Hàn Quốc, chặng đường phát triển của 70 năm độc lập

Open the window of AODPhần 46: Dokdo, vùng đất xinh đẹp của Hàn Quốc

Phần 46: Dokdo, vùng đất xinh đẹp của Hàn Quốc

2015-12-01

Danh sách

[Nhật Bản đơn phương khẳng định chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc]



Ngày 16 tháng 3 năm 2005, chính quyền tỉnh Shimane ở phía Tây Nam Nhật Bản đã ra tuyên bố rằng Dokdo, hòn đảo nằm ở phía cực Đông Hàn Quốc là thuộc chủ quyền của mình, đồng thời chỉ định cái gọi là “Ngày Takeshima”. Takeshima là cái tên mà Nhật Bản gọi đảo Dokdo, và chính quyền tỉnh Shimane đã chọn “Ngày Takeshima” là nhằm mục đích khơi dậy sự chú ý của dư luận trong nước về hòn đảo này. Nó cũng nhằm để kỷ niệm sự kiện chính quyền tỉnh Shimane trước đây đã đơn phương tuyên bố sáp nhập đảo Dokdo vào địa phận của tỉnh này vào ngày 22/2/1905. Trước động thái này của Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc đã lên tiếng khẳng định Dokdo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc, đồng thời yêu cầu Tokyo phải chấm dứt ngay những động thái phi lý nói trên. Bất chấp sự phản đối gay gắt của Chính phủ và người dân Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn quyết định lấy ngày 22 tháng 2 làm “Ngày Takeshima” và tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm. Không chỉ vậy, sau đó Nhật Bản còn tiếp tục sửa đổi Luật cơ bản giáo dục đưa nội dung về đảo Dokdo vào sách giáo khoa, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về những chủ trương liên quan đến hòn đảo này.

[Tranh chấp lãnh thổ dấy lên sau thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc]



Dokdo nằm cách hòn đảo có người gần nhất của Hàn Quốc là đảo Ulleung khoảng 87,4km.... Dokdo được tạo thành từ 89 đảo đá nhỏ, bao gồm cả đảo Đông và đảo Tây. Nơi đây có môi trường sinh thái tự nhiên rất độc đáo, được Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc công nhận là “Di sản thiên nhiên” số 336 và chỉ định là “Khu vực bảo tồn thiên nhiên”. Cuộc tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về chủ quyền trên đảo Dokdo đã dấy lên từ năm 1952. Tiến sĩ Cho Seong-ryoul thuộc Viện nghiên cứu chiến lược An ninh quốc gia giải thích: “Mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan đến đảo Dokdo đã bắt đầu từ thời kỳ Joseon, khi các ngư dân thời đó thường xuyên qua lại các đảo Ulleung và Dokdo. Bước vào thời kỳ hiện đại, Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951 đã lại một lần nữa khơi lại vấn đề này. Đặc biệt, vào tháng 1 năm 1952, Tổng thống Rhee Syng-man của Hàn Quốc đã ra tuyên bố gọi là “Đường ranh giới hòa bình” khẳng định chủ quyền trên biển của Hàn Quốc, khiến cho mâu thuẫn giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn.”

Đường ranh giới hòa bình trên biển đã khẳng định chủ quyền đối với tất cả các đảo trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của bán đảo Hàn Quốc. Theo đường biển này thì nghiễm nhiên Dokdo thuộc về lãnh thổ của Hàn Quốc. Song Chính phủ Nhật Bản đã căn cứ vào Hiệp ước hòa bình San Francisco, từ chối công nhận đường ranh giới hòa bình nói trên cũng như chủ quyền của Hàn Quốc đối với hòn đảo này. Tiến sĩ Cho Seong-ryoul phân tích: “Hiệp ước San Francisco được ký kết vào tháng 9 năm 1951 là một văn bản hiệp ước hòa bình được ký giữa các nước Đồng minh và Nhật Bản, sau khi Tokyo thất bại trong Thế chiến II và phải đầu hàng. Do sự vận động hành lang mạnh mẽ của Nhật Bản, dự thảo đầu tiên của hiệp ước này được đưa ra trong tháng 12 năm 1949 đã loại bỏ Dokdo khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Còn bản dự thảo cuối cùng của hiệp ước này thì lại không xác định rõ Dokdo thuộc về quốc gia nào. Tokyo căn cứ vào bản thảo đầu tiên để xem như bằng chứng khẳng định Dokdo thuộc về mình. Hơn nữa, Hàn Quốc đã không tham dự vào việc ký kết Hiệp ước San Francisco với tư cách một bên liên quan nên Nhật Bản không thể lấy đây làm căn cứ cho tuyên bố của mình được.”

Lý do khiến Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra tuyến bố về Đường ranh giới hòa bình là vì các tàu đánh cá của Nhật Bản đã đánh bắt trái phép trong vùng biển của Hàn Quốc và ngoài khơi đảo Dokdo trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 đến năm 1953. Đáp lại tuyên bố về Đường ranh giới hòa bình trên biển của Hàn Quốc, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối với lý do là bảo vệ lãnh thổ cũng như các ngư dân của mình, đồng thời đưa tàu thuyền đánh cá và tàu tuần tra ra vùng biển phía Đông, đẩy cao căng thẳng ở đây. Theo đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Nghị quyết đảo Dokdo vào tháng 7 năm 1953 nhằm bảo vệ hòn đảo này trước cuộc xâm lược của Nhật Bản. Đến tháng 8 năm 1954, Seoul còn cho xây dựng một ngọn hải đăng trên đảo Dokdo và cắt cử lính canh gác nhằm thông báo cho thế giới rằng các đảo nhỏ ở đây là thuộc về Hàn Quốc. Vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo còn được tiếp nối bằng Hiệp ước về quan hệ cơ bản giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, gọi tắt là Hiệp ước Hàn-Nhật được ký kết vào năm 1965.

[Hiệp ước Hàn-Nhật năm 1965 chấm dứt tranh cãi về đảo Dokdo]



Vào ngày 18/12/1965, những mâu thuẫn xoay quanh quan điểm về chủ quyền trên vùng đảo Dokdo của phía Nhật Bản đã phần nào được giải quyết bằng việc trao đổi văn kiện phê chuẩn giữa hai nước. Giáo sư Hosaka Yuji, một người gốc Nhật Bản đã nhập quốc tịch Hàn Quốc, và hiện đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu tổng hợp về vấn đề đảo Dokdo tại Trường Đại học Sejong giải thích: “Nhật Bản trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền đối với đảo Dokdo trong Hiệp ước về quan hệ cơ bản giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ký năm 1965. Bởi vì, phái đoàn Hàn Quốc đang ở Tokyo khi đó đã lên tiếng rằng sẽ không ký vào hiệp ước này nếu Nhật Bản tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với Dokdo. Và sự thực là các đại biểu của phía Hàn Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để trở về nước trước khi lễ ký kết diễn ra vào ngày 22 tháng 6. Choáng váng trước phản ứng này của phía Seoul, Tokyo đã nhanh chóng sửa đổi nội dung về Dokdo trong Hiệp ước theo hướng có lợi cho Hàn Quốc để đổi lấy chữ ký của Hàn Quốc với những nội dung còn lại. Điều này đã được đề cập trong một văn bản ghi chép mật của Nhật Bản. Đó là lý do tại sao tôi lại nói rằng Nhật Bản trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền của mình đối với Dokdo vào năm 1965.”

[Tokyo lại khăng khăng đòi chủ quyền Dokdo từ năm 1996]



Từ đó, vấn đề liên quan đến Dokdo tạm lắng lại trong ba thập kỷ trước khi ồn ào trở lại vào giữa những năm 1990. Bộ Giáo dục Nhật Bản đã đánh dấu Dokdo là lãnh thổ của nước này trong các sách giáo khoa dành cho học sinh cấp 2 và 3 vào năm 1996. Trong chiến dịch tranh cử vào tháng 9 cùng năm, đảng Dân chủ tự do của Nhật Bản thậm chí còn đưa ra cam kết sẽ giành lại chủ quyền Dokdo. Giáo sư Hosaka Yuji cho biết: “Nhiều quốc gia đã ký Công ước của Liên hợp quốc về luật biển vào năm 1994. Luật sửa đổi này công nhận các vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển của đất liền và đảo. Chính điều này đã biến Dokdo thành một khu vực thực sự có giá trị trên phương diện kinh tế. Đó là lý do từ năm 1994, Nhật Bản đã lật lại vấn đề này và tìm cách khẳng định Dokdo thuộc chủ quyền của mình.”

