Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Ảnh hưởng của chợ tư nhân tới xã hội Bắc Triều Tiên

2022-02-23

ⓒ KBS

Chợ tư nhân đã phát triển tại Bắc Triều Tiên kể từ năm 1945, trong bối cảnh chính quyền dù âm thầm thừa nhận nhưng vẫn thường xuyên áp đặt các chính sách đàn áp loại hình này. Năm 2003, các chợ tư nhân được hợp pháp hóa và cải tạo thành chợ tổng hợp. Hiện nay, hơn 20 năm đã trôi qua, chợ tư nhân đã trở thành trục trung tâm của nền kinh tế miền Bắc với số lượng lên tới hơn 400 nơi. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những ảnh hưởng của chợ tư nhân tới xã hội Bắc Triều Tiên cùng nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất. Đầu tiên là về ý nghĩa kinh tế và văn hóa của chợ.

 

Chợ là một không gian được người dân Bắc Triều Tiên tạo ra. Trước khi có chợ, các địa điểm mà người dân có thể đến đều là những nơi cần công khai danh tính, như trường học, tổ chức xã hội, nhà ở. Trong khi đó, chợ là một không gian mà người dân không cần tiết lộ thân phận, nơi họ có thể theo đuổi những ham muốn hoặc tận hưởng thú vui cá nhân. Đây là lý do chợ trở thành nơi hẹn hò của thanh thiếu niên và nơi vui chơi của trẻ em miền Bắc. Vì vậy, ngoài phát triển văn hóa tiêu dùng, chợ còn đóng vai trò quan trọng là nơi lưu tới ẩn danh, tạo ra xu hướng và phân phối các mặt hàng có tác dụng phân biệt đẳng cấp và giai cấp. Theo đó, ngoài giá trị kinh tế, chợ Bắc Triều Tiên ngày nay đã phát triển với ý nghĩa như một biểu tượng văn hóa.

 

Chợ tại Bắc Triều Tiên mang tính biểu tượng tương đối lớn. Là địa điểm không cần công khai danh tính và đóng vai trò phát triển kinh tế tiêu dùng, chợ tại miền Bắc đang được mở rộng cả về số lượng và quy mô, đồng thời chất lượng hệ thống chợ của nước này cũng đang thay đổi.

 

Loại hình buôn bán phổ biến nhất tại Bắc Triều Tiên là bán hàng theo sạp tại chợ tổng hợp hoặc chợ đã được hợp thức hóa. Việc mua hàng cũng là một hoạt động điển hình tại chợ. Ngoài ra, còn có các thương lái, hay còn được người dân miền Bắc gọi là daekko, chuyên vận chuyển hàng hóa từ nơi này đến nơi khác và buôn bán lẻ để kiếm lời. Bên cạnh đó còn có dịch vụ chở hàng và giao hàng tận nhà. Vì vậy, có thể nói bản chất chợ tư nhân không chỉ là nơi giao dịch hàng hóa đơn thuần của một, hai người, mà còn là một địa điểm giao lưu kinh tế có hệ thống.

 

Hoạt động kinh tế tại chợ cũng đã tạo ra một tầng lớp tích lũy được khối tài sản kếch xù mang tên donju. Trong quá khứ, khi tất cả các hoạt động thương mại được coi là bất hợp pháp, tại Bắc Triều Tiên không tồn tại tầng lớp thương gia. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi chợ tư nhân ra đời, tạo nên tầng lớp donju, tầng lớp tư bản có khả năng kinh doanh giỏi và tích lũy được nhiều vốn.

 

Tình trạng thiếu lương thực trong những năm 1990 có thể được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của donju. Vào những năm 1960-1980, chỉ một số ít người dân Bắc Triều Tiên có cuộc sống sung túc nhờ tiền người thân ở Nhật Bản gửi về. Đến những năm 1990, do tình trạng thiếu lương thực, những người này bắt đầu dùng khoản tiền chuyển về để buôn bán dù không có sự nhạy bén và không biết cách kinh doanh. Tuy nhiên, họ bắt đầu học được cách kinh doanh khi giao dịch hàng hóa tại chợ nông dân và dần dần tích lũy tiền nhờ chuyển hàng đến các vùng xa hơn để buôn bán và hưởng khoản chênh lệch. Đây chính là một loại hình tư bản thương mại.

