Getty Images Bank

Văn học được xem là tấm gương phản chiếu của thời đại và xã hội vì đề cập đến cuộc sống con người trong thời kỳ đó. Vậy rừng và lâm nghiệp được thể hiện trong văn học Bắc Triều Tiên như thế nào? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tiến sĩ Oh Sam-eon đến từ Viện Khoa học lâm nghiệp quốc gia Hàn Quốc tìm hiểu về những thay đổi trong chính sách lâm nghiệp của miền Bắc dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un được phản ánh qua văn học nước này. Đầu tiên là sự quan trọng của việc xem xét chính sách lâm nghiệp của Bắc Triều Tiên trong các tác phẩm văn học.

 

Ở Bắc Triều Tiên, văn học là một phương tiện để giáo dục và tuyên truyền về lòng trung thành với chế độ và hệ tư tưởng của Nhà nước. Vị thế và vai trò này của nền văn học vẫn được giữ nguyên dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Văn học miền Bắc được sáng tác, chỉnh sửa và phân phối dưới sự chỉ đạo của đảng Lao động và Nhà nước. Tuy đã được kiểm duyệt qua lăng kính của chính sách đảng, các tác phẩm văn học vẫn có thể phản ánh dòng chảy lịch sử và hiện thực tại Bắc Triều Tiên theo một cách nào đó. Ngoài ra, do chú trọng đến chủ nghĩa hiện thực của xã hội chủ nghĩa, văn học miền Bắc có thể trở thành một chủ đề nghiên cứu hữu ích để nắm bắt tình hình thực tế và các đường lối của chính quyền nước này. Một điều thú vị là nội dung về môi trường sinh thái cũng bắt đầu xuất hiện trong các tác phẩm văn học dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, khi chính sách khôi phục rừng bắt đầu được thực hiện nghiêm túc.

 

Là một trong những tạp chí văn nghệ tiêu biểu trong lĩnh vực lịch sử văn học Bắc Triều Tiên, vậy các tác phẩm văn học được đăng trên tạp chí này thể hiện chính sách lâm nghiệp của miền Bắc như thế nào? Đầu tiên, giới chuyên gia cho rằng cách đánh giá của văn học nước này về thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” đã thay đổi. Là một trang sử buồn với hàng trăm nghìn người chết vì khó khăn kinh tế nghiêm trọng, thế nhưng văn học miền Bắc lại coi “cuộc hành quân gian khổ” như một ký ức đáng tự hào trong công cuộc bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước nghịch cảnh và đau khổ.

 

“Cuộc hành quân gian khổ” được định nghĩa là cuộc đấu tranh giữa việc bảo vệ chủ nghĩa xã hội để được sống trong danh dự hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội và trở thành nô lệ. Do vậy, Bắc Triều Tiên mô tả đây là một chiến thắng trước thử thách vô cùng nan giải, khi nước này phải đơn phương bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt và khó khăn kinh tế giữa sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc. Bắc Triều Tiên ca ngợi thời kỳ này là một bản anh hùng ca cho quá trình vượt khó và tiến quân vì xã hội chủ nghĩa. Trong văn học miền Bắc, “cuộc hành quân gian khổ” được miêu tả một cách chân thực, như cảnh người dân phải đào rễ cỏ để kiếm ăn hay báo cáo sai sản lượng gạo cho các cơ quan Chính phủ hoặc khai thác gỗ bất hợp pháp. Những người này bị nhìn nhận tiêu cực là những kẻ vô lương tâm và tư lợi, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Hình ảnh những con người tuyệt vọng trở nên xung đột với nhau do thiếu lương thực và tài nguyên cũng được khắc họa khá cụ thể. Song xét cho cùng, thông điệp chính trong văn học là cố Chủ tịch Kim Jong-il và đại đa số người dân đã vượt qua cuộc hành quân đau thương bằng sự hy sinh và cống hiến, hay theo cách gọi của miền Bắc là bản anh hùng ca của người chiến thắng.

 

Tuy nhiên, kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, giọng văn khi nói về "cuộc hành quân gian khổ" đã thay đổi. Trong bài phát biểu và tuyên bố đầu năm mới 2015, ông Kim nhấn mạnh rằng cần dồn sức tiến hành cuộc chiến khôi phục rừng để biến những ngọn núi của đất nước thành núi vàng và núi kho báu, đồng thời khởi động toàn diện kế hoạch 10 năm phục hồi rừng. Khi đó, ông Kim Jong-un đã chỉ ra rằng nạn chặt phá rừng để giải quyết vấn đề lương thực, củi lửa đã có từ thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”, nhưng lại chưa hề có phương án phòng chống cháy rừng. Nhà lãnh đạo miền Bắc còn khẳng định núi không có cây là hậu quả của “cuộc hành quân gian khổ”.

 

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un đề cập đến hậu quả của “cuộc hành quân gian khổ”, có thể thấy cách đánh giá về những hành động tàn phá thiên nhiên xảy ra trong thời kỳ này đã trở nên tiêu cực hơn. Tùy bút “Hãy trồng cây” xuất bản năm 2015 không do dự sử dụng cụm từ “tội ác” để gọi các hành vi này, cho dù là với mục đích sinh tồn đi chăng nữa. Tác phẩm kể về một nhân vật quyết định trở về quê hương trồng cây để đền tội đã ăn vỏ thông tránh đói trong “cuộc hành quân gian khổ”. Cảnh ngâm vỏ cây thông trong nước và ăn với bánh gạo được ví von như việc lóc da xẻ thịt, ám chỉ những hành vi phá rừng, tàn phá thiên nhiên gây ra trong thời kỳ này là không thể chấp nhận được. Tiểu thuyết ngắn "Hãy yêu lấy rừng" xuất bản vào năm 2016 còn gọi việc tàn phá rừng khi đó là một lỗi lầm đáng xấu hổ trong quá khứ. Có thể nói, các tác phẩm văn học dưới thời ông Kim Jong-un coi việc làm tổn hại rừng và phá hủy thiên nhiên là những hành vi đáng lẽ không nên xảy ra ngay cả trong thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”. Việc đề cập đến những khốn cùng trong thời kỳ này là điều khó có thể xuất hiện trong văn học chính thống.

 

Tất nhiên, trước khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, không hẳn là không có các tác phẩm chỉ trích nạn chặt phá rừng ở thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”. Trong cuốn truyện ngắn có tựa đề "Sun Dong-won của chúng ta" xuất bản năm 2006, tình tiết nhân vật người đàn ông lén chặt cây để sửa nhà bị trêu chọc là “chú đốn củi” đã thể hiện sự kiểm điểm về nạn tàn phá rừng vào thời điểm kinh tế khó khăn, nhưng vẫn không thể so sánh được với cụm từ “tội ác” trong tùy bút “Hãy trồng cây”. Khai hoang để làm nương rẫy là một trong những nguyên nhân chính khiến rừng bị tàn phá tại miền Bắc. Để tăng sản lượng nông nghiệp trong những năm 1970 và 1980, Bắc Triều Tiên đã khuyến khích khai hoang vùng núi với "5 phương châm cải tạo tự nhiên" và "4 dự án cải tạo tự nhiên", dẫn tới tình trạng khai hoang bừa bãi. Và tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 1990, khi chế độ “bế quan tỏa cảng” của miền Bắc phải đối mặt với các vấn đề về năng lượng và lương thực. Do thiện tai, “cuộc hành quân gian khổ” đã được mở rộng toàn diện, khiến cho rừng bị tàn phá ngày càng nhiều. Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, miền Bắc đã thực hiện các chính sách như hạn chế khai hoang sườn núi, và các tác phẩm văn học nước này cũng đề cập tới các nội dung tự vấn về nạn khai hoang bừa bãi.

 

Truyện ngắn "Tiếng vọng của bản làng" xuất bản năm 2000 là một tác phẩm văn học phản ánh chính sách cấm khai hoang và trồng trọt trên đồi núi dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un. Một chi tiết thú vị trong tác phẩm có thể kể đến là cuộc chiến nội tâm mà một người làm nông trên sườn núi trải qua dưới thời ông Kim. Nhân vật chính của tác phẩm này là một người nông dân trồng ngô trên sườn núi và bán thành phẩm để làm nguyên liệu cho một nhà máy lương thực quân đội. Sau 10 năm, người nông dân nghỉ hưu vì tuổi già. Giờ đây, công việc mà ông tự hào lại bị coi là một điều sai trái, và điều này làm cho ông cảm thấy rằng toàn bộ cuộc sống của mình bị phủ nhận hoàn toàn. Những cảm xúc phức tạp của nhân vật chính cũng cho thấy sự xung đột giữa Nhà nước và người dân khi đất nước đi qua thời kỳ mà việc khai hoang trồng rẫy được dung túng để bước vào thời kỳ thực hiện các chính sách phục hồi rừng.

 

Tuy bị coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn tàn phá rừng ở Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây, việc khai hoang núi trước đây lại được coi là một biện pháp để cải thiện và giải quyết vấn đề thiếu lương thực cho người dân, vì vậy mà nội dung này được thể hiện khá tích cực trong các tác phẩm văn học. Trong khi "Tiếng vọng của bản làng" phát hành năm 2016 chỉ ra việc trồng ngũ cốc trên sườn núi là sai lầm, tác phẩm “Gáo múc gạo” phát hành năm 1999 lại ca ngợi thành quả của cách canh tác này.

 

Bài thơ “Gáo múc gạo” năm 1999 có nội dung ca ngợi thành quả trồng ngũ cốc trên sườn núi. Bài thơ có đoạn: “Mỗi đỉnh núi vang vọng là những ruộng nương quấn lấy đầu óc tôi. Càng nhìn lại càng thấy núi cao và thung lũng sâu thật giống một chiếc gáo múc gạo”. Ở đây, “gáo múc gạo” tượng trưng cho việc trồng lúa. Bài thơ cũng có đoạn: “Cuộc hành quân gian khổ, những năm tháng khắc nghiệt, với tấm lòng yêu nước cháy bỏng, người đã giơ cao ngọn đuốc tự lực cánh sinh để biến núi thành ruộng”. Bài thơ ví von việc làm nương rẫy trên sườn núi là biểu tượng của tinh thần tự lực cánh sinh trong những năm tháng khắc nghiệt mang tên “cuộc hành quân gian khổ” và khẳng định không có quốc gia nào có thể mạnh mẽ hơn thế. Tuy nhiên, trong tiểu thuyết ngắn ra mắt năm 2016, đây lại được coi là hành vi sai trái không được tái phạm.

 

Nhân dịp Tết trồng cây 2/3/2017, Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đã đăng một bài xã luận, trong đó cho rằng nếu chiến tranh có nổ ra vào ngày mai đi chăng nữa cũng không thể dừng cuộc chiến khôi phục rừng dù chỉ trong khoảnh khắc để có thể trao lại cho thế hệ tương lai những di sản của kế hoạch vạn năm. Có thể thấy, đây là nhiệm vụ cần phải làm cho các thế hệ mai sau cho dù có khó khăn hay không đạt được kết quả tức thì.

Tư tưởng khôi phục rừng không chỉ vì chúng ta mà còn vì thế hệ con cháu được giải thích chi tiết trong văn học Bắc Triều Tiên, với hai tác phẩm tiêu biểu là "Giai điệu cuộc sống" xuất bản năm 2017 và "Nhiệm vụ đặc biệt" xuất bản năm 2018.

 

Truyện ngắn "Giai điệu cuộc sống" xuất bản năm năm 2017 kể chuyện về gia đình của Sun-chol khôi phục rừng để có thể ngẩng cao đầu trước thế hệ tương lai. Cuốn tiểu thuyết được viết dưới dạng kính ngữ trên quan điểm người chồng có cái kết là vợ Sun-chol cuối cùng cũng thấu hiểu cho quyết định trở thành kiểm lâm vì thế hệ tương lai của chồng, và người con quyết tâm noi gương bố trở thành một kiểm lâm vào ngày nhập ngũ. Tác phẩm truyền đi thông điệp rằng việc coi trọng thế hệ tương lai là một điều cao quý. Cũng có những tác phẩm nói lên tư tưởng vì tương lai trong bối cảnh chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), tiêu biểu là truyện ngắn "Nhiệm vụ đặc biệt" ra mắt năm 2018. Tác phẩm này kể về chuyện toàn bộ một đại đội miền Bắc đã hy sinh để cứu một nhà khoa học lâm nghiệp và một tiểu đội trưởng trẻ tuổi người Hàn Quốc trong chiến tranh. Trong bức thư đầy ẩn ý gửi cả hai trước trận chiến nguy hiểm đến tính mạng, đại đội trưởng giải thích lý do ông cứu hai người là vì nghĩa vụ thiêng liêng phải dùng cả máu thịt và mạng sống để bảo vệ rừng của bán đảo Hàn Quốc cho thế hệ mai sau.

 

Ngoài ra, Bắc Triều Tiên còn có các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng về rừng và cây cối, cho thấy cuộc chiến khôi phục rừng đã được nhấn mạnh kể từ khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền. Đặc biệt, khu rừng xuất hiện trong khoa học viễn tưởng cũng là tương lai mà miền Bắc mong muốn ở thời điểm hiện tại.

 

Tiểu thuyết "Hãy yêu lấy rừng" phát hành năm 2016 được Bắc Triều Tiên xếp vào thể loại tiểu thuyết khoa học giả tưởng ngắn. Bối cảnh của tác phẩm này là một thời điểm trong tương lai, và nhân vật chính là một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu vấn đề chiến lược môi trường sinh thái. Người này có ước mơ trồng được cây gỗ lúa để vừa có thể phủ xanh rừng vừa cung cấp lượng lương thực ổn định cho nhân loại. Cuốn tiểu thuyết đã nói lên thực tế rừng bị tàn phá bởi tình trạng thiếu lương thực tại miền Bắc. Bối cảnh chính không phải là thiên nhiên cải tạo mà là khu rừng nguyên sinh không bị con người động đến cho thấy tác phẩm đề cao giá trị bảo tồn chứ không phải phát triển. Đến năm 2019, một cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng khác mang tên “Rừng trẻ hóa” được phát hành, kể về hạt giống nhân tạo có thể trồng ra cây hồ đào cao lớn như đã phát triển hơn 15 năm chỉ trong hai năm và cho ra quả to bằng quả dưa. Tác phẩm đã nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế của quả hồ đào có kích thước lớn và hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính nhờ tốc độ phát triển nhanh của cây, qua đó phản ánh đúng thực tế của Bắc Triều Tiên. Có thể thấy trí tưởng tượng trong văn học đã nói lên hiệu quả chính sách mà các nhà chức trách nước này đang theo đuổi.

 

Tôi nghĩ cây gỗ lúa trong "Hãy yêu lấy rừng" và cây hồ đào trong "Rừng trẻ hóa" là hiện thân cho những kỳ vọng và mong muốn của Bắc Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề thiếu lương thực và nạn tàn phá rừng. Theo đó, các tác phẩm văn học gần đây của nước này cho thấy tư tưởng về sinh thái tự nhiên chưa từng thấy trước đây và chứa đựng những thông điệp chính trị mà chính quyền miền Bắc muốn truyền tải.

 

Khác với thời đại trước, văn học Bắc Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un coi trọng môi trường sinh thái và lấy đó làm tiêu chí quan trọng. Các tác phẩm cũng miêu tả những xung đột và đối đầu nảy sinh giữa người dân do sự thay đổi trong các chính sách, đường lối của đảng Lao động. Ngoài giải thích sự thay đổi này, các tác phẩm văn học còn có tác dụng giáo dục người dân. Để khôi phục lại môi trường sinh thái bị hủy hoại và đạt được sự phát triển bền vững, miền Bắc phải giải quyết được tình trạng thiếu lương thực và năng lượng. Ngoài ra, việc kiểm điểm sâu sắc về hành vi phá hủy môi trường sinh thái và xây dựng khả năng giải quyết vấn đề này cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta hãy cùng chờ xem các tư tưởng về môi trường sinh thái được phản ánh trong các tác phẩm văn học nước này cũng sẽ theo đó mà thay đổi như thế nào.

Tin mới nhất