Tin tức từ Pyeongchang

Seoul cân nhắc ngưng tập trận chung liên quân Hàn-Mỹ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông
Ý nghĩa Trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) qua điện thoại, một quan chức Phủ Tổng thống hôm 23/11 cho biết Seoul đang cân nhắc tạm ngưng các cuộc diễn tập quân sự Hàn-Mỹ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Điều này nhằm nhấn mạnh thông điệp về một kỳ “Thế vận hội hòa bình” cũng như ý nghĩa biểu tượng của nghị quyết ngừng bắn trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông Pyeongchang của Liên hợp quốc. Theo quan chức trên, phương án này đã được Chính phủ cân nhắc từ trước, xét trên hai phương diện là tổ chức thành công sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất hành tinh, và cải thiện mối quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc Trước đó, hôm 13/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết ngừng bắn trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang, với sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên. Nghị quyết kêu gọi cá nhân và tập thể các nước ngừng xung đột trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc trong khoảng thời gian trước và sau một tuần diễn ra Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu đảm bảo cho tất cả những người liên quan như vận động viên, các đoàn thể thao có thể đi lại, tiếp cận và tham gia Thế vận hội an toàn. Nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc được thông qua hai năm một lần mỗi khi tổ chức Olympic mùa đông và mùa hè, nhằm gợi lại ý nghĩa hòa bình của đại hội thể thao lớn nhất thế giới. Đặc biệt, do Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 được tổ chức trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên ngày càng tăng cao, nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc càng có ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết. Ngưng tập trận liên quân Hàn-Mỹ : lựa chọn “có thể cân nhắc” cho một Thế vận hội hòa bình Các cuộc tập trận quân sự của liên quân Hàn-Mỹ được tiến hành dưới nhiều hình thức trong năm nhằm phòng vệ cho bán đảo Hàn Quốc. Tiêu biểu là cuộc tập trận tham mưu chỉ huy trên máy tính (CPX) mang tên "Key Resolve" (Giải pháp then chốt) được tiến hành vào mùa xuân mỗi năm, nhằm đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ hay chiến tranh toàn diện. Thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông Pyeongchang là từ ngày 9/2 đến 25/2 năm 2018. Việc ngừng các cuộc tập trận chung trước mắt là một trong những “lựa chọn có thể cân nhắc” để tổ chức một kỳ Thế vận hội trong hòa bình. Tuy nhiên, đây cũng có thể là một lá bài chiến lược nhằm xoay chuyển sang cục diện đối thoại cho vấn đề hạt nhân miền Bắc. Đương nhiên, điều kiện tiên quyết để tạm ngừng diễn tập là sự nhất trí giữa Seoul và Washington, cũng như việc Bình Nhưỡng có đảm bảo không có hành động khiêu khích hay không. Ngược lại, quyết định ngừng các cuộc tập trận chung cũng có thể là một chiến lược lôi kéo Bắc Triều Tiên tham gia Olympic mùa đông Pyeongchang sắp tới.
2017-11-23

