Tin tức từ Pyeongchang

Huấn luyện viên trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc vươn ra thế giới
Không chỉ đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế, trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc còn có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu khi rất nhiều huấn luyện viên người Hàn đang thực hiện vai trò chỉ đạo, dẫn dắt các đội tuyển, các vận động viên trượt băng tốc độ vòng ngắn nước ngoài. Nam vận động viên Sandor Liu Shaolin của Hungary, người vừa giành huy chương vàng ở nội dung 5.000m tiếp sức nam, và bạn gái anh là vận động viên Elise Christie của Anh đều được các huấn luyện viên Hàn Quốc dẫn dắt. Huấn luyện viên Jeon Jae-soo hiện là “thuyền trưởng” của đội tuyển Hungary, trong khi ông Lee Seung-jae là “đầu tàu” của đội tuyển Anh từ năm 2012. Bên cạnh đó, còn có nhiều huấn luyện viên người Hàn khác tham gia kỳ Thế vận hội lần này với vai trò dẫn dắt đội tuyển của nước ngoài, như huấn luyện viên Yoon Seung-nam của Kazakhstan, huấn luyện viên kiêm cựu vận động viên Jeon Yi-kyung của đội tuyển Singapore. Ngoài ra, trong số các vận động viên trượt băng tốc độ vòng ngắn tham gia Olympic PyeongChang, nhiều người đã từng được huấn luyện viên Hàn Quốc hướng dẫn như Maame Biney, tuyển thủ da màu người Mỹ đầu tiên tham gia thi đấu trượt băng tốc độ vòng ngắn. Cô từng được cựu vận động viên Kim Yoon-mi của Hàn Quốc phát hiện ra tài năng và chỉ dạy. Vận động viên Mỹ gốc Hàn Thomas Hong cũng từng được huấn luyện viên Lee Yeon-sam và Song Jae-geun hướng dẫn khi tới Hàn Quốc tập huấn. (Photo : Yonhap)
2018-02-23

Nhật ký Olympic

Trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc khẳng định vị thế số một
Trong ngày thi đấu thứ 13 tại Olympic PyeongChang vào hôm 22/2, ngày thi đấu cuối cùng của bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn, các vận động viên Hàn Quốc đã bước vào các trận đấu chung kết ở nội dung 1.000m nữ, 500m nam và 5.000m tiếp sức nam. Kết quả ngày thi đấu cuối cùng Tuy nhiên, may mắn đã không mỉm cười với đội chủ nhà khi niềm hy vọng vàng Shim Suk-hee và Choi Min-jeong va vào nhau trên đường đua nội dung 1.000m nữ, trong khi vận động viên Lim Hyo-jun cũng không may trượt ngã trong trận chung kết 5.000m tiếp sức nam, để lỡ huy chương ở những nội dung này. Dù vậy, Hwang Dae-heon và Lim Hyo-jun đã mang về tấm huy chương bạc và huy chương đồng ở nội dung 500m nam. Vận động viên Kim Do-kyoum chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp tập luyện chăm chỉ... Ngay từ đầu, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận bất cứ kết quả nào. Huy chương Olympic là của trời cho, có nhiều chuyện không thể biết trước được nhưng tôi nghĩ rằng cả đội đã thi đấu hết mình. Đáng tiếc là kết quả không tốt so với những gì đã tập luyện nhưng chúng tôi vẫn đón nhận điều này. Đối với tôi, được tham gia thi đấu ở sân nhà với sự cổ vũ nồng nhiệt của người hâm mộ đã là điều vô cùng vinh dự rồi”. Vận động viên Shim Suk-hee tâm sự: “Thật ra đã có nhiều chuyện không hay xảy ra với tôi trong quá trình chuẩn bị cho Olympic cũng như khi thi đấu. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã học hỏi được rất nhiều điều cho cuộc sống sau này”. Mặc dù không đạt được mục tiêu mang về năm huy chương vàng cho nước nhà ở kỳ Thế vận hội lần này, nhưng đội tuyển trượt băng tốc độ vòng ngắn vẫn khép lại hành trình chinh phục đường đua trắng với thành tích xuất sắc. Với kết quả sáu tấm huy chương, trong đó có ba huy chương vàng, hai bạc, một đồng, Hàn Quốc đứng đầu về số lượng huy chương ở môn trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Thế vận hội PyeongChang. Trượt băng tốc độ vòng ngắn Hàn Quốc, “bức tường thành khó vượt” Hàn Quốc “bén duyên” với môn thể thao trượt băng tốc độ vòng ngắn vào năm 1983 khi lần đầu tiên cử hai vận động viên tham dự cuộc thi tuyển chọn vận động viên thế giới bộ môn này được tổ chức tại Nhật Bản. Đội tuyển trượt băng tốc độ quốc gia được thành lập hai năm sau đó và giành hai tấm huy chương vàng tại Thế vận hội mùa đông Calgary (Canada) vào năm 1988 và nhanh chóng trở thành “đứa con hiếu thảo” của thể thao Hàn Quốc. Vóc dáng nhỏ nhắn giúp các vận động viên Hàn Quốc đạt tốc độ nhanh hơn so với các vận động viên phương Tây trong các khúc cua, cũng như có thể dễ dàng len lỏi trong khi tranh giành vị trí trên đường đua. Bên cạnh ưu thế về mặt thể hình, bí quyết giúp Hàn Quốc giữ vững được vị trí số một trong trượt băng tốc độ vòng ngắn là sự tập luyện cao độ vượt ngoài sức tưởng tượng. Điều này giúp các vận động viên xứ sở kimchi có được thể lực dẻo dai và kỹ thuật cơ bản vững chắc. Giày trượt và trang phục cũng của các vận động viên cũng được sản xuất với kỹ thuật giúp tăng cường tối đa hiệu quả trong thi đấu, như giày trượt được áp dụng kỹ thuật uốn (bending), có thể điều chỉnh góc độ của lưỡi dao. Để giảm ma sát và chạy với tốc độ tối đa ở những đoạn cua, lưỡi dao ở đế giày cũng được gọt tròn ở hai đầu. Trong khi đó, trang phục thi đấu cũng được lưu ý hết sức về chất liệu giúp giảm thiểu tối đa sức cản không khí, đồng thời đảm bảo độ an toàn cho các vận động viên khi thi đấu. Trên hết, Hàn Quốc có một kỹ thuật riêng đặc biệt khi thi đấu, đó là trượt theo hình hồ lô. Ở những đoạn đường thẳng, các vận động viên trượt theo đường đua phía trong, sau đó lại trở lại đường trượt bên ngoài, tạo nên đường trượt giống như hình hồ lô. Cách trượt như thế này giúp các vận động viên tận dụng tối đa lực ly tâm, đạt tốc độ nhanh hơn ở những khúc cua. Nhờ có phương pháp này, các vận động viên Hàn Quốc luôn thành công trong những pha lội ngược dòng. (Photo : Yonhap)
2018-02-23

