Tin tức từ Pyeongchang

Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Bắc Triều Tiên dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang
Bắc Triều Tiên đã quyết định cử Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yong-chol tới dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc, diễn ra vào hôm 25/2 tới. Trong khi đó, đoàn đại biểu Mỹ tới thăm Hàn Quốc lần này có Trợ lý phụ trách vấn đề bán đảo Hàn Quốc của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) Nhà Trắng Allison Hooker. Trước đây, ông Hooker từng có cuộc gặp với ông Kim Yong-chol. Theo đó, dư luận đặc biệt quan tâm về khả năng diễn ra một cuộc tiếp xúc Triều-Mỹ nhân cơ hội này. Đoàn đại biểu miền Bắc dự lễ bế mạc Olympic Đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên do ông Kim Yong-chol làm trưởng đoàn gồm Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon và sáu quan chức tháp tùng khác, dự kiến sẽ đến miền Nam theo đường bộ Gyeongui tại biên giới phía Tây, nối thủ đô Seoul của miền Nam và thành phố Sinuiju của miền Bắc. Ông Kim Yong-chol còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch Mặt trận thống nhất đảng Lao động. Mặt trận thống nhất là một cơ quan có nhiệm vụ xây dựng một mặt trận thống nhất giữa Bắc Triều Tiên với các thế lực khác để thực hiện mục tiêu và chiến lược của đảng Lao động nước này. Đây là một trong những cơ quan đóng vai trò trọng tâm trong đảng Lao động miền Bắc, bao quát các chính sách đối với miền Nam của Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, trong đoàn đại biểu miền Bắc tới miền Nam lần này còn có ông Ri Son-kwon, người từng đảm nhiệm vị trí trưởng đoàn Bắc Triều Tiên trong cuộc hội đàm cấp cao liên Triều diễn ra hôm 9/1 vừa qua. Theo đó, những nhân vật đảm trách chính sách với miền Nam của Bắc Triều Tiên đều sẽ có mặt tại Hàn Quốc nhân lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Phản ứng của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Về thông tin trên, Bộ Thống nhất cho biết chuyến thăm của đoàn đại biểu miền Bắc dự lễ bế mạc Olympic sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, gồm quan hệ liên Triều và việc phi hạt nhân hóa. Căn cứ vào những gương mặt trong đoàn đại biểu miền Bắc, nhiều khả năng hai bên sẽ thảo luận một cách sâu rộng về quan hệ liên Triều sau Olympic PyeongChang. Một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ có cuộc gặp với đoàn đại biểu miền Bắc. Ngoài ra, có khả năng sẽ diễn ra các cuộc gặp riêng giữa Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) Suh Hoon, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung-kyun với ông Kim Yong-chol và Ri Son-kwon. Truyền thông liên tục đưa tin rằng không có khả năng các quan chức miền Bắc sẽ gặp cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump trong thời gian bà tới thăm Hàn Quốc nhân dịp lễ bế mạc Olympic PyeongChang. Tuy nhiên, do ông Allison Hooker là một thành viên tháp tùng không chính thức chuyến thăm này của bà Ivanka Trump, nên có thể vị quan chức này sẽ có cuộc tiếp xúc kín với phía miền Bắc. Được biết, ông Hooker cũng từng tháp tùng không chính thức Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang. Trước đó, ông Hooker cũng từng có mặt trong đoàn tháp tùng cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper tới thăm miền Bắc vào tháng 11 năm 2014. Khi đó, ông Clapper đã đàm phán với Tổng Cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên về việc trả tự do cho hai công dân Mỹ, trong đó có công dân Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae (tên tiếng Hàn là Bae Jun-ho). Tranh cãi Chuyến thăm miền Nam của ông Kim Yong-chol sắp tới cũng là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Ông Kim Yong-chol là nhân vật bị đưa vào danh sách đen cấm vận riêng của Hàn Quốc và Mỹ. Ngoài ra, vào năm 2010, ông này từng giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng cục trinh sát Bắc Triều Tiên và được cho là người chỉ đạo quân đội miền Bắc đánh chìm tuần dương hạm Cheonan của miền Nam, khiến 46 binh lính hải quân Hàn Quốc thiệt mạng.
2018-02-23

