Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 44: Hàn Quốc và nỗ lực chinh phục không gian

Phần 44: Hàn Quốc và nỗ lực chinh phục không gian

2015-11-17

Danh sách

[Uribyul, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Hàn Quốc]


Vào sáng ngày 11 tháng 8 năm 1992, diễn ra thời khắc đếm ngược việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Hàn Quốc mang tên Uribyul-1 (có nghĩa là “ngôi sao của chúng ta”, hay còn có tên gọi là KITSAT-1) từ sân bay vũ trụ Kourou trên đảo Guiana thuộc Pháp. Tên lửa Arian mang vệ tinh Uribyul-1 đã lao vào bầu trời sau tiếng gầm đinh tai đi kèm dòng lửa đỏ và khói trắng phun ra.

Uribyul-1, vệ tinh thực nghiệm khoa học siêu nhỏ với trọng lượng chỉ khoảng 50kg, đã được đưa thành công vào quỹ đạo ở phút thứ 23 sau khi phóng. Sau đó, vào lúc 7 giờ 35 phút chiều cùng ngày, vệ tinh đã kết nối được với Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo tại Daedeok ở miền trung Hàn Quốc, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 22 trên thế giới sở hữu vệ tinh đang hoạt động. Ông Hwang Jin-young, Giám đốc Chiến lược tương lai trực thuộc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) nói về ý nghĩa của việc phóng thành công Uribyul-1: “Uribyul-1 là vệ tinh thực nghiệm khoa học được Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo trực thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, cho thấy Hàn Quốc đã tiếp thu, sở hữu được công nghệ liên quan đến vệ tinh nhân tạo cũng như đào tạo được các nhà khoa học và kỹ sư trong lĩnh vực này. Cho đến nay, Hàn Quốc đã phát triển từng bước các ngành công nghiệp nhẹ, ô tô, đóng tàu và điện tử gia dụng nhưng đã chậm trễ trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ tối tân như hàng không vũ trụ. Có thể nói, Uribyul-1 chính là biểu tượng, là thành tựu đầu tiên của ngành hàng không vũ trụ Hàn Quốc.”

[Năm 1989, Hàn Quốc khởi động các dự án chinh phục vũ trụ]


Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Hàn Quốc gần như có thể ví với một khu đất hoang cho đến năm 1989, khi dự án chế tạo Uribyul-1 được bắt đầu. Ông Hwang Jin-young cho biết: “Hàn Quốc chưa từng tiến hành một dự án phát triển vệ tinh nhân tạo nào và cũng hoàn toàn không có một kế hoạch mang tầm cỡ quốc gia vào thời điểm chế tạo vệ tinh Uribyul-1. Mọi việc chỉ chính thức bắt đầu khi Chính phủ đề ra Kế hoạch cơ bản phát triển ngành hàng không vũ trụ quốc gia vào năm 1996. Tuy nhiên, năm 1989 đánh dấu sự chuyển mình quan trọng trong lĩnh vực vũ trụ của Hàn Quốc khi Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo trực thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) được thành lập. Cùng với đó Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc cũng được thành lập trực thuộc Viện nghiên cứu cơ khí. Có thể nói, lịch sử phát triển của ngành hàng không vũ trụ của Hàn Quốc đã bắt đầu từ đó.”

Rõ ràng là ở thời điểm đó, Hàn Quốc đã không hề có nền tảng công nghệ cần thiết để sản xuất vệ tinh. Vào tháng 9 năm 1989, Hàn Quốc đã tuyển các sinh viên ưu tú của KAIST để gửi đến học tại trường Đại học Surrey của Anh nhằm nghiên cứu sâu về vấn đề này. Ông Hwang Jin-young giải thích: “Mục tiêu của Hàn Quốc là cử người ra nước ngoài tiếp thu tri thức cơ bản liên quan đến vệ tinh. Seoul đã tuyển lựa một nhóm học viên sang học chương trình thạc sĩ tại Đại học Surrey ở Anh. Những học viên cao học này sau đó đã tham gia vào chương trình phát triển vệ tinh khoa học nhỏ của trường Surrey và nhờ đó đã có được những kiến thức cần thiết phục vụ cho việc chế tạo vệ tinh Uribyul-1.”

