Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Hội đồng bảo an gia tăng sức ép với Bắc Triều Tiên

Tin nổi bật trong tuần2019-12-05
Hội đồng bảo an gia tăng sức ép với Bắc Triều Tiên

Trong bối cảnh Mỹ và Bắc Triều Tiên đang “khẩu chiến” căng thẳng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng đang gia tăng sức ép lên miền Bắc. Cơ quan này đã tổ chức cuộc họp kín, thảo luận về vụ phóng thử nghiệm vũ khí của miền Bắc cuối tháng trước, đồng thời xúc tiến tổ chức phiên thảo luận tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên. Miền Bắc đang phản đối mạnh mẽ những động thái này của Hội đồng bảo an.
 
 

Hội đồng bảo an họp kín về vụ phóng vũ khí của miền Bắc
 Ngày 4/12 (giờ địa phương), Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc họp kín, thảo luận về tình hình Somalia và Syria. Vấn đề Bắc Triều Tiên cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy Hội đồng bảo an không công bố nội dung thảo luận, nhưng sau đó 6 nước châu Âu đã ra tuyên bố chung lên án miền Bắc. Lập trường của các nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an là Mỹ, Nga và Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Có thể Mỹ vẫn đang thận trọng do cân nhắc tới tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Còn Nga và Trung Quốc được phỏng đoán là vẫn duy trì lập trường cần giảm nhẹ cấm vận với Bắc Triều Tiên.


6 nước châu Âu ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng
 Tuyên bố chung của 6 nước châu Âu chỉ thể hiện lập trường của Liên minh châu Âu (EU), chứ không phải tuyên bố chính thức của Hội đồng bảo an. Các nước tham gia tuyên bố này gồm Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Ba Lan và Estonia. Anh và Pháp là hai nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an, còn Estonia sẽ là nước thành viên không thường trực từ tháng 1 năm sau. Trước đó, các nước này từng nhiều lần đề nghị triệu tập cuộc họp Hội đồng bảo an để đối phó với động thái phóng tên lửa của miền Bắc, và ra tuyên bố chỉ trích Bình Nhưỡng. Hồi tháng 10, các nước này cũng từng ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ Bắc Triều Tiên, kêu gọi nước này dừng ngay các động thái khiêu khích.
 
 Ngày 28/11, Bắc Triều Tiên đã phóng hai pháo phản lực siêu lớn. Đây là động thái khiêu khích vũ khí thứ 13 của Bắc Triều Tiên trong năm nay, và là lần thứ 4 miền Bắc phóng pháo phản lực siêu lớn. Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cấm Bắc Triều Tiên phóng vũ khí tên lửa đạn đạo. Ban đầu, Mỹ không đánh giá nghiêm trọng các vụ phóng thử vũ khí của miền Bắc. Nhưng gần đây, Washington đã phản ứng quyết liệt khi liên tục điều động máy bay trinh sát tới bán đảo Hàn Quốc để giám sát các động thái của Bình Nhưỡng.


Xúc tiến phiên thảo luận tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên
 Ở một diễn biến khác, Hội đồng bảo an đang xúc tiến tổ chức phiên thảo luận tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên vào ngày 10/12, Ngày Nhân quyền thế giới. Phiên thảo luận này do Mỹ, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng bảo an trong tháng 12, và ba nước Anh, Pháp, Đức khởi xướng. Các nước sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định có mở cuộc họp hay không. Điều kiện tổ chức phiên họp là phải có sự tán thành của nhiều hơn 9 trên 15 nước thành viên Hội đồng bảo an, và không nước thành viên thường trực nào sử dụng quyền phủ quyết. 


 Phiên thảo luận về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên từng được tổ chức thường niên từ năm 2014, nhưng bị gián đoạn vào năm ngoái. Khi đó, Mỹ chỉ kêu gọi được sự ủng hộ của 8 nước thành viên, và đã phải rút lại đề nghị triệu tập cuộc họp. Năm ngoái, hai nước thành viên thường trực là Trung Quốc và Nga đã phản đối triệu tập cuộc họp. Tuy nhiên đến năm nay, do cơ cấu các nước thành viên thay đổi, nên nhiều khả năng phiên thảo luận về vấn đề nhân quyền miền Bắc sẽ diễn ra.

Bắc Triều Tiên đang phản đối gay gắt phiên thảo luận này. Đại sứ miền Bắc tại Liên hợp quốc Kim Song đã ra tuyên bố bằng email gửi lên Hội đồng bảo an, cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phán ứng quyết liệt. Tuyên bố này chỉ trích thảo luận về vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên tại Liên hợp quốc dựa trên chính sách thù địch của Mỹ đối với miền Bắc. Điều này sẽ gây tổn hại tới tiến trình giảm nhẹ căng thẳng và giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Hàn Quốc.



Tin mới nhất