Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Các công trình kiến trúc của Bình Nhưỡng

2022-02-02

ⓒ Getty Images Bank

Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên, thường được ví với quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ) vì đều là nơi tập trung nhiều tòa nhà cao chọc trời. Sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un lên nắm quyền, đường chân trời của Bình Nhưỡng đã thay đổi đáng kể nhờ có nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. Kiến trúc được coi là tấm gương phản chiếu xã hội. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hình ảnh của Bình Nhưỡng qua kiến trúc của thành phố này cùng giáo sư Ahn Chang-mo đến từ Khoa Kiến trúc đại học Kyonggi. Giáo sư Ahn đã đoạt giải Sư tử vàng, giải thưởng cao nhất tại Triển lãm quốc tế Venice Biennale 2014 (Ý), và tham gia tổ chức triển lãm kiến trúc "Bán đảo Hàn Quốc: Ô khám đồ”, lấy ý tưởng từ tập thơ “Ô khám đồ” của nhà thơ Yi Sang. Đầu tiên, ông Ahn Chang-mo sẽ giới thiệu về thủ đô Bình Nhưỡng dưới góc nhìn của một kiến trúc sư.

 

Được ví như tấm gương phản chiếu của xã hội, kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc của một thành phố, có thể cho chúng ta thấy hình ảnh của một xã hội vì đây không phải sự sáng tạo của cá nhân mà là một quá trình tiêu tốn tiền bạc, công sức và thời gian của nhiều người. Khi tôi đến Bình Nhưỡng trước đây, các tòa nhà có rất nhiều khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa nhưng lại không có nhiều bảng hiệu như ở xã hội tư bản, đến mức có người ví những khẩu hiệu kia chính là bảng quảng cáo của xã hội chủ nghĩa. Đây là một câu nói phản ánh đúng các thiết kế tại đây, vì các công trình lớn nhỏ, không gian, chữ viết, bảng hiệu, tháp cao đều được đặt tại các vị trí có thể thu vào tầm mắt.

 

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc và thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên thường được so sánh với nhau, với điểm chung đều là những thành phố lịch sử có truyền thống lâu đời. Cụ thể, Seoul là thủ đô của triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX) cách đây 600 năm và từ lâu đã trở thành trung tâm chính trị, lịch sử và văn hóa của bán đảo Hàn Quốc.

Trong khi đó, Bình Nhưỡng là thủ đô cuối cùng của triều đại Goguryeo (năm 37 trước Công Nguyên đến thế kỷ VII), nơi có thành Bình Nhưỡng.

 

Bình Nhưỡng có trung tâm là núi Geumsu, nơi có đài Ulmil (Ất Mật). Đi xuống dọc theo sườn núi sẽ bắt gặp sông Đại Đồng và sông Pothong chảy quanh thành phố. Khác với Seoul được bao quanh bởi núi non nên khi đứng ở trung tâm thành phố nhìn lên trời cao sẽ chỉ thấy được sườn núi, Bình Nhưỡng được bao quanh bởi sông nước nên sẽ không thấy được gì cả nếu ngước nhìn lên trời. Có thể nói, Bình Nhưỡng là phiên bản lật ngược của Seoul. Trên thực tế, khi mới thành lập, hai thành phố này hoàn toàn khác nhau về hệ tư tưởng, nhưng trong quá trình phát triển và dần mở rộng từ sau thời cận đại thì lại có điểm tương đồng là đều nằm bên bờ hai con sông lớn.

 

Trong suốt thời kỳ cận đại và hiện đại, bán đảo Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi. Hai miền Nam-Bắc đều bị mất đi ít nhiều hình ảnh năm xưa sau khi trải qua thời kỳ trở thành thuộc địa của Nhật Bản, cũng như có nhiều công trình kiến trúc bị phá hủy trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Sau 70 năm, Seoul và Bình Nhưỡng đã trở thành hai thành phố khác nhau.

 

Tuy phải chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, Seoul vẫn giữ được nhiều di tích của 600 năm trước. Ngược lại, Bình Nhưỡng không còn giữ được các dấu vết lịch sử sau chiến tranh Triều Tiên, điển hình như các con ngõ nhỏ, do quá trình quy hoạch đô thị xã hội chủ nghĩa.

