Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên khiêu khích tên lửa đạn đạo tầm trung

Tin nổi bật trong tuần2017-09-03
Bắc Triều Tiên khiêu khích tên lửa đạn đạo tầm trung

Bình Nhưỡng phóng tên lửa
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết vào lúc 5 giờ 57 phút sáng hôm 29/8, Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung từ khu vực Sunan, thủ đô Bình Nhưỡng. Tên lửa của miền Bắc đã bay được quãng đường 2.700 km, đạt tới độ cao tối đa là 550 km. Tên lửa đã lần đầu tiên bay qua không phận Nhật Bản và rơi xuống biển Bắc Thái Bình Dương. Truyền thông miền Bắc sau đó xác nhận rằng nước này đã phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 và công bố cảnh phóng tên lửa.

Đối phó của Chính phủ và Hội đồng bảo an
Vào lúc 7 giờ sáng hôm 29/8, Phủ Tổng thống đã triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong. Tiếp đó, Tổng thống Moon Jae-in cũng đã chủ trì cuộc họp đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống để thảo luận về đối sách liên quan. Tổng thống Moon đã chỉ thị quân đội phải thị uy năng lực đối phó một cách quyết liệt với Bắc Triều Tiên. Căn cứ theo chỉ thị này, không quân Hàn Quốc trong sáng cùng ngày đã xuất kích bốn máy bay chiến đấu F15K và tiến hành rải tám quả bom MK84 xuống trường bắn Pilseung (trên núi Taebaek, thuộc tỉnh Gangwon). Không quân cho biết cuộc diễn tập đã một lần nữa tái khẳng định năng lực đối phó của không quân, thiêu rụi bộ máy chỉ huy của quân địch trong tình huống nguy cấp. Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã ra tuyên bố, cảnh cáo sẽ đối phó quyết liệt với các động thái khiêu khích của miền Bắc trên nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, hối thúc chính quyền miền Bắc sớm nhận thức rằng chỉ có giải trừ hạt nhân mới là con đường tồn tại của nước này, yêu cầu miền Bắc ngồi vào bàn đối thoại. Tiếp đó, quan chức Hàn-Mỹ đã có một loạt các cuộc điện đàm để thảo luận về việc phối hợp đối phó với Bắc Triều Tiên. Điển hình là như Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong đã điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Herbert Raymond McMaster, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa điện đàm với người đồng cấp Rex Tillerson và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng nhanh chóng có các bước đi đối phó với vụ việc này. Vào chiều hôm 29/8, Hội đồng bảo an đã mở cuộc họp khẩn và thông qua Tuyên bố Chủ tịch với sự nhất trí của toàn bộ các nước thành viên, lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. New York và bán đảo Hàn Quốc chênh lệch múi giờ 13 tiếng, nên động thái trên có thể coi là một bước đi hết sức nhanh chóng của Hội đồng bảo an, cho thấy cộng đồng quốc tế nhận thức tình hình hiện nay là rất nghiêm trọng.

Triển vọng tình hình bán đảo Hàn Quốc
Tên lửa trong vụ phóng lần này của Bắc Triều Tiên là tên lửa được phóng đi xa nhất kể từ khi Chủ tịch đảng Lao động Kim Jong-un lên nắm quyền. Trước đó, nước này thường đẩy cao góc bắn để rút ngắn tầm bắn của tên lửa. Tuy nhiên, lần này, miền Bắc đã phóng tên lửa với góc bắn thông thường. Điều này được phân tích là nhằm thị uy khả năng “tấn công tới tận đảo Guam” của Mỹ mà nước này từng tuyên bố trước đó. Ngoài ra, vụ phóng này còn mang tính chất thị uy sức mạnh quân sự, phản đối cuộc tập trận chung thường niên của liên quân Hàn-Mỹ mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Guardian).

Sau vụ phóng tên lửa vào ngày 29/8 của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng trong vòng 25 năm qua, nước Mỹ đã nỗ lực đối thoại với miền Bắc và chi ra một khoản tiền vô lý, nhưng rốt cuộc đối thoại không phải là đáp án cho vấn đề hạt nhân, tên lửa Bình Nhưỡng. Ông này nhấn mạnh Washington đang cân nhắc mọi khả năng với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại khẳng định rằng giải pháp của Mỹ cho vấn đề hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên tuyệt đối không vượt khỏi các biện pháp ngoại giao. Tình hình này cho thấy Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ vẫn giữ nguyên tắc cơ bản là lựa chọn giải pháp ngoại giao, nhưng sẽ không đối thoại với miền Bắc ngay lúc này mà sẽ tiếp tục gây sức ép cứng rắn với Bình Nhưỡng. Theo đó, trong thời gian tới, căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc sẽ còn tiếp diễn, và dư luận cũng khó có thể kỳ vọng quan hệ liên Triều được phục hồi thông qua đối thoại như ý tưởng của Tổng thống Moon Jae-in.

Tin mới nhất