Vì một bán đảo thống nhất

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Vì một bán đảo thống nhất

Âm nhạc đại chúng của Bắc Triều Tiên

2022-03-02

ⓒ KBS

Bắc Triều Tiên ngăn chặn sự du nhập các sản phẩm văn hóa nước ngoài bằng cách ban hành Luật bài xích tư tưởng văn hóa phản động, trong đó quy định những người phát tán hay xem các video của Hàn Quốc sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, có thông tin cho biết phim truyền hình và nhạc thần tượng Hàn Quốc rất được yêu thích tại nước này. Vậy tại miền Bắc có nhóm nhạc thần tượng nào không? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng giáo sư Jeon Young-sun từ Nhóm nghiên cứu nhân văn học thống nhất thuộc Đại học Konkuk tìm hiểu về nền âm nhạc đại chúng của Bắc Triều Tiên. Đầu tiên là sự khác biệt trong khái niệm âm nhạc đại chúng giữa hai miền Nam-Bắc.

 

Khác với âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc, vốn phản ánh sở thích của người dân, âm nhạc tại Bắc Triều Tiên được Nhà nước tuyển chọn và cung cấp cho người dân theo hệ thống. Một trong những thể loại âm nhạc phổ biến nhất tại miền Bắc là Songga (tụng ca), chỉ các bài hát ca ngợi và tỏ lòng tôn kính nhà lãnh đạo tối cao. Ngoài ra còn có nhạc chính sách, nhạc thời chiến, nhạc cách mạng, được gọi chung là nền "văn hóa nhân dân", khác với tên gọi “văn hóa đại chúng” tại Hàn Quốc. Thuật ngữ “văn hóa nhân dân” nhấn mạnh chủ thể của văn hóa nghệ thuật là người dân, vì vậy mọi thể loại nghệ thuật đều phải lấy nhân dân làm trung tâm và thể hiện được tình cảm của nhân dân. Tuy nhiên, xét về cơ cấu hệ thống Nhà nước, thì đảng Lao động là đại diện cho tình cảm của nhân dân, nên rốt cuộc thì nền ca nhạc đại chúng nhân dân là hát về các chính sách của đảng.

 

Bắc Triều Tiên cũng có các ca sĩ nổi tiếng. Trong đó, phải kể tới bà Hyon Song-wol, giám đốc dàn nhạc giao hưởng Samjiyon, và các ca sĩ miền Bắc biểu diễn trong tiết mục chào mừng Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Ở Bắc Triều Tiên không có khái niệm ca sĩ hay thần tượng như Hàn Quốc. Thay vào đó, ca sĩ miền Bắc có địa vị như công chức Nhà nước.

 

Khác với Hàn Quốc, nơi các ca sĩ hoạt động cá nhân hoặc chịu sự quản lý của các công ty giải trí, tất cả các nghệ sĩ tại Bắc Triều Tiên đều là công chức thuộc các cơ quan Nhà nước và phải thỏa mãn điều kiện hay tư cách hành nghề. Việc một người dân thường miền Bắc được tuyển chọn làm ca sĩ trên đường phố hay nổi tiếng chỉ trong một đêm như tại Hàn Quốc là điều không thể có. Một nghệ sỹ không chuyên có thể được xem xét trao cơ hội hoạt động tại các đoàn nghệ thuật nếu giành giải cao trong các cuộc thi nghệ thuật.

 

So với chữ viết hay lời nói, âm nhạc có hiệu quả tuyên truyền và truyền tải các thông điệp quan trọng tốt hơn. Vì vậy, thay vì theo đuổi cảm xúc cá nhân, âm nhạc tại Bắc Triều Tiên được coi như là một phương tiện giáo dục, tuyên truyền kích động và nâng cao văn hóa. Chính vì thế mà lời bài hát vô cùng quan trọng, vừa không được thể hiện cảm xúc cá nhân, vừa phải rõ ràng và cụ thể.

 

Khía cạnh được Bắc Triều Tiên nhấn mạnh nhất trong âm nhạc chính là nội dung bài hát. Lời bài hát phải thể hiện nội dung rõ ràng, còn giai điệu chỉ đơn giản là phương tiện truyền tải. Khác với cách gọi “văn hóa nghệ thuật” của Hàn Quốc, miền Bắc gọi thể loại này là “văn học nghệ thuật”. “Văn học” ở đây chỉ những câu chuyện có đủ phần mở đầu, phần thân và phần kết và phải có mục đích truyền tải thông điệp. Do đó, nếu so sánh với giai điệu thì lời bài hát có ý nghĩa quan trọng tuyệt đối. Nền nghệ thuật của Bắc Triều Tiên là mang tính mục đích, cụ thể là nhằm thu hút người dân thực hiện các chính sách của đảng Lao động một cách giải trí, vui vẻ. Vì vậy, không có chuyện người dân miền Bắc chỉ đơn giản thưởng thức âm nhạc mà không quan tâm đến nội dung bài hát.

 

Các tác phẩm nghệ thuật của Bắc Triều Tiên thường là được sáng tác tập thể. Lời ca hoặc chủ đề bài hát chủ yếu được lấy cảm hứng từ văn học, chẳng hạn như bộ sách “Lịch sử bất diệt” nói về cuộc chiến vũ trang kháng Nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, hay bộ sách “Người dẫn đường bất diệt” có nội dung thần thánh hóa cố Chủ tịch Kim Jong-il.

 

Các tác phẩm nghệ thuật của Bắc Triều Tiên chủ yếu đều được tái hiện dựa trên một vài nguồn cảm hứng chính. Tương tự thần thoại Hy Lạp, La Mã và kinh thánh đã trở thành nền tảng của văn hóa châu Âu, cuộc cách mạng chống Nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành đã liên tiếp được kể lại thành các câu chuyện và được tái hiện qua các tác phẩm nghệ thuật. Đây là lý do khiến bộ sách “Lịch sử bất diệt” được coi là một tài liệu quan trọng tại miền Bắc. Bộ sách “Người dẫn đường bất diệt”, bao gồm các chiến tích lịch sử, các chuyến thị sát, những lần tiếp xúc với người dân và các chỉ đạo của cố Chủ tịch Kim Jong-il đã được tái bản nhiều lần và được sáng tác thành các bài hát. Tương tự, bộ sách “Hành trình bất diệt” về Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã được xuất bản với kỳ vọng trở thành tài liệu cho các tác phẩm văn hóa nghệ thuật tại Bắc Triều Tiên.

 

Ngoài các bài hát về cách mạng, ca ngợi các nhà lãnh đạo tối cao hay giới thiệu về chính sách của đảng, Bắc Triều Tiên cũng có một số bài hát về cuộc sống thường ngày, hay còn gọi là "nhạc đời thường”. Khác với nhạc cách mạng, nhạc đời thường có nhịp điệu nhanh và thể hiện cảm xúc của người dân nên rất được yêu thích. Cũng như các thể loại nhạc khác, nhạc đời thường cũng được biểu diễn theo phong cách được quy định cụ thể, chẳng hạn như “nhanh, dễ thương, vui vẻ” hoặc “tươi sáng, phấn khởi”.

 

Nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị và kinh tế. Trong những năm 1980, Bắc Triều Tiên có nền kinh tế ổn định và ông Kim Jong-il được chỉ định là người kế thừa chế độ. Đây cũng là lúc thế hệ sau chiến tranh dần trở thành chủ nhân của đất nước khi trưởng thành. Họ có một thế giới quan mới, khác với thế hệ trước chỉ coi trọng kinh nghiệm chiến tranh hay cuộc cách mạng chống thực dân Nhật Bản. Vì vậy, miền Bắc cần những bài hát phản ánh cảm xúc của thế hệ mới để tìm kiếm những “anh hùng” trong thời bình. Kết quả là những bài hát “nhạc đời thường” có nội dung về cảm xúc cá nhân với giai điệu lạc quan, vui vẻ xuất hiện, đặc biệt là các bài hát về phụ nữ, chẳng hạn như bài “Phụ nữ là hoa”, “Những cô gái thì thầm” và “Cô gái thành thị về nhà chồng.”

