Bản tuyên bố của Ủy ban Olympic Mỹ
Thông qua bản tuyên bố của Ủy ban Olympic Mỹ (USOC) hôm 7/12, ông Mark Jones, người phát ngôn của ủy ban này đã xác nhận kế hoạch cử đoàn vận động viên nước này tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang diễn ra vào tháng 2 năm 2018 không có gì thay đổi. USOC cũng khẳng định không có bất kỳ thảo luận nào với Chính phủ Mỹ về khả năng không cho đoàn thể thao nước này tham gia Olympic mùa đông PyeongChang, đồng thời cho biết sẽ hỗ trợ toàn bộ cho hai đoàn thể thao đại diện Mỹ đến Pyeongchang. Hai đoàn thể thao ở đây có nghĩa là đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa đông, và đoàn thể thao tham dự Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic.
Phát biểu gây xôn xao dư luận của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc
Trước đó, trong buổi họp báo hôm 6/12, trước câu hỏi của phóng viên về quyết định tham gia Olympic mùa đông PyeongChang của đoàn thể thao Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết đây là “vấn đề chưa được giải quyết” (open question), và nhận định chuyện này liên quan đến việc bảo hộ cho công dân Mỹ. Tức, Washington đang cân nhắc đến vấn đề đảm bảo an toàn cho các vận động viên Mỹ trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Để trấn an dư luận, Nhà Trắng cũng đã lên tiếng về việc tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang của đoàn thể thao Mỹ. Thông qua trang mạng xã hội Twitter, hôm 7/12, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cho biết Washington rất mong chờ tham gia Thế vận hội 2018 tại Hàn Quốc. Bà Sanders khẳng định Mỹ đang phối hợp với Hàn Quốc, và các nước đối tác khác để đảm bảo an toàn cho địa điểm tổ chức Olympic mùa đông năm nay. Tuy nhiên, trong buổi họp báo trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng Washington vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc có tham dự Olympic mùa đông PyeongChang hay không, khi giải thích về phát ngôn của Đại sứ Nikki Haley.
Triển vọng
Như vậy, tuyên bố của Ủy ban Olympic Mỹ được xem là đã đưa ra lập trường rõ ràng hơn so với những đề cập trước đó của Nhà Trắng. Tức kế hoạch gửi toàn bộ đoàn vận động viên của Mỹ đến tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang không có gì thay đổi. Tuy nhiên, có thể thấy một điều rõ ràng là Washington đang cân nhắc trên nhiều khía cạnh về vấn đề an toàn cho đoàn thể thao nước này. Bởi xét trong bối cảnh nguy cơ khủng hoảng hạt nhân miền Bắc, các nước không thể không tính đến sự an toàn của các vận động viên khi tham dự Olympic PyeongChang. Việc Mỹ bày tỏ lập trường sẽ tham gia Thế vận hội mùa đông sắp tới sẽ góp phần xua tan được mối lo ngại này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/12 (theo giờ địa phương) phát biểu rằng Nga sẽ không "tẩy chay" Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Phát biểu trên được Tổng thống Nga đưa ra trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất ô tô ở thành phố Nizhny Novgorod, miền Trung nước Nga, cách thủ đô Mát-xcơ-va 400 km về hướng Đông. Ông Putin khẳng định Chính phủ Nga sẽ không ngăn cản những vận động viên nào muốn tham dự Olympic với tư cách cá nhân.
Sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố cấm Nga tham dự Olympic Pyeongchang vào hôm 5/12, một số giới chức thể thao và chính trị gia nước này chỉ trích đây là một quyết định sỉ nhục nước Nga, và Mát-xcơ-va phải trả đũa bằng cách từ chối hoàn toàn việc tham dự Olympic.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng Chính phủ nước này vẫn phải cho phép các vận động viên tham gia Thế vận hội với tư cách cá nhân để không lãng phí quãng thời gian chuẩn bị cho Olympic của họ.
Ủy ban Olympic Nga (ROC) hôm 12/12 tới sẽ tổ chức một cuộc họp về Olympic, có sự tham gia của các vận động viên giành được quyền thi đấu tại Thế vận hội, các huấn luyện viên và đại diện các hiệp hội thể thao ở các bộ môn, để đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham dự Olympic Pyeongchang hay không.
Về quyết định của IOC, ông Putin cho rằng mọi việc đã bị sắp đặt, và dường như đây là một quyết định mang tính chất chính trị. Tổng thống Nga cũng bác bỏ việc IOC cho rằng ông từng ra chỉ thị với các quan chức nước này về việc nhất định phải giành thắng lợi trong Olympic Sochi năm 2014.
