Tin tức từ Pyeongchang

Bộ môn trên tuyết
Đúng như tên gọi, bộ môn trên tuyết là cuộc thi đấu trên tuyết với những hạng mục như trượt tuyết đổ đèo, trượt tuyết bắn súng, trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết nhào lộn, trượt tuyết bay, trượt ván tuyết và hai môn phối hợp Bắc Âu. Ở Hàn Quốc, trượt tuyết là một môn thể thao rất được yêu mến, với số lượng người xem và người tham gia lên đến hàng triệu người. Tuy nhiên, xét về thực lực, Hàn Quốc là một đất nước khá “trẻ” trong bộ môn này và khoảng cách so với các cường quốc thể thao mùa đông trên thế giới vẫn còn rất lớn. Tìm hiểu về bộ môn trên tuyết Trong khuôn khổ thế vận hội mùa đông, có tất cả ba bộ môn chính. Đầu tiên là bộ môn trên băng, gồm các nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn, trượt băng tốc độ, trượt băng nghệ thuật và khúc côn cầu trên băng. Thứ hai là bộ môn trượt băng, gồm có xe trượt băng lòng máng, trượt ván lòng máng nằm sấp và trượt ván lòng máng nằm ngửa. Cuối cùng là bộ môn trượt tuyết. Tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang có tất cả là 102 chiếc huy chương vàng. Trong đó bộ môn trên tuyết chiếm đến 49% với 50 chiếc. Điều này đồng nghĩa với việc bộ môn trên tuyết rất đa dạng, bao gồm bảy nội dung chính như trượt tuyết đổ đèo, trượt tuyết bắn súng, trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết nhào lộn, trượt tuyết bay, trượt ván tuyết và hai môn phối hợp Bắc Âu. Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nội dung trượt tuyết đổ đèo (Alpine Skiing). Tại nội dung này, các vận động viên sẽ tranh tài về tốc độ và kỹ thuật bằng cách đeo hai miếng ván cố định gót chân và đổ xuống con dốc phủ đầy tuyết trước mặt. Còn ở nội dung trượt tuyết băng đồng (Cross-country skiing), chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là cuộc thi đấu marathon trên tuyết, vận động viên hoàn thành đường đua tuyết trong thời gian nhanh nhất sẽ là người giành chiến thắng. Trượt tuyết băng đồng kết hợp với bắn súng sẽ cho ra nội dung trượt tuyết bắn súng (Biathlon). Tại nội dung này, các vận động viên sẽ so tài xem ai là người “chạy” nhanh nhất và “bắn” chính xác nhất trên tuyết. Tiếp theo là trượt tuyết nhào lộn (Freestyle skiing), hay còn được gọi với cái tên “Xiếc trên tuyết”. Tại nội dung này, các vận động viên được đổ dốc tự do theo ý mình, phô diễn các kỹ thuật nhảy, nhào lộn trên không trung, mang lại sự phấn khích tột độ cho khán giả. Đặc biệt, chúng ta cũng không thể bỏ qua trượt tuyết bay – nội dung thi đấu đã được xuất hiện trong tác phẩm điện ảnh nổi tiếng “국가대표” (Tuyển thủ quốc gia), của đạo diễn Kim Yong-hwa, được trình chiếu vào năm 2009. Đây là phần thi mà các động viên mang ván trượt, trượt xuống một dốc tuyết, so tài xem ai là người bay được xa nhất, tiếp đất ổn định nhất từ chỗ giậm nhảy. Với nội dung thi đấu hấp dẫn và cách vươn mình tựa như một chiếc máy bay của các vận động viện, trượt tuyết bay đã trở thành một trong những hạng mục thi đấu được quan tâm nhất tại đại hội thể thao mùa đông. Bên cạnh đó, còn có một nội dung cũng thu hút không kém, giúp khán giả có thể thưởng thức sự kết hợp hoàn hảo giữa trượt tuyết bay và trượt tuyết băng đồng. Đó chính là hai môn phối hợp Bắc Âu (Nordic combined). Đây là một môn thi đấu đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đồng thời các vận động viên cũng phải có thể lực thật tốt để hoàn thành đường đua phối hợp trên tuyết. Cuối cùng là trượt ván tuyết (Snowboard), một hạng mục khá “trẻ”, được chính thức đưa vào thi đấu từ năm 1998 tại Olympic Nagano (Nhật Bản). Trượt ván tuyết mang cả hai tính chất của trượt tuyết đổ đèo và trượt tuyết nhào lộn. Các vận động viên sẽ phải vượt qua những con dốc đầy tuyết, phô diễn những kỹ thuật điêu luyện trên ván trượt như nhảy và nhào lộn trên không. Lịch sử thi đấu của Hàn Quốc tại bộ môn trên tuyết Hàn Quốc lần đầu tiên tham dự Olympic mùa đông vào năm 1948 tại St. Moritz (Thụy Điển) với ba vận động viên trượt băng tốc độ Choi Yong-jin, Lee Jong-guk và Lee Hyo-chang. 12 năm sau, Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu thử sức mình ở bộ môn trên tuyết tại Olympic Squaw Valley (Mỹ) vào năm 1960. Tuy đây là lần đầu tiên thi đấu, vận động viên Im Kyung-sun vẫn cố gắng hết sức mình để vươn lên vị trí 61 tại nội dung trượt tuyết đổ đèo. Trong khi đó, vận động viên Kim Ha-yoon lại phải ngậm ngùi về đích ở vị trí cuối cùng ở đường đua dài 15km của nội dung trượt tuyết băng đồng. Tuy nhiên, nếu nhắc đến trượt tuyết Hàn Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến cái tên Heo Seung-wook. Ông chính là gương mặt đại diện cho đoàn thể thao bộ môn trên tuyết xứ kimchi. Tuy đã giải nghệ, nhưng những thành tích mà ông đã lập được vẫn mãi ghi dấu trong lòng các fan hâm mộ. Trong đó thành tích tốt nhất của ông phải kể đến Olympic Nagano (Nhật Bản) vào năm 1998, khi xuất sắc vươn lên hạng thứ 21 tại nội dung trượt tuyết đổ đèo. Trong khi đó, tại nội dung trượt tuyết băng đồng, gương mặt nổi bật nhất chính là nữ vận động viên Lee Chae-won. Tuy năm nay đã bước sang tuổi 37, nhưng cô vẫn được xem là một “ác chủ bài” trong đội hình trượt tuyết Hàn Quốc. Đây sẽ là lần thứ năm liên tiếp Lee Chae-won tham dự Olympic, kể từ Olympic Salt Lake City diễn ra tại Mỹ vào năm 2002. Đặc biệt, kỳ Olympic năm nay sẽ còn ý nghĩa hơn với Lee Chae-won, bởi Pyeongchang – nơi đăng cai tổ chức Olympic năm nay còn