Bình luận

Trang chủ > Bình luận

Ứng cử viên Tổng thống các đảng khẩu chiến về vấn đề an ninh và chính trị

Thời sự qua góc nhìn KBS2017-04-24
Ứng cử viên Tổng thống các đảng khẩu chiến về vấn đề an ninh và chính trị

Buổi tranh luận trên truyền hình thứ ba giữa ứng cử viên năm đảng chính tại Hàn Quốc đã được phát sóng vào hôm 23/4 trên các kênh truyền hình Hàn Quốc. Buổi tranh luận lần này do Ủy ban quản lý bầu cử trung ương Hàn Quốc chủ trì và cũng được tiến hành theo hình thức “thảo luận đứng”, tương tự buổi tranh luận được đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) tổ chức hôm 19/4.

Tranh luận về vấn đề Bắc Triều Tiên
Trước câu hỏi đầu tiên về mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ứng cử viên đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in cho biết ông đã nắm rõ kế hoạch thực hiện dẫn dắt ngoại giao đa phương, xóa bỏ hoàn toàn hạt nhân miền Bắc, và chuyển đổi mối quan hệ hai miền Nam-Bắc thành một mối quan hệ hòa bình, cùng hợp tác kinh tế và phát triển thịnh vượng. Trong khi đó, ứng cử viên Đảng vì Nhân dân Ahn Cheol-soo cho biết sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, vừa thuyết phục vừa yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cùng hợp tác áp đặt biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ông cũng nhấn mạnh Hàn Quốc phải giữ vai trò đầu tàu trong vấn đề miền Bắc đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Ứng cử viên Tổng thống Hong Jun-pyo của đảng Hàn Quốc tự do khẳng định mạnh mẽ rằng không thể để cho phe tả khuynh nắm quyền điều hành đất nước, đồng thời nhấn mạnh sẽ thực hiện chiến thuật hạt nhân, nhằm cân bằng khả năng hạt nhân của Hàn Quốc so với miền Bắc, và theo đuổi chính sách vũ trang hòa bình bằng việc giành ưu thế về sức mạnh quân sự. Ứng cử viên đảng Chính nghĩa Yoo Seung-min cho rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc cần phải có thái độ không chấp nhận hạt nhân và tên lửa miền Bắc, cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải bố trí lá chắn tên lửa đánh chặn tầm trung cao THAAD tại Hàn Quốc, thôi thúc Trung Quốc hợp tác trong cấm vận, gây áp lực đối với miền Bắc, đồng thời sẽ hợp tác chiến lược với Mỹ. Ứng cử viên Tổng thống Sim Sang-jung của đảng Công lý đã đưa ra chiến lược giải trừ hạt nhân theo hai giai đoạn. Đó là phong tỏa Bắc Triều Tiên tiến hành thêm các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa trong tương lai, rồi thực hiện xoa dịu căng thẳng trong quan hệ liên Triều để loại bỏ hạt nhân đã được phát triển.

Tranh cãi về nghi ngờ miền Nam bác nghị quyết nhân quyền miền Bắc của Liên hợp quốc theo yêu cầu miền Bắc
Khẩu chiến giữa các ứng cử viên đã lên mức đỉnh điểm khi tranh cãi về nghi ngờ Chính phủ Tổng thống Roh Moo-hyun, thời ông Moon Jae-in từng giữ chức Chánh văn phòng Phủ tổng thống, đã hỏi ý kiến của miền Bắc trước khi tiến hành bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc. Ông Hong Jun-pyo và Yoo Seung-min đồng loạt cho rằng ứng cử viên Moon đang nói sai sự thật, trong khi ứng cử viên Moon bác bỏ, nhận định đây là một đòn công kích vô căn cứ rằng ông thiên về miền Bắc.

Phương án thu nhỏ quyền lực của Tổng thống
Về thể chế chính trị, các ứng cử viên Tổng thống đều chung nhận định sự cần thiết phải thu hẹp lại quyền hạn của Tổng thống, nhưng, mỗi ứng cử viên lại có những phương án riêng. Ứng cử viên Moon cho biết nên giảm quyền hạn của Tổng thống bằng việc tăng cường vai trò của Thủ tướng và các Bộ trưởng, tức áp dụng chế độ Tổng thống phân quyền, trong khi ứng cử viên Ahn nhận định cần thu hẹp quyền hạn của Tổng thống thông qua việc sửa đổi Hiến pháp. Ứng cử viên Hong cho biết Phủ Tổng thống sẽ chỉ đảm nhiệm đề cử ứng cử viên bộ trưởng và thứ trưởng. Ông Yoo khẳng định cần phải xóa bỏ vị trí các cố vấn và trợ lý Phủ Tổng thống. Ứng cử viên Sim cam kết sẽ phát sóng trực tiếp các buổi họp báo hàng tuần.
Về số phận của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc, các ứng cử viên lại có ý kiến trái chiều nhau. Ông Moon và bà Sim cho rằng phải xóa bỏ bộ phận tình báo trong nước. Ông Ahn cũng nhấn mạnh cần phải cấm cơ quan này can thiệp vào tình hình chính trị trong nước. Ngược lại, ứng cử viên Hong lại chỉ ra rằng cần phải tăng cường chức năng điều tra tình báo trong nước, trong khi ông Yoo lại khẳng định phải cho phép cơ quan này thu thập thông tin trong nước, nhưng chỉ giới hạn ở mục tiêu chống khủng bố.
Buổi tranh luận do Ủy ban quản lý bầu cử trung ương chủ trì sẽ diễn ra thêm hai lần nữa vào ngày 28/4 với chủ đề về kinh tế, và ngày 5/2 bàn luận về các vấn đề dân sinh, xã hội.

Tin mới nhất