Nhật ký Olympic

Chất lượng băng đặc biệt, bí quyết tạo nên kỷ lục tại Olympic PyeongChang
Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 đang bước vào những ngày thi đấu cuối cùng. Mỗi ngày, mỗi trận đấu, các vận động viên lại xác lập thêm những kỷ lục cá nhân, kỷ lục Olympic mới. So với kỳ Olympic trước tại Sochi (Nga) năm 2014, Thế vận hội lần này ghi nhận nhiều kỷ lục hơn là nhờ chất lượng băng tại các địa điểm thi đấu. Để tạo nên mặt băng cứng, chắc, thay vì đổ nhiều nước và đóng băng dày ngay trong một lần, người ta đổ nước lên trên mặt bê tông có trải ống làm lạnh, từ từ đổ nước, làm những tấm băng với độ mỏng chỉ 0,2mm và cứ thế lặp đi lặp lại đến 250 lần. Nguyên nhân là do khi đổ nước vào quá nhiều để tạo băng, lượng ôxy theo nước vào nhiều làm giảm độ cứng chắc của mặt băng. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn sử dụng phương pháp tạo băng là bọc một lớp bê tông lên trên ống làm lạnh, sau đó mới tiến hành đóng băng. Một điều đặc biệt là dù ở cùng một sân thi đấu nhưng sàn băng của môn trượt băng tốc độ vòng ngắn và trượt băng nghệ thuật lại khác nhau hoàn toàn. Sàn băng của môn trượt băng tốc độ vòng ngắn có độ dày 3cm, nhiệt độ duy trì ở -7 độ C, là loại băng cứng màu trắng. Trong khi đó, sàn băng của môn trượt băng nghệ thuật lại có độ dày 5cm, nhiệt độ là -4 độ C, băng mềm và có màu bạc. Để có thể nhanh chóng chuyển đổi trạng thái sân băng chỉ trong ba tiếng, người ta đã lắp ba máy làm lạnh với công suất lên tới 150RT (tấn lạnh) cùng với ống nước nóng bên dưới sân băng. Ngoài ra, đèn chiếu sáng tại sân thi đấu cũng được đổi thành dạng đèn LED để hạn chế tối thiểu nhiệt phát ra. Olympic PyeongChang là Thế vận hội đầu tiên lắp đặt đèn LED ở toàn bộ địa điểm thi đấu. Chính bởi sự đầu tư công phu như thế này mà chất lượng băng tại các điểm thi đấu tại Olympic PyeongChang nhận được rất nhiều lời khen từ các vận động viên, như vận động viên trượt băng tốc độ Nhật Bản Nao Kodaira, người vừa giành huy chương vàng tại nội dung 500m nữ. Vận động viên trượt băng tốc độ vòng ngắn của Anh Elise Christie thậm chí còn thốt lên rằng sẽ có nhiều kỷ lục được lập nên sau khi nhìn thấy sàn băng tại Olympic PyeongChang. (Photo : Yonhap)
2018-02-22