chính là quê nhà của cô. Vận động viên Lee Chae-won chính thức trở thành tuyển thủ quốc gia khi còn là học sinh trung học phổ thông. Sau hơn 15 năm mang màu áo đội tuyển quốc gia, cô đã chinh phục được 63 chiếc huy chương vàng tại các cuộc thi mùa đông lớn nhỏ khác nhau, chính thức trở thành vận động viên sở hữu nhiều chiếc huy chương vàng nhất trong lịch sử thể thao đông hè Hàn Quốc nói chung. Tuy trên các đấu trường quốc tế, vận động viên Lee Chae-won vẫn còn rất nhiều cách biệt về kỹ năng so với các vận động khác của các nước cường quốc mùa đông, thế nhưng tại nước nhà, những thăng trầm trên con đường mà vận động viên Lee Chae-won đã đi qua cũng chính là chặng đường lịch sử của trượt tuyết băng đồng Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến vận động viên Seo Jung-hwa. Tại cuộc thi thử nghiệm Olympic Pyeongchang vào tháng 3 năm ngoái, cô đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 6 trong nội dung Moguls nữ của trượt tuyết nhào lộn. Đây là thứ hạng cao nhất đối với các nữ vận động viên trượt truyết Hàn Quốc. Với thành tích ấn tượng này, cô đang rất được kỳ vọng sẽ giành một chiếc huy chương tại nội dung sở trường của mình. Những gương mặt được kỳ vọng của bộ môn trên tuyết Có thể kể tên những gương mặt rất được kỳ vọng như vận động trượt tuyết nhào lộn Choi Jae-woo, vận động viên trượt ván tuyết Lee Sang-ho. Đặc biệt các chuyên gia nhận định, vận động viên Choi Jae-woo có nhiều cơ hội đến gần với chiếc huy chương hơn. Hiện tại anh đang đứng hạng 4 trên toàn thế giới. Trong kì thi World Cup vừa rồi, anh cũng về đích ở vị trí thứ 4 và thứ 5. Chỉ cần cố gắng hơn một chút, anh sẽ có cơ hội được chạm tay vào chiếc huy chương sáng giá. Được biết, tại kỳ Olympic sắp tới, Choi Jae-woo sẽ tham gia thi đấu Moguls nam của trượt tuyết nhào lộn. Ở nội dung này, các vận động viên sẽ phải trượt tuyết băng qua các chướng ngại vật là những ụ tuyết nhấp nhô. Trên đường đua sẽ có hai thanh ngang tạo đà nhảy. Đây chính là lúc các vận động viên thể hiện kỹ năng nhào lộn trên không của mình. Để có thể thực hiện cú nhào lộn hoàn hảo, Choi Jae-woo đã đặc biệt đến học hỏi tiền bối của mình là vận động viên thể dục dụng cụ Yang Hak-sun. Về phần vận động viên Lee Sang-ho, thành tích tốt nhất của anh cho đến thời điểm hiện tại chính là hạng 9 tại giải vô địch trượt tuyết trẻ thế giới vào năm 2013. Olympic Pyeongchang 2018 sẽ là kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp của Lee Sang-ho. Do đó, giới chuyên môn đang rất trông chờ vào màn thể hiện của anh tại sự kiện thể thao sắp tới. Ngoài ra tại nội dung trượt tuyết bắn súng, hai vận động người người Nga nhập tịch vào Hàn Quốc là Timofey Lapshin và Anna Frolina cũng được kỳ vọng sẽ mang về chiếc huy chương đầu tiên cho bộ môn trên tuyết Hàn Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, đoàn thể thao Hàn Quốc đã đạt được tất cả là 53 chiếc huy chương qua các kỳ Olympic mùa đông. Những chiếc huy chương này đều thuộc về các bộ môn trên băng và bộ môn trượt băng. Tuy nhiên trong thể thao luôn có nhiều câu chuyện cổ tích kỳ diệu, do đó chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào tương lai tươi sáng của bộ môn trượt tuyết Hàn Quốc khi được thi đấu tại nước nhà. (Photo:Yonhap)
2018-02-04

Sát cánh cùng Olympic

Bộ môn trượt băng – Đỉnh cao tốc độ của thế vận hội mùa đông
Dựa theo tiêu thuẩn của các môn thể thao thời gian tốc độ cao thuộc khuôn khổ thế vận hội mùa đông, bộ môn trượt băng gồm có ba nội dung thi đấu trọng điểm là xe truợt băng lòng máng (Bobsleigh), trượt ván lòng máng nằm sấp (Skeleton) và trượt ván lòng máng nằm ngửa (Luge). Tại châu Á, chỉ có hai đường băng Nagano (Nhật Bản) và Pyeongchang (Hàn Quốc) cho phép trượt với tốc độ trên 130km/h. Do đó có thể nói, kỳ Olympic này chính là lần đầu tiên người dân Hàn Quốc được tận mắt thưởng thức các nội dung thi đấu của bộ môn trượt băng. Tìm hiểu về ba nội dung thi đấu trọng điểm của bộ môn trượt băng Thể lệ của ba nội dung thi đấu trong bộ môn trượt băng khá giống nhau. Các vận động viên sẽ xuất phát trên một đường trượt nhất định với tốc độ tối đa 130 – 150km/h. Người về đích với thành tích nhanh nhất sẽ giành chiến thắng. Đầu tiên là nội dung xe truợt băng lòng máng (Bobsleigh). Ở hạng mục này, các vận động viên sẽ thi đấu với một chiếc xe có hình dáng tương tự ô tô. Chiếc xe này có thể điều chỉnh được phương hướng và các vận động viên phải đọ sức xem ai hoàn thành được đường đua nhanh nhất. Có tất cả ba tấm huy chương vàng được trao cho hạng mục này, bao gồm các nội dung hai nam, bốn nam và hai nữ. Trong khi đó, luật thi đấu giữa trượt ván lòng máng nằm ngửa (Luge) và trượt ván lòng máng nằm sấp (Skeleton) có một số điểm khác nhau. Nếu như trong trượt ván lòng máng nằm ngửa, các vận động viên thi đấu trong tư thế nằm ngửa trên xe trượt và hướng chân về phía trước, thì tại hạng mục trượt ván lòng máng nằm sấp, các vận động viên sẽ thi đấu trong tư thế nằm sắp và hướng đầu về phía trước để hoàn thành đường đua trên băng. Bên cạnh đó, đường đua của trượt ván lòng máng nằm sấp dài hơn so với trượt ván lòng máng nằm ngửa. Tuy nhiên về tốc độ, trượt ván lòng máng nằm ngửa lại được ghi nhận nhanh hơn. Trong hạng mục trượt ván lòng máng nằm sấp, có hai tấm huy chương vàng được trao cho nội dung đơn nam và đơn nữ. Trong khi đó tại hạng mục trượt ván lòng máng nằm ngửa có đến bốn chiếc huy chương vàng