 

Khi quy mô của chợ tư nhân bắt đầu phát triển, tầng lớp thương lái cũng chia thành bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, lĩnh vực hoạt động của những người tham gia thị trường, đặc biệt là donju cũng trở nên đa dạng. Trong số này, kinh doanh kho bãi là ngành được các donju đầu tư nhiều nhất.

 

Các nhà tư bản bắt đầu kết nối với những người có quyền lực để mở rộng quy mô hoạt động. Đầu tiên, các donju tập trung đầu tư nhiều nhất vào kinh doanh kho bãi. Bằng cách sử dụng nhà riêng, mua hoặc thậm chí xây các kho chứa hàng gần chợ để cho người dân thuê làm nơi giữ hàng, các donju kiếm được khoản tiền khổng lồ mà không cần tốn sức lao động .

 

Có quan lại chống lưng, các donju mở rộng quy mô vốn và bắt đầu đầu tư vào nhà ở. Trong khi đó, tầng lớp tư bản thương mại, vốn chỉ kiếm tiền qua việc ăn chênh lệch, chuyển sang đầu tư vốn vào sản xuất hoặc công nghiệp để thu lợi nhuận.

 

Kể từ khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2010, Bắc Triều Tiên bước vào thời kỳ bùng nổ các dự án xây dựng trong hơn 10 năm, khiến giá chung cư tăng cao, mang lại số tiền lớn cho những nhà đầu tư ban đầu. Số tiền này được chuyển thành vốn sản xuất để xây dựng nhà máy, mua máy móc thiết bị từ Trung Quốc, xin giấy phép và thành lập xưởng sản xuất tư nhân. Các sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn trước đây, nhưng nhìn chung vẫn mô phỏng theo các sản phẩm Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời có thiết kế chạy theo xu hướng hiện nay. Theo đó, các giao dịch nhỏ lẻ tại chợ nông dân đã chuyển thành tư bản thương mại nhỏ, rồi tư bản thương mại có quy mô lớn hơn và sang tư bản xây dựng hoặc sản xuất. Hiện tại, Nhà nước khó có thể đụng đến các nhà tư bản này.

 

Tầng lớp tư bản donju phát triển song hành với sự phát triển của chợ tư nhân tại Bắc Triều Tiên. Theo tài liệu được Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) công bố vài năm trước, có 240.000 người dân miền Bắc sở hữu tài sản ước tính từ 50.000 USD đến 100.000 USD. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chi tiết về số lượng hoặc quy mô vốn của các donju. Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng tầng lớp giàu có này có cuộc sống xa hoa ngoài sức tưởng tượng.

 

Mức độ giàu có của các nhà tư bản Bắc Triều Tiên đang thay đổi từng ngày. Ví dụ, một người dân miền Bắc mua được một căn hộ trị giá 10.000 USD trong khoảng năm 2002, 2003 được coi là cực kỳ khá giả. Ngoài có tên riêng, các khu chung cư này còn được gọi là “chung cư vạn đô” và hầu hết đều nằm ở vị trí trung tâm kinh tế nơi có giao dịch tài chính rất sôi động, tương tự như khu vực Yeouido tại Seoul, Hàn Quốc. Sau khi thị trường phát triển nhanh chóng, căn hộ có giá 10.000 USD đã tăng lên 40.000-50.000 USD trong hai hoặc ba năm. Thậm chí đến năm 2010, sự bùng nổ các dự án xây dựng đã cho ra đời các căn hộ có giá 50.000 USD và 100.000 USD. Năm 2014 và 2015, cùng với sự quan tâm của Chủ tịch Kim Jong-un về lĩnh vực nhà ở, căn hộ 100.000 USD đã trở thành căn hộ trung cấp, cao hơn là các căn hộ 150.000 USD. Đặc biệt, nhà ở tại khu vực ga Junggu, Bình Nhưỡng được cho là có giá lên tới 150.000 USD hoặc 200.000 USD. Hầu hết những người sống tại đây là các donju. Họ trang trí nhà bằng đá cẩm thạch từ Trung Quốc, nuôi thú cưng, thuê người về dạy kèm con. Những người này là những donju bậc cao nhất. Ngoài ra, những người sống trong các căn hộ trị giá ít nhất 100.000 USD trở lên có thể được coi là những donju tầm trung.