 

Bình Nhưỡng được thiết kế thành một thành phố xã hội chủ nghĩa lý tưởng, với đặc trưng nhấn mạnh tầm quan trọng của quảng trường và các công trình văn hóa công cộng như thư viện và nhà hát. Quảng trường Kim Nhật Thành nằm ở trung tâm Bình Nhưỡng, bắt đầu được xây dựng từ năm 1954. Công trình này bao gồm một quảng trường chính hình chữ nhật rộng được lát bằng đá hoa cương, một quảng trường phụ và một khu vực chủ tọa, có tổng diện tích 75.000m2 với sức chứa 100.000 người.

 

Seoul không có quảng trường. Quảng trường Gwanghwamun trên thực tế ngày xưa là đại lộ Yukjo, nay gọi là đường Sejong. Bình Nhưỡng quy hoạch đô thị xã hội chủ nghĩa theo lối kiến trúc châu Âu nên mới có quảng trường, một nét văn hóa của phương Tây. Bán đảo Hàn Quốc vốn không có truyền thống đặt tên các không gian đô thị hay tên đường bằng tên người. Vì vậy, Quảng trường Kim Nhật Thành được đặt tên theo một nhân vật có thật là do ảnh hưởng của phương Tây, phản ánh giá trị mà Bắc Triều Tiên mơ ước, đồng thời nhấn mạnh tâm nguyện luôn nhớ về người lãnh tụ đã xây dựng đất nước.

 

Tại Bắc Triều Tiên, Quảng trường Kim Nhật Thành được coi là một không gian chính trị quan trọng. Ngoài các lễ duyệt binh thường thấy trên tin tức của các hãng truyền thông Hàn Quốc, quảng trường này chính là địa điểm tuyên truyền đại chúng lớn nhất của miền Bắc, chuyên tổ chức các sự kiện chính trị văn hóa lớn và các cuộc mít tinh của quần chúng.

 

Quảng trường Kim Nhật Thành nằm tại trung tâm thành phố Bình Nhưỡng, ở giữa là Đại học tập đường nhân dân, xung quanh là Tòa nhà Chính phủ, viện bảo tàng và phòng triển lãm. Đại học tập đường nhân dân là một thư viện nằm ở đỉnh trên, cùng với viện bảo tàng và phòng mỹ thuật ở vị trí hai đỉnh dưới bên bờ sông Đại Đồng tạo ra một hình tam giác, tượng trưng cho trái tim của thành phố. Thiết kế này khẳng định thông điệp chủ nhân của đất nước là nhân dân, vì vậy mỗi người dân đều phải mang ý chí trở thành những chủ nhân xuất sắc của đất nước bằng cách trau dồi văn hóa qua việc đọc sách và tham quan phòng triển lãm, bảo tàng.

 

Đại học tập đường nhân dân được hoàn thành vào năm 1982 trên danh nghĩa là Thư viện trung ương quốc gia của Bắc Triều Tiên. Công trình này được xây dựng theo thiết kế nhà cổ của dân tộc Hàn (hanok) bằng bê tông, cao 10 tầng, rộng 100.000 m2, bao gồm 600 phòng được chia thành 10 tòa nhà, có thể bảo quản 30 triệu đầu sách và có sức chứa 6.000 chỗ ngồi với 20 phòng đọc.

 

Đại học tập đường nhân dân là một công trình quy mô lớn mang kiến trúc truyền thống. Tòa nhà được xây dựng nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Nhận thấy các công trình kiến trúc truyền thống đang dần bị thay thế bởi kiến túc phương Tây trong quá trình Bắc Triều Tiên được Liên Xô và các nước Đông Âu khác hỗ trợ để phục hồi sau chiến tranh, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nhấn mạnh trọng tâm của kiến trúc xã hội chủ nghĩa chính là các công trình kiến trúc phù hợp với cách thức, chủ nghĩa dân tộc và tình cảm của người dân miền Bắc. Vì vậy, thay vì nhà ở, miền Bắc tập trung xây dựng các công trình văn hóa mà đông đảo người dân sử dụng và mang kiến trúc thể hiện truyền thống dân tộc. Đỉnh cao của các công trình này chính là Đại học tập đường nhân dân, biểu tượng mới của miền Bắc với tư tưởng Juche (Chủ thể).


