Tin tức từ Pyeongchang

Khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018
2018-02-11

Tin nổi bật trong tuần


Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 đã khai mạc vào lúc 8 giờ tối hôm 9/2, mở màn 17 ngày thi đấu đầy kịch tính. Hơn 2.900 vận động viên đến từ 92 quốc gia trên toàn thế giới sẽ tranh tài tại Olympic lần này, xác lập số lượng cao kỷ lục từ trước tới nay. Đây là một kỳ Thế vận hội mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và là một kỳ Olympic hòa bình với sự tham gia của Bắc Triều Tiên.

Khai mạc
Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang vượt qua kỷ lục cả về số quốc gia và số vận động viên tham dự của Olympic Sochi (Nga) trước đó là 2.858 vận động viên từ 88 quốc gia. Các vận động viên sẽ cạnh tranh tổng cộng 102 huy chương vàng ở 15 bộ môn, cũng là số lượng huy chương lớn nhất từ trước tới nay. Mỹ có tổng cộng 240 vận động viên tham dự, trở thành quốc gia có số vận động viên đông nhất trong lịch sử các kỳ Olympic mùa đông. Có sáu nước đến từ khu vực nhiệt đới, vốn không có thế mạnh với các bộ môn thể thao mùa đông, là Ecuador, Malaysia, Singapore, Eritrea, Nigeria, Kosovo lần đầu tham dự Thế vận hội mùa đông. Về nội dung thi đấu, nội dung Parallel Giant Slalom môn trượt ván tuyết bị loại bỏ. Các nội dung thêm mới gồm Big Air nam, nữ môn trượt ván tuyết, xuất phát đồng loạt (Mass Start) nam, nữ môn trượt băng tốc độ, nội dung đồng đội hỗn hợp nam nữ môn trượt tuyết đổ đèo và nội dung đôi nam nữ môn bi đá trên băng. Các nội dung thi đấu được diễn ra tại ba địa điểm là huyện Pyeongchang, huyện Jeongseon và thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc. Các bộ môn trên tuyết chủ yếu diễn ra tại Pyeongchang. Toàn bộ các môn trên băng được diễn ra tại Gangneung. Ở Jeongseon sẽ diễn ra một số nội dung thi của môn trượt tuyết đổ đèo.
Nước chủ nhà Hàn Quốc có tổng cộng 146 vận động viên tham dự ở tất cả các bộ môn, cao gấp đôi so với kỳ Olympic Sochi diễn ra tại Nga trước đó. Đoàn thể thao Hàn Quốc đặt mục tiêu giành tám huy chương vàng, bốn huy chương bạc và tám huy chương đồng, xếp thứ tư toàn đoàn.

Ý nghĩa lịch sử
Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội, sau 30 năm kể từ lần đầu tiên là Olympic mùa hè Seoul 1988. Hàn Quốc từng lần đầu tham dự Thế vận hội mùa đông vào năm 1948, kỳ Thế vận hội St.Moritz (Thụy Sĩ). Như vậy là sau 70 năm, Hàn Quốc đã trở thành nước chủ nhà của sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới này. Một điều ý nghĩa đó là Hàn Quốc là quốc gia thứ hai tại châu Á sau Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa đông. Thông thường, Thế vận hội mùa đông được tổ chức chủ yếu ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Châu Á bị cho là “mảnh đất cằn cỗi” của các bộ môn thể thao mùa đông. Thế vận hội mùa đông đầu tiên được tổ chức tại châu Á là kỳ Thế vận hội Nagano tại Nhật Bản, diễn ra vào năm 1998.

Với việc đăng cai Olympic lần này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sau Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đã đăng cai cả bốn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là Olympic mùa hè và mùa đông, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup và Giải vô địch điền kinh thế giới.

Olympic Pyeongchang
Ý nghĩa lớn nhất của Thế vận hội lần này đó là việc tạo ra một kỳ Olympic hòa bình. Olympic PyeongChang diễn ra trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc nối lại đối thoại sau hàng loạt căng thẳng leo thang liên quan tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, và sự tham dự Olympic của miền Bắc. Hai miền nhất trí hợp nhất đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ tham dự Olympic. Trong lễ khai mạc hôm 9/2, đoàn thể thao hai bên đã lần đầu tiên sau 11 năm cùng tiến vào lễ khai mạc dưới lá cờ bán đảo Hàn Quốc thống nhất. Ngoài ra, đoàn nghệ thuật, đoàn biểu diễn Taekwondo, đoàn cổ động viên và phái đoàn đại biểu cấp cao của miền Bắc cũng đã tới thăm Hàn Quốc nhân dịp này, tạo ra một bầu không khí đối thoại tích cực giữa hai bên.

Tuy nhiên, kỳ Olympic lần này vẫn để lại một số tiếc nuối. Đó là việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm Nga tham dự Thế vận hội do vụ bê bối sử dụng doping một cách có tổ chức trong kỳ Olympic mùa đông Sochi 2014. Tuy nhiên, đoàn thể thao Nga vẫn tham dự Olympic lần này với tư cách cá nhân, chứ không đại diện cho quốc gia, khiến Thế vận hội Pyeongchang trên thực tế vẫn có thể coi là hoàn thiện về mặt tổ chức. Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, lễ hội thể thao mùa đông lớn nhất thế giới, sẽ kéo dài trong vòng 17 ngày, từ ngày 9/2 cho tới hết ngày 25/2.
Go Top