Thời sự qua góc nhìn KBS

IOC đang hỗ trợ Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm thứ Năm (16/11) đưa tin Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang hỗ trợ Bắc Triều Tiên tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018 trên cơ sở tôn trọng khung cấm vận với miền Bắc của Liên hợp quốc.   Trong một email gửi cho VOA, Văn phòng báo chí của IOC (trụ sở tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ) cho biết Ủy ban này đang hỗ trợ để các vận động viên miền Bắc có thể tham dự Thế vận hội Pyeongchang diễn ra vào tháng 2 năm sau tại Hàn Quốc, nhưng cũng đồng thời cân nhắc tới các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc với Bình Nhưỡng.   IOC thông báo đã hoàn tất thảo luận với Liên đoàn trượt tuyết quốc tế (FIS) và Liên đoàn trượt băng quốc tế (ISU) về sự tham gia của các vận động viên miền Bắc cũng như vấn đề chi phí tham gia tập huấn.   Văn phòng báo chí IOC cho biết sẽ chủ yếu hỗ trợ về chi phí du lịch, chi phí tham dự cho các vận động viên miền Bắc thông qua các liên đoàn thể thao quốc tế và các đơn vị tổ chức vòng loại Olympic.   IOC một lần nữa khẳng định các vận động viên của miền Bắc đã được mời tham dự Olympic Pyeongchang 2018 tương tự như các vận động viên khác thuộc Ủy ban Olympic quốc gia (NOC) của 205 nước.   Tại Giải Nebelhorn Trophy 2017 do Liên đoàn trượt băng quốc tế tổ chức tại Đức vào tháng 9 vừa qua, cặp đôi trượt băng nghệ thuật Ryom Tae-Ok và Kim Ju-sik của Bắc Triều Tiên đã đứng vị trí thứ sáu, giành được chiếc vé tới Hàn Quốc tham dự Olympic Pyeongchang.
2017-11-16

Tin tức

"Không có quốc gia nào xem xét không tham gia Olympic Pyeongchang vì lo ngại an toàn"
Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc Do Jong-hwan đang trong chuyến thăm New York (Mỹ) hôm 14/11 (theo giờ địa phương) khẳng định rằng không có một quốc gia nào xem xét khả năng không tham dự Olympic Pyeongchang 2018 vì lo ngại vấn đề an toàn. Phát biểu trên được Bộ trưởng Do đưa ra trong buổi tọa đàm với các phóng viên thường trú Hàn Quốc tại New York. Ông Do tới thăm New York để hỗ trợ việc Liên hợp quốc thông qua "Nghị quyết ngừng bắn Olympic Pyeongchang".  Ông Do cho biết sau khi một số hãng truyền thông nước ngoài đưa tin các nước Pháp, Áo, Đức có thể sẽ không tham dự Olympic Pyeongchang trong bối cảnh căng thẳng  dâng cao trên bán đảo Hàn Quốc, ông đã trực tiếp tới các nước này để xác nhận. Tuy nhiên, các nước đều khẳng định không hề xem xét về kịch bản này. Bộ trưởng Hàn Quốc tự tin về khả năng Bắc Triều Tiên tham dự Olympic Pyeongchang sắp tới, chỉ cần quản lý thật tốt các yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định tham dự của miền Bắc. Theo ông, việc các vận động viên trượt băng nghệ thuật Bắc Triều Tiên giành được quyền tham dự Olympic cho thấy nhiều khả năng nước này sẽ tham gia Thế vận hội tại Hàn Quốc vào năm sau. Bộ trưởng nhấn mạnh sự tham gia của Bắc Triều Tiên sẽ biến kỳ Olympic lần này thành một kỳ Olympic hòa bình, mang ý nghĩa biểu tượng lớn là giải tỏa đối đầu quân sự trên bán đảo Hàn Quốc. Theo ông, sẽ rõ hơn về ý định tham dự của miền Bắc sau khi quyền tham dự các bộ môn trượt tuyết băng đồng và trượt băng tốc độ được quyết định vào đầu năm sau. Theo Bộ trưởng, dù các hạng mục mà miền Bắc tham dự không nhiều nhưng nếu bao gồm các vận động viên, huấn luyện viên và giới chức thể thao nước này thì quy mô đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tham dự Olympic cũng sẽ không hề nhỏ. Bộ trưởng Do cho biết tới thời điểm hiện tại, đã có lãnh đạo của 31 nước và Bộ trưởng 42 nước có ý định tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc.
2017-11-15

