Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Mỹ vẫn xem Hàn Quốc là nước cần theo dõi tỷ giá hối đoái 

Tin nổi bật trong tuần2019-05-29
Mỹ vẫn xem Hàn Quốc là nước cần theo dõi tỷ giá hối đoái 

Báo cáo tỷ giá hối đoái của Mỹ

Báo cáo tỷ giá hối đoái của Mỹ là một đánh giá về chính sách ngoại hối của các đối tác thương mại lớn. Báo cáo này được Bộ Tài chính Mỹ lập hai lần mỗi năm vào nửa đầu năm và nửa cuối năm, để trình lên Quốc hội.

Nếu một nước can thiệp sâu vào tỷ giá hối đoái thì Bộ Tài chính Mỹ chỉ định là đối tượng cần phân tích chuyên sâu, hay còn gọi là “nước thao túng tỷ giá hối đoái”. Một khi bị liệt vào “danh sách đen” nước thao túng tỷ giá hối đoái thì sẽ phải đối mặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Washington. Đầu tiên là cấm các doanh nghiệp của nước thao túng tỷ giá hối đoái tham gia vào thị trường cung ứng của Chính phủ liên bang Mỹ. Tiếp nữa là cắt hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào nước thao túng tiền tệ. Cùng với đó là tăng cường giám sắt chính sách về tỷ giá hối đoái của nước bị chỉ định thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).


“Nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái”

“Nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái” là mức thấp hơn nước thao túng tỷ giá hối đoái, nhưng là đối tượng có rủi ro cao cần tiếp tục theo dõi. Mặc dù Mỹ không áp đặt biện pháp trừng phạt cụ thể nào cho đối tượng này, song có thể nói đây là một lời cảnh báo. Trong thời gian qua, Hàn Quốc liên tục bị Mỹ xem là nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái do thặng dư cán cân vãng lai và thặng dư thương mại với Mỹ ở mức khá cao. Hàn Quốc có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương, nên sẽ là một cú sốc lớn nếu bị liệt vào danh sách đen nước thao túng tiền tệ. Do đó, Seoul luôn trong tình trạng thấp thỏm lo lắng mỗi khi Washington công bố báo cáo về tỷ giá hối đoái.


Mỹ tăng cường tiêu chí đánh giá

Điểm đặc biệt trong báo cáo về tỷ giá hối đoái nửa đầu năm 2019 là Mỹ đã tăng cường các tiêu chí đánh giá và tăng số lượng nước cần theo dõi tỷ giá hối đoái. Theo đó, đối tượng cần theo dõi tiền tệ đã tăng từ 12 nước lên 21 nước. Bởi thay vì đánh giá dựa theo quy mô giao thương từ trên xuống như trước đây, lần này Mỹ đã liệt tất cả nước có quy mô giao dịch với Mỹ đạt hơn 40 tỷ USD vào danh sách các đối tượng cần theo dõi.

Có ba tiêu chí đánh giá là thặng dư cán cân thương mại với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và chính sách can thiệp vào thị trường ngoại hối của Chính phủ nước đối tác. Trong đó, thặng dư cán cân thương mại với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD/năm. Thặng dư cán cân vãng lai so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được rút từ hơn 3% xuống còn hơn 2%. Chính sách can thiệp “liên tục và một chiều” vào tỷ giá hối đoái bằng việc mua ròng đô-la Mỹ trên 2% của GDP trong 6 tháng liên tiếp trong một năm, thay vì 8 tháng liên tiếp như trước đây. Tóm lại, hai trong số ba tiêu chí đánh giá đã được siết chặt hơn. Nếu quốc gia nào đáp ứng đầy đủ cả ba tiêu chí trên sẽ bị liệt là nước thao túng tỷ giá hối đoái. Còn quốc gia nào thỏa mãn hai trên ba tiêu chí, hoặc quy mô thặng dư thương mại với Mỹ ở mức quá cao sẽ được xem là nước cần theo dõi tỷ giá hối đoái.


Triển vọng cho Hàn Quốc

Trước đây, Hàn Quốc thường thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư cán cân vãng lai và thặng dư thương mại với Mỹ. Nhưng lần này, Seoul chỉ thỏa mãn một tiêu chí là thặng dư cán cân vãng lai đạt 4,7% so với GDP của năm ngoái. Thặng dư thương mại với Mỹ là 17,9 tỷ USD, chưa đạt đến mức 20 tỷ USD. Ngoài ra, kể từ năm nay, Hàn Quốc đã bắt đầu công khai định kỳ nội dung can thiệp vào thị trường ngoại hối. Bộ Tài chính Mỹ cho biết nếu tiếp tục duy trì tình hình này thì sẽ loại Hàn Quốc ra khỏi nước cần theo dõi về tỷ giá hối đoái trong báo cáo lần tới. 

Tin mới nhất