Nhật ký Olympic

Hàn Quốc đạt huy chương bạc ở nội dung trượt băng tốc độ rượt đuổi đồng đội nam
Tối ngày 21/2 đã diễn ra những trận tranh tài ở vòng bán kết và chung kết nội dung trượt băng tốc độ rượt đuổi đồng đội nam. Đội tuyển Hàn Quốc gồm vận động viên Lee Seung-hoon, Kim Min-seok và Chung Jae-won đã có màn lội ngược dòng tuyệt vời ở vòng đua cuối cùng, giành chiến thắng trước New Zealand trong trận bán kết. Ở trận chung kết, đội chủ nhà cũng đã có màn rượt đuổi gay cấn với Na Uy, giành tấm huy chương bạc quý giá với thành tích 3 phút 38 giây 52. Huy chương bạc tại hai kỳ Olympic liên tiếp Như vậy, Hàn Quốc đã đạt huy chương bạc ở nội dung rượt đuổi đồng đội nam tại hai kỳ Thế vận hội liên tiếp, sau Olympic Sochi 2014 tại Nga. Đây cũng là tấm huy chương thứ tư mà trượt băng tốc độ mang về cho đội chủ nhà tại Olympic PyeongChang lần này. Rượt đuổi đồng đội trở thành nội dung thi đấu chính thức tại Thế vận hội mùa đông kể từ Olympic Torino 2006 (Ý). Hai đội tuyển xuất phát đồng thời tại vị trí đối diện nhau, cùng trượt về một phía và rượt đuổi theo hình thức bắt đuôi của đối thủ. Ở nội dung rượt đuổi đồng đội nam, các vận động viên phải đua tám vòng. Do thành tích được xác lập dựa theo kết quả của vận động viên về cuối cùng trong đội, nội dung này đặc biệt cần đến tinh thần đồng đội và việc duy trì thể lực hợp lý, cân bằng. Nói cách khác, ba vận động viên phải trở thành một trên đường đua trắng. Đội tuyển rượt đuổi nam Hàn Quốc đeo băng ở hai bắp tay theo thứ tự Lee Seung-hoon màu trắng, Kim Min-seok màu vàng và Chung Jae-won màu đỏ, nhịp nhàng phối hợp trong cuộc rượt đuổi với đối thủ. Vận động viên Kim Min-seok phát biểu sau trận đấu: “Mục tiêu của chúng tôi là giành được huy chương vàng. Giá như thể lực của tôi được hồi phục hoàn toàn sau trận đấu trước thì chúng tôi có thể đã đạt được mục tiêu. Dù hơi tiếc nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được tấm huy chương bạc quý báu”. Về phần mình, em út Chung Jae-won chia sẻ: “Nếu không có anh Min-seok đẩy phía sau thì có lẽ tôi rất khó có thể chơi tốt. Phía trước có anh Seung-hoon dùng hết sức để tăng tốc, dẫn đội, phía sau có anh Min-seok đẩy lên, nhờ vậy mà tôi mới có thể chiến đấu được” Tinh thần đồng đội tỏa sáng Dù không thể thực hiện mục tiêu đổi màu huy chương, đội tuyển Hàn Quốc vẫn cống hiến một trận đấu hết sức đẹp mắt và cảm động bởi sự kết hợp ăn ý và đoàn kết giữa ba vận động viên. Anh cả Lee Seung-hoon dẫn đầu, tăng tốc phía trước, trong khi hai đàn em Kim Min-seok và Chung Jae-won đẩy nhanh tốc độ theo sau. Đây cũng là hình ảnh cho thấy sự kết nối giữa hai thế hệ trượt băng tốc độ Hàn Quốc, giữa trụ cột vững chắc Lee Seung-hoon và những tài năng trẻ Kim Min-seok và Chung Jae-won. Với tấm huy chương bạc ở nội dung rượt đuổi đồng đội nam này, Lee Seung-hoon trở thành vận động viên trượt băng tốc độ châu Á đạt nhiều huy chương nhất tại Olympic mùa đông với bốn huy chương trong ba kỳ Thế vận hội liên tiếp. Trong khi đó, Kim Min-seok giành huy chương thứ hai và Chung Jae-won sở hữu tấm huy chương đầu tiên trong kỳ Thế vận hội đầu tiên trong sự nghiệp. (Photo : Yonhap)
2018-02-22