Tin tức

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu dịp Olympic Pyeongchang
Liên hợp quốc hôm 13/11 (theo giờ địa phương) đã nhất trí toàn diện thông qua "Nghị quyết ngừng bắn Olympic" với nội dung hối thúc dừng tất cả các hành vi thù địch một tuần trước và sau Olympic mùa đông Pyeongchang khai mạc vào tháng 2 năm sau.   Nối tiếp truyền thống từ Hy Lạp cổ đại, kể từ sau năm 1993, cứ hai năm một lần, khi diễn ra Thế vận hội mùa hè và mùa đông, Đại hội đồng Liên hợp quốc lại thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn toàn cầu. Điều này nhằm mục đích quy tụ sức mạnh của khoảng 190 nước thành viên Liên hợp quốc, nhằm tổ chức một kỳ Thế vận hội thành công, an toàn.   Nghị quyết cũng yêu cầu đảm bảo cho đoàn vận động viên và giới chức thể thao các nước tham gia Thế vận hội có thể đi lại, tiếp cận, tham gia một cách an toàn. "Nữ hoàng trượt băng nghệ thuật" Kim Yu-na của Hàn Quốc, Đại sứ quảng bá Olympic mùa đông Pyeongchang, đã có bài phát biểu đặc biệt kêu gọi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn.   Một quan chức cấp cao Liên hợp quốc cho biết mặc dù nghị quyết ngừng bắn không mang tính ràng buộc như nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhưng mang ý nghĩa biểu tượng lớn trong bối cảnh căng thẳng bán đảo Hàn Quốc dâng cao như hiện nay.
2017-11-14

Tin tức

Seoul đề nghị Bình Nhưỡng thảo luận về Olympic Pyeongchang 2018
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm thứ Ba (14/11) đã đề nghị Bắc Triều Tiên sớm quyết định về việc tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Bộ Thống nhất bày tỏ hy vọng hai miền Nam-Bắc tổ chức cuộc gặp để hai bên có thể thảo luận cụ thể về tất cả các vấn đề liên quan, nhằm biến kỳ Olympic sắp tới thành một Thế vận hội hòa bình.   Bộ Thống nhất cũng đã đề cập tới việc Liên hợp quốc hôm 13/11 (theo giờ địa phương) thông qua "nghị quyết ngừng bắn Olympic Pyeongchang". Seoul hy vọng thông qua nghị quyết này, các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ nỗ lực để đưa kỳ Olympic sắp tới không chỉ dừng lại ở một sự kiện thể thao, mà còn là cơ hội để thúc đẩy hòa bình, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thiết lập hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á.   Bộ Thống nhất nhấn mạnh, hòa bình luôn là tinh thần cơ bản của Olympic, tương tự như kỳ Olympic Seoul 1988 từng đóng góp vào hòa giải Đông-Tây, chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh. Seoul kỳ vọng Thế vận hội mùa đông và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Pyeongchang 2018 không chỉ góp phần củng cố hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc mà còn giúp tăng cường hòa bình, hợp tác trên toàn thế giới.   Bộ Thống nhất hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ đáp lại nỗ lực vì hòa bình bán đảo Hàn Quốc, khu vực Đông Bắc Á và thế giới của Seoul. Seoul luôn hoan nghênh Bình Nhưỡng tham dự Olympic Pyeongchang. Bộ Thống nhất cho biết mặc dù căng thẳng vẫn đang dâng cao trên bán đảo Hàn Quốc nhưng nếu hai miền Nam-Bắc có thể gặp gỡ, đối thoại và hòa giải tại Olympic Pyeongchang thì đây sẽ là bước khởi đầu mới cho hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.
2017-11-14