Vào hôm 5/12 (theo giờ địa phương), Ủy ban Olympic quốc tế đã ra quyết định cấm đoàn thể thao Nga tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, IOC sẽ cho phép các vận động viên của Nga tham gia thi đấu dưới màu cờ Olympic, tức được thi đấu với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho quốc gia. Quyết định này của IOC được căn cứ theo kết luận về vụ việc Chính phủ Nga đã đứng ra cho phép đoàn động viên nước này sử dụng doping một cách có tổ chức tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 trước đó.
Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Washington sẽ tổ chức sự kiện mang tên "Pyeongchang tại Washington" trong bốn ngày, từ ngày 9/12 đến 10/12 và từ ngày 16/12 tới ngày 17/12 (theo giờ địa phương), nhằm quảng bá về Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc và về huyện Pyeongchang (tỉnh Gangwon), nơi đăng cai Thế vận hội. Linh vật của Olympic Pyeongchang sẽ xuất hiện tại các địa điểm du lịch lớn trong trung tâm thủ đô Washington.
Khác với linh vật chú hổ Hodori kỳ Olympic mùa hè Seoul 1988, linh vật Olympic Pyeongchang lần này gồm hai loài động vật là Bạch hổ Soohorang và Gấu ngựa Bandabi.
Các linh vật Olympic sẽ gặp gỡ người dân và khách du lịch thủ đô Washington tại các địa điểm như Bảo tàng Lincoln, Tượng đài Washington và Công viên quốc gia National Mall.
IOC cấm Nga tham gia Olympic mùa đông PyeongChang
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6/12 đã tuyên bố sẽ không tẩy chay Thế vận hội Olympic mùa đông PyeongChang diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 2 năm 2018, cũng như không ngăn cản các vận động viên nước này tham gia tranh tài với tư cách cá nhân. Phát biểu trên của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) quyết định không cho phép Nga tham gia Olympic mùa đông PyeongChang tại cuộc họp Ban chấp hành của ủy ban này vào hôm 5/12. Đây là hình phạt được IOC đưa ra với cáo buộc Chính phủ Nga có dính líu tới vụ bê bối doping của các vận động viên nước này trong nhiều đại hội thể thao kể từ năm 2011. Ủy ban Olympic quốc tế đã ra lệnh cấm treo quốc kỳ của Nga trong các nhà thi đấu, hay cấm các phần trình diễn, thi đấu dưới danh nghĩa quốc gia Nga tại Olympic mùa đông PyeongChang. Tuy nhiên, IOC vẫn cho phép các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội sắp tới với tư cách cá nhân, với điều kiện họ phải vượt qua cuộc kiểm tra sử dụng doping được siết chặt hơn đối với các “vận động viên Olympic có xuất thân từ Nga”.
Lập trường của Chính phủ Nga
Trước biện pháp trừng phạt này của Ủy ban Olympic quốc tế, nhiều cuộc vận động tẩy chay Olympic mùa đông PyeongChang đã diễn ra tại Nga. Một số ý kiến cho rằng nên cấm hoàn toàn việc các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội. Trong khi một số ý kiến phản đối, cho rằng cần phải cho phép những vận động viên, cả đời họ chỉ dành cho việc luyện tập cho Thế vận hội, được tham gia tranh tài với tư cách cá nhân. Ủy ban Olympic Nga (ROC) dự kiến sẽ mở cuộc họp với sự tham gia của các vận động viên đax giành được quyền tham gia Olympic, các huấn luyện viên và đại diện của các liên đoàn thể thao để có quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 12/12 tới. Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Thể thao Nga vẫn chưa đưa ra lập trường nào. Trong bối cảnh này, phát biểu trên của Tổng thống Putin được xem như là đã lời khẳng định về lập trường của Nga.
Hàn Quốc khuyến khích các vận động viên Nga tham gia Thế vận hội
Về vấn đề này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã nhận xét lời phát biểu của ông Putin đã giúp Olympic mùa đông PyeongChang tránh được điều tồi tệ nhất. Phủ Tổng thống cam kết sẽ nỗ lực kêu gọi các vận động viên Nga tham dự Olympic mùa đông PyeongChang. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc cũng hoan nghênh sự tham gia của các vận động viên Nga, bày tỏ kỳ vọng sẽ được gặp nhiều vận động viên xứ sở bạch dương tại kỳ Olympic mùa đông PyeongChang sắp tới. Việc một cường quốc thể thao mùa đông như Nga không được tham dự Olympic có thể sẽ là một gáo nước lạnh cho các cuộc tranh tài tại Olympic mùa đông PyeongChang lần này. Bởi trước đó, Liên đoàn khúc côn cầu trên băng khu vực Bắc Mỹ (NHL) cũng thông báo sẽ không tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongCang sắp tới.