dành cho đơn nam, đơn nữ, đồng đội và tiếp sức. Thành tích của Hàn Quốc tại bộ môn trượt băng Hàn Quốc vốn là một đất nước yếu thế về bộ môn trượt băng. Chỉ cho đến khi có sự xuất hiện của một người hùng. Chính là cựu vận động viên Kang Kwang-bae, hiện đang là giáo sư tại trường Đại học Thể dục Thể thao Hàn Quốc. Có thế nói, giáo sư Kang Kwang-bae là người đi tiên phong trong bộ môn trượt băng Hàn Quốc, đồng thời ông cũng là vận động viên đầu tiên trên thế giới thi đấu tại tất cả ba hạng mục, bao gồm trượt ván lòng máng nằm ngửa tại Olympic Nagano (Nhật Bản) năm 1998, trượt ván lòng máng nằm sấp tại Olympic Salt Lake City (Mỹ) năm 2002 cho đến Olympic Turin (Ý) năm 2006; và xe trượt băng lòng máng bốn người tại Olympic Vancouver (Canada) năm 2010. Kang Kwang-bae chính là công thần dẫn dắt đội tuyển bộ môn trượt băng Hàn Quốc ghi dấu ấn tại các kỳ Olympic. Ông chính thức thi đấu tại hạng mục trượt ván lòng máng nằm ngửa vào năm 1994. Đến năm 2005, tại cuộc thi trong nước, ông chuyển sang thi đấu tại hạng mục trượt ván lòng máng nằm sấp. Vào năm 2003, sau khi đội tuyển xe trượt băng lòng máng nghiệp dư tỉnh Kangwon được thành lập, ông đã thử sức mình tại nội dung xe trượt băng lòng máng hai người, và chính thức bước vào thi đấu kể từ năm 2006. Ông bắt đầu chặng đường chinh phục Olympic với hạng mục trượt ván lòng máng nằm ngửa. Khi đó Hàn Quốc còn chưa có sân thi đấu và ván trượt. Nơi duy nhất mà các vận động viên có thể tập luyện là trên sân trượt băng, với chiếc ván trượt được gắn thêm bánh xe rất đơn sơ. Thậm chí các buổi tập huấn nước ngoài cũng chỉ có thể đi được khoảng một tháng trong một năm. Tuy phải luyện tập trong môi trường thiếu thốn như thế, đội tuyển trượt ván lòng máng nằm sấp Hàn Quốc vẫn vươn lên đứng thứ 20, tại Olympic Salt Lake City (Mỹ) năm 2002. Cho đến kỳ Olympic Vancouver (Canada) năm 2010, Kang Kwang-bae lại lập công lớn khi góp phần giúp đội tuyển xe trượt băng lòng máng bốn người Hàn Quốc làm nên kỳ tích khi vươn lên đứng ở vị trí thứ 19. Đây là thứ hạng cao nhất đối với các vận động viên châu Á vào thời điểm lúc bấy giờ. Niềm hy vọng của Hàn Quốc đối với bộ môn trượt băng Từng là một đất nước yếu thế về bộ môn trượt băng, tuy nhiên trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018, Hàn Quốc đã có thêm hy vọng vào chiếc huy chương vàng khi đội tuyển nước nhà có đủ tư cách để xuất quân trong tất cả các hạng mục của bộ môn này. Nhóm vận động viên được kỳ vọng nhất chính là Yoon Sung-bin – người đang dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới về trượt ván lòng máng nằm sấp, cùng với Won Yoon-jong và Seo Young-woo – những gương mặt triển vọng tại hạng mục xe trượt băng lòng máng hai người và bốn người. Về phía nữ, nổi bật nhất chính là vận động viên trượt ván lòng máng nằm ngửa người Đức đã nhập tịch vào Hàn Quốc Aileen Frisch. Đặc biệt, Yoon Sung-bin – người được xem là tài năng hiếm có của trượt ván lòng máng nằm sấp, chính là vận động viên được Hàn Quốc trông đợi nhất. Trong mùa giải thế giới năm nay, anh đã xuất sắc giành được năm chiếc huy chương vàng và hai chiếc huy chương bạc. Thật ra cho đến mùa giải trước, Yoon Sung-bin còn phải đối đầu với một đối thủ cực mạnh. Chính là vận động viên người Latvia Martins Dukurs, ông hoàng của trượt ván lòng máng nằm sấp. Tuy nhiên, trong mùa giải năm nay, Yoon Sung-bin đã hoàn toàn dẫn đầu bảng xếp hạng với năm trận thắng và hai trận thua. Với năng lực vốn có, cùng ưu thế là nước chủ nhà, giáo sư Kang Kwang-bae dự đoán rằng, Yoon Sung-bin hoàn toàn có đủ khả năng để chinh phục chiếc huy chương vàng Olympic. Và đây sẽ là chiếc huy chương vàng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử bộ môn trượt băng của Hàn Quốc nói riêng và toàn châu Á nói chung. Ngoài ra, tại hạng mục xe trượt băng lòng máng, cặp đôi Won Yoon-jong và Seo Young-woo – những người đã dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới trong năm 2016, cũng được kỳ vọng sẽ lập nên kỳ tích trong mùa Olympic năm nay. Những đối thủ mạnh của Hàn Quốc Tuy Hàn Quốc đã có những bước đột phá trong bộ môn trượt băng, tuy nhiên họ cũng không thể lơ là trước những đối thủ mạnh từ phương Tây – một vùng đất vốn được xem là cái nôi của các môn thể thao mùa đông. Đầu tiên phải kể đến các vận động viên Đức, những gương mặt dẫn đầu hạng mục trượt ván lòng máng nằm ngửa. Đặc biệt là vận động viên Felix Loch, người được dự đoán sẽ giành được chiếc huy chương vàng, để “phục thù” ba trận thua liên tiếp trước đó. Ngoài ra còn có vận động viên Ấn Độ Shiva Keshavan, người nổi tiếng với phong cách tập luyện “có một không hai” dưới cái lạnh khắc nghiệt của dãy núi Himalaya với chiếc ván trượt gắn bánh xe thô sơ. Với kinh nghiệm thi đấu tại năm kỳ Olympic, Shiva Keshavan cũng được xem là đối thủ nặng ký đối với các vận động viên Hàn Quốc. Trong khi đó, tại hạng mục xe trượt băng lòng máng, Canada và Đức đang là hai cường quốc cực mạnh, với vị trí dẫn đầu thế giới thuộc về cặp vận động người Canada Justin Kripps – Jesse Lumsden, và vị trí thứ hai thế giới thuộc về cặp vận động viên người Đức Francesco Friedrich – Thorsten Margis. Họ chính là những đối thủ mạnh nhất đối với cặp vận động viên người Hàn Quốc Won Yoon-jong và Seo Young-woo. Tuy nhiên, nếu có thể vượt qua những “ông lớn” này, Hàn Quốc sẽ làm nên lịch sử khi giành được chiếc huy chương đầu tiên tại ba hạng mục trọng điểm của bộ môn trượt băng. (Photo : Yonhap)