Tin tức

Nỗ lực tổ chức Olympic Pyeongchang "sạch doping"
Trước thềm Olympic Pyeongchang 2018, Hội đồng Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) hôm thứ Ba (14/11) đã mở phiên họp tại Seoul, kéo dài tới hết ngày 16/11. WADA là cơ quan quản lý chung các hoạt động phòng chống doping trên toàn thế giới.   Tham dự hội nghị có khoảng 150 người đến từ 30 nước, trong đó bao gồm 12 thành viên Ủy ban chấp hành và 37 thành viên Hội đồng WAPA. Cuộc họp sẽ thảo luận về việc sửa đổi Quy tắc chống doping thế giới (WADC), tình hình tuân thủ quy định của Tổ chức chống doping quốc gia (NADO), vấn đề hợp tác với các tổ chức thể thao quốc tế và vấn đề chia sẻ chi phí.   Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 90 ngày nữa là tới lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018, đặc biệt là sau khi vụ bê bối sử dụng doping một cách có tổ chức của Nga tại Olympic mùa đông Sochi 2014 ngày một lan rộng. Theo đó, hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận về những nỗ lực để tổ chức một kỳ "Olympic sạch", không có các loại thuốc bị cấm.   Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch Hàn Quốc Hàn Quốc Roh Tae-kang đã trình bày về chương trình quản lý doping của Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang.   Trong phiên họp lần này, WADA sẽ công bố kết quả phân tích vụ bê bối doping của Nga. Nội dung được công bố dự kiến sẽ có ảnh hưởng mang tính quyết định tới mức án phạt của Ủy ban Olymic quốc tế (IOC) với Mát-xcơ-va.
2017-11-14

Tin tức

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn trong thời gian diễn ra Olympic Pyeongchang 2018
Nghị quyết ngừng bắn thông qua với sự nhất trí của tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc Trong phiên họp toàn thể hôm 13/11 (theo giờ địa phương), Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi các quốc gia trên thế giới ngừng bắn trong thời gian Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 diễn ra tại tỉnh Gangwon, Hàn Quốc, với sự nhất trí của tất cả các nước thành viên. Nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc được thông qua hai năm một lần mỗi khi tổ chức Olympic mùa đông và mùa hè. Tuy nhiên, nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc ngày càng gia tăng do nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Thông điệp của nghị quyết ngừng bắn Nghị quyết trên có tên gọi “Xây dựng một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn thông qua thể thao và lý tưởng Olympic”. Nghị quyết kêu gọi cá nhân và tập thể các nước ngừng xung đột trong khuôn khổ Hiến chương Liên hợp quốc trong khoảng thời gian từ bảy ngày trước khi khai mạc cho đến bảy ngày sau khi bế mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018. Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu đảm bảo cho tất cả những người liên quan như vận động viên, các đoàn thể thao có thể đi lại, tiếp cận và tham gia Thế vận hội an toàn. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh đến hòa bình của bán đảo Hàn Quốc, cũng như khu vực Đông Bắc Á, kêu gọi sự hợp tác của ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đầu tiên, nghị quyết bày tỏ sự kỳ vọng rằng “Olympic mùa đông Pyeongchang sẽ là cơ hội thật sự có ý nghĩa trong việc tạo ra một bầu không khí hòa bình, phát triển, khoan dung và thấu hiểu lẫn nhau trong khu vực Đông Bắc Á nói chung và bán đảo Hàn Quốc nói riêng. Hơn nữa, nghị quyết nhận định Seoul, Tokyo và Bắc Kinh có khả năng sẽ xây dựng được một mối quan hệ hợp tác mới trong lĩnh vực thể thao và các lĩnh vực khác do Olympic Pyeongchang khởi đầu cho chuỗi Thế vận hội sẽ được tổ chức ba lần liên tiếp tại châu Á. Sau Pyeongchang, Olympic mùa hè 2020 sẽ được tổ chức ở Tokyo, và Olympic mùa đông 2022 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc Nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc nối tiếp truyền thống ngừng toàn bộ các hành vi thù địch trong thời gian diễn ra Thế vận hội có từ thời Hy Lạp cổ đại. Liên quan đến các kỳ Olympic trong thời cận đại, kể từ năm 1993, nghị quyết ngừng bắn đã được Liên hợp quốc thông qua mỗi khi Thế vận hội diễn ra, và dự thảo nghị quyết sẽ được nước đăng cai tổ chức Thế vận hội soạn thảo. Lần này, Hàn Quốc đã soạn bản sơ thảo của nghị quyết, và hoàn thành dự thảo nghị quyết thông qua việc thảo luận với các nước thành viên của Liên hợp quốc. Hơn 150 nước, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, và Nga đã cùng tham gia với tư cách là quốc gia đồng đề xuất nghị quyết. Tại phiên họp toàn thể của Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang của Hàn Quốc Lee Hee-beom đã giới thiệu dự thảo nghị quyết trên, và “nữ hoàng trượt băng nghệ thuật” của Hàn Quốc Kim Yu-na đã có bài phát biểu đặc biệt, kêu gọi các nước thông qua nghị quyết. Mặc dù không có sức ép phải thi hành, tuy nhiên xét trong bối cảnh tình hình bán đảo Hàn Quốc gần đây, nghị quyết ngừng bắn của Liên hợp quốc mang ý nghĩa biểu tượng hết sức to lớn. Ngoài ra, nghị quyết còn truyền tải thông điệp đến Bình Nhưỡng, nhằm tổ chức một kỳ Thế vận hội mùa đông trong hòa bình. Về phần mình, Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh việc thông qua nghị quyết ngừng bắn, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực tổ chức một mùa Olympic thành công.
2017-11-14

