Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 43: Suối Cheonggye – không gian sinh thái giữa lòng Seoul

Phần 43: Suối Cheonggye – không gian sinh thái giữa lòng Seoul

2015-11-10

Danh sách

[Sự hình thành của suối Cheonggye]


Giữa lòng thủ đô Seoul với những tòa nhà cao tầng san sát bên nhau, giữa tiếng xe cộ ồn ào náo nhiệt, có một dòng suối vẫn lặng lẽ chảy mang đến một phong vị khác cho đô thị sầm uất này. Đó chính là Cheonggye, dòng suối có chiều dài 10,84km chảy qua quận Jung và quận Jongno. Kể từ khi được khôi phục vào năm 2005, suối Cheonggye đã trở thành một phần không thể thiếu, một điểm đến nghỉ ngơi, thư giãn phổ biến của người dân Seoul cũng như du khách từ các nơi khác. Tại đây, người ta có thể tận hưởng không gian thoáng đãng giao hòa với thiên nhiên để tạm quên đi cuộc sống bận rộn nơi đô thị. Một số thị dân Seoul chia sẻ: “Tôi và các đồng nghiệp trong cùng câu lạc bộ ảnh đến đây để chụp ảnh và thư giãn. Ở trong lòng thành phố lại có một nơi có nước chảy, cây xanh mát thế này thật khiến chúng ta tỉnh cả người.”; “Tôi cảm thấy bớt mệt mỏi đi rất nhiều khi được chơi đùa với bạn bè và ngắm mọi người xung quanh vui chơi nơi đây.”; “Tôi cảm giác nơi đây giống như quê hương, tiếp thêm sinh khí cho mình. Đây là nơi nghỉ ngơi không chỉ của người dân Seoul mà còn là của người dân trên toàn đất nước Hàn Quốc.”

Lịch sử của dòng suối Cheonggye gắn liền với lịch sử của Seoul. Kể từ sau khi triều đại Joseon được thành lập vào năm 1392, Hanyang (Hán Dương – tên gọi cũ của Seoul) đã được chọn làm kinh đô. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình được bao quanh bởi các dãy núi, nên mỗi khi có mưa lớn, nước mưa sẽ chảy về phía Đông của Seoul là khu vực tương đối thấp, từ đó gây ra ngập lụt. Để ngăn chặn tình trạng này, từ năm 1406, vua Taejong (Thái Tông) đã đưa ra những biện pháp tích cực nhằm nắn chỉnh dòng chảy này. Tiến sĩ Lee Sang-bae thuộc Viện Biên soạn lịch sử Seoul cho biết: “Cheonggye (Thanh Khê) là tên gọi tắt của dòng nước Cheongpung Gyecheon (Thanh Phong Khê Xuyên) bắt nguồn từ khu vực núi Inwang của Seoul. Cheonggye dài khoảng 5,84km và chảy từ Đông sang Tây. Dòng suối này từng được xem như đường thoát nước chính của Seoul trong suốt triều đại Joseon. Khi trời mưa thì nước sạch sẽ chảy qua suối, nhưng lúc bình thường nó cũng đóng vai trò là nơi để nước thải sinh hoạt của thành phố đi qua.”

Như vậy, dòng suối Cheonggye vừa có tác dụng ngăn ngừa lũ lụt vừa giúp giữ gìn sự trong lành, sạch sẽ cho thủ đô dưới triều đại Joseon. Cùng với đó, các hàng quán cũng được hình thành xung quanh dòng suối, biến nơi đây trở thành một trung tâm thương mại và giao lưu văn hóa sôi nổi. Tiến sĩ Lee Sang-bae nói tiếp: “Có rất nhiều cây cầu bắc qua suối Cheonggye, nối làng Bắc Bukchon và làng Nam Namchon. Trên những cây cầu đó, người ta tụ tập lại để đọc sách, kể chuyện, bán hàng rong hay vẽ tranh bán. Ngoài ra, người ta còn tổ chức nhiều trò chơi, hoạt động dân gian như lễ hội Giẫm cầu vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm được cho là sẽ mang lại may mắn và sức khỏe. Có thể nói, khu vực suối Cheonggye là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đa dạng của thành phố.”

[Dự án lấp suối Cheonggye]


Tuy nhiên, trong thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc, người dân nghèo từ các nơi đã đổ về Seoul để kiếm tìm cơ hội việc làm, khiến cho mật độ dân số xung quanh khu vực này trở nên đông đúc và vì vậy, dòng suối bắt đầu bị ô nhiễm. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc. Tiến sĩ Lee Sang Bae giải thích: “Đặc biệt sau chiến tranh Triều Tiên, những người lánh nạn bắt đầu tràn vào khu vực xung quanh suối Cheonggye và sinh sống trong những căn nhà tồi tàn. Điều kiện sống thiếu vệ sinh đã dẫn đến sự lây lan của một số bệnh truyền nhiễm, cũng như làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Đây là lý do từ những năm 1950, Chính phủ đã phải tiến hành lấp suối bằng xi-măng.”

