Tin tức từ Pyeongchang

Bộ môn trượt ván lòng máng nằm ngửa của Hàn Quốc chạm thứ hạng cao nhất trong lịch sử
Các bạn thân mến, trong ngày thi đấu thứ tư của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 còn diễn ra vòng ba và vòng bốn chung kết bộ môn trượt ván lòng máng nằm ngửa nội dung đơn nữ tại Trung tâm trượt ván Olympic PyeongChang (Olympic Sliding Center). Nữ vận động viên nhập tịch Hàn Quốc đến từ Đức, cô Aileen Frisch đã tham gia thi đấu và xếp hạng thứ 8 chung cuộc. Đây là thứ hạng cao nhất trong lịch sử bộ môn trượt ván lòng máng nằm ngửa của Hàn Quốc tính đến thời điểm hiện tại. Mặt khác, cũng trong nội dung thi đấu này, nữ vận động viên Sung Eun-ryung đã về thứ 18 chung cuộc. Bất ngờ trong nội dung 500m nữ trượt băng tốc độ vòng ngắn Cũng trong ngày 13/2, Nhà trượt băng nghệ thuật và tốc độ Gangneung dường như “nóng” hơn bao giờ hết khi vận động viên Choi Ming-jeong liên tiếp vượt qua vòng tứ kết rồi vòng bán kết, lập kỷ lục Olympic với thành tích 42 giây 422, đường đường chính chính tiến vào vòng chung kết. Với khí thế đó, những tưởng Choi Min-jeong đã có thể mang về cho đội tuyển Hàn Quốc chiếc huy chương bạc khi cán đích thứ 2 chỉ sau vận động viên Italia Arianna Fontana. Tuy nhiên kết quả được công bố sau đó lại khiến các cổ động viên Hàn Quốc choáng váng và tiếc nuối. thật sốc vì cô đã bị loại ngay tại thời điểm tưởng như đã chạm tay vào tấm huy chương do bị phán quyết là đã mắc lỗi “impeding”, lỗi đẩy người trong quá trình thi đấu. Sau khi biết được kết quả đáng buồn này, vận động viên Choi Min-jeong ngậm ngùi chia sẻ: “Dù sao thì đó cũng là phán quyết của trọng tài. Dù vậy thì tôi vẫn thấy mãn nguyện vì đã đạt được kết quả đó. Tôi đã chuẩn bị rất chăm chỉ nên tự nhủ là sẽ không hối hận về kết quả thi đấu, bây giờ tôi phải chấp nhận kết quả này và tập trung cho ba nội dung còn lại.” Quả là rất đáng tiếc nhưng hy vọng vận động viên Choi Min-jeong sẽ tiếp tục cố gắng hết sức và đạt được thành tích tốt trong các nội dung thi đấu khác đang chờ đợi cô ở phía trước. (Photo : Yonhap)
2018-02-14