Các công trình thể thao cũng có thể đóng vai trò là địa danh ở Bắc Triều Tiên, chẳng hạn như Sân vận động 1/5 ở đảo Rungra, nơi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có bài diễn thuyết trước người dân miền Bắc nhân dịp đến thăm Bình Nhưỡng để dự Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018.

 

Được đặt tên theo Ngày quốc tế lao động, Sân vận động 1/5 có quy mô lớn đủ khả năng tổ chức các trận thi đấu có sức chứa 100.000, thậm chí 150.000 khán giả. Nằm ở trung tâm đảo Rungra, đây là một công trình đẳng cấp thế giới được xây dựng bằng phương pháp lắp ráp nhằm phục vụ các sự kiện mang tính chất chủ nghĩa xã hội cần huy động nhiều người. Vì vậy, đây là nơi Bắc Triều Tiên tổ chức các sự kiện quan trọng nhất và tổ chức tiếp đón các chính khách nước ngoài, ví dụ như tiết mục đồng diễn dùng bảng ghép hình và biểu diễn bài hát dân ca Arirang chào mừng Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến thăm Bình Nhưỡng năm 2000. Điểm nổi bật nhất của Sân vận động 1/5 là phần mái khổng lồ được ghép từ các mảnh giống nhau tạo thành hình vòm.


Khách sạn là một địa điểm không thể bỏ qua khi nhắc đến Bình Nhưỡng. Trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018 ở thành phố này, giới báo chí ở tại khách sạn Koryo. Khách sạn này mở cửa năm 1985 và là nơi người nước ngoài đến Bắc Triều Tiên thường lưu trú. Ngoài ra, khách sạn quốc tế đảo Yanggak, thuộc đảo Yanggak ở giữa sông Đại Đồng, được coi là khách sạn sang trọng nhất tại miền Bắc hiện nay. Khách sạn nổi tiếng nhất trong số các khách sạn ở Bình Nhưỡng là khách sạn Ryugyong, có quy mô 105 tầng với khoảng 3.000 phòng. Công trình này bắt đầu được xây dựng vào năm 1987, nhưng sau đó tạm dừng vì lý do kinh tế, việc liên tục khởi công và tạm dừng xây dựng đã dẫn đến thời điểm khai trương khách sạn bị hoãn lại vô thời hạn. Hiện nay, địa điểm này được sử dụng cho các buổi trình diễn ban đêm với các hình thức trang trí bằng kim loại, kính và đèn LED.

Bên cạnh đó, Tổ hợp khoa học – công nghệ hoàn thành vào năm 2015 tại đảo Sukseom nằm trên sông Đại Đồng ở Bình Nhưỡng được cho là có quy mô vượt qua cả Đại học tập đường nhân dân. Nhìn từ trên cao, công trình này có hình dạng một nguyên tử hạt nhân, tượng trưng cho ý chí không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân của miền Bắc.

 

Vào khoảng những năm 1960, 1970, Bắc Triều Tiên phát triển hơn Hàn Quốc nhờ các bước tiến đột phát trong khoa học và kinh tế. Tuy nhiên, sau đó nền khoa học kỹ thuật của nước này trở nên tụt hậu, dẫn đến việc miền Bắc đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học, trong đó có việc xây dựng đường nhà khoa học tương lai nhằm ưu tiên cấp nhà và chi phí sinh hoạt cho các nhà khoa học. Tổ hợp khoa học – công nghệ cũng được Bắc Triều Tiên xây dựng ở đảo Sukseom đối diện con đường này, một lần nữa khẳng định sự tin tưởng vô hạn vào khoa học và hy vọng cuối cùng vào một tương lai phục hưng chủ nghĩa xã hội.

