Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 45: Thể thao Hàn Quốc vươn xa

Phần 45: Thể thao Hàn Quốc vươn xa

2015-11-24

Danh sách

[Nữ hoàng trượt băng nghệ thuật Kim Yu-na đăng quang tại Olympic Vancouver 2010]


Tại Sân trượt băng Pacific Coliseum ở Vancouver (Canada) đã diễn ra cuộc thi môn trượt băng nghệ thuật đơn nữ của Thế vận hội mùa đông 2010. Vận động viên Hàn Quốc Kim Yu-na xuất hiện nổi bật trong chiếc váy màu xanh, lướt nhẹ trên sân băng để bắt đầu phần thi đấu của mình trên nền bản nhạc Concerto cung Pha trưởng của nhà soạn nhạc George Gershwin. Những động tác duyên dáng, biểu cảm tràn đầy tự tin và xuất thần của Kim Yu-na đã hút hồn hết thảy khán giả trong nhà thi đấu. Bất chấp trọng lực, Yu-na thực hiện thành công những động tác cực khó như cú triple lutz (nhảy xoay ba vòng trên không) nhẹ nhàng tựa lông hồng và nối tiếp ngay sau đó là cú triple toe loop (dùng trợ lực từ đầu ngón chân, nhảy xoay ba vòng trên không). Chứng kiến màn biểu diễn của Kim Yu-na, khán giả gần như nghẹt thở và những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Kim Yu-na đã hoàn thành bài thi của mình một cách hoàn hảo với tổng cộng bảy cú nhảy thành công, đạt tổng điểm là 228,56 điểm, cao nhất trong lịch sử của môn trượt băng nghệ thuật đơn nữ. Với số điểm này, Yu-na đã giành chức vô địch Olympic Vancouver và trở thành Nữ hoàng sân băng mới của thế giới. Với những cú nhảy và xoay vòng không một ai có thể làm được, biểu cảm khuôn mặt cùng thần thái xuất sắc, Kim Yu-na đã mang về cho Hàn Quốc chiếc huy chương vàng đầu tiên trong môn trượt băng nghệ thuật. Quốc ca Hàn Quốc vang lên trong nhà thi đấu khi đó đã đánh dấu giây phút lịch sử của nền thể thao nước nhà.

[Môn đấm bốc và đấu vật được yêu thích ở Hàn Quốc những năm 1960]


Nhìn lại lịch sử, nền thể thao của Hàn Quốc đã có một thời gian chững lại do ảnh hưởng của chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Song đến năm 1963, khi nhà thi đấu Jangchung ở Seoul được hoàn thành, đã mở đầu cho sự thăng hoa của thể thao trong nhà của Hàn Quốc. Và vào năm 1965, làng vận động viên Taeneung nằm ở phía Bắc Seoul cũng chính thức hoạt động và trở thành trung tâm đào tạo các thành viên của đội tuyển quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới của thể thao đỉnh cao Hàn Quốc. Hai môn thể thao phổ biến nhất tại Hàn Quốc vào thời điểm đó là đấm bốc và đấu vật. Những trận thi đấu ở hai bộ môn này luôn thu hút lượng lớn khán giả và an ủi cuộc sống nghèo khổ sau chiến tranh. Hồi đó, mỗi lần có võ sĩ đấu vật nổi tiếng Kim Il thi đấu, là các cửa hàng truyện tranh hay các phòng trà lại nhộn nhịp người đến để xem tường thuật trận đấu trên truyền hình. Như để đáp lại tấm lòng người hâm mộ, Kim Il sau đó đã giành chức vô địch thế giới và trở thành ngôi sao thể thao quốc tế. Còn đối với bộ môn đấm bốc, Kang Se-chul đã trở thành võ sĩ Hàn Quốc đầu tiên giành được ngôi vô địch châu Á vào năm 1960. Sau anh, một võ sĩ đấm bốc tài năng khác là Kim Ki-soo cũng đã ghi danh trong một trận đấu với võ sĩ người Ý là Nino Benvenuti ở nhà thi đấu Jangchung vào ngày 25/6/1966, trước sự chứng kiến của khoảng 6.500 khán giả trong đó có tổng thống Hàn Quốc. Với chiến thắng trong trận đấu này, Kim Ki-soo đã giành đai vô địch hạng dưới bán trung của Hiệp hội quyền Anh thế giới (WBA) và trở thành tay đấm chuyên nghiệp vô địch thế giới đầu tiên của Hàn Quốc.