Ban chấp hành Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hôm 5/12 (theo giờ địa phương) đã họp tại Lausanne, Thụy Sĩ, và quyết định cấm đoàn thể thao Nga tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, IOC sẽ cho phép các vận động viên của Nga tham gia thi đấu dưới màu cờ Olympic, cấm toàn bộ việc treo quốc kỳ Nga hay thi đấu dưới danh nghĩa quốc gia. Điều này có nghĩa IOC chỉ cho phép các vận động viên Nga được thi đấu với tư cách cá nhân, không phải đại diện cho quốc gia.
Quyết định này của IOC được căn cứ theo kết luận về vụ việc Chính phủ Nga đã đứng ra cho phép đoàn động viên nước này sử dụng doping một cách có tổ chức tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 trước đó.
Ủy ban Olympic quốc tế quyết định sẽ siết chặt kiểm tra doping với các vận động viên trong đợt Olympic Pyeongchang tới đây.
Đây là lần đầu tiên IOC tước quyền tham gia thi đấu Olympic đối với một quốc gia, kể từ sau trường hợp Cộng hòa Nam Phi bị cấm tham dự Olympic từ năm 1964 tới năm 1988 do nước này tiến hành chính sách phân biệt chủng tộc.
Ngay lập tức, Nga đã lên tiếng chỉ trí quyết định của IOC đã sỉ nhục nước này. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa công bố lập trường chính thức về việc liệu có cho phép các vận động viên của nước mình tham gia Thế vận hội với tư cách cá nhân hay không.
Sau khi mâu thuẫn Hàn-Trung liên quan tới tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD) đã được giải tỏa, Chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ miễn thị thực cho khách du lịch Trung Quốc trước và sau thời điểm diễn ra Olympic Pyeongchang 2018.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc hôm 30/11 công bố sẽ cho phép miễn thị thực trong vòng 15 ngày với các công dân Trung Quốc thỏa mãn một số điều kiện nhất định, bắt đầu từ ngày 1/12 tới cuối tháng 3 năm sau. Ngoài ra, nếu những người này nhập cảnh và xuất cảnh đúng theo quy định thì sẽ được cấp visa nhập cảnh nhiều lần có hiệu lực trong vòng năm năm tiếp theo.
Đối tượng được hưởng ưu đãi trên gồm có những công dân Trung Quốc từng được cấp visa Hàn Quốc trong vòng năm năm gần đây, xuất nhập cảnh đúng quy định. Tiếp đó là những người có vé xem các nội dung thi đấu của Olympic được cấp qua các công ty lữ hành do Trung Quốc chỉ định và những người sở hữu hộ chiếu công vụ.
Tuy nhiên, đối tượng nào từng bị phán quyết vi phạm pháp luật Hàn Quốc, hoặc từng bị cưỡng chế trục xuất khỏi Hàn Quốc, những người có ý định rõ ràng là sang Hàn Quốc để cư trú, lao động trái phép sẽ bị loại khỏi danh sách được ưu đãi miễn thị thực.
Trong một tin liên quan, các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc đóng tại Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) hôm thứ Sáu (1/12) cho biết từ ngày 20/11 tới ngày 24/11 vừa qua, các cơ quan này đã tiếp nhận tổng cộng 21.000 hồ sơ xin visa cá nhân thăm Hàn Quốc, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên trong năm nay số đơn đăng ký visa du lịch cá nhân của người Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ sau khi Chính phủ Trung Quốc ban lệnh cấm bán tour du lịch ghép đoàn tới Hàn Quốc.
Cơ quan ngoại giao Hàn Quốc tại Trung Quốc cho biết 90% đơn đăng ký visa nhập cảnh cá nhân vào Hàn Quốc là với mục đích du lịch. Nếu bao gồm cả lượng khách du lịch lẻ Trung Quốc tới đảo Jeju, nơi được miễn thị thực, thì số khách sẽ còn tăng hơn nhiều.
Trung tâm trải nghiệm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Pyeongchang đã được mở cửa tại Trung tâm Olympic (Olympic Plaza), thuộc huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon vào hôm 29/11.
Đây là một nơi giúp khách tham quan có cơ hội trải nghiệm về những công nghệ tiên tiến nhất như video mang di động thế hệ thứ năm (5G) đầu tiên trên thế giới, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo được ứng dụng vào Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Trung tâm này cũng sẽ đóng vai trò là một điểm tham quan độc đáo phục vụ cho Olympic, nơi Hàn Quốc quảng bá với toàn thế giới về trình độ công nghệ của nước mình.