Nhật ký Olympic

Những vận động viên trượt băng tốc độ bắt đầu sự nghiệp thể thao từ trượt băng tốc độ vòng ngắn
Tính đến nay, trượt băng tốc độ vòng ngắn đã mang về cho Hàn Quốc bốn trong tổng số tám huy chương, bao gồm ba huy chương vàng và một huy chương đồng. Cùng với trượt băng tốc độ vòng ngắn, bộ môn trượt băng tốc độ cũng được coi là “đứa con hiếu thảo” của thể thao Hàn Quốc khi đóng góp ba huy chương gồm hai bạc, một đồng cho thành tích của đội chủ nhà. Có một điều thú vị nữa là không ít gương mặt sáng giá của môn trượt băng tốc độ hiện nay vốn bắt đầu sự nghiệp từ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn. Lee Sang-hwa, “nữ đại đế” của trượt băng tốc độ Hàn Quốc, người đã hai lần liên tiếp đạt huy chương vàng tại các kỳ Thế vận hội trước và vừa giành huy chương bạc ở nội dung 500m tại Olympic PyeongChang, đã bắt đầu mối nhân duyên với sân băng từ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn. Tuy nhiên, trong khi tập luyện, Lee Sang-hwa bị lưỡi dao ở giày trượt băng cứa vào cằm đến mức phải khâu 11 mũi. Sự cố này đã khiến cô bị chấn thương tâm lý và quyết định chuyển sang môn trượt băng tốc độ. Trong khi đó, nam vận động viên Lee Seung-hoon, niềm hy vọng vàng ở nội dung xuất phát đồng loạt, và ngôi sao mới Cha Min-kyu, người bất ngờ đem về chiếc huy chương bạc ở nội dung trượt băng tốc độ 500m nam, cũng từng thi đấu môn trượt băng tốc độ vòng ngắn. Với lợi thế là sức bền, hai vận động viên này đã chuyển hướng sang trượt băng tốc độ và chinh phục những chặng đua dài. Trái lại, vận động viên Park Seung-hee, nữ vận động viên đã đạt rất nhiều thành tích tốt ở môn trượt băng tốc độ vòng ngắn, như hai huy chương đồng tại Thế vận hội Vancouver (Canada), hai huy chương vàng và một huy chương đồng ở Olympic Sochi (Nga), lại quyết định chuyển sang thi đấu ở môn trượt băng tốc độ với mục đích chinh phục những thử thách mới. Tuy lý do chuyển môn thi đấu của mỗi vận động viên đều khác nhau, nhưng kỹ thuật tăng tốc, bứt phá ở những đoạn cua, cùng với tốc độ rượt đuổi có được nhờ trượt băng tốc độ vòng ngắn đã giúp họ rút ngắn thời gian trong thi đấu trượt băng tốc độ, đặc biệt là những chặng đua dài hơi. (Photo : Yonhap)
2018-02-21

Nhật ký Olympic

Trượt băng tốc độ vòng ngắn tiếp tục mang huy chương về cho Hàn Quốc
Tối ngày 20/2, tại Nhà trượt băng nghệ thuật và tốc độ Gangneung, tỉnh Gangwon, đã diễn ra trận chung kết nội dung 3.000m tiếp sức nữ bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn. Đội tuyển Hàn Quốc ra sân với bốn thành viên Choi Min-jeong, Shim Suk-hee, Kim A-lang và Kim Ye-jin. Chiến thắng trước các đối thủ nặng ký Được đánh giá là bức tường thành khó vượt qua, trong mỗi trận đấu, Hàn Quốc luôn bị các đối thủ áp sát và cản trở trên đường đua. Trận chung kết này cũng không ngoại lệ. Cạnh tranh với các đối thủ mạnh Trung Quốc, Canada và Ý, trong suốt 20 vòng trượt, Hàn Quốc chủ yếu duy trì ở vị trí thứ ba. Tuy nhiên, chị cả Kim A-lang đã có cú bứt phá ngoạn mục lên vị trí thứ hai, dùng hết sức để đẩy Kim Ye-jin, đồng đội tiếp sức sau đó. Nhờ vậy, Choi Min-jeong, vận động viên đảm nhiệm những vòng đua cuối cùng, đã vươn lên dẫn đầu và có màn dứt điểm về đích đầu tiên. Các cô gái vàng đã mang về cho Hàn Quốc chiếc huy chương vàng thứ tư với thành tích 4 phút 7 giây 361. Đội tuyển cán đích thứ hai là Trung Quốc bị tước thành tích do mắc lỗi dùng tay đẩy đối thủ, trong khi đội tuyển về thứ tư là Canada cũng bị loại do cản đường băng của vận động viên đội bạn. Do đó, đội tuyển Ý về đích thứ ba trở thành chủ nhân của chiếc huy chương bạc. Huy chương đồng được trao cho Hà Lan, đội tuyển vốn đã bị loại ở vòng bán kết nhưng đạt thành tích tốt nhất tại trận chung kết B (trận chung kết giữa các đội không được lọt vào trận chung kết A). Phát biểu cảm tưởng sau khi giành huy chương vàng, chị cả Kim A-lang “Tôi rất muốn các đồng đội cảm nhận được cảm giác đứng trên bục vinh quang mà tôi đã từng trải qua tại Olympic Sochi. Tôi rất vui vì giờ đây điều ước đó đã thành hiện thực. Tôi cảm thấy mãn nguyện vì tất cả các em trong đội không ai bị thương và thi đấu tốt”. Vận động viên Shim Suk-hee tâm sự: “Trước khi bước vào trận đấu tiếp sức, tôi đã có chút khó khăn. Các em trong đội thực sự đã rất vất vả rồi. Hai lần liên tiếp đạt huy chương vàng ở nội dung này, tôi nghĩ rằng đây là kết quả có được nhờ sự nỗ lực không ngừng. Hai em Ye-jin và Yoo-bin đã vất vả rồi”. Huy chương vàng thứ 6 trong nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn tiếp sức nữ Với chiến thắng lần này, Hàn Quốc đã đạt huy chương vàng ở nội dung trượt băng vòng ngắn tiếp sức nữ trong hai kỳ Thế vận hội liên tiếp, tiếp nối thành tích của Olympic Sochi 2014 tại Nga. Đây cũng là chiếc huy chương vàng thứ sáu kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu tham gia tranh tài ở nội dung này tại Thế vận hội mùa đông Lillehammer 1994 tại Na Uy. Đội tuyển Hàn Quốc chỉ để “lỡ vàng” một lần duy nhất trong kỳ Thế vận hội mùa đông Vancouver 2010 tại Canada. Chính bề dày thành tích trong nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn tiếp sức cũng đã gây ra không ít sức ép phải mang về huy chương vàng cho các nữ vận động viên. Trong số năm vận động viên của đội tuyển tiếp sức nữ, chỉ có Kim A-lang và Shim Suk-hee có kinh nghiệm tham gia thi đấu tại kỳ Olympic trước đó. Tuy nhiên, sự nỗ lực, bình tĩnh, tự tin và đặc biệt là tinh thần đoàn kết cũng như sự cổ vũ nhiệt tình của người hâm mộ nước nhà đã giúp các cô gái cháy hết mình trên đường đua trắng. Bước lên bục vinh quang, năm cô gái, gồm vận động viên thi đấu trong trận chung kết và vận động Lee Yoo-bin, người đã nỗ lực hết sức trong trận đấu vòng loại, đã vui mừng và “đẩy mông” cho nhau, một động tác đặc trưng của trượt băng tốc độ vòng ngắn tiếp sức. Hình ảnh đáng yêu này, cũng như giây phút thi đấu đoàn kết, hết mình của đội tuyển Hàn Quốc sẽ còn mãi trong lòng người hâm mộ. (Photo : Yonhap)
2018-02-21

