Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Sự hình thành chợ tư nhân tại Bắc Triều Tiên

2022-02-16

ⓒ YONHAP News

Chợ tư nhân tại Bắc Triều Tiên được cho là "ngoài sừng mèo thì cái gì cũng bán”. Có người nói đùa rằng miền Bắc có hai đảng là đảng Lao động (Nodongdang) và “đảng chợ tư nhân” (Jangmadang). Thậm chí còn có ý kiến cho rằng nền kinh tế nước này sẽ không thể hoạt động nếu không có chợ tư nhân. Khi nói đến chợ tư nhân tại miền Bắc, người ta thường nghĩ đến những phiên chợ mọc lên để người dân trao đổi hàng hóa vào thời kỳ khó khăn kinh tế những năm 1990, trước khi chợ chính thức được hợp pháp hóa. Loại hình này tương tự với chợ đầu mối truyền thống tại Hàn Quốc. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất tìm hiểu về chợ tư nhân tại miền Bắc.

 

Theo đúng nghĩa đen, chợ tư nhân là một địa điểm được mở ra để buôn bán. Tuy nhiên, khác với khái niệm “chợ” để ám chỉ một nơi có quy mô nhỏ, khó có thể giới hạn khái niệm của chợ tư nhân bằng từ “chợ”. Ngày nay, ngoài ý nghĩa chỉ địa điểm buôn bán, khái niệm chợ tư nhân đã trở nên bao quát hơn, bao gồm cả các hoạt động lưu thông hàng hóa và các giao dịch thị trường điện tử. Do đó, chợ tư nhân có thể được coi là khái niệm có ý nghĩa và mang tính biểu tượng cho việc thị trường của Bắc Triều Tiên đã được hình thành.

 

Bắc Triều Tiên vốn vận hành nền kinh tế kế hoạch, trong đó Nhà nước kiểm soát quá trình sản xuất và cung cấp tất cả các mặt hàng tiêu dùng, từ nông sản đến sản phẩm công nghiệp. Theo đó, miền Bắc có hệ thống bao cấp để cung cấp hàng hóa qua các cửa hàng quốc doanh, đặc biệt là các hàng hóa cơ bản như thực phẩm và các sản phẩm công nghiệp. Vì vậy, nước này cấm người dân giao dịch hàng hóa cá nhân. Song, chợ nông dân là ngoại lệ.

 

Cho đến những năm 1990, chợ nông dân chỉ được coi là một khu đất trống nhỏ ở các làng quê nông thôn mà Nhà nước cho phép người dân đến bán hàng bất cứ lúc nào. Về cơ bản, với thế hệ cũ, đây là nơi người dân làm các công việc phụ và bán rau tự trồng tại vườn trước nhà. Ngoài ra, do vùng nông thôn ở Bắc Triều Tiên chỉ chủ yếu trồng ngũ cốc, nước này đã cho phép mở các chợ nông dân để đảm bảo cung cấp cho người dân các loại rau củ đa dạng. Vì vậy, chợ nông dân đã tiếp nối hoạt động của các phiên chợ truyền thống vốn đã có từ lâu đời ở nông thôn. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức trao đổi buôn bán các sản phẩm nhỏ nhặt và thực phẩm nên không thể được coi là một hình thức của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

 

Vào thời điểm đó, tỷ trọng của chợ trong nền kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn chưa lớn. Do thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đã được Nhà nước bao cấp, người dân miền Bắc chỉ đến chợ nông dân để mua thêm các loại thực phẩm hay hàng hóa còn thiếu và bán lại các sản phẩm không dùng tới. Tuy nhiên, vào những năm 1980, do kinh tế Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng khó khăn, quy mô chợ nông dân dần dần tăng lên.

 

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thời kỳ kinh tế khó khăn mang tên “cuộc hành quân gian khổ” tại Bắc Triều Tiên là sự thay đổi của khối xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô tan rã, miền Bắc không còn được hưởng chế độ mua hàng với "giá hữu nghị xã hội chủ nghĩa" từ Liên Xô hay Trung Quốc như trước. Chẳng hạn, hơn 90% lượng dầu thô của Bắc Triều Tiên là được nhập khẩu từ Liên Xô và Trung Quốc với giá rất thấp và có thể được trả lại sau này dưới hình thức cho vay. Đây là nguyên liệu quan trọng cho ngành phân bón, vốn là ngành đảm bảo chất lượng đầu ra cho nông sản xuất khẩu của miền Bắc do diện tích đất canh tác của nước này còn hạn chế. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ, Nga và Trung Quốc bắt đầu yêu cầu Bắc Triều Tiên trả tiền theo giá thị trường quốc tế, dẫn đến gián đoạn nguồn cung dầu thô, khiến sản xuất phân bón bị đình trệ và sản lượng nông nghiệp sụt giảm mạnh.

 

Thêm vào đó là thiên tai chồng chất đã khiến Bắc Triều Tiên phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên "cuộc hành quân gian khổ" vào những năm 1990. Hệ thống bao cấp của Nhà nước sụp đổ dẫn đến nạn đói, khiến người dân bắt buộc phải buôn bán để kiếm sống. Vì vậy, số lượng và quy mô của chợ dần dần tăng lên. Cho đến cuối những năm 1990, tỷ trọng thực tế của chợ tư nhân trong nền kinh tế miền Bắc đã trở nên lớn đến mức có thể quyết định sự sống còn của xã hội nước này.

 

Vào thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ” giữa những năm 1990, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đã khiến 600.000 đến 2 triệu người dân thành thị của Bắc Triều Tiên, chủ yếu là công nhân và nhân viên văn phòng, phải chết đói. Người dân các khu vực nông thôn có thể cầm hơi nhờ có đất và núi để canh tác, nhưng sau đó vẫn phải bán lần lượt tất cả đồ đạc và thậm chí là nhà cửa để sống sót dù miền Bắc cấm giao dịch bất động sản, để cuối cùng trở thành những kẻ lang thang trên đường phố. Tuy nhiên, việc buôn bán như vậy đã mang lại sự đa dạng hóa các loại sản phẩm trên thị trường trong thời kỳ này, làm xuất hiện các thương nhân và môi giới sản phẩm. Theo đó, các chợ mở rộng hoạt động phi chính thức mà không phải chịu sự quản lý về mặt pháp luật do có nhiều kẽ hở trong khuôn khổ pháp lý của Nhà nước. Đặc biệt, khi chợ được những người có quyền lực công hậu thuẫn, khó có thể phân biệt được hình thức này là hợp pháp hay bất hợp pháp.

 

Bất chấp các biện pháp kiểm soát của chính quyền, sự phản đối và bất hợp tác của người dân Bắc Triều Tiên đã góp phần mở rộng quy mô và số lượng người tham gia vào thị trường, các mặt hàng và hình thức giao dịch cũng trở nên đa dạng hơn. Chợ nông dân ngày càng được mở rộng đã thay thế mạng lưới phân phối của Nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm và hàng tiêu dùng. Cuối cùng, các nhà chức trách miền Bắc buộc phải thừa nhận sự tồn tại của chợ. Năm 2003, chợ nông dân được mở rộng và tổ chức lại thành chợ tổng hợp, nơi bán nhiều sản phẩm đa dạng, trong đó có các sản phẩm công nghiệp. Khai trương năm 2004, chợ tổng hợp tại mỗi địa phương đều được dựng mái che, hàng rào và trở thành nơi chính thức chịu sự quản lý của Nhà nước, cụ thể hơn là các Phòng quản lý chợ ở từng khu vực. Để được bán trong chợ, thương nhân phải có giấy phép và chịu kiểm soát về giờ bán cũng như mặt hàng, đồng thời cũng phải trả một khoản phí sử dụng nhất định.