2018-01-28

Sát cánh cùng Olympic

Khúc côn cầu trên băng – Thử thách mới cho Hàn Quốc
Khúc côn cầu trên băng là một trong những môn thể thao phổ biến nhất của thế vận hội mùa đông. Trên thực tế, thực lực của đội tuyển khúc côn cầu trên băng Hàn Quốc không thể sánh bằng với các cường quốc thể thao trên thế giới. Do đó bộ môn này vẫn chưa thu hút được nhiều quan tâm và chú ý tại Hàn Quốc. Lý do là bởi vì nhiều người cho rằng, khúc côn cầu trên băng là một bộ môn phức tạp với những luật lệ khó khằn, cùng địa hình thi đấu không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ về khúc côn cầu trên băng, người xem sẽ nhanh chóng nhận ra những điểm hấp dẫn từ bộ môn này. Những điều cần biết về khúc côn cầu trên băng Chỉ có duy nhất hai tấm huy chương vàng được trao trong bộ môn khúc côn cầu trên băng. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận được mức độ phổ biến và tầm quan trọng của bộ môn này tại thế vận hội mùa đông. Dựa trên kết quả thống kê về doanh thu tiêu thụ vé có thể thấy, số người xem khúc côn cầu trên băng chiếm đến 46% tại kỳ Olympic Vancouver (Canada) vào năm 2010 và 50% tại kỳ Olympic Sochi (Nga) vào năm 2014. Để chơi khúc côn cầu trên băng không hề đơn giản. Theo quy định của Liên đoàn khúc côn cầu trên băng quốc tế (IIHF), sân thi đấu đạt chuẩn phải đáp ứng yêu cầu cơ bản về kích thước 60.98x30m. Luật chơi là mỗi đội có sáu cầu thủ (bao gồm ba tiền đạo, hai hậu vệ và một thủ môn), dùng gậy trượt ván (làm bằng gỗ, nhôm hoặc nhựa tổng hợp) để đánh bóng là một chiếc đĩa hình tròn làm từ cao su lưu hóa có đường kính ba inch (76,2 mm), gọi là puck, vào lưới đối phương. Trận đấu kéo dài 60 phút và được chia đều thành ba hiệp không tính thời gian nghỉ. Đội đưa bóng vào lưới đối phương nhiều hơn sẽ giành phần thắng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa khúc côn cầu so với bóng đá là không giới hạn thời điểm và số lượt thay người trong mỗi trận đấu. Đồng thời chiếc đĩa hình tròn mà các cầu thủ phải tranh nhau cũng không hề dễ thấy như trái bóng tròn trên sân cỏ. Tuy nhiên, đây mới chính là điểm thu hút của khúc côn cầu trên băng – nhạy bén và tốc độ. Hàn Quốc từng là một đất nước yếu thế về khúc côn cầu trên băng. Tuy nhiên kể từ sau thời của huấn luyện viên Baek Ji-sun, người được mệnh danh là “Hiddink trên sân băng”, khúc côn cầu trên băng của Hàn Quốc đã hoàn toàn thay đổi cục diện, trở thành một niềm hy vọng mới cho đoàn thể thao mùa đông nước này. Thành tích của khúc côn cầu trên băng Hàn Quốc sau thời huấn luyện viên Baek Ji-sun Với những kinh nghiệm quý báu đúc kết từ các giải đấu khúc côn cầu trên băng chuyên nghiệp hàng đầu Thế giới, thuộc khuôn khổ National Hockey League (NHL), huấn luyện viên Baek Ji-sun sau khi đảm nhận vai trò là người dẫn dắt đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam đã giúp Hàn Quốc đạt được những thành tích vô cùng ấn tượng. Điển hình là tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á Sapporo (Nhật Bản) được tổ chức vào tháng hai năm ngoái, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam Hàn Quốc đã làm nên lịch sử khi giành được chiếc huy chương bạc sáng giá. Đồng thời cũng không thể phủ nhận được một điều rằng kể từ khi ông Baek Ji-sun chính thức trở thành huấn luyện viên của đội tuyển khúc côn cầu trên băng nam Hàn Quốc từ năm 2014, đã có rất nhiều vận động viên nước ngoài nhập tịch vào Hàn Quốc, điển hình là vận động viên người Canada Matt Dalton. Sau khi gia nhập vào đội tuyển quốc gia, anh đã giúp Hàn Quốc giải quyết được điểm yếu tại vị trí thủ môn, đồng thời cũng trở thành một trụ cột vững chắc giúp các đồng đội ở tuyến trên có cơ hội ghi bàn. Đặc biệt, có một tin khá vui cho đoàn thể thao Hàn Quốc là các vận động viên thuộc giải Khúc côn cầu Bắc Mỹ và NHL sẽ không được thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018. Điều này đã trở thành luật kể từ Olympic Nagano (Nhật Bản) năm 1998 đến Olympic Sochi (Nga) năm 2014. Không chỉ thế, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hôm 5/12 (theo giờ địa phương) cũng đã chính thức đưa ra quyết định cấm đoàn thể thao Nga tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc, vì Chính phủ Nga đã đứng ra cho phép đoàn vận động viên nước này sử dụng doping một cách có tổ chức tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Việc các vận động viên có kinh nghiệm thi đấu nhà nghề ở các cường quốc khúc côn cầu trên băng như Canada, Mỹ và Nga không thể thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018 là một tín hiệu đáng báo động về doanh thu phòng vé. Tuy nhiên ngược lại, đây sẽ lại là một cơ hội tốt cho các nước yếu thế hơn có thêm hy vọng được vươn tay chạm đến chiếc huy chương vàng. Quy mô thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018 Có tổng cộng 12 quốc gia sẽ tham gia thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018. 12 nước này sẽ được chia thành ba bảng (mỗi bảng bao gồm bốn nước) và trải qua vòng đấu loại để chọn ra bốn nước vào vòng tứ kết. Hàn Quốc thuộc Bảng A, cùng bảng với các đối thủ mạnh như Canada, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ. Trong khi đó, tại nội dung khúc côn cầu trên băng dành cho phái nữ có tất cả tám quốc gia thi đấu, được chia thành hai bảng, dựa theo thứ hạng trên thế giới. Bảng A (xếp hạng cao): Mỹ, Canada, Phần Lan, Nga Bảng B (xếp hạng thấp): Thụy Điển, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc Có rất nhiều quan ngại rằng sở dĩ Hàn Quốc đoạt được tấm vé tham dự thi đấu tại bộ môn khúc côn cầu trên băng là bởi Hàn Quốc là đất nước chủ nhà, do đó không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào đội tuyển nam – nữ Hàn Quốc. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn toàn khắc phục được điểm yếu của mình và dự kiến sẽ xuất quân trong đội hình mạnh nhất. Hàn Quốc không hề hy vọng sẽ giành được huy chương tại bộ môn này. Tuy nhiên, với tâm thế là đất nước chủ nhà, họ sẽ cố gắng thi đấu hết sức mình, để có thể làm nên kỳ tích như những gì mà đội tuyển bóng đá nam quốc gia đã làm được dưới thời huấn luyện viên người Hà Lan Guus Hiddink tại World Cup 2002, được tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. (Photo:Yonhap)
2018-01-21

Sát cánh cùng Olympic

Trượt băng tốc độ - Chiếc huy chương vàng sáng giá cho Hàn Quốc
Trượt băng tốc độ (Speed skating) là một trong những bộ môn lâu đời nhất được thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông, từ Olympic đầu tiên được tổ chức tại Chamonix (Pháp) vào năm 1924. Luật thi đấu của bộ môn này rất đơn giản. Hai vận động viên xuất phát cùng một thời điểm trên đường băng dài 400m, có kẻ vạch phân cách. Thứ tự về đích sẽ được phân định dựa trên thành tích thi đấu của mỗi vận động viên. Đây chính là điểm khác biệt của Trượt băng tốc độ (Speed Skating) so với Trượt băng tốc độ vòng ngắn (Short Track). Trong kỳ Olympic Pyeongchang lần này, Trượt băng tốc độ gồm có tổng cộng 14 chiếc huy vàng dành cho các nội dung 500·1000·1500m nam – nữ, xuất phát đồng loạt (Mass Start), 3000·5000m cá nhân nữ, 5000·10000m cá nhân nam, và đồng đội nam – nữ. Bộ môn Trượt băng tốc độ vốn được xem là “cánh đồng huy chương” đối với đoàn thể thao mùa đông Hàn Quốc. Chiếc huy chương đầu tiên mà Hàn Quốc đã đạt được tại Olympic mùa đông cũng chính là bộ môn này. Kể từ sau đó, Hàn Quốc lại tiếp tục đạt được nhiều chiếc huy chương và kỷ lục khác, góp phần chứng tỏ bản lĩnh của mình trên đường đua trắng. Kỷ lục của Hàn Quốc tại bộ môn Trượt băng tốc độ Chiếc huy chương đầu tiên mà Hàn Quốc đã đạt được chính là tại bộ môn Trượt băng tốc độ trong khuôn khổ Olympic Albertville, được tổ chức vào năm 1992 tại Pháp. Người hùng của Hàn Quốc trong kỳ Olympic lúc bấy giờ là vận động Kim Yoon-man với chiếc huy chương bạc tại nội dung 1000m nam. Nối tiếp thành công này, các vận động viên khác như Lee Kang-suk, Lee Sang-hwa, Mo Tae-bum và Lee Seung-hoon lại tiếp tục làm rạng danh nước nhà khi góp phần khiến bộ môn Trượt băng tốc độ trở thành một mảnh đất “hốt vàng” của Hàn Quốc tại các kỳ thế vận hội mùa đông, cùng với bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn. Thành tích của các vận động viên nói trên được ghi nhận cụ thể như sau: - Vận động viên Kim Yoon-man đoạt chiếc huy chương bạc tại nội dung 1000m nam trong kỳ Olympic Albertville (Pháp) năm 1992. - Vận động viên Lee Kang-suk đoạt chiếc huy chương đồng tại nội dung 500m nam trong kỳ Olympic Turin (Ý) năm 2006. - Ba vận động viên Lee Sang-hwa, Mo Tae-bum, Lee Seung-hoon đoạt chiếc huy chương vàng trong kỳ Olympic Vancouver (Canada) năm 2010. - Vận động viên Lee Seung-hoon cùng các đồng đội đoạt chiếc huy chương bạc tại nội dung tiếp sức nam trong kỳ Olympic Sochi (Nga) năm 2014. Những vận động viên Trượt băng tốc độ đại diện Hàn Quốc thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018. Hàn Quốc đã dành được 11 tấm vé thi đấu trong tổng số 14 nội dung của Trượt băng tốc độ. Nội dung được trông đợi nhất chính là 500m nữ của vận động viên Lee Sang-hwa – người được mệnh danh là “nữ hoàng tốc độ trên đường đua trắng”, sau khi chiến thắng hai kỳ Olympic liên tiếp lần lượt vào năm 2010 tại Vancouver (Canada) và năm 2014 tại Sochi (Nga). Chính vì thế, trong kỳ Olympic Pyeongchang 2018, cô được kỳ vọng sẽ tiếp tục lập nên kỷ lục trong sự nghiệp thi đấu của mình. Về hạng mục xuất phát đồng loạt (Mass Start), vận động viên Lee Seung-hoon và Kim Bo-reum – những gương mặt đã từng là chủ lực của bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn, hiện đang rất được trông đợi sẽ tỏa sáng tại nội dung này. Trước đó, tại hai kỳ Olympic 2006 và 2010, Mass Start không được đưa vào nội dung thi đấu. Trở lại vào năm nay, Mass Start được xem là một cơ hội tốt để các vận động viên Hàn Quốc giành được chiếc huy vàng danh giá cho nước nhà. Xuất phát đồng loạt (Mass Start) – Niềm hy vọng mới của đoàn thể thao mùa đông Hàn Quốc Ở môn xuất phát đồng loạt (Mass Start), các vận động viên không có đường đua riêng và phải trải qua 16 vòng cự ly 400m. Cứ sau mỗi bốn vòng đua, các vận động viên sẽ được xếp thứ tự nhất, nhì, ba, lần lượt tương ứng với 5 điểm, 3 điểm và 1 điểm. Cho đến vòng đua cuối cùng, ba vận động viên dẫn đầu sẽ giành được số điểm tương ứng 60, 40 và 20. Đây cũng là lúc mà các vận động viên phải tranh đấu hết sức mình để đạt được số điểm cao nhất, hướng đến ngôi vị chiến thắng. Đua tốc độ trên băng mà không có đường đua riêng cũng giống như môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn, sân băng thực sự trở thành một trận chiến không thiếu những pha va chạm giữa các vận động viên. Cũng chính vì lẽ đó mà các tay đua có kinh nghiệm thi đấu Trượt băng tốc độ vòng ngắn sẽ rất có lợi thế trong nội dung xuất phát đồng loạt (Mass Start) này. Trên thực tế, cả hai vận động viên Lee Seung-hoon và Kim Bo-reum đều chuyển từ Trượt băng tốc độ vòng ngắn sang Trượt băng tốc độ. Do xuất phát đồng loạt (Mass Start) cũng đã chính thức được đưa vào thi đấu tại Olympic Pyeongchang 2018, nên nội dung này gần như chắc chắn sẽ mang lại huy chương cho Hàn Quốc. Kỳ vọng của Hàn Quốc tại bộ môn Trượt băng tốc độ Sẽ có rất nhiều vận động viên hàng đầu trên thế giới cùng tề tựu tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Trong đó, gương mặt được chú ý nhất chính là vận động viên Lee Sang-hwa, người đã có ba lần chiến thắng Olympic. Tuy nhiên, vận động viên Lee Sang-hwa cần phải dè chừng một đối thủ nặng ký. Chính là nữ vận động viên người Nhật Kodaira Nao. Cô sẽ thi đấu tại các nội dung 500m, 1000m và 1500m. Đặc biệt, tại nội dung 500m, Nao đã giành chiến thắng tại tất cả 24 đường đua trong các cuộc thi quốc tế. Cô đồng thời cũng là người nắm giữ kỷ lục thế giới tại nội dung 1000m. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể không nhắc đến Hà Lan, cường quốc của Trượt băng tốc độ. Nổi bật nhất là vận động viên huyền thoại Sven Kramer – người đã đi vào lịch sử thể thao Hà Lan khi lập được sáu kỷ lục thế giới và chiến thắng 17 lần tại các giải vô địch thế giới. Đến với Olympic Pyeongchang 2018, Sven Kramer đang hướng đến ba chiếc huy chương vàng tại các nội dung 5000m, 10000m và đồng đội. Tuy phải đối đầu với nhiều đối thủ mạnh, Hàn Quốc vẫn đặt ra mục tiêu vươn lên vị trí thứ 4 trên toàn bảng tổng sắp với tám chiếc huy chương vàng, bốn chiếc huy chương bạc và tám chiếc huy chương đồng. Để đạt được mục tiêu này, các vận động viên ở cả hai bộ môn Trượt băng tốc độ và Trượt băng tốc độ vòng ngắn đang luyện tập hết sức mình, góp phần mang vinh quang về cho đất nước.
2018-01-14

Sát cánh cùng Olympic

“Trượt băng tốc độ vòng ngắn” – Cuộc đua ly kỳ trên đường băng trắng
Chuyên mục “Sát cánh cùng Olympic PyeongChang 2018” sẽ đồng hành cùng quý thính giả của Đài phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS World Radio cho đến ngày diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 vào ngày 9/2. Nhân vật chính của buổi phát thanh thứ hai chính là cuộc đua ly kỳ trên đường băng trắng – “Trượt băng tốc độ”. Đây đồng thời cũng là bộ môn mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa đông, góp phần mở ra một trang sử mới cho đội tuyển Trượt băng tốc độ Hàn Quốc khi thu hoạch được tổng cộng 42 chiếc huy chương danh giá qua các kỳ Olympic. Với thành tích đáng ngưỡng mộ đã đạt được trước đó, Trượt băng tốc độ lại một lần nữa được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những bộ môn mang về nhiều tấm huy chương nhất cho đoàn thể thao Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang năm 2018. Cùng tìm hiểu về bộ môn Trượt băng tốc độ Tên chính thức của Trượt băng tốc độ là “Trượt băng tốc độ vòng ngắn” (Short Track Speed Skating), có nguồn gốc từ “Long Track Speed Skating”, gọi chung là “Speed Skating” (Trượt băng tốc độ). Trượt băng tốc độ bắt đầu phổ biến tại Bắc Mỹ vào những năm 1900. Cho đến những năm 1970, sau khi các luật lệ về thi đấu được thiết lập, Trượt băng tốc độ vòng ngắn được công nhận là một bộ môn độc lập và chính thức được đưa vào nội dung thi đấu từ cuối thập niên 70. Nói một cách đơn giản, Trượt băng tốc độ vòng ngắn là hạng mục mà các vận động viên sẽ tranh tài tốc độ trên đường đua dài 111.12m. Chính vì thế, sự hấp dẫn của bộ môn này chính là ở chỗ nó thu hút khán giả tập trung chú ý vào những vòng tranh tài quyết liệt giữa các vận động viên để giành lấy kỷ lục nhanh nhất và tốt nhất. Trên thực tế, đội tuyển Trượt băng tốc độ của Hàn Quốc đã thật sự để lại rất nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng với những màn thi đấu hết sức ấn tượng. Ý nghĩa của Trượt băng tốc độ đối với đoàn thể thao Hàn Quốc tại các kỳ Olympic Kể từ sau khi trở thành môn thi đấu chính thức tại kỳ Olympic mùa đông Albertville (Pháp) năm 1992, Trượt băng tốc độ vòng ngắn được xem là hạng mục “hốt vàng” của đoàn thể thao Hàn Quốc, bắt đầu từ thời vàng son của vận động viên Kim Ki-hoon, cho đến tận thời điểm Thế vận hội Mùa đông Sochi (Nga) được tổ chức vào năm 2014. Do đó có thể nói rằng Trượt băng tốc độ vòng ngắn chính là “mỏ vàng” mang đến tia hy vọng mới cho Hàn Quốc, một đất nước vốn được xem là “mảnh đất khô cằn” thiếu sức sống tại Olympic mùa đông. Những yếu tố khiến Hàn Quốc trở nên tỏa sáng trong bộ môn này chính là nhờ vào tinh thần thi đấu kiên cường, cùng chiến lược thông minh và sự phối hợp ăn ý giữa các vận động viên trong đội tuyển. Tại kỳ Thế vận hội Mùa đông Albertville (Pháp) năm 1992, vận động viên Kim Ki-hoon đã giành huy chương vàng tại nội dung 1000m nam, đồng thời cũng giúp đội nhà chiến thắng tại hạng mục 5000m tiếp sức. Tại mỗi kỳ đại hội sau đó, Hàn Quốc luôn giành được ít nhất hai tấm huy chương vàng trong bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn, nhờ vào tinh thần thi đấu mạnh mẽ của những ông hoàng, bà hoàng tốc độ trên đường đua trắng. Về phía vận động viên nam, có thể kể tên một số gương mặt nổi bật như Kim Ki-hoon, Kim Dong-sung và Ahn Hyun-soo. Trong khi đó, phía nữ gồm có các vận động viên Jun Yi-kyung, Go Ki-hyun, Jin Sun-yoo và Shim Suk-hee. Những gương mặt đại diện Trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc thi đấu tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018 Bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn trong kỳ Olympic năm 2018 gồm có tám chiếc huy chương vàng dành cho các nội dung 500·1000·1500m nam – nữ và 5000m tiếp sức nam, 3000m tiếp sức nữ. Thật đáng tiếc, tại Olympic Sochi 2014, đội tuyển nam Trượt băng tốc độ vòng ngắn đã không giành được chiếc huy chương vàng nào. Chính vì thế, họ đang rất mong chờ sẽ có cợ hội được “phục thù” trong kỳ Olympic 2018. Có khá nhiều ý kiến cảm thấy bất an cho đội tuyển Trượt băng tốc độ vòng ngắn, bởi sắp tới sẽ những tân binh mới đại diện nước nhà thi đấu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những gương mặt trẻ này. Họ đều là những vận động viên xuất sắc được đánh giá khá cao thông qua bốn trận đấu World Cup trong mùa giải năm nay. Trong số đó, gương mặt được chú ý nhất là Lim Hyo-jun. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tin tưởng vào Hwang Dae-hun, một ngôi sao mới của làng Trượt băng tốc độ vòng ngắn. Hàn Quốc hoàn toàn có đủ tư cách để tự hào về danh hiệu hàng đầu thế giới trong bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn. Tuy nhiên không vì thế mà họ được phép lơ là, chủ quan. Vì đây là một môn thể thao tốc độ điển hình, không ai có thể đoán trước được kết quả. Đặc biệt, đối thủ nặng ký nhất của Hàn Quốc chính là các vận động viên Trung Quốc. Trong số đó, nữ vận động viên sinh năm 1993 Fan Kexin chính là mối đe dọa lớn nhất đối với đoàn thể thao Hàn Quốc. Còn nhớ tại nội dung 3000m tiếp sức nữ trong kỳ đại hội World Cup lần thứ tư, Hàn Quốc đã đánh mất danh hiệu vô địch vào tay Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một số cường quốc khác mà Hàn Quốc cần phải dè chừng như Canada với các nữ vận động viên Kim Boutin và Marianne St-Gelais, cùng đoàn thể thao Anh với nữ vận động viên sinh năm 1990 Elise Christie. Về nội dung nam, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những đối thủ như vận động viên người Trung Quốc Wu Dajing, vận động viên người Canada Charles Hamelin và vận động viên người Hà Lan Sjinkie Knegt. Họ đều là những đối thủ nặng ký của đoàn thể thao Hàn Quốc, trên con đường chinh phục chiếc huy chương vàng tại các nội dung của bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn. Đặc biệt hơn hết, Hàn Quốc còn phải đối đầu với một nhân vật hết sức mạnh trên đường đua trắng. Chính là vận động viên thi đấu với tư cách cá nhân Ahn Hyun-soo – người đã chuyển sang quốc tịch Nga và đổi tên thành Viktor Ahn sau khi có mâu thuẫn nghiêm trọng với Liên đoàn Trượt băng Hàn Quốc. Anh vốn là người hùng của đoàn thể thao Hàn Quốc khi mang về cho nước nhà rất nhiều chiếc huy chương danh giá, nhưng cuối cùng lại dứt áo ra đi vì những mâu thuẫn không thể hàn gắn. Hàn Quốc kỳ vọng vào bao nhiêu tấm huy chương vàng Trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018? Hàn Quốc đã giành được quyền thi đấu tại tất cả tám nội dung ở bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Họ đặt ra mục tiêu sẽ đạt được tám chiếc huy chương vàng và vươn lên hạng thứ tư trên toàn bảng tổng sắp. Và trong số tám chiếc huy chương vàng mục tiêu đó, Hàn Quốc hy vọng sẽ đạt được bốn chiếc huy chương vàng tại bộ môn Trượt băng tốc độ vòng ngắn. (Photo : Yonhap)
2018-01-05

Sát cánh cùng Olympic

Trượt băng nghệ thuật – “Bông hoa xinh đẹp của Thế vận hội Olympic mùa đông”
Trượt băng nghệ thuật – “Bông hoa xinh đẹp của Thế vận hội Olympic mùa đông” Chỉ còn 50 ngày nữa, Thế vận hội Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018 sẽ chính thức diễn ra tại huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Sau hai lần tranh cử thất bai, Hàn Quốc cuối cùng cũng đã giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympic Mùa đông 2018, lần thứ XXIII. Đây là Thế vận hội thứ hai Hàn Quốc được đăng cai tổ chức sau 30 năm, kể từ kỳ Thế vận hội Olympic Mùa hè Seoul diễn ra vào năm 1988. Với một sự kiện lớn như vậy, trong suốt 6 năm 6 tháng vừa qua, Hàn Quốc đã không ngừng đẩy nhanh các công tác chuẩn bị cho một kỳ Thế vận hội thành công, chính thức được diễn ra từ ngày 9/2/2018 đến ngày 25/2/2018. KBS WORLD RADIO sẽ cùng đồng hành với các bạn điểm qua những thông tin nổi bật về các môn thể thao và sự kiện đáng chú ý bên thềm chuẩn bị cho kỳ Thế vận hội sắp tới. Chủ đề đầu tiên với tên gọi “Bông hoa xinh đẹp của Thế vận hội Olympic mùa đông”, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn toàn cảnh về bộ môn “Trượt băng nghệ thuật”. Thế nào là Trượt băng nghệ thuật? Vốn dĩ với một quốc gia nhiệt đới như Việt Nam, các môn thể thao mùa đông vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Thế nhưng đối với người Hàn Quốc, khi nhắc đến bộ môn Trượt băng nghệ thuật, họ sẽ ngay lập tức liên tưởng đến “Nữ hoàng sân băng” Kim Yuna. Có thể hiểu đơn giản bộ môn Trượt băng nghệ thuật chính là khiêu vũ trên băng trong một bầu không khí lãng mạn với âm nhạc cùng những bộ quần áo rực rỡ. Bộ môn này có một lịch sử rất lâu đời, xuất hiện lần đầu tiên tại Thế vận hội mùa đông Luân Đôn (Anh) năm 1908 và trở thành môn thể thao chính thức của Thế vận hội mùa đông Chamonix (Pháp) kể từ năm 1924. Cho đến bây giờ, Trượt băng nghệ thuật vẫn là một bộ môn được yêu thích nhất tại các kỳ Thế vận hội mùa đông. Tuy nhiên, lịch sử Trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc vẫn chưa thật sự lâu dài so với các nước khác trên thế giới. Chúng ta có thể chia bộ môn này thành hai giai đoạn, trước và sau