Bước vào những năm 2000, Nhật Bản càng tăng cường hơn chiến dịch khẳng định chủ quyền đối với Dokdo. Chính phủ nước này đã chính thức tuyên bố Dokdo thuộc chủ quyền của mình trong Sách xanh ngoại giao từ năm 2010. Đồng thời, Tokyo cũng tiến hành tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Takeshima ở tỉnh Shimane vào năm 2013 với sự tham gia của một số quan chức cấp thứ trưởng và nghị sĩ Quốc hội, biến lễ kỷ niệm địa phương thành một sự kiện mang tầm quốc gia.

[Giá trị của đảo Dokdo về mặt kinh tế và quân sự]



Vậy vì lý do gì mà Nhật Bản lại tỏ ra dứt khoát trong vấn đề chủ quyền đảo Dokdo như vậy? Tiến sĩ Cho Seong-ryoul phân tích: “Nhật Bản đã lên tiếng khẳng định chủ quyền về Dokdo từ những năm 1990, đặc biệt là từ năm 1995, thời điểm nước này tuyên bố chính thức khép lại những tàn dư quá khứ do sự thảm bại trong Thế chiến II và chuyển hướng chính sách ngoại giao. Kể từ đó, Nhật Bản liên tiếp đề cao vấn đề đảo Dokdo để khuấy động dư luận trong nước. Một lý do khác khiến Tokyo ngoan cố trên vấn đề này là do nước này đã phát hiện ra một lượng lớn methane hydrate (hay còn gọi là băng cháy) ở dưới lòng biển xung quanh đảo Dokdo. Khối lượng băng cháy quý giá này được ước tính vào khoảng 10.000 tỷ tấn.”

Ngoài giá trị kinh tế to lớn, Dokdo còn được biết tới là một vị trí trọng yếu trên bản đồ quân sự. Tiến sĩ Cho Seong-ryoul nói tiếp: “Trong lịch sử, đảo Dokdo đã từng giữ vai trò như một tháp canh để giúp hải quân Nhật Bản theo dõi các động thái của các hạm đội tàu chiến Nga trong chiến tranh Nga-Nhật vào đầu thế kỷ XIX. Đó là lý do Tokyo luôn luôn muốn sáp nhập Dokdo vào nước mình. Mặt khác, xét trên phương diện địa lý, đảo Dokdo còn có thể trở thành cứ điểm quan trọng của tuyến đường biển nối với Bắc Cực dự kiến sẽ được khai thông từ năm 2016. Theo đó, Dokdo có thể thể trở thành căn cứ chiến lược của các tàu thuyền đi qua biển Đông.”

Chính phủ Hàn Quốc đã đáp lại thái độ này của Nhật Bản bằng việc đề ra chính sách “ngoại giao trầm lặng". Tiến sĩ Cho Seong-ryoul nói: “Chính phủ Hàn Quốc đã từng đuổi đường lối "ngoại giao trầm lặng" nhằm tránh khiêu khích Nhật Bản. Nhưng kể từ khi Tokyo liên tục lớn tiếng đòi sáp nhập đảo Dokdo vào lãnh thổ của mình vào những năm 1990, thì Seoul cũng bắt đầu thay đổi thái độ và có biện pháp mạnh hơn để tăng cường sự hiện diện thực tế của mình trên hòn đảo này. Ví dụ như cảnh sát của tỉnh Bắc Gyeongsang được điều động ra đó thường trú, và cảnh sát biển tiến hành tuần tra hàng ngày. Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang Hàn Quốc cũng thường xuyên có mặt để bảo vệ vùng lãnh hải và không phận đảo Dokdo. Ngoài ra, Chính phủ còn đề ra và thực thi luật pháp liên quan tới Dokdo. Thông qua các biện pháp này, Hàn Quốc muốn đảm bảo chủ quyền của mình đối với hòn đảo này.”

[Nhiều thư tịch cổ của Hàn Quốc và Nhật Bản chứng tỏ Dokdo thuộc về Hàn Quốc]



Những bản ghi chép đầu tiên khẳng định Dokdo thuộc về Hàn Quốc chính là cuốn “Jiriji” (Địa lý chí) thuộc bộ sách “Sejong Sillok” (Thế Tông thực lục) được biên soạn dưới thời vua Sejong vào thế kỷ XV (thời kỳ đầu của vương triều Joseon). Tiến sĩ Cho Seong-ryoul cho biết: “Cuốn Địa lý chí được biên soạn vào năm 1454 dưới triều vua Sejong đã ghi lại rằng hai hòn đảo nhỏ là đảo Usan và Mureung nằm ở phía Đông bán đảo, không nằm cách xa nhau, vì vậy, vào những ngày đẹp trời, từ mỗi hòn đảo này thì có thể nhìn thấy đảo kia. Thực tế là ngày nay, ta có thể quan sát được đảo Dokdo từ đảo Ulleung trong khoảng 40 đến 50 ngày trong một năm. Trong khi đó, ta sẽ không thể quan sát được nó khi đứng từ hòn đảo gần Nhật Bản nhất là đảo Oki.”