Tại đây, khách tham quan có thể trải nghiệm cảm giác đầy hưng phấn khi lướt ván tuyết trên một cánh đồng tuyết giả tưởng, hay trải nghiệm tàu lượn siêu tốc (Roller Coaster) quay 360 độ, thử sức với bộ môn xe trượt tuyết (Bobsleigh) có tốc độ 130 km/giờ.
Trung tâm trải nghiệm ICT Pyeongchang sẽ được mở cửa tới hết tháng 3 năm sau. Nơi này được kỳ vọng sẽ trở thành một địa điểm nổi tiếng, giúp người hâm mộ thể thao trong nước và thế giới trải nghiệm một kỳ Thế vận hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.
Nhóm tình nguyện viên cổ động cho Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 mang tên "Những người bạn trắng" (White Friends) gồm 1.882 người đã bắt đầu hoạt động chính thức.
Nhóm sẽ thăm quan các địa điểm thi đấu thuộc khuôn khổ Thế vận hội được xây dựng tại huyện Pyeongchang và thành phố Gangneung (tỉnh Gangwon) tới cuối tháng này, thảo luận về phương án điều hành tour trải nghiệm công tác chuẩn bị Olympic mang tên "Venue Tour".
"Những người bạn trắng" sẽ đóng vai trò như một "đội quân tiên phong" hướng tới một kỳ Olympic thành công, thu hút sự quan tâm của người yêu thể thao tới toàn thể các bộ môn thi đấu tại Olympic cũng như tất cả các quốc gia tham dự thông qua các chuyến tham quan và cổ vũ các nội dung thi đấu trong thời gian diễn ra Olympic.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa hôm thứ Bảy (25/11) đã có chuyến thăm các địa điểm thi đấu thuộc Olympic Pyeongchang 2018 cùng với phái đoàn quan chức ngoại giao các nước đóng tại Hàn Quốc, quan chức quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc và các thương nhân. Chuyến thăm này nhằm mục đích quảng bá về Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Pyeongchang diễn ra vào tháng 2 năm sau.
Thế vận hội mùa đông Pyeongchang năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 9/2 đến ngày 25/2/2018 tại thành phố Gangneung, huyện Pyeongchang và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc đã đích thân đi thử tuyến tàu cao tốc (KTX) Gyeonggang (từ thủ đô Seoul đến thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon), tuyến tàu vận chuyển chính trong thời gian diễn ra Olympic. Bà Kang cũng đã tới thị sát các địa điểm thi đấu chính và nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội. Bộ Ngoại giao cho biết qua chuyến thị sát lần này, các quan chức ngoại giao nước ngoài đóng tại Hàn Quốc đã có cơ hội trực tiếp xác nhận về tình hình chuẩn bị cho Thế vận hội của Hàn Quốc.
Bộ Ngoại giao kỳ vọng chuyến thị sát cùng ngày sẽ giúp phái đoàn ngoại giao các nước thêm quan tâm và ủng hộ Olympic Pyeongchang, do các cơ quan này cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hàn Quốc dịp Olympic của quan chức nước mình.
Tham dự chuyến thị sát cùng Ngoại trưởng Kang cùng ngày còn có Tư lệnh quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Việc này được kỳ vọng là sẽ góp phần nâng cao sự hợp tác chặt chẽ của hai nước để tổ chức thành công một kỳ Thế vận hội hòa bình và an toàn.
Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Năm (23/11) cho biết Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc phương án dừng tập trận quân sự chung trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Pyeongchang 2018 diễn ra vào tháng 2 và tháng 3 năm sau. Theo quan chức này, đây là một trong những phương án đã được xem xét từ trước nhằm tổ chức thành công Olympic và xét trên khía cạnh quan hệ liên Triều.
Olympic Pyeongchang sắp tới diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc dâng cao do các động thái uy hiếp hạt nhân của miền Bắc. Phương án trên được cho là nhằm cân nhắc tới ý nghĩa biểu tượng của nghị quyết kêu gọi ngừng bắn trong dịp Olympic của Liên hợp quốc, được thông qua hôm 14/11, vừa mang ý nghĩa truyền đi thông điệp với Bắc Triều Tiên, nhằm tổ chức một kỳ Thế vận hội hòa bình.
Trong một tin liên quan, Đài châu Á tự do (RFA) của Mỹ hôm 23/11 đưa tin Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết mặc dù Bắc Triều Tiên đã bị Mỹ tái chỉ định là quốc gia tài trợ cho khủng bố vào hôm 21/11, nhưng nước này vẫn có tư cách tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang.