Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 48: Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên đa văn hóa

Phần 48: Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên đa văn hóa

2015-12-15

Danh sách

[Gần 2 triệu người nước ngoài đang sống tại Hàn Quốc]


Theo báo cáo về tình hình người nước ngoài của Bộ Hành chính nội vụ Hàn Quốc, tính đến tháng 1 năm 2015, số người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc đã đạt tới con số 1.741.919 người. Nếu tính cả những người nhập cư theo diện kết hôn thì con số sẽ vượt quá 2 triệu người. Như vậy, Hàn Quốc trở thành một xã hội đa văn hóa đích thực, nơi các thành viên tuy xuất thân nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng cùng sinh sống trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Số lượng người lao động nước ngoài, người nhập cư theo diện kết hôn và con cái của các gia đình đa văn hóa đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể là con số này đã tăng từ khoảng 537.000 người vào năm 2006, thời điểm mới bắt đầu tiến hành điều tra tình hình người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, lên hơn 1,56 triệu người vào năm 2014. Và chỉ trong năm ngoái, số lượng người nước ngoài đã tăng thêm 170.000 người, đạt hơn 1,7 triệu người, chiếm 3,4% tổng dân số của Hàn Quốc tính đến tháng 1 năm 2015. Trên toàn quốc có đến 12 nơi được coi là những thành phố, khu vực đa văn hóa khi số lượng người nước ngoài chiếm hơn 5% tổng dân số ở đó. Trong số này, bảy khu vực có mật độ người nước ngoài cao nhất, với trung bình cứ 10 người dân thì có một người là người nước ngoài. Đây đều là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các công trường, ví dụ như quận Yeongdeungpo, quận Geumcheon, quận Guro ở Seoul, thành phố Ansan và Siheung trực thuộc tỉnh Gyeonggi.

Xét trên cả phương diện văn hóa lẫn trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, Hàn Quốc là quốc gia khá thuần nhất và chưa từng có kinh nghiệm chung sống với các dân tộc khác. Nhưng kể từ sau những năm 1990, người Hàn Quốc đã bắt đầu đón nhận người nước ngoài đến cộng đồng của mình. Bình luận viên thời sự Choi Young-il giải thích: “Người nước ngoài bắt đầu nhập cư vào Hàn Quốc từ sau những năm 1990 dưới nhiều hình thức như xuất khẩu lao động hay kết hôn với người Hàn. Nguyên do là bởi giới trẻ Hàn Quốc khi đó đều tránh làm những công việc thuộc dạng 3D, tức là những việc khó khăn, nguy hiểm và điều kiện làm việc kém vệ sinh. Và xu hướng thất nghiệp trong thanh thiếu niên ở Hàn Quốc đang tăng nhanh, nhưng một bộ phận không nhỏ người trẻ vẫn từ chối làm những công việc vất vả, thu nhập thấp. Vì vậy, để lấp đầy khoảng trống này, Chính phủ mới cho phép các công ty tuyển dụng người từ các nước đang phát triển hoặc kém phát triển hơn so với Hàn Quốc. Kể từ đó, thị trường lao động mới dần được mở cửa và ngày càng có nhiều người lao động nước ngoài đến Hàn Quốc tìm cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, từ 20 năm nay, nhiều nam giới sống ở các vùng nông thôn của Hàn Quốc do hoàn cảnh cá nhân mà không thể lập gia đình đã chuyển hướng ra tìm vợ là người nước ngoài, và điều này đã tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ những phụ nữ nước ngoài nhập cư vào theo diện kết hôn.”

[Lao động nước ngoài bắt đầu đến Hàn Quốc từ những năm 1990]


Bước vào những năm 1990, ở Hàn Quốc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân lực lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực tế là quan điểm, nhận thức của người lao động Hàn Quốc khi đó đã khác nhiều so với trước, nên họ không còn thiết tha những công việc chân tay vất vả như làm cho các xưởng dệt may hay nhà máy sản xuất giày dép. Điều đó đã đẩy các ngành này rơi vào tình trạng suy thóai do sự thiếu hụt nhân lực với số lượng lớn. Để giải quyết vấn đề này, kể từ năm 1993, Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép áp dụng chế độ tu nghiệp sinh trong lĩnh vực công nghiệp, và một năm sau đó đã chính thức chấp nhận lao động nước ngoài vào làm việc tại Hàn Quốc. Kể từ khi thực hiện chương trình tu nghiệp sinh trong lĩnh vực công nghiệp, số lượng lao động nước ngoài đã tăng nhanh và vượt quá con số 350.000 người vào năm 2003. Nhưng cùng với đó là một vấn đề khác nảy sinh. Đó là việc những tu nghiệp sinh không được công nhận như những lao động thực sự, nên thay vì được học hỏi công nghệ rèn kỹ năng, thì họ lại bị bóc lột sức lao động với mức trả công rẻ mạt, và thậm chí còn bị xâm phạm về mặt nhân quyền. Ngoài ra, có người đã cố ý rời bỏ nơi tu nghiệp của mình để lưu trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Từ đó, có nhiều tiếng nói cho rằng chương trình tu nghiệp sinh nói trên chưa thực sự hiệu quả và yêu cầu Chính phủ thay đổi chính sách. Do đó, vào tháng 8 năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS). Theo đó, các công ty trong nước không có đủ nguồn nhân lực sẽ được phép tuyển dụng người nước ngoài một cách hợp pháp để làm việc.

Cùng với việc triển khai hệ thống cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài, Chính phủ Hàn Quốc mở cửa thị trường lao động cho người dân của 15 quốc gia, trong đó có Philippines, Trung Quốc, Bangladesh và Nepal. Và cũng kể từ đó, số lượng lao động nước ngoài nhập cảnh vào miền đất hứa Hàn Quốc đã tăng mạnh. Bình luận viên thời sự Choi Young-il nói: “Hàn Quốc đã trải qua giai đoạn công nghiệp hóa vào những năm 1970 để trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét theo tiêu chuẩn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Điều đó có nghĩa là có rất nhiều nước có mức sống thấp hơn so với Hàn Quốc. Những nước đang phát triển hoặc kém phát triển nhìn Hàn Quốc như là một biểu tượng thịnh vượng, năng động và là nơi có rất nhiều cơ hội kiếm được lương cao và làm các công việc khác nhau. Có thể nói, Hàn Quốc là một đất nước mơ ước đối với những con người ấy. Do đó, nhiều người nước ngoài cũng đã bắt đầu tìm cách để sang Hàn Quốc làm việc.”

Theo báo cáo về tình hình người nước ngoài thì có tổng cộng khoảng 608.116 người nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc tính đến năm 2015. Con số này cho thấy rằng đây là một phần không thể thiếu của lực lượng lao động ngành công nghiệp ở Hàn Quốc.

[Kết hôn quốc tế biến Hàn Quốc thành quốc gia đa văn hóa]


Bước vào những năm 1990, cùng với những lao động nhập cư là sự gia tăng số lượng phụ nữ nhập cư theo diện kết hôn với người Hàn. Điều đó đã đưa Hàn Quốc thực sự bước vào kỷ nguyên đa văn hóa. Chị Anna, người Nga, chị Soo-hyun, người Indonesia nhập quốc tịch Hàn và chị Ngọc người Việt Nam là những phụ nữ như vậy. Có thể nói, việc kết hôn quốc tế của những người đàn ông nông thôn Hàn Quốc góp phần thúc đẩy yếu tố đa văn hóa. Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng trong những năm 1990 đã dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính trong cộng đồng nông thôn, buộc những người đàn ông ở đây phải tìm kiếm phụ nữ nước ngoài để lập gia đình. Nếu như vào năm 1990, tỷ lệ các cuộc hôn nhân quốc tế chỉ chiếm 1,2% tổng số các cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc, thì đến năm 2010, tỷ lệ này đã đạt 10%. Bình luận viên thời sự Choi Young-il nói: “Trong số những người nhập cư vào Hàn Quốc theo diện kết hôn thì người Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn nhất, với hơn 20% của tổng số các gia đình đa văn hóa. Con số này không bao gồm những người Trung Quốc gốc Hàn vốn chiếm khoảng 14% tổng số người nước ngoài tại Hàn Quốc. Nếu cộng lại cả người Trung Quốc gốc Hàn, số người nhập cư Trung Quốc nói chung chiếm khoảng 34% dân số người nước ngoài. Sau đó là người nhập cư từ Việt Nam với khoảng 16%. Ngoài ra còn có bộ phận thiểu số dân đến từ Philippines, Đông Âu, Tây Âu, Ả Rập, Mông Cổ, Ukraine. Có thể thấy, đất nước Hàn Quốc tuy nhỏ bé nhưng lại là nơi sinh sống của rất nhiều các dân tộc trên thế giới.”

[Chính phủ tích cực hỗ trợ gia đình đa văn hóa hòa nhập xã hội]


Cho đến thời điểm hiện tại, số lượng người nhập cư đến Hàn Quốc theo diện kết hôn đã đạt khoảng 300.000 người. Để giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở đây, Chính phủ và các đoàn thể dân sự đã tiến hành nhiều chương trình hỗ trợ cũng như các chính sách giáo dục đa dạng. Ở mỗi địa phương đều có một trung tâm đa văn hóa để giúp người nước ngoài học tiếng Hàn từ đó nâng cao khả năng giao tiếp. Ngoài ra còn có các hoạt động như khám sức khỏe, hướng dẫn chuẩn bị xin việc. Thậm chí có nơi còn cho lập cả một khu rừng nghỉ dưỡng dành cho các gia đình đa văn hóa. Một số phụ nữ nhập cư có dịp đến những nơi này đã không ngớt lời khen ngợi: “Rất, rất đẹp. Ở Philippines cũng có nhà giống y hệt vậy. Sau này tôi muốn cùng gia đình trở lại nơi đây. Tôi không thể về thăm quê hương thường xuyên, nên khi nhìn thấy những ngôi nhà mang dáng dấp nhà ở quê tôi, tôi thấy vui lắm.”