Cuốn Shinjeung Donggukyeojiseungram (Đông quốc dư địa thắng lãm phiên bản bổ sung), một cuốn sách địa lý được biên soạn vào thế kỷ XVI chứa đựng khá nhiều nội dung liên quan đến đảo Ulleung và Dokdo. Ngoài ra còn có thể tìm thấy ghi chép về Dokdo trong một số văn tự cổ của Hàn Quốc. Và điều đáng nói nhất ở đây là vấn đề Dokdo thậm chí còn xuất hiện trong các văn bản cổ xưa của Nhật Bản. Tiến sĩ Cho Seong-ryoul nói: “Ghi chép đầu tiên của Nhật Bản về đảo Dokdo là trong cuốn “Ấn châu thị thính hợp ký”. Tài liệu lâu đời nhất của Nhật Bản này đề cập đến đảo Dokdo, được biên soạn năm 1667 cho rằng đảo Oki được lấy làm mốc giới hạn ranh giới phía Tây Bắc của Nhật Bản. Theo một tài liệu khác có tên gọi là Chỉ lệnh của “Thái chính quan” được ban hành trong thời cận đại, thì chính quyền Minh Trị của Nhật Bản đã khẳng định chắc chắn Dokdo không phải là đất của Nhật Bản. Ngoài ra, vào tháng 10 năm 1900, vua Gojong (Cao Tông) của triều đại Joseon đã ban hành Sắc lệnh số 41 rằng đảo Dokdo dưới tên đảo Jukdo và đảo Seokdo đều thuộc thẩm quyền của đảo Ulleung.”

Thêm vào đó, nhiều bản đồ cổ của Nhật Bản cũng hiển thị rõ ràng rằng đảo Dokdo là thuộc về lãnh thổ của Hàn Quốc. Viện trưởng Hosaka Yuji của Viện nghiên cứu tổng hợp về vấn đề đảo Dokdo tại Trường Đại học Sejong cho biết: “Rất nhiều bản đồ cổ của Nhật Bản không hề coi Dokdo nằm trong lãnh thổ nước này. Đảo Dokdo cũng bị bỏ qua trong một bản đồ chính thức được công bố dưới thời kỳ Mạc phủ Edo vào thế kỷ XVIII. Thậm chí một bản đồ do một nhà địa lý Nhật Bản có tên gọi Hayashi Shihei công bố vào năm 1785 cũng ghi nhận rằng đảo Ulleung và Dokdo thuộc về vương triều Joseon và đánh dấu chúng cùng màu với đất của Joseon. Vào nửa sau những năm 1800, chính quyền Nhật Bản mà cụ thể là một cơ quan tương đương với Bộ Kinh tế công nghiệp bây giờ đã ban hành một số bản đồ chính thức. Theo đó thì Dokdo được gọi bằng tên tiếng Nga và được biểu thị màu sắc tương tự với bán đảo Hàn Quốc. Ngoài ra, có rất nhiều các bản đồ dân sự được công bố cho đến năm 1905 vẫn công nhận Dokdo thuộc về đảo Ulleung của vương triều Joseon.”

Mặc dù có vô số bằng chứng lịch sử công nhận Dokdo thuộc về Hàn Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn theo đuổi ý định trình vấn đề Dokdo ra Tòa án công lý quốc tế và tiếp tục xuyên tạc lịch sử để khẳng định Dokdo là của mình.

[Đảo Dokdo - biểu tượng lòng tự hào dân tộc của người Hàn Quốc]



Dokdo sở hữu một kho báu tài nguyên và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Không chỉ vậy, hòn đảo này còn giống như “người lính” canh giữ vùng biển Đông và cực Đông của lãnh thổ Hàn Quốc. Lá cờ Hàn Quốc Taegeuki (Thái cực kỳ) vẫn đang tung bay phấp phới trên những mỏm đá nơi đây như một biểu tượng cho tinh thần bất khuất không bao giờ lùi bước của dân tộc Hàn.