Thời sự qua góc nhìn KBS

Ái nữ Tổng thống Mỹ Ivanka Trump sẽ dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang
Cố vấn Ivanka Trump dùng tiệc tối với Tổng thống Moon Jae-in sau khi đến Hàn Quốc Con gái của Tổng thống Mỹ, đồng thời cũng là cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump hôm 23/2 sẽ đến Hàn Quốc trong hai ngày ba đêm với tư cách là trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Mỹ tham dự lễ bế mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Phía Washington cho biết cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump sẽ có buổi tiệc tối cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay sau khi đến Seoul. Cố vấn Ivanka sẽ đến theo dõi các trận thi đấu, tham dự lễ bế mạc Olympic PyeongChang trong ngày 25/2, sau đó sẽ trở về nước vào hôm 26/2. Đoàn đại biểu của Mỹ đến Hàn Quốc lần này gồm có Thượng nghị sĩ James Risch, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc Vincent Brooks, Đại sứ Mỹ tạm thời tại Hàn Quốc Mark Knapper, cựu vận động viên quốc gia Mỹ môn xe trượt băng lòng máng (Bolsleigh) Shauna Rohbock. “Chuyến thăm Hàn Quốc của Ivanka Trump chỉ tập trung vào Olympic PyeongChang” Chuyến thăm Hàn Quốc của cố vấn Ivanka Trump gây sự chú ý của dư luận trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc bắt đầu chuyển sang đối thoại cũng như Washington đang tăng cường gây áp lực về thương mại với Seoul. Bởi Ivanka là người thấu hiểu rõ nhất tâm tư của cha cô, Tổng thống Donald Trump. Do đó, nhiều dự đoán cho rằng Ivanka có thể sẽ chuyển một thông điệp nào đó của Tổng thống Mỹ về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và vấn đề thương mại với Hàn Quốc. Trong khi đó, Washington nhấn mạnh rằng lịch trình chuyến thăm Seoul của cố vấn Ivanka Trump chỉ tập trung vào Olympic PyeongChang. Tờ Bưu điện Washington đã dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chuyến thăm Hàn Quốc của phái đoàn Mỹ lần này không có kế hoạch liên quan tới vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng. Lịch trình của chuyến thăm chủ yếu là tập trung theo dõi các trận thi đấu, trao đổi với các vận động viên và cổ động viên Mỹ tham gia Olympic PyeongChang. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng phủ nhận thông tin đoàn đại biểu Mỹ sẽ có cuộc gặp với những người phụ nữ trốn khỏi Bắc Triều Tiên như báo chí đã đưa trước đó. Dự đoán Mặc dù vậy, xét tình hình vấn đề hạt nhân miền Bắc và quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ gần đây, dư luận không thể không chú ý đến những động thái của cố vấn Ivanka Trump tại chuyến thăm Seoul lần này. Đặc biệt, trước đó, Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cử em gái mình là bà Kim Yo-jong, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động, làm đặc phái viên sang miền Nam dự Olympic PyeongChang, khiến cả thế giới phải chú ý. Có thể nói, cả Ivanka Trump và Kim Yo-jong đều được xem là những nhân vật đặc biệt, được giao phó trọng trách ngoại giao đại diện cho Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ivanka Trump được biết đến như là một cố vấn về chính trị và là “cánh tay đắc lực” của Tổng thống Donald Trump. Do đó, chuyến thăm Hàn Quốc của Ivanka Trump được dự đoán là nhằm xác nhận lập trường của Tổng thống Donald Trump về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, đồng thời cũng nhằm tìm hiểu và truyền tải lập trường của Seoul với Washington.
2018-02-22