[Cha Bum-kun, cầu thủ bóng đá đầu tiên chơi cho câu lạc bộ nước ngoài]


Trong những năm 1970, đội tuyển bóng đá Hàn Quốc cũng bắt đầu tiến ra đấu trường quốc tế. Cầu thủ đầu tiên thành danh tại nước ngoài chính là tiền đạo huyền thoại Cha Bum-kun. Cha Bum-kun là cầu thủ trẻ nhất khoác áo đội tuyển quốc gia vào năm 1972 và anh ghi được tổng cộng 55 bàn trong 127 trận đấu. Sau này, khi sang Đức thi đấu, anh đã trở thành một huyền thoại ở đó và được gọi bằng cái tên thân mật là “Cha Bum”. Chính anh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa bóng đá Hàn Quốc và phần còn lại của thế giới. Nhà báo thể thao Kim Dong-hoon của tờ nhật báo Hankyoreh nói: “Cha Bum-kun sang tham gia thi đấu ở giải bóng đá lớn Bundes Liga của Đức vào năm 1978. Hồi đó, Bundes Liga có thể ví là giải Ngoại hạng Anh Premier League ngày nay về mức độ uy tín và tài năng của các cầu thủ. Cha Bum-kun đã tham gia tổng cộng 308 trận của giải này trong suốt 10 năm và ghi được 98 bàn. Có thể nói, cứ trung bình ba trận đấu thì anh ghi được một bàn, trở thành một huyền thoại sống, tạo ra một cơn sốt hâm mộ.”

[Hàn Quốc tổ chức liên tiếp hai đại hội thể thao lớn, nhiều bộ môn phát triển mạnh]


Việc tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á năm 1986 và Thế vận hội mùa hè năm 1988 tại thủ đô Seoul đã đưa Hàn Quốc tiến gần hơn nữa với đấu trường thể thao quốc tế. Nhà báo thể thao Kim Dong-hoon phân tích: “Rất nhiều vận động viên Hàn Quốc đã xuất ngoại vào những năm 1990. Có hai lý do. Thứ nhất là nhờ sự giao lưu quốc tế đã mang đến cơ hội cho các vận động viên Hàn Quốc học hỏi, phát triển vượt bậc các kỹ năng của mình. Hàn Quốc đã vươn lên đứng thứ tư trong bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Seoul 1988. Thông qua đó, vị thế của thể thao Hàn Quốc đã tăng mạnh vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Lý do thứ hai là từ những năm 1990, người dân Hàn không còn bị hạn chế du lịch nước ngoài và điều này cũng tạo điều kiện để các vận động viên xuất ngoại. Theo đó, việc thi đấu giao lưu với nước khác cũng trở nên phổ biến hơn. Các vận động viên Hàn Quốc còn có thể dễ dàng đầu quân cho đội nước ngoài hoặc được đào tạo ở nước ngoài. Nhờ vậy, họ cũng có nhiều cơ hội phát triển năng lực hơn.”

Năm 1990 chứng kiến sự nổi lên của Hàn Quốc trong bộ môn trượt băng vòng ngắn, với khởi đầu là sự kiện vận động viên Lee Joon-ho vô địch giải trượt băng tốc độ vòng ngắn thế giới diễn ra ở Amsterdam (Hà Lan) vào ngày 19 tháng 3 năm 1990. Từ Olympic mùa đông Albertville (Pháp) 1992 đến Olympic mùa đông Sochi (Nga) 2014, Hàn Quốc vẫn duy trì phong độ ở bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn. Các vận động viên đã giành tổng cộng 42 huy chương, trong đó có 21 huy chương vàng. Tại Thế vận hội mùa hè 1992 ở Barcelona (Tây Ban Nha), vận động viên marathon Hwang Young-jo đã về nhất ở đường chạy của nam. Cùng với đó một loạt huy chương vàng, giải thưởng ở các môn thi đấu khác như bắn súng, bắn cung, đấu vật, judo, cầu lông ... đã giúp khẳng định vị thế của Hàn Quốc là cường quốc thể thao trên thế giới.

