Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Kéo dài tuổi nghỉ hưu là một lựa chọn cần thiết trong thời đại dân số già hóa

Tin nổi bật trong tuần2019-06-03
Kéo dài tuổi nghỉ hưu là một lựa chọn cần thiết trong thời đại dân số già hóa

Lý do cần kéo dài tuổi nghỉ hưu

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu được cho là một lựa chọn không thể tránh khỏi trước những thay đổi trong cơ cấu dân số do tình trạng tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa. Bởi tốc độ giảm dân số ở độ tuổi lao động đang diễn ra hết sức nhanh chóng và tỷ lệ người già phụ thuộc ngày tăng cao. Do đó, kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể giải quyết và cải thiện hiệu quả hai vấn đề này. Nói cách khác, điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tiềm lực kinh tế giảm sút và gia tăng gánh nặng chi phí quốc gia.


Thay đổi về dân số lao động tại Hàn Quốc

Dân số trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc vốn dĩ đã bắt đầu giảm kể từ hai năm trước và đang ngày càng diễn ra nhanh hơn. Tình trạng tỷ lệ sinh thấp khiến dân số bước vào tuổi lao động giảm dần mỗi năm, trong khi dân số nghỉ hưu do tuổi cao cũng ngày một nhiều hơn. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ người già phụ thuộc tăng cao. Tỷ lệ người già phụ thuộc là số người cao tuổi mà 100 người ở độ tuổi lao động phải cấp dưỡng. Tỷ lệ này được tính với mức chuẩn độ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi, độ tuổi lao động là từ 15 tuổi đến 64 tuổi, dân số cao tuổi là trên 65 tuổi. Tỷ lệ người già phụ thuộc của Hàn Quốc năm 2019 là 20,4 người. Nói cách khác, 100 người thuộc dân số ở độ tuổi lao động Hàn Quốc đang phải gánh chịu phần cấp dưỡng cho 20,4 người thuộc dân số già.


Hàn Quốc đứng đầu OECD về tỷ lệ người già phụ thuộc

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tỷ lệ người già phụ thuộc tại Hàn Quốc sẽ tăng nhanh chóng mỗi năm. Theo ước tính của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, tỷ lệ người già phụ thuộc sẽ tăng từ mức 20,4 người như hiện nay lên mức 117,8 người trong năm 2065, mức tăng cao nhất trong số các nước thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng phương án tối ưu để có thể trì hoãn tình trạng tăng tỷ lệ người già phụ thuộc chính là việc kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Nếu tuổi nghỉ hưu được nâng từ 60 tuổi như hiện hành lên 65 tuổi, thì dân số ở độ tuổi lao động sẽ được tính từ 15 tuổi đến 69 tuổi, dân số già sẽ là trên 70 tuổi. Nếu áp dụng mức chuẩn này, tỷ lệ người già phụ thuộc sẽ giảm từ 20,4 người xuống còn 13,1 người ở thời điểm hiện tại và giảm còn 83,3 người vào năm 2065. Qua đó, có thể thấy được những hiệu quả lớn như duy trì được tiềm lực kinh tế, giảm được gánh nặng về phụ cấp cho tuổi già.


Xu hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu trên thế giới

Tuy nhiên, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng có thể mang lại những hệ lụy không mong muốn như khiến tình trạng thất nghiệp ở tầng lớp thanh niên trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn tới mâu thuẫn giữa các thế hệ. Dù vậy, rõ ràng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu hiện đang trở thành một xu hướng cần thiết. Cuối tháng 2 vừa qua, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết cần phải nâng độ tuổi lao động tối đa lên 65 tuổi, thay vì 60 tuổi như hiện hành. Độ tuổi lao động tối đa là độ tuổi cao nhất mà một người lao động chân tay được cho là có đủ sức lực để làm việc, kiếm thu nhập. Phán quyết của Tòa án tối cao đã trở thành căn cứ pháp lý để công nhận độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi.

Có rất nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu, điển hình là Nhật Bản. Nước này đang xúc tiến sửa đổi luật, quy định các doanh nghiệp có nghĩa vụ phải tuyển dụng người lao động đến tối đa 70 tuổi. Trên thực tế điều này là nhằm khuyến khích việc kéo dài tuổi nghỉ hưu. Đạo Luật an toàn tuyển dụng lao động cao tuổi hiện hành của Nhật Bản đang bắt buộc doanh nghiệp tuyển dụng toàn bộ những người muốn ứng tuyển cho đến tối đa 65 tuổi, bằng cách kéo dài độ tuổi nghỉ hưu hay tuyển dụng lại những lao động đã nghỉ việc, hoặc nhân viên hợp đồng. Nhưng thực chất, quy định này yêu cầu doanh nghiệp kéo dài tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi. Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều phương án để người lao động có thể làm việc tới 70 tuổi.

Tin mới nhất