audioNhật ký Olympic

Kim Min-seok, ngôi sao mới của nội dung 1.500m nam trượt băng tốc độ
Tối 13/2, trận chung kết ở nội dung 1.500m nam trượt băng tốc độ đã diễn ra tại Nhà trượt băng tốc độ Gangneung. Là một bộ môn đòi hỏi sự bền bỉ về thể lực, trượt băng tốc độ vốn là bộ môn của các nước châu Âu, đặc biệt là Hà Lan. Tuy nhiên, vận động viên 19 tuổi Kim Min-seok đã đứng thứ ba trong tổng số 29 người thi đấu với thành tích 1 phút 44 giây 93 trước sự ngỡ ngàng của người hâm mộ. Thành tích này chỉ cách người về nhất Kjeld Nuis 0,92 giây và người về nhì Patrick Roest 0,07 giây. Cả hai vận động viên này đều thuộc đội tuyển Hà Lan. Gương mặt mới Với thành tích này, Kim Min-seok đã trở thành vận động viên đầu tiên trong lịch sử, không chỉ của Hàn Quốc mà của cả châu Á, đạt được huy chương tại Olympic ở bộ môn trượt băng tốc độ cự ly 1.500m nam. Đây là lần đầu tiên vận động viên Kim Min-seok tham gia thi đấu tại Thế vận hội Olympic mùa đông. Kể từ sau khi xỏ chân vào đôi giầy trượt băng năm 7 tuổi, cậu bé Kim Min-seok đã sớm thể hiện tài năng và phát huy được năng khiếu của mình trong bộ môn thể thao này. Từ đó, Kim Min-seok đã không ngừng trui rèn và cọ sát khi tham gia khá nhiều các cuộc tranh tài và đạt được nhiều thành tích đáng nể. Khi mới 16 tuổi, Kim Min-seok đã vinh dự được khoác áo đội tuyển quốc gia Hàn Quốc. Đến năm 17 tuổi, cậu đã đạt thứ hạng cao nhất tại Giải vô địch trượt băng tốc độ thế giới tổ chức ở Trường Xuân (Trung Quốc) 2016 và giành được huy chương vàng ở nội dung 1.500m nam tại Thế vận hội trẻ Lillehammer cùng năm đó. Thật ra trước đây, vận động viên Kim Min-seok chủ yếu trượt băng ở cự ly dài 5.000m nên sở hữu sức bền và thể lực tốt. Điều này đã trở thành ưu điểm cho Kim Min-seok khi cậu chuyển sang thi đấu ở cự ly 1.500m. Có lẽ chính nhờ đó mà Kim Min-seok đã có một màn thể hiện xuất sắc và giành được chiếc huy chương Olympic đầu tiên cho bản thân và cũng là chiếc huy chương thứ 2 cho đoàn thể thao Hàn Quốc trong kỳ Olympic mùa đông lần này. (Photo : Yonhap)
2018-02-14

audioNhật ký Olympic

Giấc mơ về Olympic PyeongChang của các vận động viên nhập tịch thi đấu cho đội tuyển chủ nhà Hàn Quốc
Hàn Quốc có số lượng vận động viên nhập tịch thi đấu nhiều nhất tại Olympic PyeongChang Trong ngày thi đấu thứ ba tại Olympic PyeongChang, những người hâm mộ thể thao đã có nhiều dịp nhìn thấy các vận động viên “mắt xanh” thi đấu cho đội tuyển Hàn Quốc tại trận đấu trượt băng nghệ thuật đồng đội nam nữ, nội dung “khiêu vũ trên băng”. Đó là vận động viên Alexander Gamelin, người Mỹ. Và vận động viên nữ cùng trình diễn phần thi đấu với anh là vận động viên Min Yu-ra, cô cũng là người Mỹ, gốc Hàn Quốc. Cả hai vận động viên này đều đã nhập quốc tịch Hàn Quốc, hiện đang thi đấu cho màu cờ sắc áo của xứ sở kimchi. Tại Olympic PyeongChang, có đến 19 vận động viên người nước ngoài đã nhập quốc tịch và thi đấu cho đội tuyển Hàn Quốc, xác lập kỷ lục số vận động viên nhập tịch thi đấu tại Thế vận hội mùa đông của một nước chủ nhà. Đây cũng là lần đầu tiên Hàn Quốc có số lượng vận động viên nhập tịch nhiều nhất tại một kỳ Olympic. Tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, đội tuyển Hàn Quốc chỉ có duy nhất một vận động viên người Hoa nhập tịch thi đấu ở nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn. Các vận động viên nhập quốc tịch Hàn Quốc này đa số đến từ Mỹ, Nga, Canada, Ý, Đức, Na-uy. Trong số những vận động viên người nước ngoài nhập tịch Hàn Quốc, còn có các vận động viên là người gốc Hàn, có cha hoặc mẹ là người Hàn Quốc, hoặc những người vốn sinh ra tại Hàn Quốc nhưng được bố mẹ người nước ngoài nhận làm con nuôi từ bé. Kỳ vọng Bộ môn có nhiều vận động viên nhập tịch thi đấu tại Olympic PyeongChang nhất là khúc côn cầu trên băng, gồm 11 người, trong đó có bảy vận động viên nam và bốn vận động viên nữ. Tiếp đó đến là hai môn phối hợp gồm trượt tuyết băng đồng và bắn súng là bốn người, môn trượt tuyết có hai người, môn trượt băng nghệ thuật và môn trượt ván lòng máng nằm ngửa là một người. Đây đều không phải là những môn thể thao thế mạnh của Hàn Quốc. Đa số những vận động viên nhập tịch thi dấu cho Hàn Quốc tại Olympic PyeongChang đều là những vận động viên có triển vọng và năng lực. Điển hình, vận động viên hai môn phối hợp gồm trượt tuyết băng đồng và bắn súng Timofey Lapshin đã thi đấu khá tốt vào hôm 12/2 với vị trí thứ 16 chung cuộc, đạt thành tích cao nhất của Hàn Quốc từ trước tới nay tại một kỳ Olympic. Timofey Lapshin đến từ Nga, và đã nhập quốc tịch Hàn Quốc vào năm 2017. Anh đã từng sáu lần quán quân Cúp thế giới ở bộ môn hai môn phối hợp này. Tuy có thể không cùng màu da, ngôn ngữ, nhưng tất cả các vận động viên nhập tịch Hàn Quốc trên đều có tinh thần yêu thể thao, có năng lực, và đang nỗ lực chiến đấu hết mình tại Olympic PyeongChang vì màu cờ sắc áo của nước chủ nhà Hàn Quốc, mang về nhiều thành tích tốt tại kỳ Thế vận hội này. (Photo : Yonhap)
2018-02-13