Thời sự qua góc nhìn KBS

Cử 100 nhân sự chuyên môn lĩnh vực ICT hỗ trợ Olympic Pyeongchang 2018
Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc hôm thứ Sáu (10/11) đã mở buổi thảo luận về phương án hỗ trợ Olympic mùa đông Pyeongchang 2018. Cuộc thảo luận này được diễn ra 90 ngày trước thềm lễ khai mạc Olympic. Tại đây, các cơ quan hữu quan đã tiến hành kiểm tra về tình hình chuẩn bị cho Thế vận hội, chia sẻ phương án quảng bá về Olympic. Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông quyết định sẽ cử hơn 100 nhân lực chuyên môn ở lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tới các địa điểm thi đấu Thế vận hội, nhằm đưa Olympic sắp tới trở thành một kỳ thế vận hội thành công về mặt công nghệ ICT.  Các nhân sự này được cử từ Cơ quan quản lý sóng vô tuyến trung ương (Central Radio Management Service), Cơ quan nghiên cứu sóng vô tuyến quốc gia (National Radio Research Agency), nhằm đảm bảo những người tham gia Thế vận hội có thể sử dụng các thiết bị vô tuyến một cách thuận tiện. Nhiệm vụ chính của các nhân sự này là lắp đặt các thiết bị vô tuyến dùng trong Thế vận hội, như các máy đo thành tích thi đấu, quản lý môi trường sóng vô tuyến, không để phát sinh tình trạng nhiễu sóng. Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông quyết định sẽ tăng cường công tác chuẩn bị về dịch vụ năm công nghệ ICT mới tại Olympic sắp tới, gồm dịch vụ viễn thông thế hệ thứ năm (5G), trí tuệ nhân tạo (AI), mạng internet của đồ vật (IoT), truyền hình độ phân giải siêu rõ nét (UHD), thực tế ảo (VR).
2017-11-10

Tin tức

Ngọn đuốc Olympic Pyeongchang đã tới Hàn Quốc
Vào hôm 1/11, tròn 100 ngày trước thềm lễ khai mạc Olympic Pyeongchang 2018, ngọn đuốc thắp sáng Olympic đã tới sân bay Incheon lúc 8 giờ 30 phút sáng, bắt đầu hành trình rước đuốc trong nước dài 2.018 km cho tới ngày khai mạc Thế vận hội vào 9/2 năm sau. Ngọn đuốc Olympic tới Hàn Quốc Ngọn đuốc Olympic Pyengchang đã được thắp lên tại điện thờ nữ thần Mặt trời Hera ở chân núi Olympia, Hy Lạp, vào hôm 24/10 vừa qua, trải qua quy trình rước đuốc tại Hy Lạp trong vòng một tuần, rồi sau đó được chuyển giao cho Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang vào hôm 31/10 tại sân vận động Panathinaiko ở thủ đô Athens của Hy Lạp. Ngọn đuốc đã tới sân bay Incheon Hàn Quốc vào lúc 8 giờ 30 phút sáng hôm 1/11, quay trở lại Hàn Quốc sau 30 năm, kể từ sau Olympic Seoul năm 1988. Khoảng 750 người dân gồm những người đã đăng ký từ trước, người dân tỉnh Gangwon, địa phương đăng cai Olympic, các quan chức thuộc Ủy ban tổ chức Olympic Pyeongchang và giới chức thể thao đã có mặt tại sân bay Incheon để chào mừng ngọn đuốc Olympic. Chủ tịch Ủy ban Olympic Pyeongchang Lee Hee-beom cho biết ngọn đuốc Olympic sẽ được rước vòng quanh cả nước, đóng vai trò là “đại sứ quảng bá” cho Hàn Quốc, và một “nhà truyền giáo hòa bình” tại địa điểm thi đấu trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Thủ tướng Lee Nak-yon phát biểu rằng Hàn Quốc đã khiến cả thế giới bất ngờ khi tổ chức thành công Olympic Seoul năm 1988 và đồng đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2002 với Nhật Bản. Ông Lee tin tưởng rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục đăng cai thành công Olympic Pyeongchang 2018 lần này. Rước đuốc trong nước Ngọn đuốc Olympic đã xuất phát từ sân bay Incheon qua cầu Incheon, bắt đầu hành trình rước đuốc trên toàn Hàn Quốc dài 101 ngày, với sự tham gia của 7.500 người, tổng quãng đường dài 2.018 km. Người đầu tiên rước đuốc trong nước là nữ vận động viên trượt băng You Young. Vào năm ngoái, vận động viên này đã lập kỷ lục là vận động viên nhỏ tuổi nhất giành chiến thắng tại Giải vô địch trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc khi mới 11 tuổi, vượt qua kỷ lục về độ tuổi của “nữ hoàng trượt băng nghệ thuật” Kim Yu-na trước đó. You Young được coi là niềm hy vọng trượt băng nghệ thuật mới của Hàn Quốc. Trong ngày đầu tiên, ngọn đuốc đã được rước đi với quãng đường dài khoảng 21 km, tới công viên Ánh trăng ở đô thị quốc tế Songdo. Sau đó, ngọn đuốc sẽ được rước trong vòng hai ngày tại đảo Jeju, hòn đảo cực Nam Hàn Quốc, rồi tiếp tục hành trình tới Busan, qua vùng bờ biển phía Nam, phía Tây, các địa phương sâu trong đất liền, sau đó quay lại Seoul và cuối cùng là tới tỉnh Gangwon, nơi đăng cai Thế vận hội. Ngọn đuốc sẽ tới huyện Pyeongchang vào hôm 9/2/2018, ngày khai mạc Olympic, và được thắp sáng trong suốt 17 ngày thi đấu Olympic. Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII Với khẩu hiệu "Đam mê kết nối" (Passion.Connected), Thế vận hội mùa đông lần thứ XXIII Pyeongchang sẽ diễn ra ngày 9/2/2018 tới ngày 25/2/2018 tại huyện Pyeongchang, thành phố Gangneung và huyện Jeongseon thuộc tỉnh Gangwon. Thế vận hội lần này quy tụ hơn 6.500 vận động viên đến từ 95 quốc gia trên toàn thế giới, tranh tài ở 102 nội dung thuộc 15 bộ môn, trong đó có bảy bộ môn trên tuyết, năm bộ môn trên băng và ba bộ môn xe trượt tuyết. Lễ khai mạc, lễ bế mạc và phần lớn các bộ môn thi đấu trên tuyết sẽ được tổ chức ở huyện Pyeongchang. Tất cả các nội dung thi đấu trên băng sẽ được tổ chức ở huyện Gangneung. Môn trượt tuyết đổ đèo (Alpine ski) sẽ được tổ chức ở huyện Jeongseon. Tính tới thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng và địa điểm thi đấu phục vụ Thế vận hội đã gần như hoàn tất và ban tổ chức đang tiến hành các công tác kiểm tra và hoàn thiện cuối cùng. Các địa điểm thi đấu đều đã được đánh giá đạt đủ điều kiện thông qua các sự kiện thi đấu thử nghiệm. Như vậy là phải sau 30 năm chờ đợi, Hàn Quốc mới một lần nữa có cơ hội đăng cai Thế vận hội. Do vậy, người dân Hàn Quốc kỳ vọng rất lớn vào Thế vận hội 2018. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc quyết tâm đưa kỳ Olympic lần này trở thành một kỳ Thế vận hội hòa bình trong bối cảnh nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên dâng cao. Ngoài ra, Thế vận hội Olympic được kỳ vọng sẽ trở thành cơ hội để đoàn kết toàn dân sau những mâu thuẫn, hỗn loạn về chính trị tại Hàn Quốc trong thời gian qua. Mặt khác, ước tính Olympic sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lên tới 32.200 tỷ won (28,92 tỷ USD) trong vòng mười năm tới. Với kinh nghiệm tổ chức thành công Olympic Seoul 1988, World Cup Hàn-Nhật 2002, Hàn Quốc được đánh giá sẽ tiếp tục tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông sắp tới.
2017-11-05

