Tin tức từ Pyeongchang

Khai mạc Paralympic mùa đông PyeongChang
Thế vận hội mùa đông dành cho người khuyết tật Paralympic PyeongChang đã khai mạc vào hôm 9/3, chính thức mở màn 10 ngày thi đấu đầy nhiệt huyết. Paralympic lần này có sự tham gia của hơn 500 vận động viên đến từ 49 quốc gia, cạnh tranh tại sáu bộ môn, trong đó có bốn bộ môn trên tuyết, hai bộ môn trên băng, hứa hẹn những màn thi đấu đầy xúc cảm. Khái lược về Paralympic Paralympic lần này được kéo dài từ ngày 9/3 tới ngày 18/3 tại khu vực huyện Pyeongchang, thành phố Gangneung và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc. Tại huyện Pyeongchang sẽ diễn ra lễ khai mạc, lễ bế mạc, và là địa điểm thi đấu hai bộ môn trên tuyết là môn trượt tuyết bắn súng và trượt tuyết băng đồng dành cho người khuyết tật. Tại thành phố Gangneung sẽ diễn ra toàn bộ các bộ môn trên băng, còn các cuộc tranh tài bộ môn trượt tuyết đổ đèo và trượt ván tuyết sẽ được tổ chức tại huyện Jeongseon. Paralympic do Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) chủ trì, diễn ra định kỳ bốn năm một lần, là sự kiện thể thao quốc tế dành riêng cho người khuyết tật. Paralympic được tổ chức ngay sau Olympic tại cùng một quốc gia đăng cai. Ban đầu khi mới thành lập, từ “Paralympic” là từ ghép giữa từ "paraplegia” mang nghĩa là người bị khuyết tật phần thân dưới và từ Olympic (Thế vận hội). Tuy nhiên, sau này phạm vi vận động viên tham gia được mở rộng sang tất cả những người khuyết tật một phần cơ thể, trở thành một kỳ Thế vận hội của toàn bộ người khuyết tật. Khởi đầu là môn thể thao trên xe lăn tại Anh vào năm 1948, sự kiện này đã trở thành một sự kiện thể thao quốc tế sau sự tham gia của đội tuyển bắn cung Hà Lan vào năm 1952. Kỳ Paralympic lần thứ nhất được diễn ra tại Rome của Ý vào năm 1960. Tuy nhiên, Thế vận hội mùa đông dành cho người khuyết tật lần thứ nhất lại diễn ra muộn hơn, vào năm 1976 tại thành phố Ornskoldsvik của Thụy Điển vào năm 1976. Hàn Quốc từng đăng cai Olympic và Paralympic mùa hè Seoul vào năm 1988. Các bộ môn thi đấu Paralympic mùa đông PyeongChang có bốn môn trên tuyết là trượt tuyết đổ đèo, trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết bắn súng, trượt ván tuyết, và hai môn trên băng là khúc côn cầu trên băng và bi đá trên băng trên xe lăn. Môn trượt tuyết đổ đèo, trượt tuyết băng đồng, trượt tuyết bắn súng được chia thành các nội dung thi đấu đứng, thi đấu trên ghế và vận động viên bị khiếm thị. Bộ môn trượt ván tuyết sau khi được thi đấu thí điểm tại Olympic Sochi (Nga) năm 2014 đã được quyết định trở thành môn thi đấu chính thức tại Paralympic lần này. Bộ môn này được chia thành hai nội dung là vận động viên khuyết tật phần trên cơ thể và phần dưới cơ thể. Môn bi đá trên băng trên xe lăn sẽ thi đấu theo hình thức đội tuyển cả nam và nữ. Mục tiêu của đoàn thể thao Hàn Quốc Hàn Quốc lần đầu tham dự Paralympic mùa đông vào năm 1992 tại kỳ Paralympic Albertville (Pháp). Tính tới Paralympic Sochi 2014, Hàn Quốc đã bảy lần tham dự nhưng không hề giành được huy chương vàng nào, chỉ dừng lại ở hai huy chương bạc. Chiếc huy chương bạc đầu tiên là của vận động viên Han Sang-min giành được ở nội dung trượt tuyết đổ đèo tại Paralympic thành phố Salt Lake (Mỹ) năm 2002. Chiếc huy chương bạc tiếp theo là của đội tuyển bi đá trên băng trên xe lăn tại kỳ Paralympic Vancouver năm 2010. Lần này, đoàn thể thao nước chủ nhà đang kỳ vọng vào chiếc huy chương vàng đầu tiên, cụ thể là vận động viên Shin Eui-hyun, ngôi sao hai môn phối hợp Bắc Âu và trượt