audioNhật ký Olympic

Hàn Quốc để trượt huy chương ở bộ môn trên tuyết tại Olympic PyeongChang
Hàn Quốc trượt huy chương ở nội dung moguls nam bộ môn trượt tuyết nhào lộn Trong ngày thi đấu thứ ba tại Olympic mùa đông PyeongChang, đội chủ nhà Hàn Quốc đã để vụt mất huy chương ở bộ môn trượt tuyết nhào lộn, nội dung moguls nam diễn ra tại Công viên trượt tuyết Phoenix tại Pyeongchang, tỉnh Gangwon. Ở nội dung này, các vận động viên sẽ phải trượt băng qua những ụ tuyết nhấp nhô. Trên đường đua sẽ có hai thanh ngang tạo đà nhảy. Đây chính là lúc các vận động viên thể hiện kỹ năng nhào lộn trên không của mình. Vận động viên đại diện Hàn Quốc thực hiện phần thi đấu này là Choi Jae-woo. Anh đã có những phần thi đấu xuất sắc, đạt số điểm cao nhất tại vòng loại thứ hai là 81,23 điểm, số điểm cao thứ ba toàn đoàn. Trong vòng chung kết một, vận động viên Choi Jae-woo cũng dễ dàng lọt vào top 12 người trong tổng số 20 người, ấp ủ kỳ vọng mang về cho đội nhà chiếc huy chương đầu tiên trong bộ môn trên tuyết. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi trong vòng chung kết 12 người, sau khi thực hiện cú nhào lộn trên không lần thứ hai, vận động viên Choi Jae-woo đã có cú đáp đất không thành không, khiến anh không thể đi tiếp vào vòng chung kết sáu người, ngậm ngùi xếp ở vị trí thứ 10 chung cuộc. Thất bại đáng tiếc này gần như lặp lại kết quả tại Thế vận hội mùa đông Sochi, khi vận động viên Choi Jae-woo cũng đã phải dừng chân tại vòng chung kết hai, xếp thứ 12 chung cuộc. Với tuổi đời còn trẻ, vận động viên 23 tuổi Choi Jae-woo vẫn được kỳ vọng sẽ tỏa sáng hơn nữa trong các kỳ Olympic mùa đông tới. Kết quả các môn thi đấu khác Cũng trong ngày 12/2, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ liên Triều cũng có trận đấu thứ hai tại vòng bảng với đội tuyển Thụy Điển. Tuy nhiên, đội tuyển liên Triều đã tiếp tục để thua đậm đối thủ với tỷ số 0-8 và chính thức bị loại cho dù có thắng tại trận đấu vòng bảng tiếp theo với Nhật Bản vào hôm 14/2 tới. Cùng ngày, vận động viên Noh Seon-yeong, người tham gia nội dung 1.500m nữ trượt băng tốc độ cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 14 chung cuộc. Tuy nhiên, vận động viên Noh Seon-yeong đã phá kỷ lục của bản thân tại bốn lần tham gia Thế vận hội trước đó, với kết quả là 1 phút 56 giây 04. Trả lời phỏng vấn với báo chí sau khi kết thúc trận đấu, vận động viên Noh Seon-yeong cho thể trạng của cô trong hôm thi đấu dã không tốt do có thời gian phải nghỉ tập huấn, đồng thời cô nhận xét trận đấu vừa qua là cơ hội để luyện tập, và hứa hẹn sẽ cho thấy một hình ảnh tốt hơn trong trận thi đấu rượt đuổi đồng đội sắp tới. (Photo : Yonhap)
2018-02-13

audioNhật ký Olympic

Trượt băng tốc độ vòng ngắn mang về tấm huy chương vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Olympic
Hàn Quốc có tấm huy chương vàng đầu tiên tại Olympic PyeongChang Trong ngày thi đấu đầu tiên của Olympic PyeongChang 2018, nước chủ nhà Hàn Quốc đã có được chiếc huy chương vàng đầu tiên ở bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn nam cự ly 1.500m. Vận động viên Lim Hyo-jun là người đã cán đích đầu tiên trong cuộc tranh tài trượt băng vòng ngắn tại vòng chung kết, với kết quả 2 phút 10 giây 485, lập kỷ lục Olympic và bước lên bục vinh quang tại Olympic PyeongChang. Vận động viên Lim Hyo-jun năm nay 22 tuổi, được coi là “thần đồng” về trượt băng tốc độ vòng ngắn khi sớm bộc lộ năng khiếu từ khi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, anh không gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp của mình khi nhiều lần bị chấn thương và trải qua đến bảy lần phẫu thuật vì gãy xương cổ chân, đứt dây chằng cổ chân, gãy xương sống. Mặc dù vậy, anh vẫn không ngừng nỗ lực để giành được quyền thi đấu chính thức tại Olympic PyeongChang, và bước đầu tỏa sáng trên con đường sự nghiệp thể thao trải dài phía trước. Phát biểu với báo chí khi nhận được tấm huy chương vàng đầu tiên của nước chủ nhà Hàn Quốc tại Olympic PyeongChang, vận động viên Lim Hyo-jun cho biết anh vẫn chưa tin được kết quả giành được, và nói lý do khiến anh có thể vượt qua mọi thử thách là vì bản thân chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là Olympic PyeongChang. Lịch sử phát triển bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn của Hàn Quốc Trượt băng tốc độ vòng ngắn là một trong những “mỏ vàng” của thể thao Hàn Quốc. Kể từ khi bộ môn này được đưa vào danh mục các môn thi đấu tại Thế vận hội mùa đông, tính đến Olympic Sochi 2014 (tại Nga), Hàn Quốc là nước sở hữu số lượng huy chương nhiều nhất với 42 trên tổng số 144 huy chương. Môn trượt băng tốc độ vòng ngắn du nhập vào Hàn Quốc vào khoảng năm 1982. Đội tuyển trượt băng tốc độ vòng ngắn quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập vào năm 1985 để tham gia tranh tài tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á tổ chức vào một năm sau đó. Kể từ đó đến nay, trượt băng tốc độ vòng ngắn nam nữ của Hàn Quốc đã không ngừng lớn mạnh và trở thành bộ môn mang về nhiều huy chương nhất tại các sự kiện thể thao mùa đông lớn trên thế giới. Kết quả trận đấu nội dung 3.000m nữ tiếp sức của bộ môn trượt băng tốc độ vòng ngắn Cũng trong ngày 10/2, trượt băng tốc độ vòng ngắn 3.000m nữ tiếp sức cũng đã giành được chiếc vé vào chung kết như một “kỳ tích”. Bốn vận động viên gồm Shim Suk-hee, Choi Min-jeong, Kim Ye-jin, Lee Yu-bin đã ra sân và bắt đầu cuộc đua rất thuận lợi. Nhưng sau khi chạy được bốn vòng, vận động viên trẻ tuổi nhất đội là Lee Yu-bin đột nhiên bị mất thăng bằng và ngã, khiến cả đội có nguy cơ bị tụt lại phía sau so với các đối thủ cạnh tranh. Ngay lúc đó, vận động viên Choi Min-jeong đã nhanh trí tăng tốc độ chạy đến chạm vào tay của cô em út Lee Yu-bin và bắt đầu cuộc truy kích khi đã bị đối thủ bỏ xa đến hơn nửa vòng. Kết quả chung cuộc, đội tuyển trượt băng tốc độ vòng ngắn 3.000m nữ đã về nhất với tổng thời gian 4 phút 6 giây 387, lập kỷ lục mới của Olympic và lọt vào vòng chung kết. Điều này khẳng định được sức mạnh của đội tuyển đương kiêm vô địch. (Photo : Yonhap)
2018-02-12

audioNhật ký Olympic

Trận ra quân đầu tiên của đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ liên Triều
Trận tranh tài đầu tiên của đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ liên Triều Hôm 10/2 vừa qua, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất hai miền Nam-Bắc đã có cuộc tranh tài với đội tuyển Thụy Sĩ trong trận ra sân đầu tiên tại vòng bảng ở Trung tâm khúc côn cầu trên băng Kwandong, thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon. Đây là đội tuyển hợp nhất liên Triều duy nhất tại Olympic PyeongChang. Với trang phục có in lá cờ hình bán đảo Hàn Quốc trên nền áo màu trắng, đội tuyển liên Triều đã ra sân băng thi đấu với tên gọi là đội tuyển “Korea” trong sự reo hò nồng nhiệt của đông đảo cổ động viên hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, do chỉ luyện tập cùng nhau trong ba tuần trước khi thi đấu chính thức tại Olympic nên trước đối thủ nặng ký Thụy Sĩ, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất đã thất bại nặng nề với tỷ số 0-8. Mặc dù bị đối thủ dẫn trước với tỷ số áp đảo, nhưng các vận động viên hai miền Nam-Bắc vẫn rất lạc quan, không hề nản chí, nỗ lực hết mình cho đến hết trận đấu. “Trận đấu thể hiện giá trị hòa bình, tinh thần đoàn kết” Đến cổ vũ cho trận ra quân đầu tiên của đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất liên Triều có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân là bà Kim Jung-suk, vợ chồng Tổng thống Thụy Sĩ, Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên Kim Yong-nam, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Kim Yo-jong cũng là em gái Chủ tịch Kim Jong-un, và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach. Mặc dù thua đậm nhưng trận đấu giữa đội tuyển khúc côn cầu nữ hợp nhất liên Triều với đội tuyển Thụy Sĩ đã thể hiện được ý nghĩa sâu sắc về tinh thần đoàn kết và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Chủ tịch Liên đoàn khúc côn cầu trên băng thế giới (IIHF) Rene Fasel đánh giá đây là một trận thi đấu hết sức cảm động. Ông cho rằng kết quả trận đấu không quan trọng bằng giá trị hòa bình, sự tôn trọng và tình bạn mà nó mang lại. Đồng thời ông nhận định đây chính là lý tưởng và tinh thần của Olympic. Đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ hợp nhất hai miền Nam-Bắc dự kiến sẽ có thêm hai trận đấu nữa tại bảng B cho tới ngày 14/2. Hy vọng các vận động viên của hai miền sẽ tự tin, đoàn kết để giành được thành tích tốt hơn trong các trận thi đấu tới. (Photo : Yonhap)
2018-02-12

audioNhật ký Olympic

Olympic PyeongChang 2018 có thể là kỳ Thế vận hội lạnh nhất
Tình hình thời tiết vào lễ khai mạc Olympic PyeongChang Thời tiết trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic mùa đông PyeongChang 2018 được dự báo sẽ rất khắc nghiệt. Trong khoảng thời gian diễn ra lễ khai mạc Olympic PyeongChang, vào khoảng từ 8 giờ tối đến 11 giờ đêm, nhiệt độ ở khoảng âm 4 độ C, ấm hơn so với ban ngày song do đặc trưng khí hậu của khu vực tỉnh Gangwon có nhiều gió, nên nhiệt độ cơ thể người cảm nhận được ở tầm âm 10 độ C. Tuy nhiên, theo dự báo của Cơ quan khí tượng thủy văn Hàn Quốc, nhiệt độ tại huyện Pyeongchang trong ngày 10/2 sẽ giảm sâu kèm với gió mạnh, và có thể có tuyết rơi nhẹ. Thời tiết là vấn đề lo đáng lo ngại tại Olympic PyeongChang Trước đó, hôm 6/2, trang mạng chuyên về dự báo thời tiết của Mỹ đã tập trung phân tích về tình hình thời tiết của huyện Pyeongchang trong trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Ngoài ra các cơ quan truyền thông lớn khác cũng đặt chủ đề về thời tiết tại Olympic PyeongChang lên hàng đầu. Thậm chí, tạp chí tin tức hàng tuần của Mỹ là tờ Time còn đưa ra dự đoán rằng Olympic PyeongChang có thể là kỳ Thế vận hội lạnh nhất từ trước đến nay. Tờ báo Nước Mỹ ngày nay (USA Today) còn nhận định bài toán của Olympic PyeongChang lần này là vấn đề thời tiết chứ không phải là vấn đề Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên sau 24 năm, vấn đề thời tiết trở thành vấn đề đáng lo ngại trong một kỳ Thế vận hội. Cái lạnh khắc nghiệt tại Olympic PyeongChang được so sánh với Olympic Lillehammer 1994 (ở Na Uy). Lillehammer nằm ở vĩ độ cao hơn so với Pyeongchang 25 độ về phía Bắc, và nhiệt độ trung bình trong thời gian diễn ra Thế vận hội tại đây là âm 11 độ C, với nhiệt độ thấp nhất có khi xuống còn âm 25 độ C. Hơn nữa, khi đó lễ khai mạc Olympic Lillehammer còn được tổ chức ở ngoài trời. Biện pháp đối phó với thời tiết giá rét tại Olympic Để đối phó với tình hình thời tiết như trên, Ủy ban Olympic PyeongChang đã chuẩn bị các trang thiết bị để giúp cho các khán giả giữ ấm khi tới xem lễ khai mạc tại sân vận động không mái vòm. Cụ thể, Ban tổ chức cho lắp đặt các tấm chắn gió xung quanh sân vận động, cung cấp các vật dụng giữ ấm như áo mưa, chăn cá nhân, mũ và miếng giữ nhiệt cho khán giả. Mặc dù với những dự báo về tình hình thời tiết khắc nghiệt như trên, song với lòng nhiệt huyết được lan tỏa từ thông điệp của Olympic PyeongChang, hy vọng sẽ hâm nóng được bầu không khí, giúp các vận động viên vượt qua cái lạnh giá buốt, đạt được thành tích cao trong kỳ Thế vận hội lần này. (Photo:KBS)
2018-02-09

Nhật ký Olympic

Chủ đề và thông điệp của Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018
Với khẩu hiệu “Đam mê kết nối” (Passion.Connected), sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất hành tinh, Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 chính thức được khai mạc vào hôm 9/2 tại huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Chủ đề phần trình diễn lễ khai mạc Olympic PyeongChang Chủ đề chính của lễ khai mạc Olympic PyeongChang là hòa bình và tương lai, nhằm truyền tải thông điệp “hòa hợp, dung hòa, nhiệt huyết và hòa bình” đến bạn bè quốc tế. Với chủ đề này, lễ khai mạc Olympic PyeongChang lan tỏa ý nghĩa của hòa bình trong văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc, tạo nên một thế giới không còn chiến tranh thông qua sức mạnh và tinh thần kết nối của người dân xứ sở kimchi. Đặc biệt, thông điệp này càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết với sự góp mặt của Bắc Triều Tiên trong Olympic lần này. Mở dầu đầu cho buổi lễ khai mạc Olympic PyeongChang là tiếng chuông chào đón mọi người dân trên toàn thế giới, cũng là phát hiệu hô biến cả thế gian thành băng đá trắng tinh. Đây cũng là tiếng chuông khởi động cho chuyến du hành của năm đứa trẻ sống ở tỉnh Gangwon, vượt thời gian từ thời cổ đại đến tương lai để tìm kiếm ý nghĩa của hòa bình. Đạo diễn phụ trách buổi lễ khai mạc Olympic PyeongChang Yang Jung-woong cho biết câu chuyện về hòa bình trong lễ khai mạc Olympic Pyeongchang có nội dung không quá trừu tượng, nên tất cả mọi người đều có thể dễ dàng nắm bắt được, và đúng như chủ đề của lễ khai mạc là “hòa bình trong chuyển động” (Peace in Motion), có thể nói hòa bình là một hành động tích cực được tạo ra khi con người gặp gỡ nhau. Bên cạnh đó, tổng đạo diễn chính phụ trách cả lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 là đạo diễn Song Seung-hwan kiêm diễn viên nổi tiếng với bề dày kinh nghiệm hơn 50 năm cho biết một trong những đặc trưng của văn hóa truyền thống của Hàn Quốc chính là sự hài hòa, như sự hài hòa giữa âm và dương, giữa những tòa nhà với thiên nhiên, và đặc biệt là sự hài hòa giữa trời, đất với con người. Và những đặc trưng về văn hóa truyền thống cũng như văn hóa hiện đại này được dung hòa và truyền tải đến tất cả mọi người trên toàn thế giới thông qua phần trình diễn của lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang. Nét văn hóa truyền thống độc đáo của sân vận động và đài giữ ngọn đuốc Olympic Điều đáng chú ý là hình dạng khá độc đáo của sân vận động, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang lần này. Đa số các lễ khai mạc và bế mạc trong các kỳ Thế vận hội trước đây ở các nước khác đều được tổ chức ở sân vận động hình chữ nhật như các sân vận động điền kinh hoặc bóng đá. Sân vận động diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Olympic PyeongChang có hình ngũ giác. Giải thích về việc này, đạo diễn Song Seung-hwan cho biết lễ khai mạc và bế mạc chủ yếu là các phần trình diễn, do đó sân vận động được thiết kế theo hình dạng năm góc như vậy để khán giả ở tất cả các vị trí đều có thể tập trung vào màn trình diễn trên sân khấu. Và số “năm” ở đây còn mang ý nghĩa là “ngũ thường” nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, và “ngũ hành” kim-mộc-thủy-hỏa-thổ theo triết học phương Đông. Ngoài ra, các chuyên gia trên thế giới cũng dành nhiều lời khen ngợi với đài giữ ngọn đuốc Olympic PyeongChang được thiết kế theo hình dạng “chiếc bình Mặt trăng” bằng sứ trắng có từ triều đại Joseon do mang đậm nét văn hóa đặc trưng của Hàn Quốc. Theo đó, biểu tượng chiếc bình này mang ý nghĩa giống như mặt trăng trong bầu trời đêm, ôm trọn vạn vật trên thế gian, thắp sáng cho Olympic PyeongChang. Như vậy, một lần nữa sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh Olympic PyeongChang đã chính thức diễn ra ở Hàn Quốc sau 30 năm kể từ Olympic mùa hè Seoul 1988. Chủ tịch Ủy ban Olympic Hàn Quốc nhận định nếu Olympic Seoul 1988 là cơ hội để Hàn Quốc giới thiệu văn hóa của mình tới bạn bè năm châu, thì Olympic PyeongChang 2018 sẽ là cơ hội để Hàn Quốc cho thế giới thấy hình ảnh một cường quốc văn hóa, nổi tiếng với làn sóng Hallyu đang lan rộng khắp nơi. (Photo:Yonhap)
2018-02-09

audioNhật ký Olympic

Go Top