[Các ngôi sao tỏa sáng trên đấu trường quốc tế]


Trong những năm 1990, nhiều vận động viên tài năng đã xác lập được tên tuổi của mình trong các giải chuyên nghiệp, và tiêu biểu nhất là ngôi sao bóng chày Park Chan-ho. Anh gia nhập câu lạc bộ Dodgers có sân nhà ở Los Angeles vào năm 1994 và trở thành cầu thủ bóng chày Hàn Quốc đầu tiên tham gia Giải Liên đoàn Bóng chày chuyên nghiệp Mỹ (MLB). Vào năm 1996, Park có được năm trận thắng. Và kể từ đó, cầu thủ này đã ghi dấu là vận động viên bóng chày Hàn Quốc đầu tiên và là cầu thủ xuất thân từ châu Á thứ hai đã giành chiến thắng 100 trận vào năm 2005, năm thứ 11 Park Chan-ho chơi cho giải MLB. Năm năm sau đó, tức năm 2010, Park Chan-ho đã lập kỷ lục là cầu thủ bóng chày châu Á có nhiều trận thắng nhất. Cùng thời điểm này, nữ golf thủ Pak Se-ri cũng đến Mỹ để thi đấu.

Sau chiến thắng tại giải McDonald của Liên đoàn golf nữ thế giới (LPGA) vào năm 1998, Pak Se-ri đã nhanh chóng chinh phục các giải golf nữ của LPGA khi tiếp tục thu về vô số các danh hiệu vô địch khác. Vào năm 2007, cô còn được vinh danh ghi tên mình vào Đại sảnh danh vọng golf thế giới. Nhà báo Kim Dong-hoon nói rõ hơn: “Có tên trong Đại sảnh danh vọng golf thế giới là một vinh dự vô cùng to lớn. Kể từ khi tham gia các giải đấu LPGA năm 1998, Pak Se-ri đã có 25 lần chiến thắng, và là nữ golf thủ châu Á đầu tiên đạt được thành tích như vậy. Trên thực tế, số lượng tay golf tham gia giải LPGA giành chiến thắng 25 lần như thế cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy nên Pak rất xứng đáng có một chỗ ở Đại sảnh danh vọng.” Pak Se-ri là người mở đường cho làn sóng các nữ golf thủ Hàn Quốc càn quét các danh hiệu của giải LPGA. Chỉ trong tour thi đấu golf chuyên nghiệp nữ LPGA năm 2015, các cô gái Hàn Quốc đã giành ẵm trọn năm giải. Ngôi sao mới nổi gần đây nhất là Park In-bee, người đã chiến thắng liên tiếp ở ba giải đấu chính trong năm 2015. Cô cũng đạt danh hiệu “Career Grand Slam” đầy mơ ước. Đây là danh hiệu dành cho nhà vô địch cả bốn giải đấu chính ở các bộ môn quần vợt và golf trong sự nghiệp, không phải trong một mùa giải.

Ở bộ môn bóng đá, nhiều cầu thủ Hàn Quốc đã tiếp bước Cha Bum-kun tham gia các giải đấu ở nước ngoài, có thể kể ra như Huh Jung-moo, Kim Joo-Sung và Hwang Sun-hong.... Tuy nhiên, con số các tài năng bóng đá Hàn Quốc thi đấu cho các câu lạc bộ thế giới đã tăng đáng kể sau World Cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức. Nhà báo thể thao Kim Dong-hoon nói: “Các cầu thủ chủ chốt của Hàn Quốc tại World Cup 2002 đã được tuyển chọn để chơi cho các giải đấu nước ngoài. Đặc biệt, tiền đạo Park Ji-sung được chuyển nhượng từ câu lạc bộ PSV Eindhoven (Hà Lan) đến đội bóng lừng danh Manchester United của giải Ngoại hạng Anh . Tại đây, anh đã chơi 200 trận và là cầu thủ bóng đá đầu tiên của châu Á thi đấu cả trận chung kết Cúp C1 Champion League. Điều đáng nói là những cầu thủ khoác áo Manchester United thi đấu 200 trận cũng chỉ khoảng 20 người, nên những gì Park Ji-sung đạt được thật đáng được ca ngợi.” Nổi tiếng với thể lực dẻo dai, có đạo đức nghề nghiệp, nhân cách cao thượng, và đặc biệt là ý chí sắt đá, Park Ji-sung đã khắc phục nhược điểm của bản thân như thể hình nhỏ con và bàn chân dẹt để đạt được thành công vang dội. Mặc dù là cầu thủ tấn công, nhưng Park cũng rất giỏi chơi ở hàng phòng ngự và từ đó đã xuất hiện một cụm từ mới là tiền vệ chạy cánh phòng ngự (Defensive Winger). Có thể nói, với tài năng và sức ảnh hưởng của mình, Park Ji-sung đã góp phần nâng tầm vị thế của bóng đá Hàn Quốc trên thế giới.