tuyết bắn súng. Trong tháng trước, anh đã giành chiến thắng tại Giải vô địch thế giới hai môn phối hợp Bắc Âu dành cho người khuyết tật diễn ra tại Phần Lan. Do đó, Shin được kỳ vọng sẽ giành được huy chương vàng trong kỳ Paralympic PyeongChang. Anh cũng đang đặt mục tiêu giành huy chương bạc bộ môn trượt tuyết bắn súng nội dung thi đấu trên ghế nam cự ly 12,5 km. Ngoài ra, đội tuyển bi đá trên băng trên xe lăn của Hàn Quốc cũng kỳ vọng sẽ có thể đạt được huy chương. Đội tuyển khúc côn cầu trên băng vốn đang xếp hạng thứ ba thế giới đang nằm cùng bảng với Mỹ đứng vị trí thứ hai, Séc xếp hạng thứ chín và Nhật Bản vị trí thứ 10, được kỳ vọng sẽ lọt vào vòng bán kết, đạt được ít nhất là huy chương đồng.
2018-03-11

Tin nổi bật trong tuần

Khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018
Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 đã khai mạc vào lúc 8 giờ tối hôm 9/2, mở màn 17 ngày thi đấu đầy kịch tính. Hơn 2.900 vận động viên đến từ 92 quốc gia trên toàn thế giới sẽ tranh tài tại Olympic lần này, xác lập số lượng cao kỷ lục từ trước tới nay. Đây là một kỳ Thế vận hội mang nhiều ý nghĩa sâu sắc và là một kỳ Olympic hòa bình với sự tham gia của Bắc Triều Tiên. Khai mạc Thế vận hội mùa đông Olympic PyeongChang vượt qua kỷ lục cả về số quốc gia và số vận động viên tham dự của Olympic Sochi (Nga) trước đó là 2.858 vận động viên từ 88 quốc gia. Các vận động viên sẽ cạnh tranh tổng cộng 102 huy chương vàng ở 15 bộ môn, cũng là số lượng huy chương lớn nhất từ trước tới nay. Mỹ có tổng cộng 240 vận động viên tham dự, trở thành quốc gia có số vận động viên đông nhất trong lịch sử các kỳ Olympic mùa đông. Có sáu nước đến từ khu vực nhiệt đới, vốn không có thế mạnh với các bộ môn thể thao mùa đông, là Ecuador, Malaysia, Singapore, Eritrea, Nigeria, Kosovo lần đầu tham dự Thế vận hội mùa đông. Về nội dung thi đấu, nội dung Parallel Giant Slalom môn trượt ván tuyết bị loại bỏ. Các nội dung thêm mới gồm Big Air nam, nữ môn trượt ván tuyết, xuất phát đồng loạt (Mass Start) nam, nữ môn trượt băng tốc độ, nội dung đồng đội hỗn hợp nam nữ môn trượt tuyết đổ đèo và nội dung đôi nam nữ môn bi đá trên băng. Các nội dung thi đấu được diễn ra tại ba địa điểm là huyện Pyeongchang, huyện Jeongseon và thành phố Gangneung thuộc tỉnh Gangwon, miền Đông Hàn Quốc. Các bộ môn trên tuyết chủ yếu diễn ra tại Pyeongchang. Toàn bộ các môn trên băng được diễn ra tại Gangneung. Ở Jeongseon sẽ diễn ra một số nội dung thi của môn trượt tuyết đổ đèo. Nước chủ nhà Hàn Quốc có tổng cộng 146 vận động viên tham dự ở tất cả các bộ môn, cao gấp đôi so với kỳ Olympic Sochi diễn ra tại Nga trước đó. Đoàn thể thao Hàn Quốc đặt mục tiêu giành tám huy chương vàng, bốn huy chương bạc và tám huy chương đồng, xếp thứ tư toàn đoàn. Ý nghĩa lịch sử Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội, sau 30 năm kể từ lần đầu tiên là Olympic mùa hè Seoul 1988. Hàn Quốc từng lần đầu tham dự Thế vận hội mùa đông vào năm 1948, kỳ Thế vận hội St.Moritz (Thụy Sĩ). Như vậy là sau 70 năm, Hàn Quốc đã trở thành nước chủ nhà của sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới này. Một điều ý nghĩa đó là Hàn Quốc là quốc gia thứ hai tại châu Á sau Nhật Bản đăng cai Thế vận hội mùa đông. Thông thường, Thế vận hội mùa đông được tổ chức chủ yếu ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Châu Á bị cho là “mảnh đất cằn cỗi” của các bộ môn thể thao mùa đông. Thế vận hội mùa đông đầu tiên được tổ chức tại châu Á là kỳ Thế vận hội Nagano tại Nhật Bản, diễn ra vào năm 1998. Với việc đăng cai Olympic lần này, Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới sau Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản đã đăng cai cả bốn sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là Olympic mùa hè và mùa đông, Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup và Giải vô địch điền kinh thế giới. Olympic Pyeongchang Ý nghĩa lớn nhất của Thế vận hội lần này đó là việc tạo ra một kỳ Olympic hòa bình. Olympic PyeongChang diễn ra trong bối cảnh hai miền Nam-Bắc nối lại đối thoại sau hàng loạt căng thẳng leo thang liên quan tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, và sự tham dự Olympic của miền Bắc. Hai miền nhất trí hợp nhất đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ tham dự Olympic. Trong lễ khai mạc hôm 9/2, đoàn thể thao hai bên đã lần đầu tiên sau 11 năm cùng tiến vào lễ khai mạc dưới lá cờ bán đảo Hàn Quốc thống nhất. Ngoài ra, đoàn nghệ thuật, đoàn biểu diễn Taekwondo, đoàn cổ động viên và phái đoàn đại biểu cấp cao của miền Bắc cũng đã tới thăm Hàn Quốc nhân dịp này, tạo ra một bầu không khí đối thoại tích cực giữa hai bên. Tuy nhiên, kỳ Olympic lần này vẫn để lại một số tiếc nuối. Đó là việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cấm Nga tham dự Thế vận hội do vụ bê bối sử dụng doping một cách có tổ chức trong kỳ Olympic mùa đông Sochi 2014. Tuy nhiên, đoàn thể thao Nga vẫn tham dự Olympic lần này với tư cách cá nhân, chứ không đại diện cho quốc gia, khiến Thế vận hội Pyeongchang trên thực tế vẫn có thể coi là hoàn thiện về mặt tổ chức. Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, lễ hội thể thao mùa đông lớn nhất thế giới, sẽ kéo dài trong vòng 17 ngày, từ ngày 9/2 cho tới hết ngày 25/2.
2018-02-11

Tin nổi bật trong tuần

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cử đoàn tiền trạm, chuẩn bị cho Olympic
Đoàn tiền trạm của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã có các chuyến thị sát lẫn nhau để chuẩn bị cho việc miền Bắc tham gia Thế vận hội mùa đông Olympic Pyeongchang 2018. Đoàn tiền trạm của mỗi bên đã tới thăm và kiểm tra cơ sở vật chất thi đấu, biểu diễn, nơi ăn chốn nghỉ của bên kia. Đoàn tiền trạm nghệ thuật Bắc Triều Tiên Trong hai ngày 21/1 và 22/1, đoàn tiền trạm nghệ thuật Bắc Triều Tiên do Giám đốc dàn nhạc giao hưởng Samjiyon Hyon Song-wol làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm miền Nam. Chuyến thị sát này vốn dự kiến diễn ra vào ngày 20/1, nhưng vào đêm hôm 19/1, Bắc Triều Tiên đột ngột thông báo dừng lịch thăm Hàn Quốc, làm căng thẳng dâng cao. Tuy nhiên, ngay sau đó miền Bắc lại thông báo sẽ thăm miền Nam chậm hơn một ngày, tức vào ngày 21/1, mà không nói rõ lý do. Đoàn tiền trạm nghệ thuật miền Bắc đã tới Hàn Quốc thông qua đường bộ Gyeongui ở phía Tây, nối Seoul của miền Nam và Sinuiju thuộc miền Bắc. Trong ngày làm việc đầu tiên, đoàn chỉ dành mười phút để thăm Nhà thi đấu thể thao Hwang Young-jo (thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon) nhưng lại dành tới hơn hai tiếng đồng hồ để kiểm tra kỹ lưỡng cơ sở vật chất biểu diễn tại Trung tâm nghệ thuật Gangneung. Trong ngày làm việc thứ hai, đoàn đã lần lượt tới thăm ba địa điểm biểu diễn ở thủ đô Seoul là Nhà thi đấu thể dục thể thao học sinh Jamsil, Nhà thi đấu Jangchung, Nhà hát quốc gia Haeoreum (Mặt trời mọc). Đặc biệt, đoàn tiền trạm Bắc Triều Tiên đã lưu lại hơn một tiếng tại Nhà hát quốc gia Haeoreum (Mặt trời mọc) ở thủ đô Seoul để kiểm tra kỹ về hệ thống ánh sáng, âm thanh, sân khấu. Vào hôm 23/1, một ngày sau khi trở về nước sau chuyến thị sát trên, phía miền Bắc thông báo sẽ biểu diễn tại Trung tâm nghệ thuật Gangneung và Nhà hát quốc gia Haeoreum (Mặt trời mọc). Chuyến thị sát của đoàn tiền trạm hai miền Tiếp đó, vào hôm 23/1, đoàn tiền trạm của phía miền Nam đã thăm miền Bắc thông qua tuyến đường bộ dọc bờ biển phía Đông. Đoàn gồm 12 người do Vụ trưởng Hợp tác giao lưu Bộ Thống nhất Lee Joo-tae dẫn đầu đã có chuyến thăm làm việc dài ba ngày hai đêm. Đoàn đã tới thăm khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong ở thành phố Wonsan, tỉnh Gangwon của miền Bắc và các địa điểm biểu diễn ở khu vực núi Geumgang. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một phái đoàn Hàn Quốc tới Bắc Triều Tiên kể từ sau khi khu công nghiệp liên Triều Gaesung bị dừng hoạt động vào tháng 2 năm 2016. Khu trượt tuyết nghỉ dưỡng Masikryong là địa điểm hai miền tiến hành tập huấn chung cho các vận động viên trượt tuyết của hai bên. Do vậy, đoàn tiền trạm Hàn Quốc đã tập trung kiểm tra các cơ sở vật chất cần thiết cho việc tập huấn tại đây. Công tác tập huấn chung dự kiến diễn ra trong vòng hai ngày một đêm, nên đoàn cũng đã tiến hành kiểm tra về nơi ăn chốn ở cho các vận động viên. Ngoài ra, do hai bên dự kiến sẽ tiến hành tổ chức các buổi biểu diễn chung tại núi Geumgang nên đoàn tiền trạm miền Nam cũng đã thị sát sơ sở vật chất tại Trung tâm văn hóa núi Geumgang và Trung tâm đoàn tụ gia đình ly tán ở khu vực này, xem những địa điểm trên có đủ tiêu chuẩn đáp ứng tổ chức các chương trình biểu diễn chung của hai miền hay không. Vào hôm 25/1, đoàn tiền trạm đợt hai của Bắc Triều Tiên đã cùng đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ nước này tới Seoul bằng đường bộ Gyeongui. Đoàn tiền trạm lần hai của miền Bắc gồm tám người, do Phó Vụ trưởng Bộ Thể dục thể thao Yun Yong-bok làm trưởng đoàn. Ngay sau khi đặt chân tới Hàn Quốc, đoàn đã di chuyển tới tỉnh Gangwon để bắt đầu kiểm tra nơi ăn chốn ở của các vận động viên, cổ động viên. Sau đó, đoàn đã đến thành phố Gangneung để kiểm tra cơ sở hạ tầng phục vụ Olympic như Nhà trượt băng nghệ thuật và tốc độ Gangneung, Trung tâm khúc côn cầu trên băng thuộc trường Đại học Công giáo Kwangdong, Làng vận động viên Olympic. Trong ngày làm việc thứ hai, đoàn tiền trạm đã di chuyển tới huyện Pyeongchang để kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm báo chí quốc tế, sân vận động Olympic Pyeongchang, và Đồi trượt tuyết Yongpyong, nơi diễn ra các trận thi đấu môn trượt tuyết đổ đèo. Trong ngày 27/1, ngày làm việc cuối cùng, đoàn đã tới thăm địa điểm ăn nghỉ dự kiến của đoàn biểu diễn Taekwondo miền Bắc tại Seoul và một số nơi đang được lựa chọn làm địa điểm biểu diễn. Mặt khác, đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ của miền Bắc gồm một huấn luyện viên,12 vận động viên và hai người hỗ trợ đoàn đã di chuyển thẳng đến khu tập huấn ở huyện Jincheon, tỉnh Bắc Chungcheong, cùng với đoàn vận động viên miền Nam bắt đầu đợt tập luyện chung, chuẩn bị cho việc hợp nhất đội tuyển hai miền. Đội tuyển hợp nhất hai miền Nam-Bắc đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép mở rộng số lượng vận động viên lên đến 35 người, mỗi trận đấu sẽ có ba vận động viên miền Bắc tham gia. Như vậy là công tác thị sát của đoàn tiền trạm mỗi bên đã được diễn ra hết sức thuận lợi. Có thể nói giờ đây Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn hoàn thiện để biến Olympic Pyeongchang sắp tới thành một kỳ Thế vận hội hòa bình.
2018-01-28

Tin nổi bật trong tuần

50 ngày trước thềm Olympic Pyeongchang
Tính đến ngày 21/12, chỉ còn chính xác 50 ngày nữa là tới lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Đoàn thể thao nước chủ nhà Hàn Quốc đặt mục tiêu giành quyền thi đấu tại tất cả các bộ môn và đứng vị trí thứ tư trên bảng tổng sắp huy chương. Pyeongchang D-50 Mọi công tác chuẩn bị trên thực tế đã được hoàn tất 50 ngày trước thềm lễ khai mạc Olympic. Vào hôm 21/12, tuyến tàu cao tốc KTX nối thủ đô Seoul và thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon) đã đi vào hoạt động sau một thời gian chạy thử nghiệm. Quãng đường từ Seoul tới Gangneung sẽ chỉ mất 114 phút nếu xuất phát tại ga Seoul (ở quận Yongsan, thủ đô Seoul) và chỉ mất 86 phút nếu đi từ ga Cheongnyangni (ở quận Dongdaemun). Mọi cơ sở vật chất phục vụ Thế vận hội đều đã đồng loạt được hoàn công và được kiểm tra đầy đủ thông qua các sự kiện thử nghiệm. 12 địa điểm thi đấu của Thế vận hội ở huyện Pyeongchang, huyện Jeongseon và thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon) và Trung tâm Olympic (Olympic Plaza) ở Pyeongchang, nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc, đã được hoàn công từ ba tháng trước thềm lễ khai mạc. Vào hôm 15/12, Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang tuyên bố đã hoàn công hai làng vận động viên ở Pyeongchang và Gangneung. Tại huyện Pyeongchang sẽ diễn ra phần lớn các bộ môn trên tuyết. Ở huyện Jeongseon sẽ diễn ra nội dung thi đấu bộ môn trượt tuyết đổ đèo, trong khi tại thành phố Gangneung là các bộ môn trên băng. Ủy ban tổ chức Olympic sẽ mở cửa Trung tâm báo chí phục vụ Olympic vào ngày 9/1/2018 để cập nhật tình hình Thế vận hội một cách liên tục. Mục tiêu của Hàn Quốc Nước chủ nhà Hàn Quốc đặt mục tiêu giành tối đa tám huy chương vàng, bốn huy chương bạc và tám huy chương đồng, đứng vị trí thứ tư toàn đoàn, cao hơn chín bậc so với kỳ Thế vận hội trước đó. Các vận động viên Hàn Quốc đang ráo riết chuẩn bị trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, nhằm đạt được mục tiêu trên. Hàn Quốc đặt mục tiêu có 130 vận động viên tham gia toàn bộ bảy bộ môn thi đấu. Tính tới ngày 20/12, số vận động viên của Hàn Quốc giành được quyền thi đấu tại Olympic là 95 vận động viên ở bốn bộ môn. Hàn Quốc cần phải có thêm vận động viên giành được quyền thi đấu ở ba bộ môn còn lại và khả năng đạt được mục tiêu này là rất lớn. Trong kỳ Olympic Sochi diễn ra tại Nga vào năm 2014, Hàn Quốc đã có tổng cộng 71 vận động viên tham dự ở sáu bộ môn. Bộ môn thế mạnh của Hàn Quốc là trượt băng tốc độ vòng ngắn (Short Track). Nữ vận động viên trượt băng tốc độ vòng ngắn Shim Suk-hee và Choi Min-jeong đặt mục tiêu giành trên hai huy chương vàng tại kỳ Olympic lần này. Đội trượt băng tốc độ vòng ngắn nam cũng đang quyết tâm gột sạch được vết nhơ “không huy chương” trong đợt Olympic Sochi trước đó. Ở nội dung trượt băng tốc độ nữ, nữ vận động viên Lee Sang-hwa đang theo đuổi mục tiêu là giành huy chương vàng thứ ba liên tiếp tại Thế vận hội. Vận động viên Lee Seung-hoon, người xếp hạng số một thế giới ở nội dung trượt băng tốc độ xuất phát đồng loạt (Mass Start) cũng đang muốn “hạ” chiếc huy chương vàng về cho nước chủ nhà. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đặt mục tiêu lần đầu tiên giành huy chương vàng ở các bộ môn xe trượt tuyết và bộ môn trên tuyết. Vận động viên trượt ván lòng máng nằm sấp Yun Sung-bin đang là hy vọng vàng tiềm năng nhất hiện nay. Đó là bởi anh đang xếp hạng một thế giới sau thành tích ba huy chương vàng tại Giải vô địch thế giới bộ môn này mùa vừa rồi. Ngoài ra, hai vận động viên môn xe trượt tuyết Won Yun-jong và Seo Young-woo cùng vận động viên trượt ván tuyết Lee Sang-ho cũng kỳ vọng sẽ gặt hái huy chương. Triển vọng Cho tới ngày 20/12, đã có tổng cộng 92 quốc gia cho biết sẽ tham dự Thế vận hội, cao hơn con số kỷ lục là 88 quốc gia tại Olympic Sochi trước đó. Ngoài ra, đã có tổng cộng 43 nguyên thủ quốc gia và quan chức cấp cao các nước cho biết sẽ tham dự Thế vận hội, dự kiến sẽ vượt qua con số 45 người trong Olympic Rio tại Bra-xin năm 2016. Vẫn chưa rõ Bắc Triều Tiên có tham dự Thế vận hội Pyeongchang hay không, nhưng nước này nhiều khi chỉ đưa ra quyết định khi lễ khai mạc cận kề. Một ẩn số lớn nhất trong Thế vận hội lần này là sự tham gia của các vận động viên Nga dưới tư cách cá nhân, do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã cấm các vận động viên nước này tham gia với vai trò đại diện cho quốc gia sau vụ bê bối doping. Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 được kỳ vọng sẽ diễn ra thành công, trở thành một kỳ “Thế vận hội hòa bình”, với số lượng quốc gia tham dự cao kỷ lục.
2017-12-24

Tin nổi bật trong tuần

Ngọn đuốc Olympic Pyeongchang đã tới Hàn Quốc
Vào hôm 1/11, tròn 100 ngày trước thềm lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018, ngọn đuốc thắp sáng Olympic đã tới sân bay Incheon lúc 8 giờ 30 phút sáng, bắt đầu hành trình rước đuốc trong nước dài 2.018 km cho tới ngày khai mạc Thế vận hội vào 9/2 năm sau. Ngọn đuốc Olympic tới Hàn Quốc Ngọn đuốc Olympic Pyengchang đã được thắp lên tại điện thờ nữ thần Mặt trời Hera ở chân núi Olympia, Hy Lạp, vào hôm 24/10 vừa qua, trải qua quy trình rước đuốc tại Hy Lạp trong vòng một tuần, rồi sau đó được chuyển giao cho Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang vào hôm 31/10 tại sân vận động Panathinaiko ở thủ đô Athens của Hy Lạp. Ngọn đuốc đã tới sân bay Incheon Hàn Quốc vào lúc 8 giờ 30 phút sáng hôm 1/11, quay trở lại Hàn Quốc sau 30 năm, kể từ sau Olympic Seoul năm 1988. Khoảng 750 người dân gồm những người đã đăng ký từ trước, người dân tỉnh Gangwon, địa phương đăng cai Olympic, các quan chức thuộc Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang và giới chức thể thao đã có mặt tại sân bay Incheon để chào mừng ngọn đuốc Olympic. Chủ tịch Ủy ban Olympic Pyeongchang Lee Hee-beom cho biết ngọn đuốc Olympic sẽ được rước vòng quanh cả nước, đóng vai trò là “đại sứ quảng bá” cho Hàn Quốc, và một “nhà truyền giáo hòa bình” tại địa điểm thi đấu trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Thủ tướng Lee Nak-yon phát biểu rằng Hàn Quốc đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tổ chức thành công Olympic Seoul năm 1988 và đồng đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 với Nhật Bản. Ông Lee tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục đăng cai thành công Olympic Pyeongchang 