 

Bài hát “Cô gái thành thị về nhà chồng” được nghệ sĩ nhân dân Ri Jong-oh sáng tác vào năm 1990 và được ca sĩ nổi tiếng Ri Kyong-suk trình bày. Bài hát đã trở nên nổi tiếng và thậm chí còn được dựng thành phim ba năm sau đó. Tại Bắc Triều Tiên, các bài hát mới được Nhà nước quảng bá tới người dân theo chính sách cụ thể.

 

Bắc Triều Tiên giới thiệu các bài hát mới tại Lễ giới thiệu tác phẩm hay vào dịp lễ Tết, hoặc gộp chung các bài hát mới trong năm để giới thiệu. Đôi khi, các bài hát này còn được quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Chẳng hạn, phong cách và bản nhạc của các bài hát quan trọng sẽ được đăng trên báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động. Thông qua các hoạt động tập hát tập thể, đặc biệt là tại nơi làm việc, người dân có thể học thuộc được bài hát. Ngoài ra, các ca sĩ chuyên và không chuyên được cử đến từng đơn vị để biểu diễn và dạy cho người dân. Miền Bắc cũng quảng bá bài hát mới qua việc tổ chức các cuộc thi hát và phát hành sổ tay bài hát.

 

Cùng với sự xuất hiện của nhiều thể loại âm nhạc, trong đó có nhạc đời thường, các ban nhạc đại chúng bắt đầu được thành lập ở Bắc Triều Tiên. Chẳng hạn, Ban nhạc nhẹ núi Wangjae và Ban nhạc điện tử Pochonbo lần lượt được thành lập vào năm 1983 và 1985 dưới tên gọi của các địa điểm cách mạng dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Hai ban nhạc này theo đuổi dòng nhạc khác biệt và gây được tiếng vang lớn.

Một trong những bí quyết thành công của họ là sử dụng âm nhạc điện tử. Ở Bắc Triều Tiên, nhạc rock và nhạc jazz sử dụng các nhạc cụ điện tử, vốn bị cấm vì bị cho là sẽ hủy hoại tư tưởng lành mạnh của người dân. Tuy nhiên, các ban nhạc này nhấn mạnh rằng họ không theo đuổi âm nhạc điện tử suy đồi của phương Tây mà là thể loại nhạc điện tử mang chất riêng của Bắc Triều Tiên bằng cách kết hợp các nhạc cụ điện tử vào dàn nhạc hiện có và với nhạc cụ truyền thống.

Bắc Triều Tiên từ lâu đã sử dụng âm nhạc cho mục đích chính trị một cách tài tình. Cố Chủ tịch Kim Jong-il từng nói rằng “Một bài hát có thể thay thế mười triệu khẩu súng và gươm” và áp dụng chính sách phát hành rộng rãi các bài hát chứa ý đồ của đảng Lao động và thông điệp chính trị. Đây chính là sự khởi đầu của nền “chính trị âm nhạc” miền Bắc.

 

Với tư cách là người thừa kế của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, cố Chủ tịch Kim Jong-il bắt đầu sự nghiệp chính trị tại Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động, cơ quan có nhiệm vụ tổng chỉ huy tất cả các đơn vị truyền thông và quản lý các nội dung truyền thông tại Bắc Triều Tiên. Ông Kim Jong-il đã thể hiện khả năng chính trị bằng cách hiện đại hóa các nội dung về cuộc cách mạng chống Nhật của ông Kim Nhật Thành và đưa chúng trở thành trung tâm của nền văn hóa. Trong đó, lĩnh vực dễ áp dụng và hoạt động hiệu quả nhất là âm nhạc. Bắt đầu từ những năm 1990, nền âm nhạc đã được xây dựng một cách toàn diện với tên gọi nền “chính trị âm nhạc” hay “chính trị bài hát”. Âm nhạc được đánh giá cao vì có thể tuyên truyền các chính sách của đảng nhanh chóng, dễ dàng và có khả năng gắn kết người dân. Các bài hát được sử dụng để kêu gọi người dân đoàn kết và cùng nhau vượt qua khó khăn.