Thời sự qua góc nhìn KBS

Khai mạc Olympic PyeongChang 2018
Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 chính thức mở màn vào lúc 8 giờ tối ngày 9/2, với khẩu hiệu “Đam mê kết nối”. Thế vận hội lần này sẽ diễn ra trong vòng 17 ngày, với sự tham gia của hơn 2.900 vận động viên đến từ 92 quốc gia trên thế giới, cạnh tranh 102 huy chương vàng. Đây là kỳ Olympic có số lượng quốc gia và vận động viên tham dự cao kỷ lục. Lịch sử đăng cai Thế vận hội của Hàn Quốc Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai một kỳ Thế vận hội, 30 năm sau kỳ Thế vận hội đầu tiên là Olympic mùa hè Seoul 1988. Hàn Quốc lần đầu tham gia Olympic mùa đông là vào kỳ Thế vận hội St.Moritz (Thụy Sĩ) năm 1948. Như vậy là sau 70 năm, Hàn Quốc mới lần đầu đóng vai trò là nước chủ nhà của một kỳ Thế vận hội mùa đông. Đây là kỳ Olympic mùa đông thứ hai được tổ chức tại châu Á, nơi vốn được coi là “mảnh đất cằn cỗi” của các bộ môn thể thao mùa đông. Kỳ Olympic mùa đông đầu tiên diễn ra tại châu Á là Olympic Nagano Nhật Bản năm 1998, cách đây vừa tròn 20 năm. Như vậy là Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới từng đăng cai cả bốn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, là Olympic mùa hè, Olympic mùa đông, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup và Giải vô địch điền kinh thế giới. Bốn nước khác từng có vinh dự này là Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Tại kỳ Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, đoàn thể thao Hàn Quốc gồm 146 vận động viên, tham gia toàn bộ 15 bộ môn thi đấu. Số lượng vận động viên tham dự lần này cao gấp đôi so với kỳ Olympic Sochi (Nga) năm 2014 trước đó. Đoàn thể thao nước chủ nhà đặt mục tiêu giành tổng cộng tám huy chương vàng, bốn huy chương bạc và tám huy chương đồng, đứng thứ tư toàn đoàn. Đây là mục tiêu cao kỷ lục xét cả về số lượng huy chương vàng và tổng số huy chương. Ý nghĩa Sự tham dự của Bắc Triều Tiên sau một loạt những căng thẳng liên quan tới mối đe dọa hạt nhân Bình Nhưỡng đã khiến Olympic lần này mang một ý nghĩa lớn, trở thành một Thế vận hội hòa bình. Hai miền Nam-Bắc đã nhất trí hợp nhất đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ, và lần đầu tiên đoàn thể thao hai nước cùng tiến vào lễ khai mạc một sự kiện thể thao sau 11 năm. Mỹ có tổng cộng 240 vận động viên tham dự, trở thành quốc gia có số lượng vận động viên tham dự đông nhất trong lịch sử các kỳ Olympic mùa đông. Ngoài ra, Thế vận hội lần này còn có sự góp mặt của sáu quốc gia, chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, lần đầu tham dự Olympic mùa đông, khiến sự kiện này càng tăng thêm phần ý nghĩa. Các quốc gia trên bao gồm Ecuador, Malaysia, Singapore, Eritrea, Kosovo, Nigeria. Về nội dung thi đấu, nội dung Parallel Giant Slalom môn trượt ván tuyết được loại bỏ. Các nội dung được bổ sung mới gồm Big Air nam, nữ môn trượt ván tuyết, xuất phát đồng loạt (Mass Start) nam, nữ môn trượt băng tốc độ, nội dung đồng đội hỗn hợp nam nữ môn trượt tuyết đổ đèo và nội dung đôi nam nữ môn bi đá trên băng.
2018-02-09

Thời sự qua góc nhìn KBS

Liên hợp quốc xem xét miễn trừng phạt với Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên
Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên kêu gọi các nước thành viên miễn trừng phạt tạm thời với ông Choi Hwi Đại sứ Hà Lan tại Liên hợp quốc Karel van Oosterom kiêm Chủ tịch Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên hôm 7/2 cho biết đã gửi đơn đệ trình của Hàn Quốc lên các thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về yêu cầu miễn cấm vận tạm thời cho Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Choi Hwi đến các nước thành viên và đề nghị các nước này thông báo câu trả lời cho đến 5 giờ sáng ngày 9/2 (theo giờ Hàn Quốc). Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên là một cơ quan trực thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, phụ trách giám sát việc thực hiện biện pháp trừng phạt miền Bắc của các nước thành viên. Hội đồng bảo an gồm 15 nước thành viên, do đó để được thông qua miễn giảm trừng phạt cần phải có sự chấp thuận của toàn bộ các nước thành viên. Nếu không có ý kiến phản đối nào cho đến thời hạn trên (tức 5 giờ sáng ngày 9/2 theo giờ Hàn Quốc), Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Choi Hwi sẽ được phép thăm Hàn Quốc. Ông Choi Hwi là một trong những thành viên đoàn đại biểu cấp cao của Bắc Triều Tiên đến tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc. Seoul yêu cầu Liên hợp quốc miễn trừng phạt ông Choi Hwi Trước đó, cũng trong ngày 7/2, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức gửi đơn đệ trình yêu cầu Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên xem xét miễn giảm cấm vận cho ông Choi Hwi. Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên Choi Hwi là đối tượng bị cấm nhập cảnh vào các nước thành viên của Liên hợp quốc theo nghị quyết cấm vận miền Bắc số 2356 của Hội đồng bảo an được thông qua vào ngày 2/6 năm 2017 nhằm đáp trả hàng loạt các động thái phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Trong đơn đệ trình, Seoul nhấn mạnh chuyến thăm Hàn Quốc của đoàn đại biểu cấp cao Bắc Triều Tiên là cơ hội để làm giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc. Yêu cầu tạm thời loại ông Choi Hwi ra khỏi danh sách cấm vận là căn cứ vào điều khoản ngoại lệ được quy định trong nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an rằng xét theo từng trường hợp cụ thể, Ủy ban cấm vận Bắc Triều Tiên có thể miễn trừ các biện pháp trừng phạt miền Bắc đã được thông qua trong thời gian qua. Điều khoản này đã được nêu rõ trong nghị quyết cấm vận số 2397 được Liên hợp quốc thông qua vào ngày 22/12 năm ngoái. Dự đoán Đoàn đại biểu cấp cao của Bắc Triều Tiên do Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam dẫn đầu sẽ thăm Hàn Quốc từ ngày 9/2 đến 11/2. Trong đoàn đại biểu cấp cao miền Bắc tham dự Olympic PyeongChang, ngoài ông Choi Hwi tham dự với tư cách là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo thể thao quốc gia, còn có Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Bắc Triều Tiên Ri Son-kwon, và em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un bà Kim Yo-jong, hiện cũng đang giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động. Theo đó, nhiều chuyên gia đánh giá rằng vũ đài ngoại giao bên lề Olympic PyeongChang lần này đã trở lên rộng lớn hơn. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có khả năng cao sẽ gặp đoàn đại biểu cấp cao của Bắc Triều Tiên. Khả năng về cuộc tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ-Triều cũng được đề cập đến, nhưng Bình Nhưỡng đã bác bỏ điều này. Gần đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng tuyên bố việc thỏa hiệp và nhân nhượng với Bắc Triều Tiên chỉ dẫn đến sự khiêu khích. Mặc dù vậy, với cơ hội lần này, dư luận hết sức quan tâm liệu rằng sẽ có diễn biến tích cực nào giữa Washington và Bình Nhưỡng hay không.
2018-02-08

