Discover Korea

Phần 2 : Jeonju, nơi chứa đựng giá trị truyền thống của
dân tộc Hàn

Quý vị và các bạn thân mến, được bước vào một xứ sở mới mẻ khám phá biết bao điều lạ lẫm rồi quen biết bao con người thú vị hẳn trong lòng chúng ta ai nấy đều cảm thấy thích thú, hào hứng đúng không nào? Hơn ai hết, Afrizal Kurniawan, cậu bạn người Indonesia đã may mắn giành được giải nhất cuộc thi ký sự giả tưởng “Hàn Quốc, điểm đến của tôi” là người thấm nhuần điều này hơn cả. Bởi chàng trai trẻ ấy đã có những khoảng thời gian vô cùng vui vẻ ý nghĩa và đáng nhớ trong hành trình khám phá xứ sở Kimchi vào đúng tháng 9 mùa thu quyến rũ của đất nước này. Hãy cùng tiếp tục theo bước chân của chàng trai trẻ 20 tuổi ấy khám phá vẻ đẹp thực sự của đất nước Hàn Quốc các bạn nhé!

[Chào mừng đến với Jeonju!]

Chỉ mất chưa đầy 3 tiếng khởi hành từ Seoul, băng qua chiếc cổng thu phí hình mái ngói, là chúng ta đã đến được thành phố Jeonju, nơi khởi nguồn của vương triều Joseon lừng lẫy suốt 500 năm trong lịch sử Hàn Quốc. Đây cũng là quê hương của ẩm thực xứ Hàn với nhiều món ăn tiêu biểu hay các giá trị văn hóa nghệ thuật như điệu hát kể chuyện Pansori nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đặc biệt, trong cuốn sách du lịch uy tín “Michelin Guide”, bản phát hành tại Pháp, làng nhà truyền thống Hanok Jeonju đã vinh dự nhận được 3 sao, mức đánh giá cao nhất dựa trên tiêu chí của cuốn sách này. Và đây cũng chính là điểm dừng chân của chàng sinh viên Afrizal.

Một ngôi nhà truyền thống với những căn phòng theo phong cách cổ luôn là nơi mà Afrizal muốn được ở thử một lần mỗi khi xem các bộ phim cổ trang Hàn Quốc. Cho nên, ngay khi biết mình sẽ được đến thăm Jeonju, cậu lập tức lên mạng để đặt phòng tại nhà trọ có cái tên là “Thư trai Lee Taek-gu”. Bước qua cánh cổng cao của nhà trọ, Afrizal bắt gặp hai dãy phòng có hệ thống sàn sưởi Ondol nằm liền kề và vuông góc với các khung cửa giấy được điểm xuyết bởi hình những chiếc lá phong khơi gợi hương vị mùa thu. Thư thả ngồi trong căn phòng ấm cúng, hướng mắt nhìn ra khu vườn được bố trí quy củ và nghe tiếng nước róc rách phát ra từ chiếc bánh xe chuyền nước gần đó, Afrizal có thể cảm nhận được phần nào những nét đặc trưng của một ngôi nhà Hanok.

[Khám phá điện Gyeonggi và nhà thờ Jeondong]

Afrizal có một cuộc hẹn quan trọng với chuyên gia văn hóa Gang Jin-sook, người sẽ giới thiệu cho cậu về làng nhà truyền thống này. Nhanh chân hướng về Trung tâm thông tin du lịch nằm trên đường Taejo (tức là Thái Tổ), từ xa Afrizal đã nhận ra gương mặt niềm nở của chuyên gia Gang Jin-sook. Với tâm trạng háo hức, Afrizal liền cùng bà leo lên đài quan sát Omokdae (Ngô Mộc Đài) nằm trên ngọn đồi đối diện chỗ hẹn. Hiện ra trước mắt Afrizal giờ đây là khoảng 800 mái nhà san sát nhau, nơi che nắng che mưa của gần 3.000 người dân của ngôi làng cổ Hanok.

Điểm dừng chân đầu tiên của Afrizal là điện Gyeonggi (Khánh Cơ), được hiểu là ngôi điện được xây trên mảnh đất hạnh phúc và được hoàn thành năm 1410. Sau khi thiết lập vương triều, Thái Tổ Yi Seong-gye, vị vua đầu tiên sáng lập nên vương triều Joseon, đã cho xây dựng điện Gyeonggi để khuyếch trương thanh thế và đây là công trình mang kiến trúc cung đình duy nhất ở mạn phía Nam sông Hàn. Chậm rãi từng bước chân tiến sâu vào chốn tôn nghiêm, thành kính này, chẳng mấy chốc bức vẽ vua Yi Seong-gye đã hiện ra thật uy nghi trước mắt Afrizal. Bức tranh vẽ vua đang ngồi trên ngai vàng và mặc áo long bào màu xanh với các họa tiết thêu hình rồng vàng trên vai và trước ngực.

