Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Văn hóa uống trà của Bắc Triều Tiên

2022-01-19

ⓒ Getty Images Bank

Bên cạnh là thức uống ấm áp trong tiết trời giá lạnh, trà còn mang nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, câu nói “làm một tách trà nhé?" thường được hiểu là "hãy cùng tôi nói chuyện" hoặc "chúng ta nghỉ tay thôi", còn câu "lúc nào hai ta làm chén trà nhé" cũng có nghĩa là "hẹn gặp lại nhé”. Câu dùng này cho thấy, trà đã trở thành một thức uống thân thuộc trong đời sống người dân Hàn Quốc. Gần đây, trà cũng đang trở thành một thực phẩm được ưa thích ở Bắc Triều Tiên. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu văn hóa uống trà của miền Bắc. 


Trà mới chỉ được coi là một món uống ưa thích tại Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây vì nó vốn được sử dụng cho những lúc đau ốm hay bồi bổ sức khỏe. Dưới thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, để hưởng ứng khẩu hiệu xây dựng đất nước thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa văn minh, người dân Bắc Triều Tiên bắt đầu coi uống trà là một nét đặc trưng của xã hội văn minh. Trà tại miền Bắc cũng đang được công nghiệp hóa. Tuy còn nhiều hạn chế về ngành công nghiệp dịch vụ và đời sống tiêu dùng nhưng trà đang giúp miền Bắc vực dậy thị trường nội địa và gần đây đang được phát triển thành các sản phẩm đa dạng. Cùng với sự xuất hiện của các quán trà và sản phẩm từ trà, có thể nói trà đang trở thành một nét văn hóa tiếp khách tại miền Bắc.


Khi nói về trà, người ta thường nhắc đến trà xanh trước tiên. Những địa phương sản xuất trà chủ yếu ở Hàn Quốc là các vùng miền Nam ấm áp như huyện Hadong (tỉnh Nam Gyeongsang), huyện Boseong (tỉnh Nam Jeolla) và đảo Jeju. Nằm phía Bắc bán đảo Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên không có môi trường khí hậu phù hợp cho cây chè phát triển. Do đó, việc trồng chè ở miền Bắc bắt đầu từ đầu những năm 1980 dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. 


Cây chè thường được trồng nhiều ở khu vực phía Nam. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, chè được trồng nhiều nhất ở tỉnh Vân Nam và bán đảo Sơn Đông. Sau khi đến thăm bán đảo này, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành cho rằng huyện Kangryong (tỉnh Nam Hwanghae) ở vĩ độ tương tự nên cũng có thể trồng chè. Từ đó, cây chè bắt đầu được trồng ở miền Bắc nhưng không thành công trong một khoảng thời gian dài do vấn đề thời tiết. Sau 25 năm nghiên cứu, nước này đã thành công trồng chè ở những vùng có nhiệt độ thấp hơn. Tuy nhiên, những khu vực có thể trồng chè ở Bắc Triều Tiên vẫn chỉ là các vùng cực Nam, như huyện Kangryong (tỉnh Nam Hwanghae), hoặc huyện Kosong (tỉnh Gangwon). Để sản phẩm hóa thì cần phải đảm bảo số lượng để sản xuất đại trà. Tuy đang dần mở rộng diện tích, việc sản xuất trà ở miền Bắc vẫn còn sơ khai, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm trà xanh, hồng trà và trà thiết quan âm.


Bắc Triều Tiên đãi trà xanh trồng tại huyện Kangryong, hay còn gọi là “trà Unjong” (ân tình), tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tổ chức ở Bàn Môn Điếm vào tháng 4/2018 và ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 cùng năm, cho thấy đây là thương hiệu trà đại diện cho miền Bắc. Thương hiệu này được chính cố Chủ tịch Kim Jong-il đặt tên, với ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của quốc gia và tình yêu của nhà lãnh đạo tối cao dành cho người dân. Bắc Triều Tiên sử dụng rất nhiều cụm từ chứa từ “un” (âm Hán là “ân”), như “Viện Ân đức” hay “trà ân tình”. Do đó, cái tên “trà ân tình” được đặt là nhằm nhấn mạnh tình cảm đặc biệt của nhà lãnh đạo và niềm hy vọng nhiều người có thể được uống loại trà này. 

Nhân dịp Bắc Triều Tiên trồng chè thành công vào cuối những năm 2000, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã đến thăm một nông trường “trà ân tình” và chỉ thị tăng sản lượng lá trà, đồng thời thành lập một quán “trà ân tình” ở Bình Nhưỡng. 


