Tin tức từ Pyeongchang

Chủ đề và thông điệp của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018
2018-02-09

Nhật ký Olympic

Listen Audio

Với khẩu hiệu “Đam mê kết nối” (Passion.Connected), sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất hành tinh, Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 chính thức được khai mạc vào hôm 9/2 tại huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.

Chủ đề phần trình diễn lễ khai mạc Olympic PyeongChang
Chủ đề chính của lễ khai mạc Olympic PyeongChang là hòa bình và tương lai, nhằm truyền tải thông điệp “hòa hợp, dung hòa, nhiệt huyết và hòa bình” đến bạn bè quốc tế. Với chủ đề này, lễ khai mạc Olympic PyeongChang lan tỏa ý nghĩa của hòa bình trong văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc, tạo nên một thế giới không còn chiến tranh thông qua sức mạnh và tinh thần kết nối của người dân xứ sở kimchi. Đặc biệt, thông điệp này càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết với sự góp mặt của Bắc Triều Tiên trong Olympic lần này.
Mở dầu đầu cho buổi lễ khai mạc Olympic PyeongChang là tiếng chuông chào đón mọi người dân trên toàn thế giới, cũng là phát hiệu hô biến cả thế gian thành băng đá trắng tinh. Đây cũng là tiếng chuông khởi động cho chuyến du hành của năm đứa trẻ sống ở tỉnh Gangwon, vượt thời gian từ thời cổ đại đến tương lai để tìm kiếm ý nghĩa của hòa bình. Đạo diễn phụ trách buổi lễ khai mạc Olympic PyeongChang Yang Jung-woong cho biết câu chuyện về hòa bình trong lễ khai mạc Olympic Pyeongchang có nội dung không quá trừu tượng, nên tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nắm bắt được, và đúng như chủ đề của lễ khai mạc là “hòa bình trong chuyển động” (Peace in Motion), có thể nói hòa bình là một hành động tích cực được tạo ra khi con người gặp gỡ nhau.
Bên cạnh đó, tổng đạo diễn chính phụ trách cả lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 là đạo diễn Song Seung-hwan kiêm diễn viên nổi tiếng với bề dày kinh nghiệm hơn 50 năm cho biết một trong những đặc trưng của văn hóa truyền thống của Hàn Quốc chính là sự hài hòa, như sự hài hòa giữa âm và dương, giữa những tòa nhà với thiên nhiên, và đặc biệt là sự hài hòa giữa trời, đất với con người. Và những đặc trưng về văn hóa truyền thống cũng như văn hóa hiện đại này được dung hòa và truyền tải đến tất cả mọi người trên toàn thế giới thông qua phần trình diễn của lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang.



Nét văn hóa truyền thống độc đáo của sân vận động và đài giữ ngọn đuốc Olympic
Điều đáng chú ý là hình dạng khá độc đáo của sân vận động, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang lần này. Đa số các lễ khai mạc và bế mạc trong các kỳ Thế vận hội trước đây ở các nước khác đều được tổ chức ở sân vận động hình chữ nhật như các sân vận động điền kinh hoặc bóng đá. Sân vận động diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang có hình ngũ giác. Giải thích về việc này, đạo diễn Song Seung-hwan cho biết lễ khai mạc và bế mạc chủ yếu là các phần trình diễn, do đó sân vận động được thiết kế theo hình dạng năm góc như vậy để khán giả ở tất cả các vị trí đều có thể tập trung vào màn trình diễn trên sân khấu. Và số “năm” ở đây còn mang ý nghĩa là “ngũ thường” nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, và “ngũ hành” kim-mộc-thủy-hỏa-thổ theo triết học phương Đông. Ngoài ra, các chuyên gia trên thế giới cũng dành nhiều lời khen ngợi với đài giữ ngọn đuốc Olympic PyeongChang được thiết kế theo hình dạng “chiếc bình Mặt trăng” bằng sứ trắng có từ triều đại Joseon do mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc. Theo đó, biểu tượng chiếc bình này mang ý nghĩa giống như mặt trăng trong bầu trời đêm, ôm trọn vạn vật trên thế gian, thắp sáng cho Olympic PyeongChang.



Như vậy, một lần nữa sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh Olympic PyeongChang đã chính thức diễn ra ở Hàn Quốc sau 30 năm kể từ Olympic mùa hè Seoul 1988. Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn Quốc nhận định nếu Olympic Seoul 1988 là cơ hội để Hàn Quốc giới thiệu văn hóa của mình tới bạn bè năm châu, thì Olympic PyeongChang 2018 sẽ là cơ hội để Hàn Quốc cho thế giới thấy hình ảnh một cường quốc văn hóa, nổi tiếng với làn sóng Hallyu đang lan rộng khắp nơi.



(Photo:Yonhap)
Go Top