Thời sự qua góc nhìn KBS

Lần thứ tư miền Bắc gửi đoàn cổ động viên đến miền Nam
Đoàn cổ động viên và biểu diễn môn Taekwondo Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc Đoàn cổ động viên và đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo của Bắc Triều Tiên gồm 280 người đã đến Hàn Quốc theo tuyến đường bộ Gyeongui. Vào lúc 9 giờ 28 phút hôm 7/2, đoàn này đã tới Văn phòng xuất nhập cảnh liên Triều ở ga Dorasan, Hàn Quốc. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, đoàn đã di chuyển đến nơi ở tại tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế vận hội Olympic mùa đông PyeongChang, bằng xe buýt. Nhóm miền Bắc lần này gồm 229 cổ động viên, 26 vận động viên biểu diễn môn võ Taekwondo, và 21 nhà báo, phóng viên. Ngoài ra, trong đoàn còn có Bộ trưởng Thể thao kiêm Chủ tịch Ủy ban Olympic Bắc Triều Tiên (NOC) Kim Il-guk và ba người thuộc ủy ban này. Trước đó vào hôm 17/1, cuộc họp chuyên viên cấp Thứ trưởng liên Triều đã nhất trí việc Bắc Triều Tiên gửi đoàn cổ động viên và đoàn biểu diễn môn Taekwondo đến Hàn Quốc trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang. Sau 13 năm kể từ Giải vô địch điền kinh châu Á được tổ chức tại thành phố Incheon, Hàn Quốc vào năm 2005, đây là lần thứ tư đoàn cổ động viên miền Bắc đến miền Nam. Những lần trước đó Bắc Triều Tiên gửi đoàn cổ động viên tới Hàn Quốc là tại Đại hội thể thao châu Á 2002 tại Busan và Đại hội thể thao sinh viên Universiade mùa hè Daegu năm 2003. Nhóm cổ động miền Bắc sẽ cổ vũ các trận thi đấu của vận động viên nước này, cũng như cổ vũ cho đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất giữa hai miền Nam-Bắc. Bên cạnh đó, được biết đoàn cổ động viên miền Bắc cũng sẽ xem và cổ vũ trong một số trận thi đấu có các vận động viên Hàn Quốc tranh tài. Lịch trình đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo miền Bắc Trong khi đó, đoàn biểu diễn môn võ Taekwondo miền Bắc dự kiến sẽ trình diễn chung bốn lần với các võ sĩ miền Nam. Đầu tiên là trình diễn trước lễ khai mạc Olympic PyeongChang vào hôm mùng 9/2. Tiếp đó, đoàn sẽ trình diễn tại thành phố Sokjo, tỉnh Gangwon vào ngày 10/2, ở Tòa thị chính Seoul vào hôm 12/2 và trụ sở Đài truyền hình MBC tại phường Sangam, quận Mapo, Seoul vào hôm 14/2. Hầu hết các đoàn tham dự Olympic PyeongChang của miền Bắc đã đến Hàn Quốc Như vậy, ngoài đoàn đại biểu cấp cao, các đoàn tham dự Olympic PyeongChang của Bắc Triều Tiên đều đã đến Hàn Quốc. Trước đó, hôm 25/1, đoàn vận động viên khúc côn cầu trên băng nữ của miền Bắc đã là đoàn đầu tiên đến Hàn Quốc thông qua tuyến đường bộ Gyeongui. Các vận động viên còn lại của miền Bắc đã đến miền Nam bằng máy bay cùng các vận động viên Hàn Quốc sau đợt tập huấn trượt tuyết chung tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong (thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon, Bắc Triều Tiên) hôm 1/2. Tiếp đó, tàu Man Gyong Bong-92 chở đoàn biểu diễn nghệ thuật miền Bắc hôm 6/2 cũng đã cập cảng Mukho, thành phố Donghae, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Hiện tại, Bình Nhưỡng mới chỉ thông báo sẽ gửi đoàn đại biểu cấp cao của nước này do Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên Kim Yong-nam dẫn đầu và ba quan chức khác đến tham dự Olympic PyeongChang từ ngày 9/2 đến 11/2.
2018-02-07

Thời sự qua góc nhìn KBS

Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Olympic Pyeongchang
Đoàn đại biểu của miền Bắc tham dự Olympic PyeongChang Bắc Triều Tiên hôm 4/2 đã thông báo việc Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao nước này gồm ba cán bộ cấp cao khác và 18 nhân viên hỗ trợ đến tham dự Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang 2018. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố cụ thể danh tính của ba cán bộ cấp cao còn lại. Thời gian đoàn đại biểu miền Bắc lưu lại Hàn Quốc là từ ngày 9/2 đến 11/2. Lý do Bình Nhưỡng cử ông Kim Yong-nam làm trưởng đoàn đại biểu Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên tương đương Chủ tịch Quốc hội, trên thực tế không có nhiều thực quyền. Do đó, ông Kim Yong-nam là lựa chọn phù hợp nhất để dẫn đầu đoàn cấp cao miền Bắc. Bởi việc này không tạo một gánh nặng quá lớn về mặt chính trị, còn về danh nghĩa, ông Kim Yong-nam là một nhân sự thuộc cấp cao nhất của Bắc Triều Tiên. Hơn nữa, Olympic mùa đông PyeongChang là nơi quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao của các quốc gia trên thế giới. Do đó, sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam được cho là một sự phô trương của Bình Nhưỡng, khẳng định ông này cũng là một “thành viên của cộng đồng quốc tế”. Các điểm đáng quan tâm Chuyến thăm Hàn Quốc của ông Kim Yong-nam gây sự chú ý ở ba điểm. Đầu tiên là liệu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Kim Yong-nam hay không. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, khả năng này là rất cao. Mối quan tâm thứ hai chính là danh tính của ba cán bộ cấp cao khác vẫn chưa được công bố trong đoàn đại biểu của Bắc Triều Tiên. Có nhiều ý kiến dự đoán rằng Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Choe Ryong-hae có thể nằm trong danh sách đoàn đại biểu. Bởi, sự có mặt của Phó Chủ tịch đảng Lao động miền Bắc Choe Ryong-hae, người được cho là có quyền lực lớn thứ hai tại Bắc Triều Tiên, sẽ tạo một sức ảnh hưởng lớn cho đối thoại liên Triều. Điểm quan tâm thứ ba là liệu quan chức Mỹ và Bắc Triều Tiên có cuộc tiếp xúc bên lề Olympic PyeongChang hay không. Các chuyên gia nhận định rằng việc Bình Nhưỡng cử ông Kim Yong-nam làm trưởng đoàn là một trong những nước cờ tạo đà đối thoại với Washington, bởi Mỹ đã quyết định cử Phó Tổng thống Mike Pence đến tham dự Olympic PyeongChang. Hơn nữa, Phó Chủ tịch đảng Lao động Bắc Triều Tiên Choe Ryong-hae hiện đang nằm trong danh sách đen cấm vận của Mỹ, do đó vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nếu để ông này làm trưởng đoàn đại biểu. Trong khi đó, đoàn tiền trạm nghệ thuật của Bắc Triều Tiên gồm 23 người cũng đến Hàn Quốc vào hôm 5/2, để chuẩn bị cho buổi biểu diễn. Đoàn biểu diễn nghệ thuật chính thức của miền Bắc dự kiến sẽ đến Hàn Quốc bằng tàu Man Gyong Bong-92 vào hôm 6/2 tới.
2018-02-05