thời kỳ của “Nữ hoàng sân băng” Kim Yuna. Cho đến những năm 2000, Trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc vẫn chưa có thành tích nổi bật. Thậm chí tại Thế vận hội mùa đông Turin (Ý) năm 2006, Hàn Quốc vẫn chưa thể dành được một suất thi đấu tại hạng mục này. Thế nhưng cho đến năm 2010, Trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc đã bắt đầu khởi sắc, nhờ sự xuất hiện của “Nữ hoàng sân băng” Kim Yuna tại Thế vận hội mùa đông Vancouver (Canada). Cô nàng đã làm nên lịch sử khi giành được chiến thắng Olympic đầu tiên với tấm huy chương vàng tại hạng mục đơn nữ. Tiếp đó, tại Thế vận hội mùa đông Sochi (Nga) vào năm 2014, Hàn Quốc lại có một năm đại thành công khi có đến tận ba vận động được thi đấu tại hạng mục đơn nữ của bộ môn này. Trong cùng năm đó, vận động viên Kim Yuna đã giành được chiếc huy chương bạc. Với sự thành công của mình, Kum Yuna không chỉ nhận được tình cảm yêu mến từ các fan hâm mộ nước nhà, mà còn góp phần tạo ra kỷ nguyên mới cho Trượt băng nghệ thuật Hàn Quốc. Như vậy, tại Thế vận hội Olympic Mùa đông Pyeongchang 2018, bộ môn Trượt băng nghệ thuật có ý nghĩa như thế nào với Hàn Quốc? Olympic vốn dĩ là một đại hội “rất khó” được diễn ra tại Hàn Quốc. Tuy nhiên họ đã thực hiện được điều này. Đây chính là một vinh dự lớn đối với nền thể thao của Hàn Quốc. Cũng bởi thế mà có rất nhiều người vẫn luôn thắc mắc rằng, ai là người có khả năng thay thế vào khoảng trống của vận động viên Kim Yuna khi cô tuyên bố giải nghệ vào năm 2014. Nhưng thay vì trả lời câu hỏi này, các chuyên gia vẫn hy vọng công chúng sẽ nhìn vào khả năng phát triển của các vận động viên và bộ môn Trượt băng nghệ thuật, hơn là tập trung quá nhiều vào thành tích hay giá trị của những tấm huy chương. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa biết được vận động viên nào sẽ giành được quyền thi đấu tại Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018, nhưng trên thực tế, Hàn Quốc vẫn đang nắm chắc trong tay hai tấm vé thi đấu tại hạng mục đơn nữ Trượt băng nghệ thuật. Một trong số đó là vận động viên Choi Da-bin, người đã chiến thắng với huy chương vàng tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á Sapporo (Nhật Bản) năm 2017, đồng thời giành được hạng 10 tại Giải vô địch thế giới Phần Lan vào tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, Choi Da-bin cũng giành được khá nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ. Điển hình như hồi tháng 7, tại vòng loại đầu tiên của cuộc thi tuyển chọn vận động viên quốc gia tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang, cô đã xuất sắc giành được chiến thắng với số điểm áp đảo 181,79. Sau đó, tại vòng loại thứ hai diễn ra vào tháng 12, cô lại tiếp tục giành chiến thắng, và nắm chắc trong tay tấm vé đến Pyeongchang. Tấm vé còn lại sẽ phụ thuộc vào trận đấu giữa ba vận động viên Kim Ha-neul, Ahn So-hyun và “chị cả” Park So-yeon. Các chuyên gia có dự đoán như thế nào về thành tích của các vận động viên Hàn Quốc? Trên thực tế, các chuyên gia dự đoán Hàn Quốc không phải là một đại diện sáng giá cho chiếc huy vương vàng. Tuy nhiên, “át chủ bài” Choi Da-bin vẫn rất được kỳ vọng sẽ lập nên kỳ tích tại hạng mục đơn nữ. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên bộ môn Trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc đạt được đủ điều kiện cho các hạng mục, dù không có sự góp mặt của vận động viên Kim Yuna. Theo thông báo cùa Liên đoàn Trượt băng nghệ thuật quốc tế (ISU) vào tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc với tổng số điểm 1.397 là quốc gia cuối cùng trong tổng số 10 nước được tham dự thi đấu đồng đội tại Thế vận hội Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Điều đó có nghĩa là công chúng sẽ được xem những màn thi đấu đặc sắc của các vận động viên Hàn Quốc trong tất cả các hạng mục của bộ môn Trượt băng nghệ thuật. Đây là một thông tin rất vui cho đoàn Trượt băng nghệ thuật Hàn Quốc. Như vậy, ngay cả khi các vận động viên Hàn Quốc không thể giành huy chương tại cuộc thi này, thì cũng không có gì phải đáng thất vọng. Vả lại, Hàn Quốc cũng có rất nhiều vận động viên được kỳ vọng trong kỳ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Sau những thành tích mà vận động viên Kim Yuna lập được tại Thế vận hội mùa đông Vancouver (Canada) năm 2010, Hàn Quốc đã bắt đầu kỳ vọng vào những gương mặt mới tài năng trong bộ môn Trượt băng nghệ thuật. Trong số đó, đáng chú ý nhất là vận động viên You Young. Tại cuộc thi trong nước gần đây, cô là người đã đạt được số điểm cao nhất 197,56 trên bảng tổng sắp, chỉ xếp sau thành tích của vận động viên Kim Yuna lập được trước đó. Tuy các vận động viên trẻ này không thể thi đấu tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 vì giới hạn tuổi, nhưng lại là những gương mặt sáng giá tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Giới chuyên môn tin rằng những “mầm non trẻ” này sẽ kế thừa được những kỷ lục của “Nữ hoàng” Kim Yuna. Trước mắt, vòng loại Olympic thứ ba sẽ được tổ chức vào tháng 1 năm 2018. Các vận động viên đại diện quốc gia tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 sẽ được tuyển chọn bằng cách tổng hợp kết quả của ba vòng loại. Chúng ta hãy chúc cho họ sẽ có tinh thần thi đấu tốt nhất để có thể mang về những tấm huy chương sáng giá cho đoàn thể thao Trượt băng nghệ thuật Hàn Quốc.
2017-12-24

Sát cánh cùng Olympic

Go Top