 

Các donju có ảnh hưởng đến toàn xã hội Bắc Triều Tiên, tiêu biểu là trong lĩnh vực tài chính tư nhân. Miền Bắc không có ngân hàng tư nhân để người dân vay tiền, nên các donju có vai trò thay thế ngân hàng. Thị trường tài chính tư nhân của Bắc Triều Tiên chỉ hoạt động ở mức độ đổi ngoại tệ hoặc cho vay nặng lãi trong những năm 1980 và 1990, nhưng sau đó đã phát triển thành một thị trường chuyên môn hóa khi chợ tư nhân được mở rộng và donju bắt đầu can thiệp. Gần đây, các donju ngoài cho vay cá nhân còn có dịch vụ cho vay và đầu tư doanh nghiệp, chuyển tiền giữa các cá nhân và các công ty trong và ngoài nước. Nhờ tiềm lực tài chính khổng lồ, tầng lớp donju đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, trong đó tiêu biểu là ngành giao thông vận tải. Thời gian gần đây, số lượng các công ty vận tải tư nhân thuộc sở hữu của donju ngày càng gia tăng. Phần lớn trong số này là các cá nhân bắt tay với chính quyền trung ương để xin giấy phép, đầu tư tiền để thu mua và vận hành phương tiện vận tải.

 

Đây là lúc Bắc Triều Tiên muốn tạo ra một thị trường chung cho cả nước để bình ổn giá. Chẳng hạn, giá gạo ở thành phố biên giới phải bằng với giá gạo ở một tỉnh nội địa như tỉnh Kangwon. Để đạt được điều này, cần phải tạo ra một hệ thống phân phối, trong đó vận tải đóng vai trò rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ phân phối hàng hóa, trong khi hệ thống đường sắt, xe buýt và đường xá lạc hậu đã không còn có thể đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của thị trường. Các donju đã đưa ra giải pháp là yêu cầu chính quyền quốc gia trao quyền quản lý cho họ. Ban đầu, donju đề xuất mở một tuyến đường kết nối thành phố Haeju (tỉnh Nam Hwanghae) và thành phố Sariwon (tỉnh Bắc Hwanghae), sau đó mua xe buýt đã qua sử dụng từ Trung Quốc để vận hành tuyến đường này. Việc vận chuyển trở nên nhanh hơn giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn, và theo đó, các tuyến đường được mở rộng và hệ thống giao thông bắt đầu phát triển dưới hình thức phân phối trên toàn quốc. Sau đó, taxi và hình thức vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau được mở rộng, liên kết với ngành công nghiệp kho bãi và thị trường nhân lực bốc dỡ hàng. Có thể nói, hệ thống giao thông này đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều mạng lưới kết nối.

 

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên áp dụng nhiều chính sách tích cực cho thị trường để chính thức và không chính thức thúc đẩy nguồn đầu tư từ các donju. Đặc biệt, miền Bắc thực hiện "Chế độ quản lý trách nhiệm doanh nghiệp xã hội chủ nghĩa" nhằm trao quyền tự chủ cho các tổ chức và doanh nghiệp, và sửa đổi “Luật doanh nghiệp” vào năm 2014 để hợp pháp hóa đầu tư doanh nghiệp cá nhân, cho thấy ý định thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách cho phép các donju tự do đầu tư.