Tin nổi bật trong tuần

Ngọn đuốc Olympic Pyeongchang thổi bùng nhiệt huyết thể thao tại Busan
Ngọn đuốc Olympic Pyeongchang 2018, sau khi được rước tại đảo Jeju, hòn đảo cực Nam của Hàn Quốc, trong vòng hai ngày, đã tới thành phố Busan vào hôm thứ Bảy (4/11), 30 năm sau kỳ Thế vận hội Seoul 1988.   Ngọn đuốc Olympic sẽ được rước qua toàn bộ các khu vực của thành phố Busan trong vòng ba ngày, tới hết ngày 6/11, với tổng quãng đường là 147 km, thổi bùng lên nhiệt huyết Olympic.   Người đón nhận ngọn đuốc đầu tiên tại Busan là vận động viên Kim Geon-hee, người đạt huy chương vàng ở nội dung trượt băng tốc độ vòng ngắn tại Đại hội thể thao mùa đông châu Á 2017 tổ chức tại Sapporo, Nhật Bản, vào tháng 2 năm nay. Tiếp nối là hai cầu thủ đội tuyển bóng đá nam quốc gia Cha Du-ri và Shin Young-rok, rồi tới cầu thủ bóng chày Choo Shin-Soo, người đang thi đấu tại Giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) với vai trò là Đại sứ quảng bá Olympic Pyeongchang.   Vào lúc 6 giờ 20 phút tối, ngọn đuốc Olympic được rước lên cầu quay Yeongdo, một biểu tượng của thành phố Busan. Sau đó, vận động viên trượt tuyết băng đồng Kim Magnus, người mang hai dòng máu Na Uy và Hàn Quốc, sẽ tiếp nhận ngọn đuốc và rước qua cây cầu này.   Người cuối cùng rước đuốc tại Busan là cựu vận động viên Yang Jung-mo, người từng giành huy chương vàng Olympic cho Hàn Quốc tại Thế vận hội mùa hè Montreal (Canada) vào năm 1976 ở môn vật tự do.   Chính quyền thành phố Busan tổ chức nhiều sự kiện đa dạng như biểu diễn, pháo hoa, để chào đón ngọn đuốc Olympic. Có tổng cộng 405 người tham gia rước đuốc Olympic tại Busan.
2017-11-04

Tin tức

Go Top