 

Chính quyền Kim Jong-un cũng tiếp nối nền “chính trị âm nhạc” bằng cách phát hành các bài hát về nhà lãnh đạo mới để củng cố tư tưởng của người dân. Đại diện tiêu biểu của nền âm nhạc Bắc Triều Tiên dưới thời ông Kim là ban nhạc Moranbong, được coi là phiên bản “nhóm nhạc nữ” của miền Bắc. Ban nhạc Moranbong có một buổi biểu diễn ra mắt gây sốc vào tháng 7/2012.

 

Ban nhạc Moranbong được chính Chủ tịch Kim Jong-un thành lập vào năm 2012, ngay sau khi ông lên nắm quyền. Buổi biểu diễn vào tháng 7/2012 của ban nhạc này cũng là lần đầu tiên ông Kim xuất hiện tại một chương trình nghệ thuật. Các buổi biểu diễn nghệ thuật cùng danh sách bài hát, cách trang trí sân khấu đều phải được thông qua kiểm duyệt trước khi thực hiện, nhưng buổi biểu diễn này lại có bài hát chủ đề của phim “Rocky” (Mỹ) và các nhân vật Disney. Qua đó, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi thông điệp rõ ràng đến thế giới, đó là miền Bắc sẵn sàng tiếp nhận văn hóa nước ngoài, kể cả văn hóa Mỹ, đồng thời kêu gọi người dân vươn ra thế giới chứ không chỉ dừng lại ở trong nước và cuối cùng là nhấn mạnh đất nước cần phải quả cảm, cải tiến và thay đổi. Thông qua các buổi biểu diễn của ban nhạc Moranbong, Bắc Triều Tiên thể hiện quyết tâm rũ bỏ quá khứ, theo đuổi sự đổi mới và thay đổi trong kỷ nguyên mới.

 

Đã một thời gian trôi qua từ khi ban nhạc Moranbong vắng bóng trên các sân khấu âm nhạc. Thay vào đó, ban nhạc này được thay thế bằng Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ thuộc Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên. Ra mắt tại buổi biểu diễn mừng Tết Nguyên đán vào ngày 25/1/2020, hiện tại đây là đoàn nghệ thuật hoạt động tích cực nhất tại miền Bắc.

 

Ban nhạc Moranbong hoạt động rầm rộ nhất từ 2012-2017. Trong thời kỳ này, ban nhạc Cheongbong đã xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn rồi được hợp nhất với ban nhạc Moranbong. Ngoài ra, còn có Dàn nhạc giao hưởng Samjiyon được thành lập nhân dịp Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Sự xuất hiện của Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ vào năm 2020 cho thấy không khí xã hội trở nên nghiêm trọng và cán cân tình hình thay đổi tại Bắc Triều Tiên. Đúng như tên gọi, Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ là cơ quan chính thức thuộc Nội các miền Bắc. Ngay từ khi ra mắt, đơn vị này đã được biểu diễn trong sự kiện mừng Tết Nguyên đán. Lấy Đoàn biểu diễn Ủy ban Quốc vụ làm trung tâm, có thể thấy âm nhạc đại chúng của Bắc Triều Tiên đang có sự chuyển mình.

 

Bắc Triều Tiên sử dụng âm nhạc và các ban nhạc để tuyên truyền các thông điệp và chính sách của đảng tới người dân. Hy vọng vào một ngày không xa, thay vì trở thành một công cụ chính trị, âm nhạc miền Bắc có thể là phương tiện để người dân giải trí, thể hiện cảm xúc cá nhân và giao tiếp với nhau.

Tin mới nhất