 

Sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Kim Jong-un đối mặt với áp lực phải chứng minh được năng lực và thành tựu trên tư cách nhà lãnh đạo quốc gia. Với nền tài chính quốc gia còn hạn chế, miền Bắc chỉ có thể chọn và tập trung đầu tư vào một số nơi, chẳng hạn như phố Ryomyong ở Bình Nhưỡng. Trường hợp các căn hộ, tòa nhà và trung tâm văn hóa ở các khu vực còn lại của thành phố sẽ được cho phép sử dụng vốn tư nhân và chủ nguồn vốn tư nhân sẽ được trao quyền bán một phần các công trình đó. Tuy được quản lý và xây dựng bởi tư nhân, thành quả của các công trình này được đưa vào báo cáo sơ bộ của Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên và trở thành thành tựu của Chủ tịch Kim. Chính sách này cũng đã trở thành chất xúc tác quan trọng để thu hút vốn tư nhân và mở rộng, phát triển thị trường một cách toàn diện. Thị trường xây dựng không phải là một giao dịch cụ thể của một hoặc hai người mà là một ngành công nghiệp dây chuyền. Nhờ tận dụng tốt hiệu ứng dây chuyền này, ông Kim Jong-un đã có thể thu được thành tựu cho bản thân, tận dụng lợi ích từ tư bản để cung cấp hàng hóa cho người dân.

 

Cùng với sự phát triển của chợ và sự xuất hiện của các nhà tư bản lớn mang tên donju, sự phân hóa giai cấp do chênh lệch thu nhập tại miền Bắc đang ngày càng rõ rệt hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chợ tư nhân đã đem lại nhiều thay đổi cho xã hội miền Bắc trong một thời gian ngắn với vai trò là điểm khởi đầu của nền kinh tế thị trường và là con đường du nhập văn hóa nước ngoài. Hiện tại, thị trường của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt quốc tế và chính sách đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch COVID-19. Nhằm đối phó với tình hình này, các nhà chức trách miền Bắc đang áp dụng các chính sách kinh tế tập trung vào nhu cầu trong nước.

 

Từ giữa những năm 1990 đến năm 2014, 2015, nền kinh tế Bắc Triều Tiên chỉ hoạt động chủ yếu dựa vào cơ chế phân phối thương mại các sản phẩm của Trung Quốc nhằm thu về lợi nhuận. Tuy nhiên, sản xuất nội địa bắt đầu tăng đáng kể sau năm 2014 và 2015, dù vậy vẫn không thể vượt qua tỷ lệ hàng Trung Quốc. Trong các phát ngôn gần đây của miền Bắc, cụm từ thu hút được nhiều sự chú ý nhất là “nội địa hóa”. Theo quan điểm của Chủ tịch Kim Jong-un, nguyên liệu thô và thiết bị thì có thể nhập về, nhưng cần phải tối đa hóa sản xuất và phân phối các sản phẩm nội địa, cho dù có phải dùng nguồn vốn tư nhân. Chính sách này có thể một phần nào đó hạn chế trao đổi thương mại Trung-Triều, vốn đã bị suy yếu bởi đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, tôi nghĩ chính quyền Bắc Triều Tiên có thể sẽ thúc đẩy kinh tế bằng cách nhận thức được sự cần thiết và tăng cường nội địa hóa, đồng thời kiểm soát thị trường một cách hợp lý.

 

Ở Bắc Triều Tiên, chợ tư nhân đã trở thành một trục thúc đẩy nền kinh tế nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền. Trong bối cảnh miền Bắc không thể tránh khỏi việc phải cùng tồn tại với nền kinh tế thị trường, đồng thời tình hình trong và ngoài nước đang trở nên khó khăn, chúng ta hãy cùng chờ xem chợ tư nhân sẽ đem lại những thay đổi gì cho xã hội Bắc Triều Tiên trong tương lai.

Tin mới nhất