Skip to content

Tin tức từ Tokyo

Đoàn thể thao Olympic Hàn Quốc về nước trong bầu không khí chào đón nhiệt liệt

Đăng tải
2021.08.10 (13:02)
Đoàn thể thao Olympic Hàn Quốc về nước trong bầu không khí chào đón nhiệt liệt

Photo : YONHAP News

Đoàn thể thao Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo tối ngày 9/8 đã về đến Sân bay quốc tế Incheon, sau hai tuần chiến đấu hết mình và gây ấn tượng mạnh cho khán giả thế giới. Tại đây, đoàn vận động viên gửi lời chào và cảm ơn người dân trong nước đã nhiệt tình cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh cho các tuyển thủ.

Vận động viên đội tuyển bóng chuyền nữ Kim Yeon-koung chân thành cảm ơn khán giả và cho biết nhờ sự cổ vũ của người dân, đội tuyển bóng chuyền đã gặt hái được một kết quả khá tốt là vào đến vòng bán kết.

Vận động viên 5 môn phối hợp hiện đại Jun Woong-tae, người đã mang về chiếc huy chương đồng quý giá cho nước nhà, gửi lời cảm ơn khán giả và hứa sẽ tiếp tục chăm chỉ để mang về thành tích tốt hơn trong tương lai. 

Nhiều người hâm mộ đã trực tiếp đến sân bay, mang theo băng rôn, quà và hoa, nhiệt liệt chào đón các người hùng thể thao quốc gia về nước.

Đoàn thể thao Hàn Quốc có tổng cộng 354 người gồm vận động viên, huấn luyện viên và thành viên hỗ trợ, tham gia thi đấu ở 29 bộ môn trên tổng cộng 33 bộ môn thi đấu chính thức của Olympic Tokyo. Kết thúc Thế vận hội, Đoàn thể thao Hàn Quốc đã giành được 6 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 10 huy chương đồng, xếp thứ 16 toàn đoàn.

Trong một tin liên quan, xoay quanh tranh cãi về việc Nhật Bản sử dụng Húc Nhật Kỳ tại Olympic Tokyo bất chấp lệnh cấm của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn Quốc Lee Kee-heung cho biết IOC đã gửi Tokyo văn bản về việc cam kết không sử dụng lá cờ này trước đó. Tuy nhiên, phía Nhật Bản bác bỏ thông tin trên. 

Thế vận hội Tokyo kết thúc thành công, cống hiến cho người hâm mộ thể thao thế giới những màn thi đấu đầy quả cảm của các vận động viên và tiếp thêm sức mạnh cho công chúng trong mùa dịch COVID-19, song việc sử dụng Húc Nhật Kỳ vẫn để lại nhiều tranh cãi.

Húc Nhật kỳ từng lần đầu xuất hiện trong cuộc cải cách Minh Trị (năm 1870), rồi sau đó được sử dụng làm quân kỳ chính thức của quân đội Nhật Bản dưới thời đế quốc Nhật trong Thế chiến II. Do đó, đây không khác gì chữ Vạn của Đức quốc xã.
TOP