Bắt đầu từ năm 1955, một đoạn nằm ở thượng lưu dòng suối dài 135 mét gần cầu Gwangtonggyo, đã bị lấp kín. Và kể từ năm 1958, dự án lấp toàn bộ chiều dài con suối ở khu vực trung tâm thành phố đã bắt đầu được thực hiện.
Vào thời điểm đó, việc lấp dòng suối Cheonggye được xem là một biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa. Thậm chí thị trưởng Seoul khi đó là ông Yoon Tae-il, người đã tham dự lễ kỷ niệm hoàn tất dự án lấp suối Cheonggye vào năm 1961 còn tuyên bố rằng đây là một bước tiến lớn mang lại cho người dân cuộc sống khỏe mạnh hơn và là một động lực cho công cuộc tái thiết đất nước.

Nối tiếp dự án lấp suối, Chính phủ cũng bắt tay vào xây dựng cầu vượt Cheonggye vào năm 1967 nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông trong trung tâm thành phố. Cầu vượt Cheonggye được khai thông vào năm 1976 và sau đó là việc hoàn thành đường cầu cho tàu hỏa chạy qua mang tên cầu sắt phường Majang vào năm 1977 đã kết thúc dự án lấp suối Cheonggye. Khu vực trải từ cầu Gwangtonggyo đến cầu Ogansugyo đã biến mất hoàn toàn vào lòng đất, và kéo theo đó, những ngôi nhà ổ chuột ở xung quanh cũng biến mất. Có thể nói, dự án đã thực sự góp phần giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường cũng như nâng cao tính thẩm mỹ cho thành phố.

Tuy nhiên, từ những năm 1990, bắt đầu có những ý kiến cho rằng cần phải phục hồi lại suối Cheonggye. Đặc biệt, các nhà sử học cho rằng không thể bỏ qua hay quên đi các di sản văn hóa quan trọng đã bị chôn vùi dưới lòng đất. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu về môi trường nhấn mạnh rằng việc lấp suối không căn cứ theo hệ sinh thái đang làm chết ngạt dòng suối Cheonggye. Thêm vào đó, đến những năm 2000, câu hỏi về tính an toàn của cầu vượt Cheonggye cũng được đặt ra.

Trong cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào năm 2002, ứng cử viên cho chức thị trưởng Seoul, đại biểu của Đảng đối lập là ông Lee Myung-bak, đã đưa ra cam kết sẽ khôi phục lại suối Cheonggye. Trong khi đó, một ứng cử viên khác là đại biểu của Đảng cầm quyền là ông Kim Min-seok lại cho rằng nên dành nguồn vốn khôi phục suối Cheonggye để tập trung cho các vấn đề phúc lợi. Và vấn đề này đã trở thành một trong những chủ đề tranh luận nóng nhất trong cuộc đua giành vị trí thị trưởng Seoul.

Sau chiến thắng của ứng cử viên Lee Myung-bak trong cuộc đua giành chức thị trưởng Seoul, kế hoạch phục hồi suối Cheonggye đã được bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2003. Kế hoạch khôi phục lại con suối nổi tiếng được bắt đầu với việc tháo dỡ cầu vượt Cheonggye và đường Cheonggye, tiếp theo đó là phục hồi lại dòng chảy của con suối và khu vực xung quanh. Một tháng sau đó, tức là tháng 8 năm 2003, dòng suối bị chôn vùi dưới lớp bê tông đã bắt đầu lộ ra.

Ngày 1 tháng 10 năm 2005, lễ khai thông dòng chảy mới của suối Cheonggye đã diễn ra, chính thức đánh dấu sự trở lại của dòng suối đã biến mất khỏi Seoul sau 47 năm kể từ năm 1958. Hàng chục nghìn người dân Seoul đã tập trung tại khu vực suối Cheonggye để ăn mừng sự khởi đầu mới của con suối lịch sử này. Những người dân Seoul chia sẻ: “Đây thực sự là một khoảnh khắc xúc động.”; “Chúng ta không thể so sánh con suối bây giờ với trước kia, bởi vì đây là một sự khởi đầu mới”; “Lẽ ra chúng ta phải làm điều này từ lâu rồi. Tôi rất vui khi nhìn thấy cảnh tượng hôm nay.”

[Suối Cheonggye, niềm tự hào của thủ đô Seoul]


Khu vực được khôi phục lại dài 5,84km, chạy từ quảng trường Cheonggye đến đường cầu sắt Shindap ở quận Seongdong với 252.000m2 không gian xanh. Đồng thời hai bên dòng suối cũng được cải tạo lại để làm thành con đường dài hơn 12km cho người dân đi bộ thư giãn.

Sau những nỗ lực cải tạo, suối Cheonggye đã trở lại những ngày tháng huy hoàng của nó với dòng nước mát trong, với những cây táo, cây liễu rủ bóng hai bên bờ, với hoa đỗ quyên nở rực rỡ khi mùa về. Không chỉ có cây, hoa mà các loài động thực vật như lươn, chạch, nòng nọc, cá chép, diệc trắng và vịt trời cũng tìm đến, biến nơi đây thành một không gian thiên nhiên tuyệt vời giữa lòng đô thị sầm uất. Ngoài ra, tất cả 22 cây cầu dọc theo dòng suối như cầu Gwangtonggyo, cầu Ogansugyo đã được xây dựng từ thời đại Joseon giờ đây cũng đều được khôi phục, góp phần gắn kết quá khứ lịch sử với hiện tại hôm nay. Tiến sĩ Lee Sang-bae thuộc Viện Biên soạn lịch sử Seoul cho biết: “Sự phục hồi dòng suối Cheonggye đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Seoul. Trước đó, thành phố chỉ toàn là những tòa nhà bê tông, nhưng giờ đây, việc có một dòng nước chảy ở trung tâm thành phố đã thực sự mang tới sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Người dân Seoul đã có thể tận hưởng một không gian thiên nhiên tuyệt vời ở khoảng cách rất gần, và điều đó cũng phần nào đưa đến sự thay đổi trong lối sống của họ.”

Con suối Cheonggye hàm chứa trong nó là cả niềm vui và nỗi buồn của người dân Hàn Quốc. Nó đã trải qua cả giai đoạn tăm tối và tươi sáng bởi những kế hoạch phát triển theo định hướng khác nhau của thành phố. Và giờ đây, điều dễ dàng nhận thấy nhất khi đến khu vực này là cảnh tượng người dân đi dạo hai bên đường hoặc những đôi tình nhân đang thì thầm tâm sự nhỏ to bên bờ suối. Con suối càng trở nên xinh đẹp hơn vào ban đêm, và nhờ vậy nó đã trở thành một điểm du khách luôn muốn ghé thăm khi tới Seoul. Theo Cơ quan quản lý cơ sở và thiết bị Seoul, nơi phụ trách giám sát quản lý suối Cheonggye, thì tổng số du khách đến thăm suối trong 10 năm qua (tính đến tháng 8 năm 2015) đạt hơn 191 triệu người. Còn theo số liệu của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc thì số lượng du khách nước ngoài đến thăm Cheonggye chỉ riêng trong năm ngoái đã đạt hơn 814.000 người. Điều đó là minh chứng cho thấy dòng suối này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Một số du khách nước ngoài đã phát biểu cảm tưởng như sau: “Tên tôi là Isate, tôi đến từ Malaysia. Tôi nghe nói là trước kia dòng suối Cheonggye bị ô nhiễm, nhưng giờ nó đã được khôi phục lại, trông sạch đẹp và yên bình hơn rất nhiều.”; “Tôi đến từ Chicago. Tôi đã nghe rất nhiều điều tuyệt vời về suối Cheonggye. Thật tuyệt khi được hòa mình trong một không gian sạch thoáng và gần gũi thiên nhiên ngay giữa thành phố với những tòa nhà chọc trời thế này. Đặc biệt, cảnh buổi tối ở đây rất đẹp nên tôi đã chụp rất nhiều ảnh. Tôi sẽ tải nó lên mạng để giới thiệu cho bạn bè và gia đình tôi biết nơi này.”

Dự án phục hồi suối Cheonggye cũng là bước đi đầu tiên trong kế hoạch phục hồi các dòng kênh, suối khác của thành phố, với mục tiêu hướng tới một môi trường sinh thái hài hòa cho Seoul. Tiến sĩ Lee Sang-bae khẳng định: “Sau khi suối Cheonggye được trở lại hình dáng tự nhiên ban đầu của nó, các dòng suối khác ở Seoul như suối Hongje, suối Yangje hoặc suối Anyang cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhiều hơn. Có thể nói, dự án phục hồi Cheonggye đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của thiên nhiên và bảo tồn tự nhiên, hay nói cách khác là phát triển bền vững chứ không phải phát triển một cách ồ ạt như trong quá khứ.”

Suối Cheonggye khởi nguồn cùng với sự ra đời của triều đại Joseon và gắn liền với lịch sử thăng trầm của Hàn Quốc. Giờ đây nó đã trở thành không gian thư giãn lý tưởng, nơi giao hòa giữa thiên nhiên với con người và văn hóa lịch sử, mang đến hơi thở trong lành cho cuộc sống bận rộn của người dân nơi đô thị.