 

Nếu không có chợ thì người dân khó có thể kiếm sống, do đó việc ban hành giấy phép thật ra là một phương thức thu thuế của Chính phủ Bắc Triều Tiên. Nước này lập ra Thuế buôn bán để thu hàng ngày và Thuế giữ chỗ để thu định kỳ thông qua Phòng quản lý chợ, ngoài ra còn có phí xin giấy phép sử dụng Phòng bảo quản đồ. Số tiền thu thuế này sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc quận gộp lại và nộp lên Nhà nước. Có thể nói nguồn tiền này đã trở thành phương tiện và đối tượng quan trọng để chính quyền miền Bắc đảm bảo nguồn tài chính một cách chủ động hơn thông qua các chợ. Đây cũng là lý do tại sao cơ chế quản lý chợ đã được nước này đẩy mạnh.

 

Cùng với sự bắt đầu của thời kỳ chợ tổng hợp, phạm vi lưu thông sản phẩm cũng được mở rộng đáng kể. Tuy đã được Nhà nước chính thức công nhận, chợ tổng hợp tại Bắc Triều Tiên vẫn có rất nhiều mặt hàng bất hợp pháp. Các mặt hàng đa dạng được bày bán tại đây, từ thực phẩm đến đồ gia dụng và hàng công nghiệp. Một số chợ ở các thành phố nổi tiếng đã mở rộng và phát triển trở thành chợ đầu mối, tiêu biểu là chợ Cheongjin (tỉnh Bắc Hamgyong) và chợ Pyongsong (tỉnh Nam Pyongan), đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mạng lưới chợ rộng khắp cả nước.

 

Chợ Cheongjin bán nhiều mặt hàng đa dạng với giá cả phải chăng. Được coi là nơi “không có thứ gì là không có”, chợ này không chỉ bán các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày mà còn có cả các sản phẩm công nghiệp có trọng lượng lớn hoặc giá thành cao hay các nguyên vật liệu sản xuất. Chỉ riêng ở Cheongjin đã có khoảng 9 chợ tổng hợp, riêng khu vực Pohang có ba chợ, mỗi chợ có một mặt hàng đặc trưng khác nhau, chẳng hạn như vật liệu công nghiệp, hàng tiêu dùng hàng ngày, hàng nhập ngoại cao cấp, đem lại nguồn hàng và kênh phân phối đa dạng. Khác với chợ Cheongjin chủ yếu bán hàng nhập từ Trung Quốc, chợ Pyongsong tuy vẫn có hàng từ Trung Quốc nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối hàng sản xuất nội địa. Ví dụ, nơi đây phân phối những đôi giày cao su bền được sản xuất trong nước với giá rẻ hơn một chút so với giày Trung Quốc.

 

Tuy đã công nhận chợ tổng hợp, Bắc Triều Tiên vẫn kiểm soát và điều chỉnh chợ tư nhân theo chính sách của đảng Lao động, chẳng hạn như kiểm soát giờ mở cửa, giới hạn độ tuổi người bán và số lượng mặt hàng trong quầy. Đặc biệt vào tháng 11/2009, miền Bắc đã tăng cường chính sách kiểm soát chợ thông qua cải cách tiền tệ.

 

Vào thời điểm đó, việc nguồn tiền tập trung vào tay tầng lớp giàu có gọi là donju thay vì được lưu thông tại chợ đã khiến cho vật giá tăng cao và tiền không được sử dụng đúng giá trị, gây ra tình trạng lạm phát tại Bắc Triều Tiên. Vì vậy, Nhà nước miền Bắc đã áp dụng một biện pháp đặc biệt để tịch thu số tiền này. Cụ thể, chính quyền chỉ cho phép người dân đổi tối đa 300.000 won Bắc Triều Tiên (hơn 300 USD theo tỷ giá hiện hành) qua loại tiền mới và tịch thu phần còn lại. Theo đó, tiền mà người dân tích lũy qua nhiều đời đều trở thành giấy vụn, dẫn đến các cuộc bạo loạn, đặc biệt là tại các khu chợ của mỗi thành phố. Vì vậy, người chủ trương chính sách này là Vụ trưởng kế hoạch tài chính của Đảng Lao động Triều Tiên Pak Nam-ki đã phải chịu trách nhiệm cho sự việc và bị xử bắn.