Thời sự qua góc nhìn KBS

Mỹ đánh giá cao công tác đảm bảo an ninh của Hàn Quốc tại Olympic PyeongChang
“Olympic PyeongChang sẽ an toàn và thành công” Chính phủ Mỹ khẳng định Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc sẽ là một kỳ Olympic an toàn và thành công. Tại buổi họp báo hôm 31/1, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Steven Goldstein đã đề cập đến các vấn đề an ninh tại Olympic PyeongChang. Ông Steven Goldstein cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang đảm nhận trọng trách đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang. Đồng thời, ông cũng chia sẻ rằng Washington và Seoul đã hợp tác chặt chẽ với nhau về vấn đề này kể từ hai năm trước. Thứ trưởng Ngoại giao Steven Goldstein đánh giá Hàn Quốc là một chuyên gia tầm cỡ thế giới trong công tác đảm bảo an ninh. Bởi Hàn Quốc đã từng tổ chức rất thành công và an toàn các sự kiện thể thao lớn như Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002, hay Đại hội thể thao châu Á Asian Games 2014. Ông Steven Goldstein cũng nhấn mạnh người dân Mỹ an tâm khi du lịch đến Hàn Quốc với niềm tin chắc chắn rằng Seoul đang nắm giữ một hệ thống đảm bảo an ninh toàn diện. Sau cùng, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhận định Olympic PyeongChang sẽ là một kỳ Thế vận hội tuyệt vời. Bên cạnh đó, cùng có mặt trong buổi họp báo, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách an ninh ngoại giao Michael Evanofff cũng đưa ra nhận định rằng Washington và Seoul đã hoàn tất cả những phương án, sẵn sàng đối phó với bất cứ tình huống nào có thể xảy ra, bao gồm cả khủng bố. Hàn Quốc là một đất nước an toàn Theo như Chính phủ Mỹ nhận định, Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. An ninh tại Hàn Quốc luôn được đảm bảo hàng ngày, và ngay cả vào ban đêm. Bên cạnh đó, Hàn Quốc từng có nhiều kinh nghiệm trong việc đảm bảo an ninh cho các sự kiện quốc tế có quy mô lớn từ những sự kiện thể thao như Olympic mùa hè 1988, World Cup 2002, cho đến các sự kiện chính trị quan trọng như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh, và các sự kiện triển lãm mang tầm cỡ quốc tế. Do đó, tất cả mọi người có thể an tâm về vấn đề an ninh tại các sự kiện quốc tế có quy mô lớn được tổ chức tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trước đó, vấn đề an toàn tại sự kiện Thế vận hội mùa đông PyeongChang đã từng được đề cập đến với nhiều lo ngại do nguy cơ khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đã gia tăng vào năm ngoái. Trên thực tế cũng có những thời điểm, một số quốc gia trên thế giới đã từng bày tỏ sự ngần ngại về quyết định tham gia Olympic PyeongChang. Song mọi sự bất an đều đã biến mất sau khi hai miền Nam-Bắc trên bán đảo Hàn Quốc chuyển hướng sang đối thoại, và Bắc Triều Tiên cử đoàn vận động viên tranh tài tại Olympic PyeongChang. Tính đến thời điểm hiện tại, với hơn 90 nước đăng ký tham gia, Olympic PyeongChang đã trở thành một kỳ Thế vận hội có nhiều quốc gia tham dự nhất. Đánh giá của Chính phủ Mỹ về vấn đề an toàn tại Olympic PyeongChang đều dựa trên những thực tế này.
2018-02-01

Thời sự qua góc nhìn KBS

Bắt đầu tập huấn trượt tuyết chung hai miền Nam-Bắc tại Bắc Triều Tiên
Bắt đầu đợt tập huấn trượt tuyết chung Đợt tập huấn trượt tuyết chung của vận động viên hai miền Nam-Bắc tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong, thành phố Wonsan, Bắc Triều Tiên, đã chính thức bắt đầu vào hôm 31/1, đúng theo nhất trí ban đầu của hai bên. Vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, đoàn đại biểu miền Nam đã xuất phát tại sân bay quốc tế Yangyang (huyện Yangyang tỉnh Gangwon, Hàn Quốc) đến sân bay Kalma (thuộc thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon, Bắc Triều Tiên) bằng máy bay. Đoàn đại biểu Hàn Quốc gồm có 45 người, trong đó có 24 vận động viên, cùng với nhân viên hỗ trợ và nhóm phóng viên. Đoàn vận động viên miền Nam tham gia đợt tập huấn này không phải là những vận động viên tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Tuy nhiên, được biết miền Bắc đã cử cả những động viên sẽ tranh tài tại Olympic PyeongCang đến tham gia đợt tập huấn này. Trong ngày đầu tiên, các vận động viên trượt tuyết hai miền Nam-Bắc có buổi trượt tuyết tự do. Sau đó, trong ngày thứ hai sẽ tiến hành huấn luyện chung và thi đấu giao hữu. Sau khi kết thúc đợt tập huấn chung vào hôm 1/2, đoàn đại biểu của Hàn Quốc sẽ lên đường về nước bằng máy bay thông qua sân bay quốc tế Yangyang ở huyện Yangyang tỉnh Gangwon. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên gồm những vận động viên và huấn luyện viên tham gia môn thi trượt tuyết đổ đèo, và trượt tuyết băng đồng tại Olympic PyeongChang dự kiến sẽ cùng đến Hàn Quốc trên chuyến bay này. Những khó khăn trước thềm đợt tập huấn chung Kế hoạch đợt tập huấn chung của vận động viên hai miền Nam-Bắc tại khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong đã gặp khá nhiều khó khăn cho đến những phút cuối cùng. Một giờ trước khi máy bay chở đoàn vận động viên miền Nam xuất phát, lịch trình của đợt tập huấn vẫn chưa được xác định. Thậm chí, khả năng sự kiện này bị vỡ kế hoạch cũng đã được đề cập sau khi phía Bắc Triều Tiên đơn phương thông báo hủy tổ chức sự kiện văn hóa chung của hai miền tại núi Geumgang, miền Bắc. Phương án về đợt tập huấn chung trên đã được quyết định tại cuộc họp cấp Thứ trưởng liên Triều về việc Bắc Triều Tiên tham dự Olympic PyeongChang diễn ra vào ngày 17/1 vừa qua. Và lịch trình của của đợt huấn luyện chung đã được hai bên nhất trí sau khi đoàn tiền trạm của Hàn Quốc kết thúc đợt thị sát cơ sở hạ tầng tại Bắc Triều Tiên trong hai ngày ba đêm kể từ ngày 23/1. Tuy nhiên, việc triển khai sự kiện này đã vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến lệnh cấm vận miền Bắc của Mỹ. Cụ thể lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên riêng của Mỹ công bố vào tháng 9 năm ngoái quy định bất cứ máy bay của nước nào hạ cánh ở Bắc Triều Tiên sẽ không được tới Mỹ trong vòng 180 ngày. Do đó, máy bay chở đoàn đại biểu Hàn Quốc đến Bắc Triều Tiên tham gia đợt huấn luyện chung sẽ trở thành đối tượng cấm vận của Mỹ. Theo đó, Seoul đã thảo luận với Washington về việc áp dụng một phương án ngoại lệ cho trường hợp này, và phải đến một tiếng trước khi chiếc máy bay cất cánh, lịch trình chính thức của đợt tập huấn chung mới được ấn định. Như vậy, đèn xanh đã được bật sáng để các sự kiện liên quan đến việc Bắc Triều Tiên tham gia Olympic PyeongChang được tiến hành một cách suôn sẻ.
2018-01-31

Thời sự qua góc nhìn KBS

Viện Kiểm sát để ngỏ phương án triệu tập cựu Tổng thống Lee Myung-bak sau Olympic Pyeongchang
Viện Kiểm sát có thể triệu tập cựu Tổng thống Lee Myung-bak sau Olympic Một quan chức thuộc Viện Kiểm sát cho biết vẫn còn sớm để có thể đưa ra quyết định chắc chắn về việc triệu tập thẩm vấn cựu Tổng thống Lee Myung-bak, bởi vẫn còn rất nhiều việc chưa được xác minh. Đồng thời, người này cũng để ngỏ rằng nếu Viện Kiểm sát có đưa ra quyết định trên thì cũng phải đến tháng ba tới, sau khi Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang kết thúc. Hiện Viện Kiểm sát vẫn chưa chính thức đề cập đến một phương án cụ thể nào về việc triệu tập thẩm vấn ông Lee Myung-bak. Mặc dù vậy, giới luật sư nhận định việc này dường như đã được định đoạt. Đây được cho là những nỗ lực của Viện Kiểm sát trong việc ngăn chặn những tranh cãi cho rằng công cuộc loại trừ gốc rễ tiêu cực từ thời các Chính phủ tiền nhiệm là động thái trả đũa chính trị, nhằm tránh gây chia rẽ dư luận trong nước. Trước đó, hôm 17/1, đoán trước được Viện Kiểm sát đang nhắm vào mình, cựu Tổng thống Lee đã trực tiếp đọc bản tuyên bố, và gọi cuộc điều tra của Viện Kiểm sát là một “động thái trả đũa chính trị cho cái chết của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun”. Đáp lại, Viện Kiểm sát cho biết sẽ triệu tập điều tra cựu Tổng thống Lee sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ. Nguyên nhân triệu tập ông Lee Myung-bak sau Olympic Viện Kiểm sát đã xét đến những lo ngại về việc triệu tập thẩm vấn sớm đối với cựu Tổng thống Lee Myung-bak sẽ làm phai nhạt ý nghĩa của Olympic PyeongChang. Bởi nếu cựu Tổng thống Lee bị Viện Kiểm sát điều tra sẽ khiến cho báo chí và dư luận đổ dồn sự quan tâm vào sự việc này, gây bất lợi cho những nỗ lực tổ chức một kỳ Thế vận hội hòa bình và hòa hợp của Hàn Quốc. Do đó, Viện Kiểm sát cho biết rất khó để có thể đưa ra quyết định điều tra cựu Tổng thống Lee trước khi Olympic PyeongChang diễn ra. Phương hướng điều tra của Viện Kiểm sát Cuộc điều tra nhắm đến cựu Tổng thống Lee Myung-bak đang được tiến hành theo ba hướng. Đầu tiên là điều tra liên quan đến quỹ đen của Công ty phụ tùng ô tô DAS, công ty bị nghi là thuộc sở hữu của cựu Tổng thống Lee. Hiện tại, Viện Kiểm sát đang tiến hành thẩm vấn ông Lee Dong-hyung, cháu cựu Tổng thống Lee đồng thời là Phó Giám đốc, và một số nhân sự quan trọng của công ty này. Thứ hai là điều tra những nghi ngờ liên quan đến chi phí cho hoạt động đặc biệt của Cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Liên quan đến vấn đề này, Viện Kiểm sát đã bắt giữ hai nhân viên thân cận của cựu Tổng thống Lee Myung-bak là ông Kim Baek-joon, cựu trợ lý kế hoạch và tài chính Phủ Tổng thống từ năm 2008 tới năm 2012 và cựu nghị sĩ Lee Sang-deuk, anh trai cựu Tổng thống Lee. Thứ ba là điều tra những nghi ngờ về việc Cơ quan tình báo quốc gia và Bộ Tư lệnh không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc can thiệp vào công tác chính trị dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak. Hiện tại, vụ điều tra này đang có khả năng mở rộng, hướng đến ông Lee Myung-bak.
2018-01-29

Thời sự qua góc nhìn KBS

Bắt đầu hành trình rước ngọn đuốc Olympic tại tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế vận hội 2018
Ngọn đuốc Olympic đến tỉnh Gangwon Ngọn đuốc thắp sáng Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang 2018 hôm 21/1 đã bắt đầu được rước về tỉnh Gangwon, nơi đăng cai tổ chức sự kiện này. Ngọn đuốc Olympic PyeongChang được rước đến Hàn Quốc vào hôm 1/11 năm ngoái, và bắt đầu hành trình rước đuốc trên toàn xứ sở kimchi xuất phát từ thành phố Incheon. Hành trình rước đuốc tại tỉnh Gangwon Sau 82 ngày rước đuốc, ngọn đuốc này đã đặt chân tới tỉnh Gangwon, bắt đầu ở huyện Cheorwon, sau khi được rước qua huyện Yeoncheon (tỉnh Gyeonggi), nơi giáp với vùng Gangwon. Sự kiện rước đuốc đặc biệt bằng xe đạp đã được diễn ra, xuất phát từ khu chiến tích Baekmagoji (Đồi Bạch Mã) thuộc huyện này. Đồi Bạch Mã là nơi diễn ra trận đấu quyết liệt nhất trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc rước đuốc bằng xe đạp mang ý nghĩa tượng trưng rằng hai miền Nam-Bắc hãy cùng nhau làm nên một kỳ Olympic hòa bình giống như sự gắn kết đồng điệu giữa hai chiếc bánh xe đạp. Sau khi chạy qua 16km trong khu vực phi quân sự bằng xe đạp, lễ khởi hành rước đuốc sẽ được tổ chức tại cây cầu Taebong cũng thuộc huyện Cheorwon, và bắt đầu hành trình chạy rước đuốc như thông thường. Tham dự sự kiện này có 1.000 người gồm Tỉnh trưởng Gangwon Choi Moon-sun, các quan chức địa phương, quân đội và người dân trong khu vực. Ngọc đuốc sẽ được rước qua huyện Hwacheon vào hôm 22/1, và đi khắp 18 thành phố, huyện của tỉnh Gangwon cho đến 9/2. Triển vọng về một mùa Olympic hòa bình và thành công Trước đó, ngọn đuốc Olympic đã được rước qua khắp nơi trên tòan Hàn Quốc, làm tăng thêm nhiệt cho bầu không khí cho công tác chuẩn bị tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này tại Hàn Quốc trong thời gian qua. Những dự cảm về một mùa Olympic thành công đang dần dần rõ nét hơn. Mặc dù có thời điểm một số quốc gia để ngỏ khả năng không tham gia Olympic PyeongChang với lý do an toàn, nhưng giờ đây, không có nước nào bày tỏ ý định không gửi đoàn vận động viên đến Olympic PyeongChang. Thậm chí, Thế vận hội mùa đông PyeongChang có khả năng sẽ đạt số lượng quốc gia tham gia đông nhất. Ngay cả Nga, nước bị tước quyền tham gia thi đấu Olympic do nghi ngờ Chính phủ Nga đã đứng ra cho phép đoàn động viên nước này sử dụng doping một cách có tổ chức tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 trước đó, cũng đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép các vận động viên của nước này tham gia với tư cách cá nhân. Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên cũng đã quyết định gửi đoàn thể thao, đoàn cổ động viên và đoàn biểu diễn nghệ thuật tới Olympic PyeongChang. Những điều này sẽ mang đến sự thành công ngoài mong đợi cho một mùa thế vận hội hòa bình. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho Olympic PyeongChang đã hoàn tất, tạo một niềm tin mãnh liệt rằng Olympic mùa đông PyeongChang 2018 chắc chắn sẽ thành công rực rỡ.
2018-01-25

Thời sự qua góc nhìn KBS

Go Top