Nhật ký Olympic

Chiếc huy chương vàng đầu tiên của Hàn Quốc ở nội dung 1.500m nữ trượt băng tốc độ vòng ngắn sau 12 năm
Vào tối ngày 17/2 vừa qua, trận thi đấu chung kết đầy căng thẳng của hai nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn đã được diễn ra tại Nhà trượt băng nghệ thuật và tốc độ Gangneung (Gangneung Ice Arena). Bước vào những giây phút cuối cùng của trận chung kết nội dung 1.500m nữ trượt băng tốc độ vòng ngắn, vận động viên Choi Min-jeong vốn dĩ đang ở vị trí thứ tư đã bất ngờ tăng tốc thực hiện cú bứt phá ngoạn mục ở ba vòng đua cuối cùng và vươn lên giành chiến thắng chung cuộc với thành tích 2 phút 24 giây 948, góp phần mang về chiếc huy chương vàng quý giá cho đoàn thể thao nước nhà. Đây đồng thời cũng là chiếc huy chương vàng đầu tiên của Hàn Quốc tại nội dung 1.500m nữ trượt băng tốc độ vòng ngắn sau 12 năm, kể từ Thế vận hội Torino, Ý diễn ra vào năm 2006. Với chiến thắng này, Choi Min-jeong đã “phục thù” được thất bại ở nội dung 500m vào ngày 13/2, khi cô về đích ở vị trí thứ hai, nhưng cuối cùng lại bị loại do bị cho là dùng tay ngăn cản vận động viên khác khi tranh giành vị trí ưu thế. “Đạt được thành tích tốt trên đấu trường Olympic mà tôi hằng ao ước suốt bốn năm trời, quả là một điều đáng vui mừng. Nhưng đó không phải là kết quả do tự tôi tạo ra, mà còn nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể người dân trên cả nước và cả đội tuyển, cũng như liên đoàn và các cơ quan, tổ chức khác. Nhờ thế mà chúng tôi mới đạt được kết quả tốt như ngày hôm nay.” Choi Min-jeong, công chúa băng giá của trượt băng tốc độ vòng ngắn Với khuôn mặt sắc lạnh, không để lộ bất cứ biểu cảm nào, vận động viên sinh năm 1998 Choi Min-jeong được công chúng ưu ái đặt cho biệt danh “công chúa băng giá” của trượt băng tốc độ vòng ngắn. Tuy trẻ tuổi và sở hữu vóc dáng nhỏ bé chỉ cao 1m62, Choi Min-jeong vẫn được các chuyên gia đánh giá cao về thần thái và năng lực. Cuối cùng, không phụ lòng mong đợi của công chúng, “át chủ bài” Choi Min-jeong đã xuất sắc mang về cho đội chủ nhà một tấm huy chương vàng trong ngày thi đấu thứ tám của Thế vận hội năm nay. Cùng ngày, người đồng nghiệp nam Seo Yi-ra của Choi Min-jeong cũng mang về cho Hàn Quốc chiếc huy chương đồng đầy quý giá khi anh dù đã bị trượt ngã nhưng vẫn kịp thời đứng dậy, tiếp tục hoàn thành đường đua và về đích ở vị trí thứ ba. Như vậy, riêng trong hai ngày cuối tuần, Hàn Quốc đã có thêm một huy chương vàng, một huy chương bạc, một huy chương đồng, đang dần tiến đến gần hơn với mục tiêu mà đoàn thể thao nước nhà đã đề ra trong kỳ Thế vận hội mùa đông PyeongChang năm nay. (Photo : Yonhap)
2018-02-19

audioNhật ký Olympic

Giọt mắt cảm động của “nữ đại đế” trượt băng tốc độ Lee Sang-hwa
Tối ngày 18/2, trận tranh giành huy chương đầy kịch tính ở nội dung 500m nữ môn trượt băng tốc độ với sự tham gia của hai gương mặt sáng giá Lee Sang-hwa (Hàn Quốc) và Nao Kodaira (Nhật Bản) đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo người yêu thể thao trong nước và quốc tế. Trên thực tế, vận động viên Lee Sang-hwa của Hàn Quốc đã bước lên bục vinh quang cao nhất trong hai kỳ Olympic liên tiếp lần lượt vào năm 2010 tại Vancouver (Canada) và năm 2014 tại Sochi (Nga). Nếu cô bảo vệ thành công vị trí quán quân, cô sẽ trở thành vận động viên châu Á đầu tiên đoạt huy chương vàng trong ba kỳ Olympic liên tiếp. Tuy nhiên, trận tranh đấu năm nay không hề dễ dàng với Lee Sang-hwa, bởi có sự góp mặt của nữ vận động viên người Nhật Bản Nao Kodaira trên đường đua 500m. Sau Olympic Sochi 2014, trước ngưỡng cửa 30, số tuổi vốn được xem là tuổi về hưu đối với một vận động viên, Nao Kodaira đã lên đường du học tại Hà Lan và trở về với thành tích vượt trội hơn hẳn. Trong khoảng thời gian đó, Lee Sang-hwa lại bị chấn thương đầu gối. Do di chứng của chấn thương, trong 18 lần “chạm mặt” sau đó tại các trận thi đấu, Lee Sang-hwa chưa hề một lần giành chiến thắng trước đối thủ Nhật Bản. Kết quả cuối cùng, Lee Sang-hwa đã để tuột mất chiếc huy chương vàng khi về đích chậm hơn Nao Kodaira 0,39 giây. Nao Kodaira đã cán đích ở 36,94 giây, trong khi thành tích của Lee Sang-hwa là 37,33 giây. Dù được đánh giá là đối thủ truyền kiếp, tình bạn giữa hai vận động viên đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tỏa sáng. Vận động Lee Sang-hwa tâm sự : “Tôi đã từ bỏ nội dung 1.000m để có thể tập trung hoàn toàn cho nội dung 500m. Thế nhưng Nao lại thi đấu cả nội dung 1.000m, 1.500m và cuối cùng giành chiến thắng ở cả nội dung 500m. Tôi thật sự rất khâm phục cô ấy. Sau khi trận đấu kết thúc, cô ấy cũng bảo tôi rằng đã học được rất nhiều điều từ tôi. Và thêm một điều nữa khiến tôi rất xúc động, đây là lần đầu tiên bố mẹ tôi trực tiếp đến xem tôi thi đấu. Quả thực điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi rất nhiều.” Lee Sang-hwa mãi là niềm tự hào của trượt băng tốc độ nữ Hàn Quốc Mặc dù chỉ dành huy chương bạc tại Olympic PyeongChang 2018 nhưng người hâm mộ thể thao Hàn Quốc vẫn không ngớt lời ngợi khen và dành cho Lee Sang-hwa những lời an ủi, động viên chân tình nhất. Với sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng, vận động viên Lee Sang-hwa đã chinh phục trái tim của người yêu thể thao trên toàn quốc. Họ trân trọng những giọt mồ hôi và nước mắt của cô trong những trận tranh tài giành vinh quang về cho nước nhà. (Photo : Yonhap)
2018-02-19

audioNhật ký Olympic

Huy chương vàng đầu tiên của bộ môn xe trượt băng trong lịch sử thể thao Hàn Quốc
Chiếc huy chương vàng thứ hai cho nước chủ nhà Hàn Quốc Trong ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, đông đảo người dân Hàn Quốc đã hồi hộp theo dõi trận thi đấu chung kết môn trượt ván lòng máng nằm sấp (skeleton), với phần tham gia tranh tài của vận động viên Yun Sung-bin. Anh là một trong những tuyển thủ sáng giá được kỳ vọng sẽ mang về cho đội chủ nhà Hàn Quốc tấm huy chương vàng tại kỳ Thế vận hội lần này. Cuối cùng, vận động viên Yun Sung-bin đã không phụ lòng người hâm mộ nước nhà khi góp thêm một chiếc huy chương vàng với thành tích đạt được là 3 phút 20 giây 55, cách người xếp thứ nhì hơn 1 giây. Cách đây bốn năm, vận động viên Yun Sung-bin cũng đã từng góp mặt tại Thế vận hội mùa đông Sochi với thành tích 3 phút 49 giây 57, xếp thứ 16 chung cuộc. Phát biểu với báo chí sau khi nhận được chiếc huy chương vàng, Yun Sung-bin cho biết anh đã khá lo lắng trước trận đấu, và bày tỏ sự cảm ơn đối với những người hâm mộ trong nước đã cỗ vũ, ủng hộ anh. Yun sung-bin, “Người Sắt” trượt ván lòng máng nằm sấp Vận động viên Yun Sung-bin năm nay 25 tuổi, được mệnh danh là “ông vua” trượt ván lòng máng nằm sấp và hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới ở bộ môn này. Tại Giải vô địch thế giới môn trượt ván lòng máng nằm sấp diễn ra vào đầu năm 2016, Yun Sung-bin đã trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử, không chỉ của Hàn Quốc, mà của cả châu Á mang về chiếc huy chương bạc danh giá. Không những thế, Yun Sung-bin đã lên bục vinh quang nhiều nhất năm tại Cúp thế giới diễn ra trong mùa giải 2017-2018. Người đã nhìn thấy được năng lực và đưa Yun Sung-bin đến với bộ môn trượt ván lòng máng nằm sấp chính là Giáo sư Kang Kwang-bae, Đại học Thể dục quốc gia Hàn Quốc. Ông cũng là người đầu tiên khai phá các môn thể thao xe trượt băng của Hàn Quốc. Khi Yun Sung-bin đang học cấp ba, anh đã được Giáo sư Kang đề nghị đến theo học môn trượt ván lòng máng nằm sấp tại trường Đại học Thể dục quốc gia Hàn Quốc. Khi đó, Yun Sung-bin là một cậu bé chưa có ước mơ hoài bão gì, thành tích học tập không có gì nổi bật, hơn nữa gia cảnh cũng rất khó khăn nên việc học lên đại học là chuyện tương đối xa vời. Chính vì thế, trước lời đề nghị của Giáo sư Kang, anh đã không ngần ngại chấp thuận theo học một môn thể thao lần đầu tiên được nghe thấy trong đời. Đây có lẽ là một quyết định đúng đắn làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Yun Sung-bin. (Photo : Yonhap)
2018-02-16

Nhật ký Olympic

Trải nghiệm những công nghệ tối tân tại Olympic PyeongChang
Trải nghiệm không gian thực tế ảo Trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông PyeongChang, nếu không có điều kiện đến tỉnh Gangwon để trực tiếp cổ vũ và tận mắt xem các cuộc tranh tài, người hâm mộ thể thao vẫn có thể cảm nhận và trải nghiệm những môn thi đấu của Olympic PyeongChang tại các khu trải nghiệm thực tế ảo VR ở thủ đô Seoul. Theo đó, những người hâm mộ môn xe trượt băng lòng máng (Bobsleigh), hay khúc côn cầu trên băng có thể đến trải nghiệm các môn thể thao này tại khu trải nghiệm thực tế ảo ở quảng trường Gwanghwamun cho đến ngày 25/2. Tại đây, khách tham quan chỉ cần đeo chiếc kính thực tế ảo VR và ngồi vào xe trượt băng là có thể thấy mình đang phóng xe như bay trên băng, hay chỉ cần cầm chiếc gậy chơi khúc côn cầu là có thể tận hưởng cảm giác đang tham gia thi đấu trong một trận khúc côn cầu trên băng. Còn những người yêu thích các môn thể thao tốc độ như trượt tuyết đổ đèo, hay hai môn phối hợp gồm trượt tuyết băng đồng và bắn súng, cũng có thể “thử sức” tại khu trải nghiệm Seoul Center, ở tầng năm trụ sở Cơ quan du lịch Hàn Quốc. Ngoài ra, một lều tuyết cũng được dựng lên tại quảng trường Seoul. Tại đây, cho dù không tuyết không rơi, nhưng mọi người đến đây có thể chơi ném tuyết, trượt máng tuyết, hay cảm nhận được sự phấn khích tột độ với môn trượt tuyết bay, hay thử xem sự uyển chuyển của cơ thể với môn trượt băng nghệ thuật. Trải nghiệm rô-bốt Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra Olympic PyeongChang, 85 rô-bốt đã được bố trí tại các nhà thi đấu với nhiệm vụ cung cấp thông tin về lịch trình trận đấu, giao thông, hay các khu du lịch tại địa phương. Trong số đó, cá rô-bốt được yêu thích nhất. Tại trung tâm truyền thông ở Làng vận động viên ở huyện Pyeongchang và thành phố Gangneung có thể nhìn thấy những con cá rô-bốt đang bơi lội tung tăng, với những chuyển động hết sức tự nhiên. Nhiều vận động viên đã bày tỏ sự thích thú với những chú cá rô-bốt này, thậm chí còn chụp hình lại và đăng tải lên mạng xã hội. Ngoài ra còn một thú vui khác đó là có thể dùng những chú cá rô-bốt này để chơi trò chơi khúc côn cầu trên băng. Trong trò chơi này, có hai con cá rô-bốt được đặt trong một bể nước lớn, dưới đáy bể sẽ chiếu đoạn phim về sân thi đấu và quả bóng. Người chơi sẽ điều khiển hai chú cá rô-bốt này chạm vào bóng để bước vào trận đấu. Cá rô-bốt sẽ cảm nhận quả bóng trong đoạn phim bằng bộ phận cảm biến. Như vậy, có thể nói Hàn Quốc đã thành công khi áp dụng những công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Thế vận hội lần này, khẳng định thế mạnh của nước chủ nhà trong lĩnh vực công nghệ thông tin. (Photo : Yonhap)
2018-02-16

Nhật ký Olympic

Go Top