2018 lần này. Rước đuốc trong nước Ngọn đuốc Olympic đã xuất phát từ sân bay Incheon qua cầu Incheon, bắt đầu hành trình rước đuốc trên toàn Hàn Quốc dài 101 ngày, với sự tham gia của 7.500 người, tổng quãng đường dài 2.018 km. Người đầu tiên rước đuốc trong nước là nữ vận động viên trượt băng You Young. Vào năm ngoái, vận động viên này đã lập kỷ lục là vận động viên nhỏ tuổi nhất giành chiến thắng tại Giải vô địch trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc khi mới 11 tuổi, vượt qua kỷ lục về độ tuổi của “nữ hoàng trượt băng nghệ thuật” Kim Yu-na trước đó. You Young được coi là niềm hy vọng trượt băng nghệ thuật mới của Hàn Quốc. Trong ngày đầu tiên, ngọn đuốc đã được rước đi với quãng đường dài khoảng 21 km, tới công viên Ánh trăng ở đô thị quốc tế Songdo. Sau đó, ngọn đuốc sẽ được rước trong vòng hai ngày tại đảo Jeju, hòn đảo cực Nam Hàn Quốc, rồi tiếp tục hành trình tới Busan, qua vùng bờ biển phía Nam, phía Tây, các địa phương sâu trong đất liền, sau đó quay lại Seoul và cuối cùng là tới tỉnh Gangwon, nơi đăng cai Thế vận hội. Ngọn đuốc sẽ tới huyện Pyeongchang vào hôm 9/2/2018, ngày khai mạc Olympic, và được thắp sáng trong suốt 17 ngày thi đấu Olympic. Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII Với khẩu hiệu "Đam mê kết nối" (Passion.Connected), Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII Pyeongchang sẽ diễn ra ngày 9/2/2018 tới ngày 25/2/2018 tại huyện Pyeongchang, thành phố Gangneung và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon. Thế vận hội lần này quy tụ hơn 6.500 vận động viên đến từ 95 quốc gia trên toàn thế giới, tranh tài ở 102 nội dung thuộc 15 bộ môn, trong đó có bảy bộ môn trên tuyết, năm bộ môn trên băng và ba bộ môn xe trượt tuyết. Lễ khai mạc, lễ bế mạc và phần lớn các bộ môn thi đấu trên tuyết sẽ được tổ chức ở huyện Pyeongchang. Tất cả các nội dung thi đấu trên băng sẽ được tổ chức ở huyện Gangneung. Môn trượt tuyết đổ đèo (Alpine ski) sẽ được tổ chức ở huyện Jeongseon. Tính tới thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng và địa điểm thi đấu phục vụ Thế vận hội đã gần như hoàn tất và ban tổ chức đang tiến hành các công tác kiểm tra và hoàn thiện cuối cùng. Các địa điểm thi đấu đều đã được đánh giá đạt đủ điều kiện thông qua các sự kiện thi đấu thử nghiệm. Như vậy là phải sau 30 năm chờ đợi, Hàn Quốc mới một lần nữa có cơ hội đăng cai Thế vận hội. Do vậy, người dân Hàn Quốc kỳ vọng rất lớn vào Thế vận hội 2018. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm đưa kỳ Olympic lần này trở thành một kỳ Thế vận hội hòa bình trong bối cảnh nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên dâng cao. Ngoài ra, Thế vận hội Olympic được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội để đoàn kết toàn dân sau những mâu thuẫn, hỗn loạn về chính trị tại Hàn Quốc trong thời gian qua. Mặt khác, ước tính Olympic sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lên tới 32.200 tỷ won (28,92 tỷ USD) trong vòng mười năm tới. Với kinh nghiệm tổ chức thành công Olympic Seoul 1988, World Cup Hàn-Nhật 2002, Hàn Quốc được đánh giá sẽ tiếp tục tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông sắp tới.
2017-11-05

Tin nổi bật trong tuần

Go Top