Vệ tinh Uribyul-1 có nghĩa là “ngôi sao của chúng ta”, nhưng cũng có một số người lên tiếng cho rằng phải gọi đây là “ngôi sao của người khác”, do quá trình từ chế tạo ban đầu đến các linh kiện của vệ tinh đều có sự giúp đỡ rất nhiều từ nước Anh. Tuy vậy, việc phóng thành công Uribyul-1 vẫn có thể coi là một thành tích đáng khích lệ, bởi đó là thành quả nghiên cứu lâu dài kể từ khi các nhà khoa học trẻ của Hàn Quốc lặn lội sang học hỏi kiến thức ở một vùng đất xa lạ.

[Bước đầu tự sản xuất vệ tinh ]


Vào lúc 10 giờ 45 phút sáng (giờ Hàn Quốc) ngày 26 tháng 9 năm 1993, vệ tinh Uribyul-2 (hay còn gọi là KITSAT-2) lại tiếp tục được phóng vào vũ trụ. Uribyul-2 cũng có mô hình tương tự như Uribyul-1, nhưng từ khâu thiết kế đến lắp ráp đều hoàn toàn do các nhà khoa học Hàn Quốc thực hiện. Gần ba năm sau, vào ngày 26 tháng 5 năm 1999, Hàn Quốc lại cho ra mắt Uribyul-3, vệ tinh mang đúng nghĩa “Ngôi sao của chúng ta” bởi toàn bộ việc thiết kế, sản xuất linh kiện và lắp ráp do các nhà khoa học trong nước tiến hành. Ông Hwang Jin-young nói: “Các vệ tinh Uribyul là vệ tinh loại nhỏ chỉ nặng khoảng 50kg và dài khoảng 30cm, cho nên loại này chủ yếu được sử dụng cho mục đích đào tạo kiến thức về công nghệ vệ tinh chứ không hẳn là để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào. Các vệ tinh này được lập trình để thực hiện các thí nghiệm khoa học đơn giản, chẳng hạn như đo tia phóng xạ trong không gian, dự đoán ảnh hưởng của phóng xạ, phát hiện các hạt năng lượng thấp và thử nghiệm máy dò tia hồng ngoại...”

Vệ tinh Uribyul-1 có tuổi thọ theo công bố là năm năm, nhưng nó vẫn hoạt động thêm bảy năm nữa, tổng cộng là 12 năm cho đến năm 2004. Uribyul-2 ra mắt vào năm 1993, đã duy trì liên lạc với trung tâm điều khiển ở mặt đất cho đến năm 2002. Còn vệ tinh Uribyul cuối cùng, tức Uribyul-3, được phóng vào năm 1999 có tuổi thọ ngắn nhất khi chỉ hoạt động trong ba năm.

Thông qua chương trình phát triển các vệ tinh Uribyul, Hàn Quốc đã tạo dựng được nền tảng chế tạo vệ tinh công nghệ cao. Từ đó, Chính phủ càng quyết tâm khởi động một dự án phát triển vệ tinh còn quy mô hơn. Năm 1995 và 1996, Hàn Quốc tiếp tục phóng lên quỹ đạo hai vệ tinh truyền thông và thông tin liên lạc mang tên KOREASAT-1 và 2, còn được gọi là Mugunghwa-1 và 2, mở ra một kỷ nguyên của dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao ở trong nước. Thành công này cũng dẫn tới một kỷ nguyên mới của các vệ tinh đa năng, thực dụng, chẳng hạn như vệ tinh Arirang-1 (hay còn tên gọi khác là KOMPSAT-1) được phóng vào năm 1999. Giám đốc Chiến lược tương lai trực thuộc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc, ông Hwang Jin-young nói: “Một vệ tinh đa năng có thể quan sát trái đất thông qua những bức ảnh và video mà nó ghi lại được. Vệ tinh này thực hiện những nhiệm vụ đa dạng, ví dụ như chụp hình ảnh của bán đảo Hàn Quốc từ không gian sử dụng trong việc quy hoạch đất đai và đô thị. Vệ tinh cũng giúp theo dõi những thay đổi địa hình ở Hàn Quốc, chẳng hạn như thay đổi về đường bờ biển hay khi có xói lở đất, từ đó cung cấp dữ liệu kịp thời để phòng chống thiên tai như lũ lụt, hạn hán... Không chỉ vậy, các vệ tinh đa năng còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.”

Bốn năm sau, vào năm 2003, Hàn Quốc đã phóng tiếp vệ tinh khoa học công nghệ STSAT-1 với mục đích quan sát thiên hà, nghiên cứu trái đất và mặt trời. Sự phát triển của vệ tinh khoa học này đã đưa Hàn Quốc tiến gần hơn với các nước phát triển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông Hwang Jin-young nói: “Trong những năm qua, Hàn Quốc đã phát triển nhiều loại vệ tinh, từ vệ tinh loại nhỏ như ba vệ tinh Uribyul đến các vệ tinh dùng cho mục đích khoa học, quan trắc khí tượng. Tính đến nay, Hàn Quốc đã chế tạo tổng cộng 12 vệ tinh, bảy trong số đó đã ngừng hoạt động trong khi sáu vệ tinh còn lại vẫn đang hoạt động tốt. Trong sáu vệ tinh này có vệ tinh khoa học công nghệ STSAT-3 và 4 vệ tinh đa năng khác mang số hiệu 2, 3, 3A và 5.”

[Phát triển tên lửa đẩy bằng công nghệ riêng]


Sau một loạt vệ tinh được phóng thành công, Hàn Quốc đã bắt tay vào tự sản xuất các tên lửa đẩy. Trước đó, các vệ tinh của Hàn Quốc đều được đưa vào không gian bằng tên lửa của nước ngoài cũng như phóng đi từ bệ phóng ở nước ngoài. Do vậy, giờ đây, một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra là Hàn Quốc phải phát triển được tên lửa đẩy của riêng mình. Ông Hwang Jin-young giải thích: “Vì sử dụng các tên lửa đẩy của nước ngoài để đưa vệ tinh vào không gian nên Hàn Quốc không thể chọn thời điểm mình muốn. Tất cả các cường quốc vũ trụ đều có tên lửa đẩy riêng mình. Song khác với vệ tinh, rất khó khăn để thuyết phục các cường quốc đó đồng ý chuyển giao công nghệ tên lửa đẩy. Một lý do là vì họ e ngại tên lửa có thể bị lạm dụng để mang vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo đó, hợp tác quốc tế trong sản xuất tên lửa đẩy cũng rất hạn chế, cho nên để tự lực trong hành trình khám phá không gian, để trở thành một cường quốc trong lĩnh vực này thì cần phải chế tạo được tên lửa đẩy của riêng mình.”

Cuối cùng, ngày 11 tháng 6 năm 2009, Trung tâm vũ trụ Naro trên đảo Oenaro thuộc xã Bongnae, huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla, được khánh thành sau tám năm sáu tháng thi công, đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 13 trên thế giới có trung tâm vũ trụ riêng. Trung tâm Naro được trang bị cơ sở vật chất và thiết bị tối tân để phóng vệ tinh vào vũ trụ. Từ đây, có thể nói Hàn Quốc đã chính thức bước vào nhóm các nước đi đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

[Hàn Quốc phóng vệ tinh từ bãi phóng và tên lửa đẩy tự chế]


Một tin vui nữa lại đến với Hàn Quốc vào ngày 30 tháng 1 năm 2013, tạo bầu không khí phấn khích trên toàn lãnh thổ. Lần đầu tiên một vệ tinh do chính Hàn Quốc sản xuất mang tên Naro-1 (hay còn gọi là STSAT-2C) đã được phóng từ bệ phóng của Hàn Quốc và đặc biệt là bằng tên lửa đẩy cũng của Hàn Quốc. Sự kiện này là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển ngành hàng không vũ trụ của quốc gia. Ông Lee Chang-jin, Trưởng nhóm Vũ trụ của Quỹ Khoa học Hàn Quốc giải thích ý nghĩa của việc phóng Naro-1: “Việc phóng vệ tinh với bãi phóng và tên lửa đẩy tự chế có một ý nghĩa rất quan trọng. Trước tiên, điều này đưa chúng ta đến gần với công cuộc chinh phục vũ trụ hơn. Giờ đây vũ trụ không còn chỉ để quan sát nữa mà đã trở thành đối tượng để thám hiểm. Thứ hai, sự kiện này cho thế giới biết rằng năng lực công nghệ của Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều khi có thể tự sản xuất được các phương tiện thám hiểm không gian của riêng mình.”

Tuy nhiên, quá trình đi đến thành công của dự án Naro thực sự rất gian nan.
Vào tháng 8 năm 2009, Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy gắn vệ tinh Naro-1. Song, đợt phóng này thất bại do một trong hai nắp trên mũi tên lửa của tầng thứ hai không mở hết nên vệ tinh đã tách ra muộn so với dự kiến và đã không vào được quỹ đạo. Qua bài học quý giá từ thất bại của Naro-1, Hàn Quốc đã tự tin hơn khi tiến hành phóng tên lửa Naro-2 vào tháng 6 năm 2010. Tuy nhiên, tên lửa Naro-2 đã nổ tung trong không khí chỉ 137 giây sau khi được phóng lên. Đợt phóng lần thứ ba cũng gặp trở ngại khi bị hoãn lại hai lần. Tóm lại, trong suốt 10 năm theo đuổi dự án Naro từ tháng 8 năm 2002 thì có đến 10 lần bị hoãn và hai lần thất bại. Nhưng đến ngày 30 tháng 1 năm 2013……

Tên lửa Naro-3 đã vượt qua những rào cản kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và vào sáng hôm sau, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), ông Lee In đã phát biểu chính thức về việc phóng thành công Naro-3: “Tên lửa Naro-3 được phóng vào lúc 4 giờ chiều hôm qua đã đưa được vệ tinh khoa học vào quỹ đạo. Tiếp đó, vào 3 giờ 28 phút sáng sớm nay, vệ tinh đã lần đầu tiên liên lạc thành công trong 14 phút với cơ quan điều khiển ở mặt đất thuộc Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo của KAIST. Và trung tâm này cũng đã phát đi những mệnh lệnh đầu tiên để kiểm tra tình trạng của vệ tinh. Kết quả cho thấy tình trạng của vệ tinh cũng như việc truyền dữ liệu từ vệ tinh xuống mặt đất đều tốt.

Mặc dù tầng một của tên lửa đẩy Naro có sự trợ giúp Nga nhưng với việc phóng thành công vệ tinh Naro-3, Hàn Quốc đã gia nhập câu lạc bộ của các cường quốc không gian khi phóng được vệ tinh tự chế gắn trên tên lửa đẩy do mình sản xuất trên bãi phóng cũng của mình. Giám đốc Hwang Jin-young của bộ phận Chiến lược tương lai thuộc Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết: “Tên lửa đẩy Naro còn được gọi là KSLV-1, có khả năng đưa một vệ tinh loại 100kg vào quỹ đạo thấp. Động cơ tầng 1 của tên lửa được nhập khẩu trực tiếp từ Nga, còn động cơ tầng 2 thì do chính Hàn Quốc sản xuất. Sau đó, Hàn Quốc và Nga đã cùng lắp rắp hai tầng của tên lửa này. Giờ đây, Hàn Quốc đang nỗ lực nghiên cứu để sản xuất tên lửa đẩy KSLV-2 hoàn toàn của riêng mình. Tôi tin rằng đến năm 2020, Hàn Quốc sẽ có thể thành công trong việc tự phát triển tên lửa đẩy để mang được vệ tinh nhân tạo nặng 1,5 tấn vào không gian.”

Từ thuở xa xưa, nhân loại đã luôn khát khao bay khỏi mặt đất để tìm hiểu xem có gì ẩn chứa trên bầu trời. Những phát minh như máy bay rồi đến tên lửa, đưa con người bay lên khám phá không gian. Mặc dù tiến vào lĩnh vực này tương đối muộn so với một số cường quốc khác, nhưng Hàn Quốc đã và đang hướng tới ước mơ sẽ tự mình khám phá mặt trăng vào năm 2020.