 

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, phố Changjon, đường nhà khoa học ngân hà, khu định cư nhà khoa học vệ tinh, đường nhà khoa học tương lai và phố Yomyong, cùng nhiều tòa nhà chọc trời chưa từng thấy trước đây đã xuất hiện tại Bình Nhưỡng. Có thông tin rằng giới thượng lưu chiếm 1% dân số Bắc Triều Tiên sống tại đây. Vì vậy, truyền thông nước ngoài mới ví von Bình Nhưỡng với quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ). Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, kiến trúc của Bình Nhưỡng đang có những thay đổi lớn.

 

Sự thay đổi trong diện mạo của Bình Nhưỡng dưới thời một nhà lãnh đạo thế hệ mới như Chủ tịch Kim Jong-un được thể hiện qua không khí đường phố, cụ thể hơn là màu sắc. Khác với tình trạng bạc màu và màu sắc ảm đạm của Bình Nhưỡng năm 2005, thành phố này đã có nhiều màu sắc hơn với các màu sáng như màu pastel, gây liên tưởng đến hình ảnh một “Seoul may mắn” những năm 1970, 1980. Màu sắc thay đổi cũng đem đến cảm giác được giải phóng hơn, cho thấy sự thay đổi trong tương lai của Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un.

 

Sân vận động Ryugyong Chung Ju-yung là địa điểm tổ chức Đại hội Liên đoàn thanh niên chủ nghĩa Kim Nhật Thành-Kim Jong-il vào năm ngoái. Công trình được xây dựng nhờ nhân lực thiết kế, kỹ thuật và nguyên vật liệu chính của tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) cùng các công nhân và nguyên vật liệu nội địa của miền Bắc, với mục đích phục hồi nền thể thao liên Triều. Đây cũng là nơi diễn ra trận thi đấu bóng rổ và buổi hòa nhạc thống nhất nhân dịp lễ hoàn công vào năm 2003. Giải vô địch cử tạ thế giới năm 2013 tổ chức tại địa điểm này cũng là dịp quốc kỳ và quốc ca Hàn Quốc được vang lên trên lãnh thổ miền Bắc. Năm 2018, chương trình biểu diễn nghệ thuật chung Bình Nhưỡng được tổ chức tại đây với chủ đề “Chúng ta là một”, cũng được coi là biểu tượng của giao lưu liên Triều.

Mặt khác, Đại học khoa học kỹ thuật Bình Nhưỡng là trường đại học đầu tiên do hai miền Nam-Bắc bắt tay xây dựng.

 

Đại học khoa học kỹ thuật Bình Nhưỡng được xây dựng thông qua Đại học khoa học kỹ thuật Diên Biên (Trung Quốc), do cộng đồng đạo Tin lành tại Hàn Quốc tài trợ. Đặc biệt, chủ một văn phòng thiết kế người Bình Nhưỡng tại Hàn Quốc đã thông qua Đại học khoa học kỹ thuật Diên Biên để xây dựng công trình này do không thể trực tiếp đầu tư về quê hương. Bên cạnh đó, cộng đồng Phật giáo tại Hàn quốc đã trùng tu lại chùa Singye tại Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng giúp đỡ miền Bắc xây dựng nhiều công trình, trong đó có nhà thờ Thiên chúa giáo và bệnh viện vì môi trường y tế ở Bắc Triều Tiên còn kém. Nếu xóa bỏ định kiến về tư tưởng, hai miền Nam-Bắc có thể tìm ra nhiều điểm chung và chung tay trong nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đô thị và kiến trúc.

 

Để xây dựng Bình Nhưỡng thành một thành phố xã hội chủ nghĩa điển hình, Bắc Triều Tiên chú trọng đến quy mô và tính biểu tượng của các công trình kiến trúc nhằm bộc lộ sự ưu việt của chính quyền. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tòa nhà phản ánh xu hướng quốc tế với ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản gần đây đã cho thấy sự thay đổi trong kiến trúc miền Bắc. Trong chuyên mục hôm nay, chúng ta đã tìm hiểu về các công trình kiến trúc tại Bình Nhưỡng. Trong tập tiếp theo của “Vì một bán đảo thống nhất”, mời quý vị tiếp tục tìm hiểu về văn hóa cư trú của người dân Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất