Skip to content

Đường đến Tokyo 2020

Nội dung kỳ vọng huy chương của đoàn thể thao Hàn Quốc: Thể dục nghệ thuật, bơi

2021.07.23
Thể dục dụng cụ - mục tiêu huy chương không hề dễ dàng

Photo :© YONHAP News

Thể dục dụng cụ - mục tiêu huy chương không hề dễ dàng

Bộ môn thể dục nghệ thuật có tổng cộng 18 huy chương, trong đó có 8 huy chương ở nội dung thể dục nghệ thuật nam, 6 huy chương cho nội dung thể dục nghệ thuật nữ, 2 huy chương ở nội dung thể dục nhịp điệu và 2 huy chương ở nội dung nhào lộn trên đệm nhún. Bảng thành tích của thể dục nghệ thuật Hàn Quốc trong tất cả các kỳ Thế vận hội gồm 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 4 huy chương đồng.


Thể dục nghệ thuật nam gồm 8 nội dung, trong đó có 6 nội dung cơ bản là tự do, nhảy ngựa, vòng treo, nhảy chống, xà kép, xà đơn, và nội dung đồng đội nam (gộp điểm cả 6 nội dung trên để xếp hạng theo quốc gia), nội dung cá nhân toàn năng nam (chọn ra cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở cả 6 nội dung).


Thể dục nghệ thuật nữ gồm các nội dung nhảy chống, xà lệch, cầu thăng bằng, tự do, đồng đội nữ và cá nhân toàn năng nữ. Ở nội dung đồng đội, đội tuyển nam Hàn Quốc từng xếp thứ 9 Giải vô địch thể dục nghệ thuật thế giới năm 2019, giành được suất tới Tokyo, 8 kỳ Thế vận hội liên tiếp tham gia nội dung này kể từ sau Olympic Barcelona 1992. Trung Quốc và Nhật Bản được cho là sẽ cạnh tranh chiếc huy chương vàng nội dung đồng đội nam, còn ở nội dung đồng đội nữ thì đội tuyển Mỹ đang được đánh giá là mạnh nhất.

Đội hình thể dục nghệ thuật Hàn Quốc

Photo :© YONHAP News

Đội hình thể dục nghệ thuật Hàn Quốc

Các thành viên đội tuyển thể dục nghệ thuật Hàn Quốc nội dung đồng đội nam bao gồm Ryu Sung-hyun, Lee Jun-ho, Kim Han-sol, ba người xếp từ thứ 1 tới thứ 3 trong vòng tuyển chọn vận động viên quốc gia. Ngoài ra, vận động viên Yang Hak-seon, biểu tượng của thể dục nghệ thuật nam Hàn Quốc, sau nhiều “khổ nạn” cuối cùng cũng được tham dự Olympic Tokyo. Sau khi giành huy chương vàng nội dung nhảy chống ở Olympic London 2012, anh đã khổ sở vì chấn thuơng gân gót chân và cơ đùi sau, không thể tham dự tiếp Thế vận hội Rio 2016. Tới vòng tuyển chọn vận động viên quốc gia dự Thế vận hội Tokyo 2020, Yang Hak-seon lại bị chấn thương cơ đùi phải, không thể trình diễn được hết kỹ thuật cá nhân. Tuy nhiên, Liên đoàn thể dục dụng cụ Hàn Quốc đã quyết định sẽ chọn Yang Hak-seon vào đội tuyển quốc gia với điều kiện là anh phải thực hiện được kỹ thuật “Yang Hak-seon”, một kỹ thuật do anh tự phát triển được Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới công nhận và đặt theo tên anh. Cuối cùng, sau thời gian tập huấn kỹ thuật tại làng vận động viên Jincheon (tỉnh Bắc Chungcheong), anh đã quay video tập huấn gửi cho Liên đoàn, và được lựa chọn góp mặt cùng đội tuyển tới Tokyo.


Ở nội dung nhảy chống nam, vận động viên Shin Jae-hwan hiện đang xếp thứ nhất thế giới. Tuy nhiên, anh chỉ giành được suất tham dự Olympic Tokyo ở nội dung cá nhân, nên sẽ không tham dự nội dung đồng đội, và đang đặt mục tiêu giành huy chương ở nội dung nhảy chống.


Ở nội dung thể dục nghệ thuật nữ, vận động viên Lee Yun-seo và Yeo Seo-jeong giành được tấm vé tới Tokyo ở nội dung cá nhân. Yeo Seo-jeong là con gái của cựu vận động viên Yeo Hong-chul, người từng giành huy chương bạc nội dung nhảy chống nam tại Olympic Atlanta 1996, hiện đang là nhà bình luận thể dục dụng cụ của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS). Hàn Quốc không có vận động viên nào giành được suất thi đấu nội dung nhào lộn trên đệm nhún và thể dục nhịp điệu.

Bơi - “rổ huy chương vàng” Thế vận hội

Photo :© YONHAP News

Bơi - “rổ huy chương vàng” Thế vận hội

Bộ môn bơi có tổng cộng 49 huy chương vàng, bao gồm nhiều nội dung diễn ra dưới nước, như các nội dung bơi trong nhà, bơi ngoài trời, nhảy cầu, bóng nước, bơi nghệ thuật. So với Olympic Rio 2016, bảng huy chương vàng môn bơi tại Olympc Tokyo năm nay nhiều hơn 3 huy chương, vượt qua điền kinh (48 huy chương vàng) để trở thành bộ môn nhiều huy chương vàng nhất. Vậy nhưng trong “rổ vàng” này, đoàn thể thao Hàn Quốc lại không cầm chắc huy chương vàng. Cho tới nay, tổng số huy chương bộ môn bơi của đoàn thể thao Hàn Quốc tại các kỳ Thế vận hội là 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, đều thuộc về công của “kình ngư” Park Tae-hwan.


Tại Olympic Tokyo lần này, Hàn Quốc có vận động viên Kim Seo-yeong giành được suất thi đấu ở nội dung 100m và 200m bơi tự do, 100m và 200m bơi bướm, nhưng cô đã từ bỏ tất cả các nội dung này, chỉ giữ lại tấm vé thi đấu duy nhất ở nội dung “hỗn hợp cá nhân”, được cho là nhiều khả năng giành huy chương nhất. Giới chuyên môn đánh giá cô hoàn toàn có khả năng đạt huy chương với kỷ lục cá nhân hiện tại là 2 phút 8 giây 34.

Kỳ vọng vào vận động viên Hwang Sun-woo

Photo :© YONHAP News

Kỳ vọng vào vận động viên Hwang Sun-woo

Ngoài ngôi sao bóng chuyền Kim Yeon-kyoung, một vận động viên khác được lựa chọn là người cầm cờ dẫn đầu đoàn thể thao Hàn Quốc là Hwang Seon-woo, được mệnh danh là “hậu duệ” của kình ngư Park Tae-hwan. Anh đang sở hữu kỷ lục trẻ thế giới nội dung 200m bơi tự do nam là 1 phút 44 giây 96. Với kỷ lục này, anh sẽ có thể giành được huy chương bạc nếu so với thành tích 1 phút 44 giây 65 của vận động viên Tôn Dương (Sun Yang) của Trung Quốc tại Thế vận hội Rio 2016.


Nếu xét riêng trong mùa giải năm 2021 ở nội dung này thì đây là kỷ lục xếp trong hạng 5 thế giới. Vậy nên Hwang Sun-woo hoàn toàn có khả năng sẽ lọt được vào vòng tứ kết. Thêm vào đó, trong vòng một năm trở lại đây, phong độ thi đấu của anh được cải thiện rất nhanh, liên tục tự phá vỡ kỷ lục của chính mình, nên người hâm mộ đang rất kỳ vọng anh sẽ mang về huy chương tại Thế vận hội Tokyo.

TOP