Cô Vitenko Anna, một phụ nữ nhập cư đến từ Nga, nói rằng chính nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của toàn xã hội, mà cuộc sống của những người nhập cư như cô đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. “Trong suốt thời gian 10 năm sau khi kết hôn, tôi đã được giúp đỡ rất nhiều ở đây. Hàn Quốc có nhiều trung tâm dành cho các gia đình đa văn hóa. Các thành viên của trung tâm rất nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi nhiều thứ, từ những hũ kimchi trong mùa kimjang (mùa muối kimchi chuẩn bị cho mùa đông), đến việc cùng làm bánh gạo tteok với chúng tôi trong dịp lễ tết. Ngoài ra còn có các lớp học cho trẻ em, các chuyến đi cắm trại cuối tuần cho các gia đình đa văn hóa. Tôi luôn luôn nói với chồng mình rằng Hàn Quốc là một đất nước tuyệt vời. Những người Hàn thân thiện ấy đã giúp tôi vơi bớt nỗi cô đơn trên đất khách quê người rất nhiều. Có thể nói là cuộc sống của tôi sau hôn nhân còn tốt hơn trước và tôi dự định sẽ sống ở đây cho đến hết đời.”

Với tỷ lệ kết hôn quốc tế tăng nhanh, thì số lượng trẻ em được sinh ra trong các gia đình đa văn hóa cũng ngày càng nhiều. Tính đến nay, đã có 200.000 thiếu niên dưới 18 tuổi như vậy. Chính sách giáo dục công của Hàn Quốc cũng ít nhiều được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình có thêm nhiều học sinh đa văn hóa: Chính phủ đã ban hành thêm nhiều chính sách dành cho các thanh thiếu niên đa văn hóa có khả năng nói cả tiếng Hàn và tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như tổ chức các kỳ cuộc thi song ngữ. Những chính sách này đã góp phần nuôi dưỡng những nhân tài mang hai dòng máu và là nền tảng cho thời đại toàn cầu hóa đang tới. Một số thanh thiếu niên đến từ các gia đình đa văn hóa cho biết: “Xin chào, cháu là Kim Esra. Cháu rất tự tin là có thể nói tiếng Philippines giỏi. Bên cạnh đó, cháu còn nói được tiếng Hàn và tiếng Anh nữa. Cháu tự hào về điều này. Đối với cháu, có cơ hội được sử dụng cả hai ngôn ngữ thật là tuyệt vời.”

Mặt khác, người nhập cư theo diện kết hôn nói riêng và người nước ngoài nói chung đã nhập quốc tịch Hàn Quốc cũng đang nỗ lực hết sức để hòa nhập với xã hội mới. Một ví dụ tiêu biểu là việc đổi sang tên họ theo tiếng Hàn để dễ gọi hơn so với tên gọi cũ của mình. Cô Saran Gerel là một phụ nữ Mông Cổ kết hôn và nhập cư vào Hàn Quốc từ năm 2007, đã tham gia kỳ thi lấy quốc tịch vào năm 2011 và sau khi thi đỗ thì cô cũng đổi tên mình thành Kim Sa-ra. Cô nói “Tôi nhận thấy việc để nguyên tên cũ sẽ gây bất tiện khi gọi, nên đã quyết định đổi tên.”

[Hàn Quốc hướng tới quốc gia đa văn hóa gương mẫu]


Hàn Quốc, đất nước chỉ có một dân tộc thuần nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, giờ đây đã thực sự trở thành một quốc gia đa văn hóa với những chính sách, điều luật mới gần gũi hơn với những người nước ngoài mới đến. Bình luận viên thời sự Choi Young-il nói: “Một xã hội đa văn hóa thì sẽ không thể tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn. Sẽ có lúc xuất hiện những vấn đề chưa từng xảy ra trước đó trong xã hội truyền thống. Đó là tính đa dạng về văn hóa của chính những cư dân cấu thành nên nó, là phương thức sinh hoạt, là ngôn ngữ khác nhau. Nếu chúng ta có thể tận dụng tốt tính đa dạng này trên cả phương diện nội dung và tinh thần, thì chắc chắn Hàn Quốc sẽ trở thành một cường quốc văn hóa, góp phần khẳng định thương hiệu quốc gia trên phạm vi toàn cầu.”

Trong bối cảnh biên giới giữa các nước ngày càng bị xóa nhòa, và việc giao lưu giữa các dân tộc diễn ra sôi nổi như hiện nay thì việc Hàn Quốc trở thành một quốc gia đa văn hóa là điều không mấy ngạc nhiên. Thông qua đó, người dân Hàn Quốc cũng được học hỏi thêm nhiều về các chính sách, luật pháp vượt ra ngoài biên giới nước mình để hướng đến một xã hội đa văn hóa cùng sinh sống hòa bình. Hàn Quốc đã nhận được sự quan tâm của thế giới trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, và giờ đây đất nước này lại đã và đang xây dựng nên một thế giới thu nhỏ trong lòng quốc gia.