Một niềm tự hào khác của cả đất nước Hàn Quốc chính là cô gái trẻ Kim Yu-na. Kim đã đạt được vô số kỷ lục trong môn thể thao trượt băng nghệ thuật nữ kể từ lần đầu tiên cô xuất hiện trên đấu trường quốc tế vào năm 2005. Từ lúc người Hàn Quốc còn chưa biết nhiều về môn thể thao này, thì Kim đã mơ ước trở thành nhà vô địch thế giới và đã nỗ lực không ngừng để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Nhà báo thể thao Kim Dong-hoon nhận xét: “Kim Yu-na đã vô địch giải trượt băng nghệ thuật bốn châu lục vào năm 2009 và ba lần giành chiến thắng tại giải vô địch Grand Prix Final. Đây cũng là nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật đầu tiên giành ngôi vị cao nhất ở cả bốn cuộc thi lớn bao gồm Olympic, Giải vô địch thế giới Liên đoàn trượt băng quốc tế (ISU), Giải vô địch bốn châu lục và Giải vô địch Grand Prix Final. Đây là một kỷ lục hiếm có, do Olympic được tổ chức bốn năm một lần. Đặc biệt, riêng trong mùa giải năm 2009-2010, Kim Yu-na đã ghi được 207,71 điểm trong giải vô địch thế giới ISU, trở thành người đầu tiên vượt mốc 200 điểm nội dung đơn nữ. Tại Thế vận hội mùa đông 2010 ở Vancouver (Canada), cô gái này đã đạt tổng số 228,56 điểm. Đây là kỷ lục thế giới hiện vẫn chưa được phá vỡ được và thậm chí còn được đưa vào sách kỷ lục Guinness thế giới.”

[Thể thao Hàn Quốc ngày càng thăng hoa]


Sau khi giành được độc lập năm 1945, Hàn Quốc chỉ cử đoàn thể thao thi đấu ở bảy môn trong Thế vận hội mùa hè đầu tiên mà nước này tham gia là Olympic London 1948. Có thể nói, tuy có xuất phát điểm thấp trong thứ hạng thể thao thế giới, nhưng giờ đây Hàn Quốc đã có thể tự hào sánh vai với các cường quốc thể thao hàng đầu. Các vận động viên Hàn Quốc đã và đang để lại những dấu ấn đậm nét trong nhiều môn thi đấu như trượt băng nghệ thuật, golf, thể dục nhịp điệu và bơi lội. Nhà báo thể thao Kim Dong-hoon của nhật báo Hankyoreh nói: “Ngành thể dục thể thao của Hàn Quốc có lịch sử khá ngắn ngủi, nhưng đã tiến những bước tiến thần kỳ. Cùng với đó, sự quan tâm của công chúng dành cho các môn thể thao cũng ngày càng tăng. Chính quyền từ trung ương tới địa phương đều hỗ trợ hết mình cho các vận động viên, và chính điều đó đã góp phần tạo ra nhiều nhân tài thể thao hơn. Thực tế, không nhiều quốc gia có được huy chương ở nhiều hạng mục thi đấu khác nhau tại Thế vận hội như Hàn Quốc đã đạt được, ngoài các nước đông dân và thường gặt hái hàng chục huy chương như Mỹ và Trung Quốc. Đây là một minh chứng cho thấy sự thăng hạng của thể thao Hàn Quốc trên trường quốc tế.”

Sau Olympic mùa hè Seoul 1988, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 và Giải vô địch điền kinh thế giới Daegu năm 2011, Hàn Quốc sẽ là nước chủ nhà của Olympic mùa đông 2018. Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ sáu trên thế giới giành được quyền đăng cai tổ chức một loạt giải đấu quan trọng như vậy. Đây chính là cơ hội để nền thể thao nước nhà cất cánh bay xa hơn nữa, mà trước mắt là gặt hái thành công tại Thế vận hội mùa đông lần thứ 23 tại Pyeongchang năm 2018.