Và khi ra khỏi điện Gyeonggi, băng qua đường Teajo, hiện ra trước mắt cậu giờ là nhà thờ Jeondong (Điện Động). Với lối kiến trúc pha trộn giữa phong cách Byzantine và Rô-măng, nhà thờ Jeondong là công trình mang kiến trúc phương Tây cận đại duy nhất còn sót lại ở vùng Honam mà ngày nay thuộc 2 tỉnh Nam Jeolla và Bắc Jeolla.

[Ẩm thực Jeonju đậm đà và hào phóng]

Nhà hàng Baekbanjip hứa hẹn sẽ là nơi mà Afrizal được thưởng thức một trong những bữa ăn thịnh soạn nhất từ trước đến giờ. Và đúng như ý nghĩa của cái tên “nhà hàng cơm trắng”, nơi đây phục vụ rất nhiều món ăn thường nhật của người Hàn cùng món cơm trắng đặc biệt cho thực khách. Hôm nay, Afrizal đã được dịp thưởng thức một bữa ăn truyền thống thịnh soạn với những món ăn cung đình thời Joseon, đúng kiểu mà các bậc vua quan, chức sắc xưa thường dùng trong các buổi yến tiệc. Bằng một thực đơn pha trộn sự khéo tay và tình cảm của người đầu bếp như thế, Jeonju hoàn toàn xứng đáng khi được lựa chọn là “Thành phố sáng tạo ẩm thực UNESCO” lần thứ 4 trên thế giới.

Được mệnh danh là thành phố của du lịch ẩm thực, đến với Jeonju, du khách sẽ được nến thử vô vàn các món ăn tiêu biểu của xứ Hàn. Và theo như lời truyền tụng và khen tặng của các du khách từng ghé qua đây, nếu xét về mức độ hào phóng và dồi dào của thức ăn thì nhà hàng Baekbanjip là số 1. Chính tính cách hào sảng của người nấu và sự phóng khoáng của du khách đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành và duy trì nét văn hóa ẩm thực đặc trưng nơi đây.

[Những con đường kỳ bí ở làng nhà truyền thống Hanok]

Theo chân chuyên gia Gang Jin-sook, Afrizal được dẫn vào những con đường vẫn còn lưu lại nhiều dấu tích của lịch sử và cuộc sống của người dân nơi đây. Con đường phía sau điện Gyeonggi là đường tường đất, đường cây ngân hạnh… cứ hết con đường này lại đến con đường khác, nối và cắt nhau chằng chịt để hình thành nên một thành phố yên ả và thanh bình. Cuộc sống diễn ra rất đỗi nhẹ nhàng, mộc mạc, có thể đánh thức mọi cảm xúc sâu sắc nhất trong tâm hồn con người. Có lẽ chính bởi điều này mà Jeonju được gọi là “Thành phố chậm (Slow City)” đầu tiên trên thế giới.

Vốn dĩ, các bức tường rào luôn được dùng để ngăn cách không gian này với không gian khác. Nhưng bạn sẽ chẳng thể tìm được một tường rào nào như vậy ở làng nhà truyền thống Hanok này. Dù bạn có là người lạ đi ngang qua thì cũng đều sẽ nhận được cái nhìn thịnh tình của chủ nhà từ phía bên trong tường. Hoặc nếu tò mò về những thứ lấp ló phía sau bức tường thấp ấy, bạn cũng có thể vô tư bước vào để khám phá mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Khi không gian dần chìm vào bóng đêm cũng là lúc lịch trình của hôm nay sắp kết thúc.

[Chìm đắm trong không gian nghệ thuật truyền thống]

Từ biệt chuyên gia Gang Jin-sook, Afrizal hướng bước chân về phía nhà trọ. Và rồi bỗng từ Trung tâm văn hóa hát kể chuyện Pansori Jeonju phát ra những âm thanh nghe thật vui nhộn, khiến cậu không thể không chú ý. Đó chính là buổi biểu diễn tấu nhạc truyền thống và hát kể chuyện Pansori. Ngoài “Lễ hội hát kể chuyện Pansori quốc tế Jeonju” được tổ chức hàng năm thì Jeonju còn thường xuyên có các đêm diễn lớn nhỏ quanh năm để phục vụ du khách.