 

Trước sự phản đối của người dân, chính sách kiểm soát chợ thông qua cải cách tiền tệ cuối cùng đã thất bại, khiến chính quyền Bắc Triều Tiên phải giảm bớt và rút lại các chính sách này. Cùng lúc đó, người dân miền Bắc bắt đầu chủ yếu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hoặc đô la Mỹ tại chợ do không tin tưởng vào đồng won Bắc Triều Tiên sau cải cách tiền tệ, góp phần mở rộng quy mô chợ tổng hợp sau một khoảng thời gian bị chững lại do cải cách tiền tệ.

 

Chợ tại Bắc Triều Tiên đã thay đổi theo hướng tiện lợi hơn bằng cách thêm hàng rào và mái che hình vòng cung, mở rộng diện tích, chia thành các gian hàng, đa dạng hóa các mặt hàng. Như vậy, theo thống kê năm 2017, miền Bắc có khoảng 406 chợ tổng hợp chính thức. Một số nguồn khác thì cho kết quả là 206 chợ. Sau khoảng 4 - 5 năm, hiện nay số lượng chợ tổng hợp đã tăng lên không ít. Nếu bao gồm cả các hoạt động buôn bán nhỏ lẻ, phi chính thức, bất hợp pháp, chợ tư nhân chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, cũng là điều mà Nhà nước Bắc Triều Tiên đang muốn hạn chế. Đặc biệt, nước này có 7 - 8 khu chợ lớn có thể so sánh với khu chợ Dongdaemun ở Seoul, Hàn Quốc về quy mô và diện tích. Chỉ 4 - 5 khu chợ như vậy thôi là có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế toàn quốc, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của chợ tư nhân tại Bắc Triều Tiên.

 

Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, Bắc Triều Tiên đã thực hiện các chính sách phát triển chợ, như mở rộng các yếu tố kinh tế thị trường trong lĩnh vực kinh tế. Do đó, chợ tư nhân hiện đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau và dự kiến sẽ có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế miền Bắc.

 

Thông qua các lập trường về chính sách đưa ra gần đây, Bắc Triều Tiên cho biết sẽ quản lý tối đa lĩnh vực chợ tư nhân. Thay vì kiểm soát, nước này sẽ tận dụng cơ chế phân phối của chợ dưới danh nghĩa Nhà nước để tích lũy vốn, tương tự với chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động của chợ đã bị thu hẹp rất nhiều và việc trao đổi hàng hóa với nước ngoài cũng không thể thực hiện được do tình hình dịch COVID-19, khiến cho những thay đổi về tính chất này bị chậm lại. Nếu trong tương lai, hệ thống kiểm dịch được triển khai và có thêm nhiều nơi khác tại miền Bắc ngoài thành phố Sinuiju (tỉnh Bắc Pyongan) được mở cửa để đón các chuyến tàu chở hàng từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên có thể sẽ nỗ lực thực hiện các chính sách này theo hướng thông minh hơn.

 

Sau hơn 20 năm kể từ khi Bắc Triều Tiên chính thức công nhận chợ tổng hợp, lĩnh vực chợ tư nhân của nước này đã phát triển vượt bậc. Trong một cuộc khảo sát với đối tượng là những người đào tẩu miền Bắc, hơn 70% số người tham gia cho biết họ có kinh nghiệm kinh doanh ở Bắc Triều Tiên, cho thấy tỷ lệ kinh doanh chiếm một phần đáng kể trong các hộ gia đình cũng như nền kinh tế nước này. Trong số phát sóng tiếp theo của “Vì một bán đảo thống nhất”, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ảnh hưởng của chợ tư nhân đối với xã hội Bắc Triều Tiên.

Tin mới nhất