Quán trà Ân tình khai trương vào tháng 7/2012. Do không cần phải nhập khẩu như cà phê nên để phổ biến cho người dân, Nhà nước đã cho xây các quán trà, mang ý nghĩa biểu tượng cho thành quả và giá trị kinh tế của ngành dịch vụ và nền văn minh xã hội chủ nghĩa mà Bắc Triều Tiên thường nhắc đến. Ngoài trà ân tình, người dân còn có thể thưởng thức trà lúa mạch, trà kiều mạch hoặc trà râu ngô tại quán trà Ân tình. Đây cũng là điểm đến của người dân cho các cuộc gặp đặc biệt, và giá cũng đắt đỏ nên cụm từ “đến quàn trà” còn được dùng để chỉ người “có thể tiếp cận được” tại miền Bắc. Tuy nhiên, hiện tại các quán trà dường như chỉ tập trung ở Bình Nhưỡng. Mô hình quán trà có thể sẽ được mở rộng ra các khu vực khác khi sản lượng lá trà tăng lên.


Gần đây, truyền thông Bắc Triều Tiên đã đưa tin về việc hoàn công "Nhà máy nước giải khát trà ân tình", nơi sản xuất loại trà này thành sản phẩm công nghiệp, đồng thời giới thiệu trà là một thức uống tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, sách hướng dẫn về trà Kangryong còn nhấn mạnh các tác dụng như ngăn ngừa xơ cứng động mạch, cao huyết áp và đông máu, cải thiện tuần hoàn máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, cải thiện vận động đường ruột, tốt cho chức năng tiêu hóa và các chức năng vận động khác, ngừa viêm đại tràng, và "giảm nguy cơ từ tia phóng xạ". 


Tại Bắc Triều Tiên, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực quan trọng của văn hóa chăm sóc sức khỏe người dân mà Nhà nước tham gia trực tiếp. Bằng cách tuyên truyền các lợi ích của việc uống trà, Nhà nước cũng chỉ dẫn người dân lối sống văn minh xã hội chủ nghĩa. Để khuyến khích người dân uống trà, miền Bắc có chút phóng đại khi nói trà Kangryong có thể tránh nhiễm tia phóng xạ. Lý do lớn nhất cho việc này là vấn đề kinh tế, bởi trà là thức uống có thể sản xuất và thương mại hóa bằng kỹ thuật nội địa, khác với cà phê và ca cao cần phải nhập khẩu toàn bộ, trong bối cảnh nước này đang phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.


Tại Bắc Triều Tiên, cà phê cũng nổi tiếng không kém “trà ân tình”. Bên cạnh "chung cư" và "phòng tắm hơi", “cà phê” cũng được coi là từ khóa tiêu biểu cho giới thượng lưu miền Bắc, cho thấy cà phê là biểu tượng của sự sành điệu hay văn minh. Trên thực tế, trước đây cà phê không phải là một thức uống được ưa thích ở Bắc Triều Tiên do được coi là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản, cũng là thứ đồ uống người dân bình thường không được tiếp cận. 


Tương tự câu chuyện vua Gojong (Cao Tông) thời đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) bị nghiện cà phê khi loại thức uống này du nhập vào bán đảo Hàn Quốc, cà phê ngày càng được uống rộng rãi ở Bắc Triều Tiên mặc dù đây là thức uống nước này không thể tự sản xuất được. Cà phê bắt đầu được biết đến tại miền Bắc thông qua các nhà ngoại giao nước ngoài làm việc ở Bình Nhưỡng sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), và yếu tố quyết định đưa cà phê du nhập vào nước này là phong trào về nước của các kiều bào Bắc Triều Tiên tại Nhật Bản. Trên thực tế, tại miền Bắc, cà phê tượng trưng cho văn hóa tư bản, giống như pizza và coca, nên chúng thường xuất hiện ở các cảnh mô tả xã hội Hàn Quốc trong các bộ phim nước này. Vì bị gắn với hình ảnh chủ nghĩa tư bản, cà phê khó có thể trở thành một thức uống đại chúng tại Bắc Triều Tiên.


Cà phê được du nhập vào đời sống hàng ngày của người dân thường miền Bắc là nhờ khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Bên cạnh bánh Choco Pie hay mỳ gói, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã cung cấp cà phê hòa tan cho công nhân miền Bắc như một món thưởng và họ sớm bị chinh phục bởi vị vừa ngọt vừa đắng của cà phê. 

Ban đầu, các công nhân không hiểu vì sao người Hàn uống cà phê có vị đắng. Cũng có câu chuyện là lao động miền Bắc đi làm với mắt đỏ vì mất ngủ do uống cà phê. Cà phê hòa tan có tác dụng làm công nhân tỉnh táo khi mệt mỏi và dần trở nên phổ biến, tạo nên văn hóa chia sẻ cà phê. Cà phê hòa tan được ưa thích đến mức người dân miền Bắc sẽ cầm theo một, hai gói cà phê để chia sẻ cho nhau, hoặc dùng đồ uống này tiếp đãi khách. Điều này đã đóng một vai trò lớn trong việc truyền bá văn hóa cà phê ở Bắc Triều Tiên và hạ thấp các rào cản trong nhận thức người dân nước này về cà phê. Thậm chí, cà phê hòa tan bắt đầu được phân phối trên chợ tư nhân tại nước này.

Nếu như kiều bào Bắc Triều Tiên ở Nhật Bản truyền bá văn hóa cà phê cho một số người thuộc tầng lớp thượng lưu, chủ yếu ở các thành phố lớn như Bình Nhưỡng, Chongjin và Hamheung, thì các công nhân khu công nghiệp liên Triều Gaesung đã cung cấp cà phê hòa tan cho thị trường và làm cho văn hóa cà phê trở nên phổ biến. Văn hóa này vẫn còn tiếp tục kể cả khi khu công nghiệp liên Triều Gaesung đóng cửa vào năm 2016. 


Bắc Triều Tiên bắt đầu sản xuất cà phê pha đường và kem, và đang trong quá trình phân phối, thương mại hóa sản phẩm này. Để thay thế những sản phẩm nhập khẩu, Công ty liên doanh Myohyangsehwi đã sản xuất cà phê hòa tan thương hiệu “cà phê Sambok” (tam phúc). Sản phẩm này được sản xuất tại Bình Nhưỡng và được đóng thành gói 12g. Sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, tình hình ngoại giao của miền Bắc trở nên khó khăn, dẫn đến nhiều sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của nước này. Lượng cà phê nhập khẩu giảm dẫn đến sản lượng sản phẩm cà phê trong nước cũng giảm theo.


Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, các quán cà phê bắt đầu xuất hiện ở Bình Nhưỡng. Bắt đầu với quán cà phê tại Bảo tàng lịch sử trung ương Triều Tiên và Đài quan sát Khách sạn Bình Nhưỡng vào năm 2011, các quán cà phê được mở ở khắp mọi nơi, trong đó có Hải đường hoa quán và Sân bay quốc tế Sunan. Năm 2012, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đã công bố hình ảnh chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju tới quán cà phê “Nhà hàng Mặt trời mọc”. 


Bắc Triều Tiên không có nhiều loại cà phê và các quán cà phê đa dạng về giá cả, mục đích dùng hay sở thích như ở Hàn Quốc. Miền Bắc chỉ có một vài quán cà phê nhất định để phục vụ người dân, nên chủ yếu được sử dụng bởi tầng lớp thượng lưu và những người có điều kiện kinh tế. Người dân Bắc Triều Tiên ngày nay, đặc biệt là thế hệ mới nắm bắt được xu hướng, thường đến quán cà phê để thưởng thức loại đồ uống này trong các dịp có ý nghĩa đặc biệt. Văn hóa không thể phát triển nếu không có nền tảng vật chất. Vì vậy, cà phê hiện chưa thể phát triển thành một văn hóa như Hàn Quốc do có giới hạn về công cụ và chủng loại. Đối với người dân Bắc Triều Tiên bình thường, việc uống cà phê vẫn còn xa xỉ, cho nên cà phê hòa tan là hình thức thưởng thức cà phê phổ biến của người dân nước này. Dù quán cà phê vẫn là một không gian đặc biệt không thể đến thường xuyên, nhưng việc xuất hiện một không gian dành cho người dân là một sự thay đổi lớn trong xã hội miền Bắc.


Trong bối cảnh Bắc Triều Tiên bị cấm vận triền miên và phải phong tỏa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19, nước này gặp khó khăn trong việc nhập khẩu cà phê. Do đó, giá cà phê và trà khá cao, lên tới 100 USD cho một gói cà phê và 70 USD cho một gói trà đen, theo báo cáo về vật giá tại Chợ tổng hợp Bình Nhưỡng vào năm ngoái. Bất chấp giá cao, nhu cầu uống cà phê của người dân không hề giảm, trong khi văn hóa uống trà đang ngày càng được mở rộng. 


Thứ nhất, trước đại dịch COVID-19, Bắc Triều Tiên dồn sự tập trung lớn vào du lịch và quảng bá văn hóa nội địa nhằm thể hiện hình ảnh một quốc gia xã hội chủ nghĩa bình thường. Để đa dạng văn hóa, nước này có khả năng sẽ mở các địa điểm uống cà phê. Thứ hai, miền Bắc có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến việc truyền bá văn hóa trà bằng cách tập trung vào việc sử dụng trà sản xuất nội địa. Do đó, tôi cho rằng Bắc Triều Tiên chia không gian thưởng thức đồ uống là trà và cà phê làm hai loại, một là không gian dành cho người nước ngoài, một là không gian tiện ích.


Mặc dù ngày càng có nhiều người uống trà và nhiều quán trà mọc lên ở Bắc Triều Tiên, người dân thường vẫn khó có thể thưởng thức cà phê hoặc trà do nạn thiếu lương thực và chính sách phong tỏa biên giới của nước này. Để người dân có thể thoải mái thưởng thức trà như một thức uống ưa thích, miền Bắc cần phát triển kinh tế song song với việc tích cực giao lưu với nước ngoai.

Tin mới nhất