Bắt đầu tháng 6 năm nay, cứ vào tối thứ Sáu hàng tuần là Trung tâm lại biểu diễn vở hát kể chuyện Pansori Xuân Hương ca. Tham dự vở diễn hôm nay có gần 200 khán giả, đang vô cùng háo hức chờ đón giờ khai màn. Trong suốt vở diễn, khán giả đã không ít lần hò reo và ca hát theo để khích lệ các nghệ sĩ. Ngược lại, nghệ sĩ cũng dùng lời ca tiếng hát của mình để làm lay động mọi ngóc ngách tâm hồn khán giả. Thỉnh thoảng, khán giả lại được những tràng cười sảng khoái với những trích đoạn tấu hài đặc trưng của lối hát kể chuyện Pansori.

Nhen nhóm ý định muốn học về âm nhạc truyền thống của xứ Hàn, Afrizal đã mạnh dạn mon men tìm đến bắt chuyện với một nghệ sĩ trạc tuổi mình. Không một chút ái ngại, Kim Gwang-mok, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất của khoa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, người mà Afrizal vừa bắt chuyện, đã nhiệt tình hướng dẫn anh bạn của chúng ta cách thổi phèng Kkwaenggwari. Sau vài lần đánh thử, cuối cùng Afrizal cũng phần nào chinh phục được loại nhạc cụ này. Mặc dù vậy thì còn rất lâu anh bạn của chúng ta mới điêu luyện được như Kim Gwang-mok. Ngày đầu tiên thăm thú Jeonju kết thúc tại đây.

[Một ngày đáng nhớ với việc làm nho sinh và trải nghiệm nghề làm giấy Hanji]

Afrizal bắt đầu ngày thứ hai ở Jeonju của mình bằng việc thẳng hướng đến một ngôi trường cổ của Jeonju mang tên Minh Luân Đường. Ngày nay, nó đã được sử dụng như một ngôi trường dạy về văn hóa truyền thống và vẫn là nơi lui tới để học tập cũng như tiếp nối truyền thống Nho học của khoảng 700 nho sinh khắp cả nước với nhiều hoạt động sôi nổi. Hôm nay, Afrizal đã tỏ ra vô cùng thích thú khi được mặc lên người bộ trang phục truyền thống trông chẳng khác gì các nho sinh xưa. Sau khi đã chỉnh trang y phục, Afrizal được quản lý Kim Chun-won hướng dẫn về các nghi thức quỳ lạy trong Nho giáo.

Và hoạt động tiếp theo hứa hẹn sẽ để lại cho bạn ấy rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đó là trải nghiệm công việc làm giấy truyền thống Hanji tại Trung tâm nghệ nhân thủ công mỹ nghệ thành phố Jeonju. Từ gỗ cây dâu tằm Hàn Quốc, trải qua quá trình gọt cắt, sàng lọc… tốn rất nhiều công sức mới có thể tạo ra được một sản phẩm bền đẹp và đa công dụng là giấy Hanji. Trải qua hàng nghìn năm, nghề làm giấy Hanji vẫn được giữ gìn và loại giấy này vẫn là một mặt hàng thủ công rất có giá trị. Afrizal đã dùng những cánh hoa để tạo nên 3 chữ “I Love Korea” trên mảnh giấy Hanji của mình như để lưu giữ lại tình yêu đối với đất nước này. Và đây cũng là hoạt động cuối cùng, điểm dừng chân cuối cùng của chuyến khám phá Hàn Quốc của chàng trai Indonesia dễ mến. Sau đây là những cảm nhận chân thành của Afrizal : “Khi ở Indonesia, nhắc đến Hàn Quốc là tôi nghĩ ngay đến âm nhạc hay phim ảnh, nhưng khi được đến đây rồi tôi đã may mắn hiểu thêm được rất nhiều điều về văn hóa, cuộc sống và sức sống tràn trề của xứ sở này. Đây quả là một chuyến du lịch thú vị đúng như tên gọi của cuộc thi: “Hàn Quốc, điểm đến của tôi”. Tôi rất thích làm các video clip. Lần này quay về nhất định tôi sẽ dùng các hình ảnh mà mình đã chụp được để làm một video clip và tải lên mạng. Tôi có rất nhiều người bạn quan tâm đến đất nước Hàn Quốc. Chắc chắn rằng, sau khi xem video clip của tôi họ sẽ rất tò mò và muốn thám hiểm mảnh đất tươi đẹp này nhiều hơn”.

Hành trình khám phá Hàn Quốc của Afrizal Kurniawan đã khép lại nhưng video clip mà bạn ấy hứa sẽ thực hiện chắc chắn trở thành nguồn động lực to lớn để nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới tiếp tục viết tiếp những hành trình mới trên đất nước thơ mộng này. Hàn Quốc còn rất nhiều điều mới mẻ và người dân nơi đây luôn hiếu khách, dang rộng vòng tay chào đón mọi du khách. Hãy cứ tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu dành cho Hàn Quốc và biết đâu một này không xa, bạn sẽ là vị khách mời tiếp theo của Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS World Radio.